Trong buổi tiếp kiến sáng nay lúc 9.40 tại quãng trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhóm hành hương và các tín hữu đến từ Italy và nhiều nơi trên thế giới. Trong bài giảng Đức Thánh cha tiếp tục bài giáo lý về thánh lễ, phần Phụng vụ Lời Chúa. Sau khi chào thăm nhóm các tín hữu hiện diện, Đức Thánh cha kết thúc buổi tiếp kiến bằng kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh.
Thánh lễ - Phụng vụ Lời Chúa
I. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta tiếp tục những bài giáo lý về Thánh lễ. Sau khi dừng lại ở các nghi thức dẫn nhập, giờ đây chúng ta hãy chú ý đến Phụng vụ Lời Chúa, là một phần cấu thành thánh lễ để quy tụ chúng ta lắng nghe những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện và vẫn muốn thực hiện cho chúng ta. Đó là kinh nghiệm “trực tiếp” chứ không phải vì nghe nói, vì “Qua lời Thánh Kinh đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài và Ðức Kitô, hiện diện trong lời của mình, loan báo Tin Mừng” (QCTQ 29; SC 7;33).
Và biết bao lần trong khi Lời Chúa được đọc lên, có người nói: “hãy nhìn ông này, bà kia; hãy nhìn vào chiếc mũ mà bà ấy đội: buồn cười quá…” và họ bắt đầu bàn luận. Đúng vậy không? Người ta phải bàn luận với nhau trong khi Lời Chúa đang được đọc sao? [thính giả trả lời: không]. Không được là bởi vì nếu bạn lo nói xàm nhảm với người khác thì bạn không lắng nghe Lời Chúa được. Khi ta đọc Lời Chúa trong Kinh thánh – bài đọc I, bài đọc II, Thánh vịnh Đáp ca và Tin mừng – chúng ta phải lắng nghe, mở lòng ra, bởi vì chính Thiên Chúa đang nói với chúng ta và đừng nghĩ hay nói cái gì khác. Hiểu chưa?.. Tôi sẽ giải thích cho anh chị em điều gì sẽ xảy ra trong Phụng vụ Lời Chúa.
Các trang Kinh thánh ngưng là một tác phẩm để trở nên lời sống động, được chính Thiên Chúa phát ngôn. Qua trung gian người đọc, Thiên Chúa nói với chúng ta và chất vấn chúng ta là những người nghe bằng đức tin. Chúa Thánh Thần “Đấng nói qua các vị ngôn sứ” (Kinh Tin kính) và đã gợi hứng cho các tác giả thánh, làm cho “Lời Chúa hoạt động thực sự trong mọi con tim, điều Ngài reo vang trong tai”. (Sách Bài Đọc, dẫn nhập, 9). Nhưng để lắng nghe Lời Chúa cần có một tâm hồn rộng mở để đón nhận lời ấy trong lòng. Thiên Chúa nói và chúng ta chú ý lắng nghe để sau đó đem ra thực hành điều chúng ta đã nghe. Lắng nghe rất quan trọng. Đôi lần chúng ta không hiểu rõ được bởi vì một số bài đọc hơi khó hiểu. Nhưng Thiên Chúa nói cho chúng ta trong một cách thế khác. Cần phải thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa. Anh chị em đừng quên điều đó. Trong Thánh lễ, khi chúng ta bắt đầu các bài đọc là chúng ta đang lắng nghe Lời Chúa.
Chúng ta cần phải lắng nghe Lời Chúa!. Thực vậy đây là vấn đề của cuộc sống, như nhắc lại kiểu diễn tả sắc bén sau: “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phát ra” (Mt 4,4). Sự sống đã ban cho chúng ta Lời Chúa. Trong ý nghĩa này, chúng ta nói về Phụng vụ Lời Chúa như “bữa ăn” mà Thiên Chúa dọn sẵn để nuôi dưỡng đời sống thiêng linh của chúng ta. Đó là bàn tiệc dồi dào của phụng vụ, kín múc phần lớn nhờ vào các kho tàng Kinh thánh (SC 51), cả Cựu ước và Tân ước, vì bữa ăn đó được Giáo hội công bố cùng một mầu nhiệm duy nhất của Chúa Kitô (x. Sách Bài đọc, dẫn nhập, 5). Chúng ta hãy nghĩ đến sự phong phú của các bài đọc Kinh thánh được cung cấp từ ba chu kỳ Chúa nhật, dưới ánh sáng của Tin mừng Nhất lãm, chúng đồng hành với chúng ta theo diễn tiến của năm phụng vụ: một sự phong phú to lớn.
Tôi cũng muốn nhắc lại ở đây tầm quan trọng của Thánh vịnh đáp ca, chức năng của nó là tạo thuận tiện cho việc suy niệm những gì đã lắng nghe trong bài đọc trước đó. Rõ ràng bài Thánh vịnh được làm nổi bật bằng bài ca, ít là trong phần điệp khúc (x QCTQ 61, Sách Bài Đọc, dẫn nhập 19-22).
Việc công bố phụng vụ các bài đọc với các bài hát rút ra từ Kinh thánh, diễn tả và thúc đẩy sự hiệp thông giáo hội, bằng cách cùng đi với tất cả mọi người và từng người. Bởi thế ta có thể hiểu được tại sao có một vài lựa chọn chủ quan bị cấm, chẳng hạn như là bỏ sót các bài đọc hay thay thế nó bằng những bản văn không thuộc kinh thánh. Tôi nghe nói có một số người đọc báo, vì đó là tin trong ngày. Đừng! Lời Chúa là Lời Chúa! Tin tức chúng ta có thể đọc nó sau. Nhưng trong Thánh lễ thì đọc Lời Chúa, là lời Thiên Chúa nói với chúng ta. Việc thay thế Lời Chúa bằng những điều khác làm nghèo nàn và gây hại cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và giáo dân khi cầu nguyện. Trái lại, nó đòi hỏi phẩm chất nơi giảng đài và việc sử dụng Sách Bài Đọc, sự sẵn sàng của những người đọc và người hát thánh vịnh tốt. Cần phải tìm những người đọc thánh thư tốt, những người biết đọc, đừng chọn người đọc sai từ và người ta không hiểu được gì cả. Họ phải được chuẩn bị và tập đọc trước Thánh lễ để đọc tốt hơn. Và điều này tạo ra một bầu khí tiếp nhận tĩnh lặng.
Chúng ta biết rằng, Lời Chúa là một sự trợ giúp không thể thiếu được để chúng ta không lạc lối, cũng như Tác giả thánh vịnh xưng nhận khi hướng về Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (TV 119, 105). Làm sao chúng ta có thể đương đầu trong cuộc lữ hành trần thế với những khó khăn và thử thách nếu không thường xuyên được nuôi dưỡng và soi sáng bởi Lời Chúa được khơi vang trong phụng vụ?
Tất nhiên, nếu chỉ lắng nghe bằng tai mà không đón nhận trong tâm hồn hạt giống Lời Chúa, cho phép nó đơm hoa kết trái thì vẫn chưa đủ. Chúng ta hãy nhớ đến dụ ngôn người gieo giống và những kết quả khác nhau đối với nhiều loại đất khác nhau (x. Mc 4,14-20). Hành động của Chúa Thánh Thần làm đem lại hiệu quả cho sự đáp trả, cần có con tim để Ngài làm việc và vun trồng để những gì được nghe ở Thánh lễ chuyển sang cuộc sống hằng ngày, như lời khuyên dạy của thánh Giacôbê tông đồ: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Ga 1,23). Lời Chúa bước đi trong chúng ta. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa bằng tai và đưa nó vào tim; không giữ ở tai, phải đi vào con tim; và từ con tim chuyển đến đôi tay, chuyển đến những việc tốt. Đây là con đường để thực hành lời Chúa: từ đôi tai đến con tim và đến đôi tay. Chúng ta hãy học làm những điều ấy
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ