Thánh lễ là hy tế của Chúa Kitô. Thánh lễ không cần phải trả tiền

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh lễ tại quãng trường thánh Phêrô sáng thứ tư ngày 7/3/2018.

Phụng vụ thánh thể: II. Kinh nguyện Thánh Thể.



Anh chị em thân mến.

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ, và với bài giáo lý này chúng ta dừng lại ở Kinh Nguyện Thánh Thể. Sau khi kết thúc nghi thức dâng bánh và rượu, ta bắt đầu Kinh Nguyện Thánh Thể, nó xác định việc cử hành Thánh Lễ và làm nên thời khắc chính yếu, hướng về phần Hiệp lễ thánh. Tương ứng với những gì chính Chúa Giêsu đã thực hiện với các Môn đệ ở Bàn Tiệc Ly, trong khi Người “dâng lời tạ ơn” trên bánh và ly rượu[1] (x. Mt 26,27; Mc 14,23; Lc, 22,17.19; 1 Cr 11,24): việc tạ ơn của Người làm sống lại nơi mỗi người chúng ta Bí tích Thánh Thể, liên kết chúng ta với hy tế cứu chuộc của Người.

Và trong Kinh Nguyện long trọng này – Kinh Nguyện Thánh Thể là Kinh nguyện long trọng - Giáo hội bày tỏ điều mà Giáo hội thực hiện khi cử hành Thánh Thể và lý do để cử hành, nghĩa là làm nên sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện thực sự trong hình bánh và rượu được truyền phép. Sau khi mời giáo dân nâng tâm hồn lên tới Chúa và tạ ơn Ngài, linh mục đọc lớn tiếng lời nguyện, nhân danh tất cả những người hiện diện, dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. “Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Ðức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe” (QCTQ 78). Và để kết hiệp với nhau thì cần phải hiểu. Vì thế, Giáo hội muốn cử hành Thánh lễ trong ngôn ngữ mà giáo dân có thể hiểu, để mọi người có thể hiệp nhất với nhau trong lời ca tụng và lời cầu nguyện này cùng với linh mục. Thật vậy, hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh thể là một hy lễ duy nhất” (SGLCG 1367).

Trong Sách lễ có nhiều mẫu Kinh Nguyện Thánh Thể khác nhau, tất cả được hình thành từ những yếu tố đặc trưng mà bây giờ tôi muốn nhắc lại (x.QCTQ 79, GLCG 1352-1354). Các Kinh Nguyện rất hay. Trước hết đó là Kinh Tạ Ơn, đó là hành động tạ ơn về các ơn huệ của Thiên Chúa, cách đặc biệt là về  việc sai Con của Ngài đến như Đấng cứu chuộc. Kinh Tạ ơn bao gồm lời tung hô “Thánh…”, thường được hát. Tuyệt vời khi hát bài “Thánh…” : “Thánh, Thánh, Thiên Chúa là Thánh”. Rất hay khi hát lời tung hô ấy. Toàn thể cộng đoàn hiệp lời ca của mình cùng với các Thiên Thần và các Thánh để ca ngợi và vinh tụng Thiên Chúa…

Tiếp theo là việc cầu xin Chúa Thánh Thần để nhờ quyền năng của Ngài thánh hiến bánh và rượu. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến và trong bánh và rượu có Chúa Giêsu. Hành động của Chúa Thánh Thần và hiệu quả của chính lời Chúa Kitô do linh mục đọc ra đem lại sự hiện diện thực sự, Mình và Máu của Ngài dưới hình bánh và rượu, hy tế của Ngài được dâng trên thập giá một lần cho tất cả ( GLCG 1375). Ở đây [trong hình bánh rượu] Chúa Giêsu đã hiện diện rất rõ ràng. Cũng như chúng ta đã nghe lúc đầu thánh Phaolô trình bày những lời của Chúa Giêsu: “Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy”. “Đây là Máu Thầy, đây là Mình Thầy”. Chính Chúa Giêsu đã nói điều ấy. Chúng ta không được nghĩ đó là chuyện kỳ quặc: “nhưng tại sao một sự vật….”.  Đó là Mình Thánh Chúa Giêsu; Đức tin kết thúc ở đó! Đức tin giúp chúng ta tin. Bằng một hành động của đức tin, chúng ta tin rằng đó là Mình và Máu Chúa Giêsu. Đây là “mầu nhiệm đức tin” giống như chúng ta tuyên xưng sau truyền phép. Linh mục nói: “Đây là mầu nhiệm đức tin” và chúng ta đáp lại bằng lời tung hô.

Khi tưởng nhớ đến cái chết và sự phục sinh của Chúa, trong niềm mong đợi Ngài trở lại trong vinh quang, Giáo hội dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ giao hòa giữa trời và đất: dâng lên hy lễ vượt qua của Chúa Kitô, bằng cách dâng lên chính mình Ngài và cầu xin Ngài, nhờ Chúa Thánh Thần, để trở nên “một thân thể và một tinh thần trong Chúa Kitô (Kinh nguyện Thánh thể III, SC 4; QCTQ 79). Giáo hội muốn kết kiệp với Chúa Kitô và muốn trở nên một thân thể và một tinh thần với Chúa. Đó là ơn sủng và hoa trái của sự hiệp thông Bí tích: Mình Thánh Chúa Kitô [khi chúng ta ăn] nuôi dưỡng chúng ta để trở thành Thân Thể sống động của Ngài trong thế giới hôm nay.

Mầu nhiệm hiệp thông là đây, Giáo hội hiệp nhất với của lễ của Chúa Kitô và nhờ lời bầu cử của Ngài. Và dưới ánh sáng này, “trong các hầm mộ [hang toại đạo] Giáo hội thường được phát họa như người phụ nữ khi cầu nguyện với đôi tay mở rộng, thái độ cầu nguyện giống như Chúa Kitô đã giang rộng trên thập giá, cũng thế nhờ Người, với Người và trong Người, Giáo hội đã dâng chính mình và cầu bàu cho tất cả mọi người” (GLCG 1368). Giáo hội cầu nguyện. Thật hay khi nghĩ rằng Giáo hội cầu nguyện. Có một đoạn văn trong sách Tông Đồ Công Vụ kể rằng: khi thánh Phêrô ở trong tù, cộng đồng kitô hữu nói : “Chúng ta cầu nguyện không ngừng cho ngài”. Giáo hội cầu nguyện, Giáo hội khẩn cầu. Khi chúng ta đi tham dự thánh lễ  chính là để thực hiện điều này: Giáo hội cầu nguyện.

Kinh nguyện Thánh Thể cầu xin Thiên Chúa đón nhận tất cả con cái của Ngài trong sự trọn hảo của tình yêu, trong sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha, Giám mục, được nêu tên, là dấu chỉ chúng ta cử hành trong sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và với Giáo hội địa phương. Giống như lễ vật, lời khấn nguyện dâng lên Thiên Chúa nhờ các thành phần trong Giáo hội, kẻ sống và kẻ chết, những người đang chờ đợi niềm hy vọng được chia sẻ kho tàng vĩnh viễn trên trời, cùng với Đức Trinh nữ Maria (GLCG 1369-1371). Không ai và không có gì bị quên lãng trong Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng mọi sự đều được dâng về Thiên Chúa, giống như vinh tụng ca kết thúc nhắc lại. Không có ai bị quên lãng. Và nếu tôi có người thân, cha mẹ, bạn hữu, những người cần giúp đỡ hay những người đã trải qua từ đời này đến đời sau, tôi có thể nêu tên họ trong giây phút ấy, trọn tâm tình và thinh lặng hay viết tên họ để đọc. “Thưa cha, con phải trả bao nhiêu tiền để tên của con được đọc trong lúc ấy?” “không có trả gì cả”. Anh chị em hiểu điều này không. “không tiền bạc gì cả”. Thánh lễ không phải trả tiền. Thánh lễ là hy tế của Chúa Kitô, là nhưng không. Ơn cứu chuộc là nhưng không. Nếu anh muốn dâng cúng thì cứ làm, nhưng không phải trả gì cho thánh lễ. Đây là điều quan trọng, anh chị em hiểu không.

Công thức được hệ thống của lời nguyện này, có lẽ chúng ta có thể cảm thấy nó hơi xa một chút – đúng vậy, nó là một công thức cổ - nhưng nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của nó, lúc đó chắc chắn chúng ta sẽ tham dự tốt hơn. Thật vậy, nó diễn tả tất cả những gì mà chúng ta hoàn thành trong khi cử hành thánh lễ; mặt khác nó dạy cho chúng ta biết vun trồng ba thái độ mà không bao giờ thiếu được nơi người môn đệ của Chúa Giêsu. Ba thái độ: trước hết là học biết “dâng lời tạ ơn, mọi nơi và mọi lúc”, chứ không phải chỉ trong những lúc mọi sự chắc chắn và tốt đẹp; thứ hai, biến cuộc sống chúng ta thành món quà của tình yêu, tự do và nhưng không; thứ ba là xây dựng mối hiệp thông cụ thể, trong Giáo hội và với tất cả mọi người. Cho nên, Lời cầu Nguyện này là trung tâm của Thánh lễ, nó giáo dục chúng ta, từng chút một, làm cho toàn thể đời sống chúng ta thành việc cử hành “thánh thể”, tức là một hành động tạ ơn.

[1] Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn