Theo hãng thông tấn Fides, trong thập niên từ 1980 - 1989, có 115 nhà truyền giáo bị giết chết cách tàn bạo. Con số này là chắc chắn, bởi vì thông tin cung cấp cho họ là chính thức. Trong những năm từ 1990 - 2000, tổng cộng có 604 nhà truyền giáo bị giết chết. Con số này cao hơn đáng kể so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên cần phải kể đến các yếu tố như: nạn diệt chủng ở Ruanda (1994) gây ra cái chết cho ít là 248 người. Ngày nay tốc độ của truyền thông ngày càng lớn mạnh, nên con số những người bị giết chết không chỉ là những nhà truyền giáo cho muôn dân (Ad Gentes) theo nghĩa hẹp, mà là tất cả những người thuộc về giáo hội khắp nơi trên thế giới bị giết vì bạo lực, hoặc đã hy sinh mạng sống với ý thức về nguy cơ mà họ phải chịu.
Theo báo cáo thường niên của hãng Fides, năm 2017 có 23 nhà truyền giáo bị giết chết. Nếu phân chia theo từng địa lục thì đây là năm thứ 8 liên tiếp, con số các nạn nhân bị giết cao nhất được ghi nhận là ở Châu Mỹ, với 11 nhân viên mục vụ (8 linh mục, 1 tu sĩ và 2 giáo dân); tiếp theo là Châu Phi, với 10 nhân viên mục vụ (4 linh mục, một nữ tu, 5 giáo dân); ở Châu Á có 2 người (1 linh mục và 1 giáo dân). Từ năm 2000 - 2016, cũng theo Fides, có 424 nhà truyền giáo trên thế giới bị giết chết, trong đó có 5 giám mục. Tổng cộng có 13 linh mục, một tu huynh, một nữ tu, 8 giáo dân bị giết chết trong năm qua.
Danh sách các nạn nhân trong thời gian gần đây không phải chỉ là các nhà truyền giáo theo nghĩa ad gentes, nhưng trong đó bao gồm tất cả các nhân viên mục vụ đã chết vì bạo lực, không hẳn vì “hận thù đức tin”. Rất nhiều những nhân viên mục vụ đã bị giết trong khi bị trấn lột hay trộm cắp, trong bối cảnh kinh tế và văn hóa nghèo nàn, đạo đức suy hóa và môi trường suy giảm, ở đó bạo lực và lạm quyền trở thành quy tắc ứng xử, thiếu đi sự kính trọng cuộc sống và nhân phẩm của con người. Những chia sẻ của tất cả linh mục, tu sĩ, giáo dân đối với dân chúng chính là cuộc sống hằng ngày của họ; họ đem đến giá trị cụ thể của một chứng nhân tin mừng và như một dấu chỉ của niềm hy vọng.
Con số những người thiệt mạng chỉ là bề mặt của tảng băng, vì chắc chắn còn một danh sách dài tên tuổi của các nhân viên mục vụ, hoặc đơn giản họ là những người công giáo, bị hành hung, đánh đập, cướp bóc, bị đe dọa; cũng giống như các công trình công giáo phục vụ toàn dân bị tấn công hoặc cướp phá. Danh sách tạm thời được hãng thông tấn Fides ghi lại đây, cần phải được bổ sung thêm tên tuổi của rất nhiều người, trong đó có cả những người chưa hề được nghe đến hoặc chưa hề biết tên của họ, tuy nhiên mỗi ngày, ở mỗi ngóc ngách của hành tinh này họ chịu đau khổ và trả giá bằng cuộc sống tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Rất hiếm những vụ án giết các linh mục, nữ tu được xác định hay bị kết án. Chẳng hạn như nhà truyền giáo Dòng Tên, người Tây Ban Nha là Vicente Canas, bị giết tại Brasil năm 1987. Các cuộc điều tra về tội giết người không đạt kết quả, không ai bị kết án. Mười chín năm sau, trong phiên tòa đầu tiên vào năm 2006, các bị cáo được trắng án vì thiếu bằng chứng. Ngày 29 và 30 tháng 11, phiên toà được mở lại, dẫn đến việc kết tội ba kẻ mưu sát, trong đó có vị cảnh sát trưởng. Tuy nhiên 2 trong ba người đã chết và người thứ ba, vị cảnh sát trưởng, được coi là "quá già" để hầu tòa.
Trong báo cáo hàng năm liên quan đến bạo lực và giết hại các linh mục, tu sĩ trong các nước châu Mỹ Latinh, cha Omar Sotelo, giám đốc trung tâm truyền thông Công giáo Mexicô nói rằng: “Bạo lực đối với các giáo sĩ trong những năm gần đây đã tăng lên, tuy nhiên vẫn không thấy những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó”. “Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhất là hiện tại, các linh mục đã trở thành bộ phận nguy hiểm. Trong vòng 9 năm trở lại đây, Mexicô là một đất nước có nhiều linh mục bị giết trên thế giới”.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Tin tức