Sau những ngày tuyết rơi dày đặc khắp Roma và nhiều nơi trên nước Ý, gây ra không ít khó khăn về giao thông cho thành Phố Roma, cho nên buổi tiếp kiến hôm nay 28/2/2018 diễn ra tại thính phòng Phaolô VI. Sáng nay Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý của ngài về thánh lễ. Sau khi kết thúc phần Phụng vụ Lời Chúa bằng Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Tín Hữu, Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích ý nghĩa phần đầu tiên của Phụng Vụ Thánh Thể. Chủ đề hôm nay Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về việc dâng của lễ. (Audienza generale)
Anh chị em thân mến
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Thánh lễ. Tiếp theo Phụng vụ Lời Chúa - mà tôi đã dừng lại trong những bài giáo lý vừa qua – một thành phần khác cấu thành nên Thánh lễ, đó là Phụng vụ Thánh Thể. Trong đó Phụng vụ Thánh thể, qua các dấu chỉ thánh, Giáo hội làm cho hy tế của giao ước mới được Chúa Giêsu ghi ấn trên bàn thờ Thập giá tiếp tục hiện diện (SC 47). Đó là bàn thờ Kitô giáo đầu tiên, bàn thờ Thập giá, và khi chúng ta đến gần bàn thờ để cử hành Thánh lễ, chúng ta tưởng nhớ về bàn thờ Thập giá, nơi hiến tế đầu tiên được cử hành. Trong Thánh lễ vị linh mục đại diện Chúa Kitô, hoàn thành điều mà chính Chúa đã làm và đã ủy thác cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh và chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: “các con hãy cầm lấy, hãy ăn…hãy uống: đây là Mình Thầy…. đây là chén Máu Thầy. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.
Vâng lệnh Chúa Giêsu, Giáo hội đã sắp đặt Phụng vụ Thánh thể theo những phần tương ứng với những lời và những cử chỉ được Chúa thực hiện đêm trước ngày khổ nạn. Như thế, Trong phần chuẩn bị lễ vật, bánh và rượu đem tới bàn thờ, tức là những yếu tố và Chúa Kitô đã cầm trong tay Ngài. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc và những lễ vật trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Tiếp theo sau là việc bẻ Bánh và Hiệp lễ, qua đó chúng ta sống lại kinh nghiệm của các Tông đồ đã nhận lãnh các lễ vật thánh thể từ chính tay của Chúa Kitô (QCTQ 72).
Cử chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu: “cầm lấy bánh và chén rượu” tương ứng với việc chuẩn bị lễ vật. Đó là phần đầu của Phụng vụ Thánh thể. Thật hay khi các tín hữu dâng cho vị linh mục bánh và rượu, vì chúng có nghĩa là lễ vật thiêng liêng của Giáo hội được thu tập lại ở đó dành cho Thánh thể. Thật hay khi chính các tín hữu mang bánh và rượu lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay “các tín hữu không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như trước đây, tuy nhiên việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó (QCTQ 73). Liên quan đến vấn đề này thật có ý nghĩa, vì trong lễ phong chức cho một tân linh mục, vị giám mục, khi trao bánh và rượu cho vị linh mục ấy thì nói rằng “con hãy nhận các lễ vật của dân thánh dành cho hy tế thánh thể” (SLRM, nghi thức tấn phong giám mục, linh mục, phó tế). Dân Thiên Chúa mang lễ vật, bánh và rượu, là lễ vật cao quý cho Thánh lễ! Cho nên, dưới hình bánh và rượu các tín hữu đặt chính lễ vật trong tay linh mục, linh mục đặt lễ vật ấy trên bàn thờ hay bàn tiệc của Chúa, “là trung tâm của toàn bộ Phụng vụ Thánh thể” (QCTQ 73). Tức là, trung tâm của Thánh lễ là bàn thờ và bàn thờ là Chúa Kitô; luôn luôn cần hướng về bàn thờ là trung tâm của Thánh lễ. Vì vậy, trong “hoa màu ruộng đất và lao công của con người”, lời cam kết của các tín hữu được dâng lên, nhờ vâng nghe lời Chúa, họ tự biến mình thành “hy lễ đẹp lòng Chúa Cha toàn năng”, “vì mưu ích cho toàn thể Giáo hội của Người”. Vì vậy, “đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Chúa Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới” (GLCG 1368).
Tất nhiên, lễ vật của chúng ta là cái gì đó nhỏ nhoi, nhưng Chúa Kitô cần nó. Ngài xin chúng ta ít và Ngài đã ban cho chúng ta rất nhiều. Chúa xin chúng ta ít. Chúa xin chúng ta thiện chí trong cuộc sống thường nhật; Chúa xin chúng tâm hồn rộng mở; Chúa xin chúng ta ước muốn sống tốt hơn để đón nhận Ngài, Đấng tự hiến cho chúng ta trong Bí tích Thánh thể; Chúa xin chúng ta những lễ vật tượng trưng này để sau đó trở thành Mình và Máu Ngài. Một hình ảnh diễn tả hoạt động dâng hiến của lời cầu nguyện này là việc xông hương. Hương tiêu hao trong lửa, tỏa ngát hương trầm nhẹ bay lên cao. Xông hương lễ vật, giống như đã làm trong các ngày lễ. Xông hương thánh giá, bàn thờ, linh mục và giáo dân biểu lộ cách hữu hình mối liên hệ dâng hiến mà nó kết hiệp các thực tại này với hy tế của Chúa Kitô (QCTQ, 75).
Đừng quên rằng có bàn thờ là Chúa Kitô, nhưng luôn quy về bàn thờ đầu tiên là thập giá, và trên bàn thờ là Chúa Kitô chúng ta dâng những lễ vật nhỏ bé của chúng ta, bánh và rượu mà sau đó trở nên tất cả: là chính Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến mình cho chúng ta.
Và tất cả những điều này cũng là những gì mà lời cầu trên lễ vật diễn tả. Qua đó linh mục cầu xin Thiên Chúa đón nhận lễ vật mà Giáo Hội dâng lên cho Ngài, bằng cách khấn xin hoa trái của việc trao đổi kỳ diệu giữa sự nghèo khó của chúng ta và sự phong phú của Thiên Chúa. Trong bánh và rượu mà chúng ta lên Chúa là của lễ cuộc đời chúng ta, để Chúa Thánh Thần biến đổi trong hy tế của Chúa Kitô và cùng với Ngài trở nên lễ vật thiêng liêng duy nhất làm vui lòng Chúa Cha. Trong khi kết thúc phần chuẩn bị lễ vật chúng ta sửa soạn cho Kinh Nguyện Thánh Thể (QCTQ 77)
Linh đạo dâng hiến chính mình, ở thời điểm này của thánh lễ cho chúng ta thấy rằng, linh đạo ấy có thể chiếu sáng mỗi ngày của chúng ta, mối tương quan giữa chúng ta với tha nhân, những điều chúng ta làm, những đau khổ mà chúng ta gặp phải, giúp chúng ta xây dựng quê hương trần thế theo ánh sáng Tin Mừng.
Tags:
Đức Thánh cha