"Này đây ta sẽ đổi mới mọi sự" (Kh 21,5) - Tính mới mẻ của niềm hy vọng Kitô giáo, là chủ đề Giáo lý thứ tư hàng tuần của Đức thánh cha Phanxicô tại thính phòng Phaolô VI sáng thứ tư 23-08-2017 vừa qua.
Anh chị em thân mến
Chúng ta nghe Lời Chúa trong sách Khải Huyền nói rằng : “Này đây ta sẽ đổi mới tất cả mọi sự”. Niềm hy vọng Kitô giáo dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa. Đấng luôn tạo nên điều mới mẻ trong đời sống của con người, trong lịch sử, trong vũ trụ. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tạo nên điều mới mẻ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của sự ngạc nhiên.
Không có người Kitô hữu nào bước đi với cái đầu cúi xuống thấp – giống như mấy con heo cũng đi như vậy - mà không ngước mắt lên hướng nhìn phía trước. Như thế mọi bước đi của chúng ta bị dập tắt từ đây, trong vài mét của cuộc lữ hành; như thế cuộc sống của chúng ta không có mục đích, không có bến bờ, và chúng ta buộc phải lang thang vĩnh viễn, không có lý do dành cho những khó nhọc của chúng ta. Người Kitô hữu thì không phải thế.
Những trang cuối cùng của Kinh Thánh trình bày cho chúng ta viễn tượng cuối cùng của hành trình đức tin Kitô giáo : Giêrusalem trên trời, Giêrusalem Thiên Quốc. Trước hết, Giêrusalem ấy được hình dung như lều trại rộng lớn, nơi mà Thiên Chúa sẽ đón nhận tất cả mọi người để sống cuộc sống vĩnh viễn với họ (Khải huyền 21,3) Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa sẽ làm gì khi chúng ta ở với ngày sau hết? Ngài sẽ dùng lòng dịu dàng vô biên đối với chúng ta, như người cha đón nhận con cái của mình, những người đã chịu đớn đau và khổ nhọc lâu dài. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã nói : "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại... Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất." ... "Này đây Ta đổi mới mọi sự." .... “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật." (Kh 21,3-5). Thiên Chúa của sự mới lạ.
Chúng ta hãy thử suy niệm đoạn Kinh thánh này, không đến nỗi trừu tượng, sau khi đọc một cuốn thời báo hằng ngày, sau khi xem truyền hình hay trang bìa của tờ báo, nơi có rất nhiều những bi kịch, ở đó người ta tường thuật lại những tin buồn có nguy cơ làm cho chúng ta quen thuộc với chúng. Tôi đã chào thăm một số người đến từ Barcelona: biết bao nhiêu tin buồn ở đó! Tôi đã chào một số người ở Congo, và biết bao nhiêu tin buồn ở đó. Ở một số đất nước khác nữa. Chỉ nêu ra đây hai Quốc gia của anh chị em, đang có những người đang hiện diện hiện ở đây.... Anh chị em hãy thử nghĩ đến khuôn mặt của các trẻ em đang hoảng sợ bởi chiến tranh, nghĩ đến những bà mẹ đang than khóc, đến những ước mơ bị tan vỡ của những người trẻ, đến những người tị nạn đang đối diện với những chuyến đi khủng khiếp, và những người bị khai thác, bóc lột nhiều lần... Cuộc sống thật không may. Đôi khi muốn nói rằng cuộc sống là như thế.
Có lẽ vậy. Nhưng có một người Cha, Đấng đang khóc với chúng ta; có một người Cha đang rơi từng giọt lệ của lòng thương xót vô biên đối với con cái mình. Chúng ta có một người Cha biết khóc vì chúng ta. Một người Cha biết chờ đợi để an ủi chúng ta, vì Ngài thấu hiểu những đau khổ của chúng ta và Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta một tương lai khác. Đây là cái nhìn rộng lớn của niềm hy vọng Kitô giáo đang mở ra từng ngày trong cuộc sống của chúng ta và muốn làm chúng ta phấn khích.
Thiên Chúa không muốn cuộc sống của chúng ta lầm lạc bằng cách ép buộc chính mình và chúng ta cam chịu những đêm đen của âu lo. Trái lại Ngài đã tạo dựng chúng ta vì muốn chúng ta hạnh phúc. Ngài là Cha của chúng ta, và nếu chúng ta ở đây, giờ này, chúng ta sẽ trải nghiệm một cuộc sống không phải cuộc sống mà Ngài đã muốn cho chúng ta. Chúa Giêsu bảo đảm cho chúng ta rằng chính Thiên Chúa đang thực hiện ơn cứu chuộc của Ngài. Ngài làm việc để cứu rỗi chúng ta.
Chúng ta tin và biết rằng sự chết và hận thù không phải là lời cuối cùng được phát ra dựa trên đường parabon của sự hiện hữu nhân loại. Cuộc sống người tín hữu bao hàm một triển vọng mới mẻ : một cái nhìn tràn đầy hy vọng. Một số người tin rằng cuộc sống giữ lại mọi hạnh phúc của nó ở tuổi thanh xuân và trong quá khứ, và tin rằng sống là một sự mục nát dần dần. Một số khác cho rằng niềm vui của chúng ta có giai đoạn và nhất thời, và trong cuộc sống của mỗi người bị ghi là vô nghĩa. Có những người đứng trước những tai ương thì nói rằng : “Ôi cuộc sống vô nghĩa. Con đường của chúng ta thật là vô nghĩa”. Nhưng chúng ta là Kitô hữu chúng ta không tin vào điều này. Trái lại chúng ta tin rằng trong viễn tượng của con người có ánh mặt trời luôn chiếu soi. Chúng ta tin rằng những ngày tốt đẹp nhất của chúng ta sẽ phải đến. Chúng ta phải là những người đầy mùa xuân hơn mùa thu. Tôi rất thích đặt câu hỏi, bây giờ - mỗi người tự trả lời trong tâm hồn mình, trong thinh lặng: “Tôi là người nam, nữ, thanh thiếu niên của mùa xuân hay của mùa thu? Linh hồn tôi đang ở trong mùa xuân hay mùa thu? Mỗi một người phải tự trả lời. Chúng ta nhìn thấy cây đâm chồi trên một thế giới mới hơn là những chiếc lá vàng trên cành cây. Chúng ta không ru mình trong nỗi nhớ nhung, tiếc nuối và than trách: chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thừa hưởng lời hứa và là người vun trồng những ước mơ không biết mỏi mệt. Anh chị em đừng quên câu hỏi trên : “Tôi là người của mùa xuân hay mùa thu?”. Là mùa xuân, chờ đợi hoa quả, chờ đợi ánh mặt trời là Chúa Giêsu, hay là mùa thu, luôn luôn với khuôn mặt cúi thấp, buồn bã, như những khuôn mặt mà tôi đã nói, khuôn mặt của những quả ớt ngâm dấm.
Người Kitô hữu biết rằng Vương Quốc của Thiên Chúa và Uy quyền yêu thương của Ngài đang lớn lên như cánh đồng lúa mì rộng lớn, ngay cả khi ở giữa đó có cỏ lùng. Luôn có những vấn đề, có những tin đồn nhảm, chiến tranh, bệnh tật... Có rất nhiều vấn đề. Nhưng hạt lúa mì vẫn lớn lên, và cho đến cuối cùng sự dữ sẽ bị loại trừ. Tương lai không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng chúa Giêsu Kitô là ơn huệ lớn lao nhất của cuộc sống : là bàn tay của Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta ở nơi cuối đường, nhưng trong giờ này Ngài vẫn đồng hành với chúng ta và an ủi chúng ta trên đường đời. Ngài dẫn đưa chúng ta đến “lều trại” vĩ đại của Thiên Chúa với con người (Kh 21,3), với nhiều anh chị em khác, chúng ta sẽ mang đến cho Thiên Chúa kỷ niệm của những ngày sống ở thế gian. Thật tuyệt vời khi khám phá ra rằng lúc đó không có gì bị hư mất, không mất nụ cười lẫn nước mắt. Dẫu cho cuộc đời của chúng ta có kéo dài đi nữa thì xem như chúng ta đã sống trong cơn gió thoảng qua. Sự sáng tạo không bị dừng lại ở ngày thứ sáu của sách Sáng Thế nhưng đã tiếp tục không biết mệt mỏi bởi vì Thiên Chúa luôn lo lắng cho chúng ta. Cho đến một ngày, tất cả sẽ được hoàn tất, vào buổi sáng là lúc sẽ làm tiêu tan những giọt lệ, lúc mà chính Thiên Chúa sẽ loan báo lời chúc phúc cuối cùng của Ngài : “Này đây Ta đổi mới mọi sự”. Vâng, Cha của chúng ta là Thiên Chúa của sự mới mẻ và ngạc nhiên. Và vào một ngày chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc, chúng ta sẽ khóc. Nhưng chúng ta sẽ khóc vì vui mừng.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Tags:
Đức Thánh cha