Hành trình đức tin của Đức Maria

      
Hành trình đức tin của Đức Maria.
Giuse Võ Tá Hoàng  

Đức Maria đã là người đầu tiên tin vào Chúa Cứu Thế vì Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa loan báo cho biết việc Con của Người đến trong thế gian. Để có thể chấp thuận lời đề nghị của Thiên Thần, người nữ trinh thành Nazareth phải tin vào đó đã. Mẹ phải tin tưởng vào Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng lòng tin ấy đã được ban sẵn cho Đức Maria và Mẹ chẳng cần phải tiến bước trong đó! Đức Maria cần phải bước đi trong tối tăm và kiếm tìm ánh sáng. Chúa Giêsu ở trước mắt Mẹ, và Mẹ phải khám phá nơi con mình người Con của Thiên Chúa. Các biến cố liên quan đến Chúa Giêsu làm cho Mẹ phải ngạc nhiên, khiến Mẹ phải cố gắng tìm hiểu, và từ đó Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng.

Đức tin của Đức Maria là cội nguồn của đức tin công giáo. Truyền thống của Do thái đã phát triển đức tin nơi Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Cựu ước đã trình bày cho chúng ta nhiều gương về đức tin ấy[1]. Mẹ Maria là người đầu tiên đi từ đức tin Do thái giáo đến đức tin vào Đức Kitô. Nơi Mẹ đức tin trở thành điều mà sau này nơi Giáo hội sẽ là một đức tin mới của Kitô giáo.

Những đặc ân mà Thiên Chúa dành cho Mẹ không tách biệt Mẹ với các Kitô hữu; ngược lại chúng làm cho Mẹ hòa hợp với dân ấy để có thể hoàn thành sứ mệnh đã được giao phó cho Mẹ trong công cuộc thánh hóa nhân loại. Hơn nữa, đức tin làm thành một trạng thái tâm hồn sâu kín đưa Mẹ của Đức Giêsu tiến gần chúng ta; trạng thái ấy chứng tỏ rằng Mẹ Maria đã chia sẻ hoàn cảnh của chúng ta, rằng Mẹ cũng đã đi theo một con đường khô cằn và tăm tối, đã phải tìm và đã thấy được ánh sáng.

Không hơn con mình, Mẹ Maria cũng không được chìm ngập trong vinh quang trước khi về với Thiên Chúa. "Mẹ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá" (LG 58). Bằng sự liên kết ấy, Mẹ có thể lôi kéo hướng dẫn tất cả những người đang dấn thân bước trên cuộc hành trình này.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

1. “xin vâng” bước đầu của đức tin :

Thiên Chúa muốn lập giao ước dứt khoát với con người và Ngài đòi hỏi sự hợp tác của con người vào giao ước ấy. Mẹ Maria được mời gọi diễn tả sự đón nhận của tất cả nhân loại cho việc Đấng Cứu Thế đến trần gian và như thế đón nhận nơi Mẹ giao ước đã được định phải tồn tại mãi mãi.

"Khi được báo tin Mẹ sinh ra con của Đấng tối cao mà không có việc phu thê, nhưng do quyền năng của Chúa Thánh Thần Mẹ Maria đã trả lời bằng sự vâng phục của đức tin"[2]

Sự ưng thận với chương trình của Thiên Chúa trước hết là một hành động đức tin. Mẹ Maria phải tin vào sự thật của những lời sứ thần loan báo để chấp nhận hoàn tất lời ấy. Tuy nhiên Mẹ vẫn đặt ra một trở ngại: "làm sao điều ấy có thể xảy ra được" (Lc 1, 34) có nghĩa là Mẹ không hành động một cách máy móc. Mẹ tin điều đó sẽ "xảy ra" nhưng Mẹ hỏi "làm sao". Mẹ không hỏi về khả năng nhưng hỏi về một sự kiện sẽ xảy ra. Như thế Mẹ đã biểu lộ đức tin của mình.[3]

Khi đáp lời "xin vâng" Mẹ diễn tả tâm trạng hoàn toàn dựa trên đức tin vào lời từ Thiên Chúa. Đó là một đức tin vào Đấng Mêsia, và chính vì tin vào Đấng ấy mà Đức Maria không chút nghi ngờ, hay do dự. "Đức Maria đã cộng tác vào việc cứu độ nhân loại, nhờ lòng tự do tin, và tự do "vâng phục" (LG 56).

Do hoàn toàn vâng phục ý muốn cứu rỗi của Chúa biểu lộ trong lời sứ thần, Đức Maria trở nên gương mẫu cho toàn thể những kẻ Chúa gọi là có phúc vì họ "nghe Lời Chúa và thi hành" (Lc 11,28). Thật vậy, "không phải Đức Maria là người đầu tiên giữa những người nghe và thực hành Lời Chúa sao? do đó chẳng phải sự chúc lành mà Chúa Giêsu nhắc đến khi trả lời người đàn bà trong đám đông, trước hết là hướng tới Đức Maria sao?"[4]

Cảnh ngộ của việc truyền tin làm nổi bật tính chất cốt lõi của đức tin, đó là tin vào lời nói. Vì thế, trước khi thấy Chúa Giêsu Mẹ đã tin vào Ngài. Đức tin đòi buộc phải thích hợp với việc Đấng Cứu thế đến trần gian. Vì thế, sự đón nhận ấy dựa vào một hành động đức tin được hoàn tất cho nhân loại.

2. Đức tin thể hiện qua đời sống công khai của Chúa Giêsu :

a. Đức tin được hình thành nơi Mẹ Maria vào lúc truyền tin phải được phát triển. Bước phát triển đầu tiên đáng chú ý là việc dâng con vào đền thờ. Trong khi sứ thần không nói với Mẹ về một sự hy sinh lớn lao một ngày kia tư cách làm Mẹ của Mẹ phải gánh chịu. Thì ông già Simêon lại báo cho Mẹ biết con đường đau thương: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn chính bà thì một lưỡi gươm đâm thâu lòng bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải được tỏ lộ"[5] (Lc 2, 34-35).

Ở đây chúng ta có thể ghi nhận rằng lời tiên tri của ông Simêon cho phép chúng ta nhìn thấy trong đau khổ của Đức Maria có chút tương tự của "người tôi tớ" đau khổ (Is 4,25-31) . Điều đó ngầm hiểu rằng Mẹ chấp nhận tất cả những gì đã được loan báo về ý nghĩa của lễ hiến dâng ấy (Lc 2, 39). Và từ nay, đức tin của Mẹ vào Đấng Messia đã trở thành một đức tin vào Đấng sẽ hoàn thành vai trò của Đấng Mêsia bằng cái giá của một sự đau khổ rộng lớn.

b.Chính Chúa Giêsu lúc 12 tuổi đã xác nhận hướng này khi Ngài làm thay đổi đoạn cuối của cuộc hành hương về Giêrusalem thành một màn kịch lo âu, lúc Ngài tự tách rời cha Mẹ mình (x. Lc 2, 51). Qua đoạn này Chúa Giêsu chuẩn bị Mẹ Người cho Mầu nhiệm cứu chuộc. Trong những ngày đau buồn đó, khi Chúa Giêsu lìa xa các ngài để ở lại trong đền thờ, Đức Maria kinh nghiệm ba ngày thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa. Thật vậy đoạn cuối đã báo trước Mầu nhiệm vượt qua, và Ngài đã làm cho Mẹ Maria hiểu rõ hơn về điều mà Mẹ đã dâng khi đem con vào đền thờ.

Đức Maria hỏi Chúa Gieessu: "Con ơi! Sao con lại xử với cha Mẹ như vậy? Con thấy không, cha và Mẹ con phải vất vả tìm con?" (Lc 2, 48). Câu trả lời của Chúa Giêsu dưới hình thức một câu hỏi "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"  (Lc 2, 49). Những lời ấy hàm chứa bí ẩn đầy ngạc nhiên, nhưng chúng góp phần vào việc làm tiến triển đức tin của Đức Maria.

Thực ra Mẹ không hiểu những điều ấy. Người ta thấy một dấu hiệu chứng tỏ Mẹ chưa được chiếu sáng hoàn toàn ý nghĩa làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu. Tuy vậy, Mẹ Maria đã "ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng" (Lc 2, 51). Mẹ đã tìm hiểu giá trị của những lời ấy khi đối chiếu chúng với thái độ của con mình. Đức tin của Mẹ đã cố gắng đi sâu hơn vào Mầu nhiệm của con mình. Chúng ta hình dung thấy Mẹ đã nỗ lực nắm bắt trên khuôn mặt của con mình những nét phản ánh gương mặt Thiên Chúa của Đấng được con mình gọi là Cha.

Đức Maria liên kết với tất cả những biến cố này, với Mầu nhiệm này của con mình, được tỏ cho Mẹ khi truyền tin, và suy gẫm những biến cố đó trong sự thinh lặng chiêm niệm, đồng thời dâng lên sự hợp tác của Mẹ trong tinh thần một lời "xin vâng" mới mẽ.

c.Chúa Giêsu bắt đầu đời sống rao giảng Tin mừng với tiệc cưới Cana. Hiện diện hôm đó cũng có Mẹ của Người. Khi bữa tiệc kết thúc tồi tệ do thiếu rượu, người đầu tiên cảm nhận ra sự bối rối của gia chủ đó là Đức Maria. Mẹ đã không ngần ngại đến nói với con mình: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2,3). Mẹ đặt hoàn cảnh khó xử đó vào tay con mình. Tuy chưa thấy phép lạ do Chúa Giêsu làm nhưng Mẹ tin vào quyền lực lạ thường của Chúa Giêsu. Như đức tin của Mẹ xuất hiện trước việc Đức Kitô đến thế gian, thì đức tin ấy cũng xuất hiện trước khi có phép lạ.

Tuy nhiên Mẹ gặp phải một câu trả lời không mấy khích lệ "Thưa bà giữa Tôi và Bà có liên hệ gì? giờ Tôi chưa đến" (Ga 2,4). Chúa Giêsu gọi Mẹ mình bằng "bà", Ngài muốn nhắc lại khoảng cách đã được thiết lập giữa các ngài từ khi Ngài bắt đầu công việc giảng dạy. Dù sao đi nữa lòng tin tưởng vào con mình đã được bù đắp, Mẹ đã được toại nguyện; một cách kinh ngạc, giờ chưa đến đã đến. Đáng lưu ý là đức tin của Mẹ Maria đã nhận được sự thay đổi về giờ biểu hiện của Đấng Cứu thế: chính Chúa Giêsu khi khẳng định giờ chưa đến, nhưng lại làm phép lạ, đã làm cho chúng ta hiểu rằng đức tin có thể biến đổi được chương trình đã được Chúa thiết lập.

Cuối câu chuyện phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, thực hiện nhờ đức tin vững mạnh của người Mẹ với người Con Thiên Chúa của mình, Tin mừng kết thúc "Các môn đệ người đã tin vào người" (Ga 2,11). Tại Cana Đức Maria đã mở đường đức tin cho Giáo hội bằng cách đi trước các môn đệ và hướng các tôi tớ tới chân lý Đức Kitô[6].

d. Trong ngày truyền tin Đức Maria đã ưng thuận lời đề nghị của Thiên Chúa bằng việc đón nhận sự sống. Trong hy tế cứu độ Mẹ đã ưng thuận với Thiên Chúa bằng đức tin và tình yêu. Như vậy Mẹ đã cho con sự sống nhân loại và cũng chấp nhận sự chết của Con. Hai sự ưng thuận này cũng chỉ là một. Ưng thuận Nhập thể liên quan đến ưng thuận cứu chuộc (còn gọi là ưng thuận khởi động).

Tiếng thưa vâng của Đức Maria đã dẫn Mẹ đến dưới chân Thánh Giá, nơi Mẹ vẫn thể hiện sự vâng phục của lòng tin. Đồng thời cũng chính nơi đây, Mẹ kết hiệp mật thiết với mầu nhiệm đau thương của Con. Công đồng Vatican II xác quyết rằng: sự kết hiệp đó “trong công việc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết” (LG 57). "Như thế Đức Maria cũng tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó” (Ga 19,25) (LG 58). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng, chính Chúa Giêsu Kitô, khi hấp hối trên thập giá, đã trối Ngài làm Mẹ các môn đệ qua lời này :"Này là con bà" (Ga 19,26-27).

Niềm hạnh phúc của đức tin đạt được trọn vẹn ý nghĩa trong thảm kịch thập giá. Công đồng Vatican II đã xác quyết như sau: "Như thế trinh nữ được diễm phúc đã tiến lên trong cuộc lữ hành đức tin, đồng thời trung thành giữ sự hiệp nhất với con mình cho đến trên cây thập giá, ở đó không phải không có dự định của Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó (Ga 19, 25) đồng thời chịu đau khổ một cách tàn bạo với người con duy nhất của mình, được kết hợp bằng trái tim người Mẹ với sự hy sinh của người con khi ưng thuận bằng tình yêu với hiến tế của lễ hy sinh sinh ra từ xác thịt mình" (LG 58). Hiến chế khẳng định rằng sự thông hiệp của Đức Kitô bằng đức tin được làm thành cũng một đức tin đã đón nhận sự mặc khải của Sứ thần vào lúc truyền tin. Tuy nhiên đức tin phải đương đầu với một thử thách khủng khiếp, vì cuộc thương khó của Đức Giêsu trên thập giá.

Qua thảm kịch trên đồi Calvê, sự hiện diện của Mẹ Maria rất có ý nghĩa. Đây không phải chỉ là một sự hiện diện của một người Mẹ bên cạnh người con của mình trong giây phút thử thách, nhưng còn là một chứng tích của đức tin của hy vọng vào Đấng dường như đã mất tất cả. Thật vậy, nếu Mẹ Maria ở gần thánh giá của Đức Giêsu chính là vì Mẹ đã muốn có mặt ở đó.

Trong lúc các môn đệ khác trốn chạy khi thầy mình bị bắt, Mẹ đã đến gần bên con để dâng cho Ngài lòng trung thành hoàn toàn của đức tin và của tình yêu chân thành của mình. Mẹ Maria là người không được miễn trừ cám dỗ, Mẹ cũng đã chịu sức mạnh dữ dội ấy. Nhưng Mẹ đã thoát khỏi sự cám dỗ ấy nhờ một đức tin mạnh bạo đã tuyên xưng lúc truyền tin, đức tin đã không ngừng phát triển hơn ba mươi năm qua. Mẹ Maria không thể sống mà không tin con mình.

Hơn nữa, Mẹ cũng đã chuẩn bị cho của lễ hy sinh vào dịp dâng con trong đền thờ. Mẹ biết rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng, “nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người được bày tỏ” (Lc 2, 34-35) (LG 57), không những Mẹ đã biết trước được điều đó mà còn chấp nhận những điều đó. Mặt khác, Mẹ cũng thấm nhuần về lời loan báo của cuộc hành trình đau thương của Đấng Mêsia, qua những biến cố của cuộc đời công khai.

Được khơi dậy bởi đức tin ấy, Mẹ đã bước vào thảm kịch của cuộc thương khó với ý muốn chia sẻ cách đầy đủ số phận thương đau của Đức Giêsu.

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: "Mẹ đứng bên cạnh thánh giá Đức Giêsu" (Ga 19, 25). Bề ngoài Mẹ rất can đảm, Mẹ không để bị gục ngã do sự đau khổ. Vậy điều gì đã làm cho Mẹ "đứng thẳng" được bên thập giá? Điều nâng đỡ Mẹ bên trong là một đức tin tràn đầy hy vọng. Những lời của Đức Giêsu đã trả lời cho đức tin ấy và cho niềm hy vọng ấy:"Thưa bà, này là con bà". Khi gọi Mẹ là "bà", Đức Giêsu xem Mẹ Ngài như một phụ nữ cộng tác vào công việc cứu thế, như ở Cana Ngài cũng đã gọi Mẹ là "bà", một sự hợp tác đầu tiên thuộc giới nữ là sự hợp tác thuộc đức tin. Khi yêu cầu Mẹ đảm nhận tư cách làm Mẹ mới, dấu hiệu của một sứ mệnh của người Mẹ trong cuộc sống của Giáo hội, Ngài chứng tỏ cho Mẹ Maria tin vào Ngài như Đấng Cứu thế. Công đồng khẳng định: “điểm mấu chốt của sự bất trung của Eva được sự tuân phục của Mẹ Maria tháo cởi, vì điều mà trinh nữ Eva đã thắt lại do sự bất tín thì nay được trinh nữ Maria tháo cởi bằng đức tin” (LG 56). Trên đồi Calvê đức tin của Mẹ được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng của sự phục sinh mà Đức Giêsu đã loan báo nhiều lần vào ngày thứ ba sau cái chết của Ngài.

e.Sự phát triển đức tin của Đức Maria không dừng lại ở đồi Calvê. Biến cố phục sinh đã mang lại cho đức tin ấy một sức mạnh mới, và đã mở ra một chân trời mới. Sự có mặt của Mẹ Đức Giêsu trong buổi nhóm họp sau ngày lên trời để đón chờ Ơn Thánh Thần (Cv 1, 14) đánh dấu giai đoạn cuối cùng của đức tin. “Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các tông đồ trước ngày Hiện Xuống “đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và các anh em người” (x.Cv 1,14), và chúng ta cũng thấy Đức Maria vì đã tin và đã tha thiết cầu xin Chúa ban ơn Chúa Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy ‘bà’ ngày truyền tin (x. LG 59)

Như công đồng đã nói nếu Mẹ Maria là Mẹ của “trật tự ân sủng”, thì Mẹ là Mẹ một cách đặc biệt hơn trong lãnh vực đức tin. Mẹ đã được gọi là người thứ nhất tin để có thể truyền đạt và tỏa đức tin ra cho cộng đồng Kitô hữu.

THAY PHẦN KẾT

Con người và sự nghiệp của Đức Kitô thật là một Mầu nhiệm đối với Đức Maria. Mẹ đã ngày càng tiến sâu hơn vào trong Mầu nhiệm đó nhờ một nỗ lực tìm tòi và bình an suy niệm, và với một niềm xác tín đã được nên vững mạnh nhờ hy sinh.

Như thế Đức Maria đã vạch ra con đường cho niềm tin của chúng ta. Nếu Mẹ của Chúa Giêsu đã phải nổ lực chiến đấu vì lòng tin của mình, thì chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy lòng tin Kitô giáo đòi ta phải nổ lực tìm hiểu và chiến đấu. Giáo hội truyền đạt cho ta các chân lý đức tin, nhưng mỗi người chúng ta phải cố gắng khám phá ra giá trị của các chân lý ấy trong cuộc sống của mình.

Chúng ta cần phải học hỏi đào sâu ý nghĩa của các chân lý ấy và phải chống lại những cám dỗ nghi ngờ. Nhất là chúng ta phải tập nhận biết Thiên Chúa của mình nơi khuôn mặt Đức Kitô trong Tin mừng.

Gương Đức Maria giúp cho người tín hữu hôm nay hiểu được nhu cầu phát triển kiến thức tôn giáo của họ và phải nổ lực tự mình suy tư về giáo lý của mình đã chọn theo. Lòng tin không bao giờ được ngưng bước, ngưng "cuộc lữ hành".  

DEO GRATIAS

Lạy Mẹ Maria –

Xin cầu cho chúng con.





[1]Xem Osservatore Romano số 14 ngày 03/04/1996
[2]Xem GLCG 494
[3]Xem Bảo Ngọc, Mẹ Maria Mẹ Đức Giêsu trang 12.
[4]Xem Nguyễn Quang Sách, 70 bài giáo lý về Đức Maria của ĐGH Gioan Phaolô II.
[5]Xem Osservatore số 1 ngày 01/01/1997
[6]Xem Osservatore Romano số 10 ngày 05/03/1997 
Số 11 ngày 12/03/1997
Số 12 ngày 19/03/1997.
Mới hơn Cũ hơn