(Thủ bút mừng kỷ niệm bách chu niên Tự sắc Tra le sollecitudini (Motu proprio Tra le sollecitudini ) của Thánh Gíáo hoàng Pi-ô X.)
Đỗ Xuân Quế
Ngày 22-11-2003, nhân dịp kỷ niệm bách chu niên Tự sắc Tra le sollecitudini, một tự sắc bàn về cuộc canh tân âm nhạc trong Phụng vu của thánh Giáo hoàng Pi-ô X, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố một bản thủ bút (thư viết tay). Văn kiện này ghi ngày lễ thánh nữ Xê-xi-li-a, bổn mạng các nhạc sĩ. Đức Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh đến tính thời sự trong Tự sắc của vị tiền nhiệm. Chúng tôi xin cống hiến bản dịch như sau:
1. Được thúc đẩy bởi ước muốn mãnh liệt “duy trì và phát động vẻ trang trọng của Nhà Chúa”, cách đây một trăm năm, vị tiền nhiệm của tôi, thánh Giáo hoàng Pi-ô X, đã công bố Tự sắc Tra le sollecitudini. Tự sắc này nhằm canh tân thánh nhạc trong việc thờ phượng. Với Tự sắc này, Đức Pio X muốn cống hiến cho Giáo hội những chỉ dẫn cụ thể trong lãnh vực thiết yếu của phụng vụ, qua việc trình bày những chỉ dẫn này “như Bộ luật pháp lý về thánh nhạc”. Cuộc can thiệp này cũng nằm trong chương trình triều đại giáo hoàng của ngài, được thu gọn lại trong khẩu hiệu : “Kiến tạo tất cả trong Đức Ki-tô”.
Lễ mừng bách chu niên văn kiện này đem đến cho tôi một cơ hội nhằm nhắc lại chức năng quan trọng của thánh nhạc. Thánh nhạc được thánh Pi-ô X giới thiệu không những như một phương thế có sức nâng cao tâm trí lên cùng Thiên Chúa, mà còn như một sự trợ giúp quý báu cho các tín hữu trong việc “tham dự tích cực vào các mầu nhiệm rất thánh và lời cầu nguyện công cộng và trọng thể của Giáo hội”.
Mối quan tâm đặc biệt người ta phải dành cho thánh nhạc, thánh Giáo hoàng nhắc lại, phát xuất từ sự kiện này là : “xét theo tính cách là thành phần hoàn chỉnh của Phụng vụ trọng thể, thánh nhạc tham dự vào mục đích chung của nó là tôn vinh Thiên Chúa, thánh hoá và xây dựng các tín hữu”. Khi giải thích và diễn tả ý nghĩa thâm sâu của một bản văn thánh gắn liền với nó, thánh nhạc có khả năng “đem lại một hiệu năng to lớn hơn cho chính bản văn, nhằm giúp các tín hữu sẵn sàng hơn để đón nhận hiệu quả của ân sủng vào lòng, vốn là những nét đặc trưng của việc cử hành các mầu nhiệm thánh”.
2. Lập trường này đã được Công đồng chung Va-ti-ca-nô II lấy lại trong chương VI của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium). Chương này nhắc lại rõ ràng chức năng của thánh nhạc trong Giáo hội : “Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo hội đã tạo nên một kho tàng vô giá, vượt xa các nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh gắn liền với lời ca, là thành phần thiết yếu và hoàn chỉnh của phụng vụ trọng thể”. Ngoài ra Công đồng cũng nhắc lại rằng “Thánh ca, không những đã được Thánh Kinh mà cả các Giáo phụ và các Giáo hoàng đề cao. Các Giáo hoàng vào thời mới đây, theo sau thánh Pi-ô X, đã nhắc đi nhắc lại vai trò thừa tác của thánh nhạc trong phụng vụ”.
Thật vậy, tiếp tục truyền thống Kinh thánh cổ xưa mà chính Chúa và các Tông Đồ đã theo sát (xc. Mt 26, 30; Ep 5, 19; Col 3, 16), Giáo hội, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, đã cổ võ và tạo điều kiện cho việc hát thánh ca trong những buổi cử hành phụng vụ. Giáo hội đã cung cấp những bài hát mẫu tuyệt vời lấy lời ca trong các bản văn thánh, tùy theo óc sáng tạo của từng nền văn hoá. Những bài hát này được dùng trong các nghi lễ bên Tây phương cũng như Đông phương.
Rồi mối quan tâm của các vị tiền nhiệm của tôi dành cho địa hạt tế nhị này vẫn không thay đổi : các ngài đã nhắc lại những nguyên tắc căn bản vốn phải làm cho việc sáng tác thánh nhạc nên sinh động. đặc biệt nếu là nhạc dùng trong Phụng Vụ. Ngoài thánh giáo hoàng Pi-ô X, chúng ta phải nhắc đến, trong số nhiều vị khác, Đức Giáo hoàng Biển Đức XIV với Thông Điệp Annus qui (19-2-1749),Đức Giáo hoàng Pi-ô XII với những Thông Điệp Mediator Dei (20-11-1947) và Musicae sacrae disciplina (25-12-1955), và cuối cùng là Đức Giáo hoàng Phao-lô VI với nhiều lời tuyên bố có sức soi sáng.
Các nghị phụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã không quên tái khẳng định những nguyên tắc này, nhằm áp dụng vào những điều kiện mới mẻ của thời đại. Các ngài đã làm như thế trong một chương đặc biệt, tức chương VI trong Hiến Chế Sacrosanctum Concilium. Sau đó, Đức Phao-lô VI lo cụ thể hóa những nguyên tắc này bằng những qui tắc thiết thực, đặc biệt trong Huấn Thị Musicam sacram, do Thánh Bộ các Nghi Lễ ban hành, với sự phê chuẩn của ngài, ngày 5-3-1967. Cần phải luôn dựa vào những nguyên tắc này, theo khởi hứng của Công Đồng, để cổ võ một sự phát triển tương ứng với tầm mức của truyền thống phụng vụ âm nhạc của Giáo hội trong địa hạt nói đây, cho phù hợp với những đòi hỏi của công cuộc cải cách phụng vụ Bản văn Hiến Chế Phụng Vụ Thánh có nói các nghị phụ xác quyết rằng Giáo hội “chuẩn nhận và cho dùng trong phụng vụ tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, nếu những hình thức ấy có đủ những tiêu chuẩn áp dụng xứng hợp” trong các số 50 và 53 của Huấn Thị Musicam sacram mà tôi vừa nhắc đến.
LẤY SỰ THÁNH THIỆN LÀM ĐIỂM QUY CHIẾU
3. Trong nhiều dịp khác nhau, chính tôi đã nhắc lại vai trò cao quí và tầm quan trọng lớn lao của âm nhạc cũng như thánh ca, nhằm giúp cho việc tham dự những buổi cử hành phụng vụ được tích cực và sâu rộng hơn, đồng thời tôi cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải “thanh lọc phụng tự cho khỏi những kiểu cách tầm thường, những biểu hiện cẩu thả, những bản nhạc vô vị, những bản văn nhạt nhẽo và ít hài hoà với sự cao trọng của lễ nghi được cử hành”, hầu bảo đảm cho sự trang trọng và vẻ đẹp của âm nhạc trong phụng vụ.
Theo chiều hướng này, nhờ huấn quyền của thánh giáo hoàng Pi-ô X cùng các vị tiền nhiệm khác của tôi soi sáng, và dựa vào những lời tuyên bố của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, một lần nữa, tôi muốn đưa ra một số những nguyên tắc căn bản cho lãnh vực quan trọng này trong đời sống của Giáo hội, nhằm làm thế nào cho nền âm nhạc phụng vụ luôn luôn đáp ứng hơn nữa vai trò chuyên biệt của nó.
4. Tiếp theo những giáo huấn của thánh giáo hoàng Pi-ô X và của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, trước hết cần phải nhấn mạnh rằng nền âm nhạc được dùng trong những nghi lễ thánh, phải lấy sự thánh thiện làm điểm quy chiếu : “Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu”. Và rõ ràng chính vì lý do này, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Phao-lô VI, đã xác định một cách đầy khôn ngoan, khi diễn giải Sắc lệnh của Công Đồng Tren-tô : “tất cả những gì ở ngoài đền thờ đều không thích hợp để vượt qua ngưỡng đền thờ”. Và ngài đã xác định rõ rằng “nếu chúng ta không đồng thời có ý thức về sự cầu nguyện, sự trang nghiêm, sự trang trọng và vẻ đẹp, thì âm nhạc, khí nhạc và thanh nhạc sẽ tự cầm chân không thể bước vào lãnh vực của sự thánh thiêng và tôn giáo được”. Mặt khác, chính loại “thánh nhạc” ngày nay đã bị “nới rộng ý nghĩa đến nỗi phải bao gồm những bản nhạc không thể được đưa vào cho sử dụng trong buổi cử hành mà không vi phạm tinh thần và những qui tắc mực của chính Phụng Vụ.
Cuộc cải cách do thánh giáo hoàng Pi-ô X thực hiện đặc biệt nhằm thanh lọc nhạc nhà thờ cho khỏi lây nhiễm âm nhạc thế tục và kịch trường. Loại âm nhạc này tại nhiều nước đã làm vẩn đục danh mục các bài ca và cung cách hát xướng phụng vụ. Vào thời đại chúng ta cũng thế, phải chăm chú cứu xét, như tôi đã nêu bật trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, là mọi diễn đạt của các nền nghệ thuật tượng hình và âm nhạc không đủ khả năng “diễn tả cách thích đáng Mầu nhiệm đã được Giáo hội đón nhận với lòng tin đầy tràn”. Do đó, tất cả mọi hình thức âm nhạc không thể được coi là thích hợp cho các buổi cử hành phụng vụ.
5. Một nguyên tắc khác đã được thánh giáo hoàng Pi-ô X đưa ra trong Tự sắc Tra le sollecitudini kết hợp mật thiết với nguyên tắc trước là vẻ đẹp của hình thể. Không thể có âm nhạc dành cho việc cử hành những nghi lễ thánh mà trước hết đó không phải là “một nghệ thuật đích thực”, có khả năng đạt được sự hữu hiệu “mà Giáo hội muốn có, khi đón nhận nghệ thuật các âm thanh vào trong phụng vụ của mình”.
Tuy nhiên, đặc tính này không tự đủ cho chính mình. Quả thật, âm nhạc phụng vụ phải đáp ứng những đòi hỏi cốt yếu và chuyên biệt của phụng vụ; nó phải dính liền với những bản văn mà âm nhạc muốn trình bày, phải hoà hợp với mùa và thời khắc phụng vụ mà âm nhạc được dành cho, lại tương ứng với những cử chỉ mà nghi thức đề ra. Thực vậy, những thời khắc phụng vụ khác nhau đòi hỏi một hình thể âm nhạc riêng, có khả năng làm xuất hiện lần lượt bản chất riêng của từng nghi thức rõ rệt, khi thì công bố những kỳ công của Thiên Chúa, khi thì biểu lộ những tâm tình ngợi khen, cầu khẩn hay cả buồn sầu nữa, vì kinh nghiệm những nỗi khổ đau của con người, nhưng nhờ đức tin, vẫn một lòng trông cậy.
VỊ TRÍ ĐẶC THÙ CỦA NHẠC BÌNH CA
6. Ca hát và âm nhạc do cuộc canh tân phụng vụ đòi hỏi - nên lưu ý điều đó - cũng phải đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của việc thích nghi và hội nhập văn hoá. Nhưng hiển nhiên là mọi đổi mới trong vấn đề tế nhị này phải tôn trọng những tiêu chuẩn đặc thù, như tìm kiếm những cách diễn tả âm nhạc có khả năng đưa cả cộng đoàn tham gia vào việc cử hành, và dồng thời tránh mọi thú đầu hàng trước sự nông nổi và hời hợt. Đàng khác, phải hết sức tránh những hình thức “hội nhập văn hoá” quá chọn lọc. Những hình thức này đưa vào phụng vụ những sáng tác cổ xưa cũng như đuơng đại có khi có một giá trị nghệ thuật, nhưng lại thích dùng một thứ ngôn ngữ khó hiểu đối với phần đông dân chúng.
Về điểm này, thánh giáo hoàng Pi-ô X dùng từ “phổ cập” (universalitas) để chỉ một đòi hỏi khác của âm nhạc dành cho việc thờ phượng : “… Tuy Giáo hội cho phép mỗi dân tộc được đưa những hình thức đặc thù tạo nên đặc tính âm nhạc riêng của dân tộc mình vào các sáng tác nhạc Giáo hội, nhưng những hình thức này phải tùy thuộc những đặc tính chung của thánh nhạc, khiến không một dân tộc nào nghe mà có cảm giác là âm nhạc đó không ra gì”. Nói cách khác, khung cảnh thánh thiêng của buổi cử hành phụng vu, không bao giờ được trở thành một phòng thí nghiệm, hay một nơi để thử những sáng tác hay biểu diễn mà không được kiểm tra kỹ lưỡng…
7. Trong số những biểu hiện âm nhạc có khả năng đáp ứng tốt hơn cả những đòi hỏi phải có, theo khái niệm thánh nhạc, đặc biệt nhạc phụng vụ, thì bình ca chiếm một vị trí đặc biệt. Công Đồng Va-ti-ca-nô II nhìn nhận “bình ca là loại hát riêng của phụng vụ Rô-ma”. Vì thế, phải dành chỗ nhất cho bình ca, trong những hoạt động phụng vụ có ca hát, được cử hành bằng tiếng La-tinh. Thánh Pi-ô X lưu ý Giáo hội đã “thừa hưởng bình ca từ các giáo phụ xưa kia” như thế nào, đã “nghiêm cẩn giữ gìn trải qua các thế kỷ trong các sách phụng vụ của mình” và “luôn luôn giới thiệu với các tín hữu” như là của mình, khi coi đó “ như kiểu mẫu tuyệt vời của thánh nhạc”.Ngày nay cũng còn như thế, bình ca tiếp tục là một yếu tố hiệp nhất trong phụng vụ Rô-ma.
Như thánh Pi-ô X trước kia, chính Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng nhìn nhận rằng “các loại thánh nhạc khác, và đặc biệt nhạc đa âm, không hề bị loại trừ khỏi các buổi cử hành phụng vụ”. Vậy, phải làm một cuộc lượng giá nghiêm chỉnh các ngôn ngữ âm nhạc mới, để xem có thể dùng những ngôn ngữ đó mà diễn tả những sự phong phú khôn lường của mầu nhiệm được tái giới thiệu trong phụng vụ, hầu cổ võ tín hữu tích cực tham gia các buổi cử hành.
8. Tầm quan trọng của việc duy trì và gia tăng gia sản ngàn đời của Giáo hội dẫn đưa chúng ta tới chỗ phải hết sức quan tâm đến huấn dụ đặc biệt của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh “Phải lưu tâm phát triển các ca đoàn, nhất là tại các nhà thờ chính toà”. Rồi sau đó, Huấn thị Musicam sacram xác định vai trò thừa tác của ca đoàn : “Ca đoàn hoặc ban hát nhà nguyện hay nhóm ca viên đáng được lưu tâm đặc biệt, vì công tác phụng vụ họ đảm đưong. Theo các tiêu chuẩn của Công đồng liên quan đến công cuộc cải cách phụng vụ, nhiệm vụ của ca đoàn lại còn trở nên rõ rệt và quan trọng hơn. Thật vậy, ca đoàn phải lo hát đúng các phần riêng của mình, tùy theo thể loại các bài ca, và cổ võ cho tín hữu tích cực tham gia vào việcca hát. Lại cũng phải có một ca đoàn, một nhóm hát trong nhà thờ hay một nhóm ca viên tuyển lựa, và hết sức cổ động cho có như thế, đặc biệt trong các nhà thờ chính toà và các nhà thờ quan trong khác, trong các chủng viện và học viện dòng tu”. Nhiệm vụ của nhóm này đã không suy giảm. Thật vậy, họ đóng vai trò lãnh đạo và nâng đỡ cộng đoạn và đôi lúc trong phụng vụ, họ có vai trò riêng và đặc biệt. Từ sự phối hợp hài hòa của mọi thành phần - linh mục chủ tế và phó tế, các thừa tác viên, các em giúp lễ, những người đọc sách, các nhạc sĩ, ca viên chính, cộng đoàn- phát ra một bài ca thiêng liêng chính xác làm cho buổi cử hành phụng vụ thật sâu lắng, được mọi người chia sẻ và đạt kết quả. Vậy, về mặt âm nhạc trong các buổi cử hành phụng vụ, không thể để cho mỗi người tùy hứng và tự do thao túng, mà phải giao cho một ban chỉ huy được bàn soạn kỹ càng, biết tôn trọng kỷ luật và có khả năng. Đó là kết quả đầy ý nghĩa do việc huấn luyện phụng vụ thích hợp.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN ÂM NHẠC
9. Vậy, người ta cũng nhận thấy trong lãnh vực phụng vụ này, sự cần thiết phải phát động một nền huấn luyện vững chắc cho cả mục tử lẫn tín hữu. Thánh Pi-ô X đặc biệt nhấn mạnh đến việc huấn luyện âm nhạc cho các giáo sĩ. Theo hướng đó, Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng nhắc nhở : “Phải hết sức chú trọng đến việc giảng dạy và thực hành âm nhạc trong các chủng viện, các tập viện nam nữ tu sĩ, các học viện và cả trong các tổ chức cũng như học đường Công giáo khác”. Chỉ dẫn này còn chờ để được mang ra thực hành đầy đủ. Tôi nghĩ là nên nhắc lại điều đó để các mục tử tương lai có thể tạo được một sự nhạy cảm xứng hợp trong lãnh vực này.
Trong việc huấn luyện, các trường thánh nhạc giữ một vai trò đặc biệt. Thánh Pi-ô X khuyến khích duy trì và cổ võ những trường đó; Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng khuyên nên thành lập ở nào có thể. Một kết quả cụ thể trong công cuộc cải tổ của thánh Pi-ô X là việc thành lập tại Rô-ma, năm 1911, tám năm sau Tự Sắc Tra le sollecitudini, “Trường Giáo Hoàng Cao Đẳng Thánh Nhạc” sau trrở thành “Viện Giáo Hoàng Thánh Nhạc ” Bên cạnh viện hàn lâm gần một trăm năm đã giúp ích và vẫn còn tiếp tục giúp ích đắc lực cho Giáo hội, còn có uhiều Trường khác được thành lập tại các Giáo hội địa phương. Những trường này đáng được nâng đỡ và củng cố, nhằm giúp người ta hiểu biết và cử hành loại nhạc phụng vụ đích thực cho luôn tốt đẹp hơn.
10 Vì Giáo hội đã luôn luôn nhìn nhận và ủng hộ sự tiến bộ của các nghệ thuật, bởi thế không nên ngạc nhiên là ngoài bình ca và nhạc đa âm, Giáo hội cũng chấp nhận trong các buổi cử hành, cả nhạc hiện đại nhất, miễn là nhạc đó tôn trọng tinh thần phụng vụ và những giá trị khác của nghệ thuật.
Vậy, các Giáo hội trong các quốc gia khác nhau, được phép sử dụng, trong những sáng tác dành cho việc thờ phượng, “các hình thể đặc thù, một cách nào đó, làm nên đặc tính âm nhạc riêng của mình”. Trong đường hướng của vị thánh tiển nhiệm của tôi và theo những gì đã được ấn định gần đây hơn, qua Hiến Chế Sacrosanctum Concililium, chính tôi, trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, cũng đã muốn dành một chỗ cho những đóng góp âm nhạc mới, khi nhắc tới, bên cạnh những giai điệu bình ca được linh hứng, “ nhiều tác giả, và thường là những tác giả lớn, đang ra sức (làm nhạc) với các bản văn phụng vụ trong Thánh Lễ”.
11. Cùng với cuộc canh tân được thực hiện do Công Đồng Va-ti-ca-nô II, thế kỷ trước đã chứng kiến một sự phát triển đặc biệt của thánh ca bình dân tôn giáo. Về điểm này, Hiến Chế Sacrosanctum nói như sau : “Thánh ca bình dân tôn giáo phải được ủng hộ cách khôn ngoan, để trong các việc đạo đức cũng như trong chính các hoạt động phụng vụ”, tiếng tín hữu có thể vang lên.” Loại hát này xem ra như đặc biệt thích hợp cho các tín hữu tham dự, không những các việc sùng kính, “theo các quy tắc và chỉ thị của chữ đỏ”, mà còn chính Phụng vụ nữa.
Thật vậy, thánh ca bình dân tạo nên “một mối dây hiệp nhất và một sự diễn tả vui mừng của cộng đồng cầu nguyện; nó phát động việc công bố một đức tin duy nhất và tạo cho các cộng đồng phụng vụ lớn. một sự trang trọng khôn sánh và tĩnh mạc”.
CÁC NHÀ SÁNG TÁC THẤM NHUẦN Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM
12. Về điều liên quan đến việc sáng tác nhạc phụng vụ, tôi xin lấy làm của mình “định luật tổng quát” mà thánh Pi-ô X đã đặt thành công thức trong những lời như sau : “Đối với Giáo hội, một sáng tác càng thánh thiêng và càng mang tính phụng vu, khi càng gần với bình ca về nhịp điệu, cảm hứng và phong cách; và khi người ta càng nhận thấy nó không phù hợp với mẫu mực tiêu biểu này, thì nó lại càng ít xứng đáng với nhà thờ”. Tất nhiên, vần đề không phải là chép lại bình ca, nhưng đúng hơn là làm thế nào để các sáng tác mới thấm nhuần cùng một tinh thần đã khơi gợi và dần dần định hình cho loại nhạc này. Duy chỉ nghệ sĩ nào thấm nhuần sâu xa sensus Ecclesiae (cảm thức Giáo hội) mới có thể cảm nghiệm và diễn tả được trong một giai điệu, chân lý của Mầu nhiệm cử hành trong Phụng Vụ. Theo hướng dó, tôi đã viết trong Bức thư gởi cho các nghệ sĩ : “Biết bao sáng tác thánh thiêng đã được soạn thảo, trải qua các thế kỷ, do những người thấm nhuần sâu xa ý nghĩa của mầu nhiệm ! Vô số tín hữu đã nuôi dưỡng đức tin của mình nhờ những giai điệu trào ra từ trái tim của các tín hữu khác. Những giai điệu này đã trở nên thành phần hoàn chỉnh của phụng vụ, hay ít ra cũng góp phần đáng kể vào việc cử hành trang trọng. Qua điệu hát, đức tin được thử nghiệm như tiếng kêu vang của niềm vui và tình yêu, như một sự tín nhiệm đợi chờ cuộc can thiệp cứu độ của Thiên Chúa”.
Một cuộc cứu xét mới mẻ và sâu sắc hơn các nguyên tắc làm nền tảng cho việc huấn luyện và phổ biến một danh mục các bài ca chất lượng, là cần thiết vậy. Chỉ như thế, người ta mới sẽ có thể cho phép các biểu hiện của âm nhạc phục vụ cách thích đáng mục đích tối hậu của nó là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các tín hữu”.
Tôi biết rõ là cả ngày nay cũng không thiếu những nhà sáng tác có khả năng cống hiến, trong tinh thần này, phần đóng góp cần thiết và sự hợp tác sở trường của họ, để tăng cường gia sản âm nhạc, nhằm phục vụ một nền Phụng vụ được sống luôn luôn mãnh liệt hơn. Tôi bày tỏ với họ tất cả lòng tin nhiệm của tôi, và rất chân thành khuyến khích họ nên hết sức nỗ lực để tăng thêm ca mục bằng những sáng tác xứng với sự cao cả của các mầu nhiệm được cử hành, và đồng thời thích hợp với cảm quan của người thời đại.
13. Cuối cùng tôi còn muốn nhắc lại điều thánh Pio X đã quyết định trên phương diện thực hành để yểm trợ việc áp dụng thiết thực những chỉ dẫn đã được ban hành trong Tự Sắc Motu proprio. Khi ngỏ lời với các giám mục, ngài đã truyền phải thành lập trong giáo phận của các vị “một ủy ban riêng gồm những người thật sở trường trong lãnh vực thánh nhạc”. Nơi nào quyết định giáo hoàng được thực thi, nới đó không thiếu kết quả. Hiện nay, có rất nhiều Uỷ ban quốc gia, giáo phận, và liên giáo phận. Những Uy ban này cống hiến phần đóng góp quý giá của họ trong việc chuẩn bị những bản ca mục tại địa phương, Họ tìm cách làm một cuộc phân định liên quan đến phẩm chất của các bản văn và các bản nhạc. Tôi ước mong các giám mục tiếp tục trợ giúp cho các nỗ lực của các Ủy ban này và yểm trợ cho hiệu năng củu họ trong lãnh vực mục vụ.
Nhờ kinh nghiệm chín muồi trong những năm gần đây soi dẫn, nhằm bảo đảm tốt hơn việc chu toàn nhiệm vụ quan trọng quy định và phát động Phụng vụ thánh, tôi yêu cầu Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích, tăng cường sự quan tâm của mình, theo các mục đích liên hệ, trong địa hạt nhạc phụng vụ, bằng cách sử dụng những sở trường của các Ủy ban, các Viện chuyên ngành trong lãnh vực này, cũng như sự đóng góp của Viện Giáo hoàng Thánh Nhạc. Thực vậy, điều quan trọng là các sáng tác âm nhạc được sử dụng trong những cuộc cử hành phụng vụ, phải đáp ứng những tiêu chuẩn đã được thánh giáo hoàng Pi-ô X quy định đúng thời và đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II, và Huấn quyền Giáo hội liên tiếp khai triển một cách khôn ngoan. Trong viễn tượng này, tôi tin tưởng các Hội Đồng Giám mục cũng sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra chăm chú các bản văn dành cho các bài hát phụng vụ và sẽ lưu ý đặc biệt đến việc đánh giá cũng như cổ võ những cung điệu thực sự thích hợp để dùng trong phụng vụ.
ƯU VỊ CỦA ĐÀN ỐNG
14. Luôn luôn trên bình diện thực hành, Tự Sắc Motu proprio mà chúng ta mừng kỷ niệm bách chu niên, cũng bàn đến vấn đề các nhạc cụ dùng trong Phụng Vụ la-tinh. Trong những nhạc cụ này, thánh giáo hoàng đã không ngần ngại nhìn nhận ưu vị của đàn ống và đặt ra cho nó những quy tắc thích hợp. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã hoàn toàn đón nhận định hướng của vị thánh giáo hoàng tiền nhiệm của tôi, khi quy định rằng : “Trong Giáo hội la-tinh, phải hết sức quí trọng đàn ống và coi đó như nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể tăng thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho các lễ nghi của Giáo hội và mạnh mẽ nâng các tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và các sự trên trời”.
Nhưng phải ghi nhận sự kiện này là các sáng tác hiện thời thường dùng những hình thể âm nhạc khác nhau mà không thiếu phần trang trọng. Chừng nào những sáng tác đó là một trợ lực cho việc cầu nguyện của Giáo hội, chừng đó chúng có thể được coi như một sự phong phú quý giá. Tuy nhiên cần phải lo sao cho các nhạc khí thích hợp với công dụng thánh thiêng và xứng hợp với vẻ trang trọng của đền thờ, đồng thời có khả năng nâng đỡ cũng như yểm trợ tiếng hát của các tín hữu.
15. Tôi ước mong rằng nhờ lời chuyển cầu của thánh Pio X, Tác giả Motu proprio, cũng như của thánh Xê-xi-li-a, bổn mạng của thánh nhạc, lễ kỷ niệm bách chu niên Tự Sắc Tra le sollecitudini sẽ khích lệ và thúc đẩy tất cả những ai quan tâm đến phía cạnh này trong những buổi cử hành phụng vụ. Những người yêu mến thánh nhạc, khi dấn thân với một đà xung phong được đổi mới vào khu vục có tầm quan trọng sinh tử như thế, sẽ góp phần làm cho đời sống thiêng liêng của Dân Thiên Chúa nên trưởng thành. Về phần mình, các tín hữu, khi diễn tả đức tin cách hài hoà và long trọng qua tiếng hát, sẽ luôn luôn có một kinh nghiệm sâu sắc về sự phong phú của thánh nhạc và sẽ cố diễn tả các kích động của nó trong cách ăn ở trong đời sống hàng ngày. Như thế, nhờ sự dấn thân hài hoà của các mục tử tâm hồn, các nhạc sĩ và các tín hữu, người ta có thể đạt tới điều mà Hiến Chế Sacrosanctum Concilium bình luận là “mục đích thật của thánh nhạc”, nghĩa là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các tín hữu”.
Ước gì Mẹ Ma-ri-a cũng trở thành một tấm gương, một kiểu mẫu cho chúng ta trong lãnh vực đó. Mẹ là Đấng đã biết hát kinh Magnificat cách độc đáo, những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử loài người. Cùng với ước mong này, tôi thân ái ban Phúc Lành của tôi cho tất cả mọi người.
Làm tại Rô-ma, gần Đền Thánh Phê-rô, Ngày 22- 11- 2003, nhằm lễ kính thánh nữ Xê-xi-li-a, Năm thứ 26 triều đại giáo hoàng của tôi. Gio-an Phao-lô II
(Hữu Nghị và Đỗ xuân Quế dịch bài “La musique sacrée au service de la Liturgie et du peuple de Dieu, trong Documentation catholique, số 2306 ra ngày 18.1.2004 trang 57-62)
https://drive.google.com/open?id=1dHNlxAVLTT9vwOEXuSIa_bUmr_sUkBDg
Tags:
Âm nhạc