SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A
Is 22,19-23; Sal 137; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20
1. Ngài là Chúa Kitô
Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ hai câu hỏi:
Trước hết, “Người ta bảo con người là ai” (Mt 16,13). Câu trả lời của các môn đệ là "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14).
Câu hỏi thứ hai : “Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Đại diện cho các tông đồ, thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, một niềm tin vẫn lưu truyền trong Giáo hội Công giáo qua nhiều thế kỷ : “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống ” (Mt 16,16). Thực vậy, kể từ ngày ấy, Giáo Hội tiếp tục lặp lại một cách trang trọng lời tuyên xưng đức tin này. Cũng vậy, ngày nay chúng ta được mời gọi hãy để cho Chúa nói trong tâm hồn chúng ta như đã nói với các tông đồ xưa kia. Nếu chúng ta lắng nghe Tin mừng bằng đức tin và tình yêu hoàn hảo chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa đích thực của những lời sau : “Chúa Giêsu, Chúa Kitô, Ngôi lời, Con người và Thiên Chúa” và chúng ta sẽ loan truyền với niềm tin sâu xa : “Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúng ta sẽ thực hiện điều đó với ý thức rằng Chúa Kitô là “kho tàng” là “viên ngọc quý” vô giá. Ngài là người bạn, không bao giờ rời bỏ chúng ta, bởi vì Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Mêsia, đã đến trên thế gian để trao tặng con người ơn cứu độ, làm thỏa mãn khát khao sống và yêu thương đang tồn tại trong trái tim của mỗi một người. Khát khao này sẽ được thỏa mãn nhờ lòng Thương Xót Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tự hiến mình cho muôn con người.
Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ hai câu hỏi này không chỉ để mong biết được những suy nghĩ, quan điểm của người khác về mình. Ngài không cần biết người ta nghĩ gì về mình như thế nào. Với hai câu hỏi này, Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ hành động của niềm tin nơi Chúa. Chúa Giêsu không nói rằng “hãy nhận biết ta” nhưng Ngài đã nói “Hãy theo ta”. Theo Chúa Giêsu bằng lòng đạo đức và xác tín vào Chúa. Quan trọng hơn hết vẫn là bước theo Chúa Giêsu luôn luôn. Bước theo Chúa không phải để nghiên cứu về sự vật, về con người, về cái cần thiết, nhưng là để học cách sống của người môn đệ Chúa. Ngài muốn chúng ta mỗi ngày gặp gỡ Ngài, bằng những chiến thắng và cả những yếu nhược của chúng ta.
Hiển nhiên, câu hỏi của Chúa Kitô không nảy sinh từ cuộc khủng hoảng về căn tính, nhưng mở ra cho các môn đệ con đường để đem các ông vào trong mầu nhiệm chân lý và yêu thương của Ngài. Câu hỏi của Đấng Mêsia là một lời kêu mời hãy bước theo Ngài. Những câu hỏi liên tục này không đặt nền tảng trên sự tán đồng lý thuyết nhưng dựa trên tính vững chắc của sự hiện diện, đó là vững chắc như đá tảng.
Chúa Kitô là viên đá sống động, và thánh Phêrô được tuyển chọn để trở nên viên đá giống như Ngài. Chúa Giêsu, viên đá góc tường, mời gọi Phêrô tiến đến chỗ thấu triệt, để ngày càng trở nên môn đệ hơn và trở thành Viên đá tông đồ. Dù là một người bị cản trở bởi tính mỏng dòn và tội lỗi, nhưng thánh Phêrô đã yêu mến Chúa của mình nhiều hơn tất cả những người khác và xác tín nơi Chúa Giêsu bằng niềm tin nhiệt thành, đó là tình yêu.
Thánh Phêrô lãnh nhận chìa khóa Nước trời từ nơi Chúa để thi hành nhiệm vụ của tình yêu và lòng thương xót, dùng chìa khóa Thiên quốc để hòa giải con người với Chúa và với nhau. Chìa khóa được trao cho thánh Phêrô là chìa khóa của ơn sủng, của lòng thương xót, của ơn thứ tha, của niềm hy vọng và mừng vui.
Chúng ta thực thi câu trả lời của thánh Phêrô, không đáp trả câu hỏi của Chúa Giêsu bằng một mớ lý thuyết, nhưng bằng việc tuyên xưng đức tin. Vấn đề ở chỗ không phải là tra vấn Thiên Chúa, nhưng hãy để cho mình được Thiên Chúa tra vấn. Ngài luôn luôn là một mầu nhiệm, và đáp trả mầu nhiệm ấy, làm nên cuộc phiêu lưu của cuộc sống con người với Đấng là Đường, sự thật và là Sự sống.
Tin là đón nhận Chúa, đi theo Ngài, hiệp thông với tình yêu của Ngài. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc chúng ta và thế giới.
2. Anh là Phêrô
Đối với lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), Chúa Giêsu đáp lại : “Phêrô, Con là đá và trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy” (Mt 16,18).
Việc tuyên xưng niềm tin của thánh Phêrô, người ngư phủ khiêm hạ miền Galilê, là tiếng nói chung của các môn đệ. Hôm nay với lời tuyên xưng ấy, trình bày cho chúng ta thấy sự hiện diện Thiên Chúa và địa chỉ của ơn cứu độ dành cho mọi người trên thế gian. Trên Đá này sẽ xây lên một cộng đoàn nhân loại hòa giải mới và là hiền thê của Thiên Chúa.
Giáo hội được thiết lập bởi Thiên Chúa : “Trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”, bởi vì Giáo hội là quà tặng tinh ròng của Thiên Chúa, để đón nhận và cứu rỗi mọi người cùng tất cả những người bị khiếm khuyết và lầm lỗi.
Thật vậy, dựa trên niềm tin của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội của Ngài với quyền trói buộc, tháo gỡ, tha thứ và thánh hóa, cùng với sứ mạng rao giảng Tin mừng cho toàn thể thế giới. Giáo hội được hình thành dựa trên sự hiệp thông với thánh Phêrô và trong sự vâng phục thánh Phêrô. Chúa Giêsu đã ban sức mạnh cho Giáo hội qua sự hiệp thông đó để có thể bước đi trong thế giới hôm nay cách vững vàng và chắc chắn nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Từ Giáo hội, trong tiếng hy lạp là ekklésia, nghĩa là “tụ họp”, “đại hội”, ám chỉ đến dân tộc được triệu họp từ Lời Chúa và cố gắng sống sứ điệp Nước trời do Chúa Kitô mang đến. Giáo hội có sứ mạng thực hiện chương trình vĩ đại của Thiên Chúa : hiệp nhất nơi Chúa Kitô toàn thể nhân loại trong một gia đình duy nhất.
Sứ mạng của thánh Phêrô và của những người kế vị là phục vụ cho sự hiệp nhất và duy nhất của Giáo hội Thiên Chúa được hình thành từ mọi dân nước. Nhiệm vụ không thể thiếu của Giáo hội đó là, Giáo hội không bao giờ đồng nhất hóa, không phục vụ cho một dân tộc, một nền văn hóa, nhưng là Giáo hội của tất cả mọi dân tộc, để đem lại sự hiện diện giữa mọi người bình an của Chúa kitô và sứ mạng canh tân của tình yêu Chúa.
Sứ mạng đặc trưng của Giáo hoàng, Giám mục Rôma, và các đấng kế vị thánh Phêrô là phục vụ cho sự hiệp nhất toàn vẹn, bắt nguồn từ bình an của Thiên Chúa, sự hiệp nhất của mọi người nơi Chúa Giêsu Kitô trở thành anh chị em với nhau.
“Phúc” cho chúng ta, những người được chọn để rao giảng Tin mừng : vì thế, trong mọi hoàn cảnh, quyền bính vô biên của tình yêu Thiên Chúa chiếu tỏa trong Vinh quang Phục sinh của Ngài, sẽ giữ chúng ta gần hơn với Thập giá của Ngài, là chìa khóa của vương quốc Thiên Chúa.
Chúa Kitô đã trao cho Phêrô chìa khóa Nước trời, bằng cách mời gọi thánh nhân cùng chịu đóng đinh với Chúa, cùng mang trên vai cái ách êm ái và gánh nhẹ nhàng, để học sự khiêm nhường và dịu hiền qua việc “tháo gỡ’ cho con người khỏi nô lệ đối với thế giới, với xác thịt và mà quỷ, và trói buộc mình với Chúa Kitô trong giao ước không bao giờ kết thúc.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm A