LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Thánh lễ này được đưa vào sau lễ hiển linh, bởi vì lễ này cũng được xem như là ngày Chúa Giêsu, Con một Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu “thấy trời mở ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình”. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." (Mc 1,10-11).
Điều chúng ta phải suy nghĩ ở đây là tại sao Con Thiên Chúa lại phải chịu phép rửa của Gioan. Chắc chắn không phải dòng nước nơi ấy thánh hiến Chúa Giêsu, nhưng trái lại, Chúa Giêsu đã thánh hóa dòng nước ấy và làm cho nó trở thành chất thể cho bí tích rửa tội. Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan vì muốn để lại cho chúng ta một mẫu gương khiêm nhường, và giúp cho chúng ta hiểu rằng chúng ta là con người mang trên mình rất nhiều khuyết điểm, tội lỗi, cho nên chúng ta cũng cần phải được thanh tẩy. Chúa Giêsu như cha mẹ khuyến khích con cái mình nhận lãnh phương thuốc yêu thương qua hành động tự hạ của mình.
Có một sự khác biệt lớn lao giữa phép rửa của Gioan và Bí tích rửa tội do chính Chúa Giêsu thiết lập. Trước hết, phép rửa của Gioan chỉ là một dấu chỉ tỏ lòng sám hối, nhắc nhở người tín hữu dấn thân trong việc hoán cải nhằm biến đổi cuộc sống. Đó là một hành động biểu trưng cho sự khiêm nhường từ phía con người, bằng cách nhận ra con người tội lỗi của mình và khát khao được trở nên trong sạch. Trái lại, phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích, xóa bỏ tội nguyên tổ, tội do Ađam và Eva truyền lại cho con cháu, và bí tích rửa tội do Chúa Giêsu thiết lập làm cho chúng ta trở nên con cái Chúa.
Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa, sẽ thực hiện trong chúng ta những lời mà chúng ta đã nghe lúc ban đầu: Chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa, và Thánh Thần của Người sẽ tuôn đổ dạt dào trên chúng ta.
Để thiết lập bí tích này, Chúa Giêsu đã dùng nước làm dấu chỉ. Giống như nước rửa sạch thân xác bên ngoài của chúng ta, cũng vậy, nhờ ơn của Thiên Chúa, dấu chỉ hữu hình, tẩy rửa toàn bộ bên trong linh hồn của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn cùng các dấu chỉ vì con người cần những cái khả giác, có thể cảm nhận được để hiểu được những thực tại tâm linh.
Ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa, qua môi miệng của ông bà, cha mẹ, chúng ta đã đón lấy những bổn phận rất quan trọng trước mặt Thiên Chúa. Thực vậy, qua ông bà, cha mẹ, chúng ta hứa từ bỏ tội lỗi và tin một cách vững chắc vào tất cả những gì mà Giáo hội dạy phải tin.
Chuyện kể rằng khi Thánh Leonidas, một trong những vị thánh tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên, có đứa con đầu lòng chịu phép rửa, sau nghi lễ, ngài đã bồng đứa trẻ trong tay và hôn nó trong lòng, vị thánh nói với Chúa rằng, nhờ Bí tích Rửa Tội mà ông được sống như một người con thuộc về Chúa. Thật vậy, sau khi rửa tội cho con cái mình, cha mẹ thường bồng ẵm con trong tay và qua đó họ tin chắc rằng Thiên Chúa đang ngự trong chúng như trong đền thờ của Ngài vậy.
Mỗi người được rửa tội là đền thờ của Thiên Chúa. Sự hiện diện này là một trong những sự hiện diện đẹp nhất của cuộc sống con người trên thế gian. Ước mong rằng Thiên Chúa ở trong lòng chúng ta làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong những lúc gặp thử thách và an ủi chúng ta trong khi đau khổ.
Sự hiện diện này tuy thinh lặng nhưng thực sự vững vàng và chỉ tội lỗi mới có thể phá hủy được sự hiện diện ấy. Thực vậy, như chúng ta đã học biết trong giáo lý, tội lỗi sự chết làm cho lòng chúng ta xa rời Thiên Chúa và làm chúng ta trở thành kẻ săn mồi của ma quỷ.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng : chúng ta phải biết sống như những người con của Thiên Chúa, luôn giữ lấy sự hiện diện ngọt ngào của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, và mau mắn đến với tòa giải tội nếu tội lỗi sự chết đang làm chúng ta mất dần đi sự hiện diện của Thiên Chúa.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm A