Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua
WHĐ (24.10.2010) - Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa nhận được Bài viết “Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua”do Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi đến. Đây là công trình nghiên cứu của Ủy ban Thánh nhạc trong dịp mừng Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.
Bài viết được tiến hành theo ba bước: nhìn lại, nhận định và đề xuất định hướng cho tương lai; và qua nhiều lần góp ý, đã được quý cha Trưởng Ban Thánh Nhạc các giáo phận, cũng như quý cha phụ trách Thánh Nhạc các Đại chủng viện và nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, nhạc sĩ, ca trưởng… góp ý xây dựng và hoàn chỉnh. Bài viết này đã được Đại Hội Thánh Nhạc toàn quốc (Hội thảo lần thứ 27) thông qua ngày 12-10-2010. [Lời ngỏ của Tập tài liệu].
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.
***
LỜI MỞ ĐẦU
A. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ
I. THEO DÒNG CHẢY CỦA HỘI THÁNH TOÀN CẦU
1. Đức Grê-go-ri-ô Cả (Gregorio Cả, 03.9.590 - 12.3.604) và cuộc canh tân của người:
2. Cuộc tranh luận tại Công đồng Tren-tô ( Trento , 1545-1563):
3. Đức Pi-ô X (Pio X, 09.8.1903 - 20.8.1914) và tự sắc Tra le Sollecitudini - Tự sắc quy luật thánh nhạc
4. Công đồng Va-ti-ca-nô II (Vatican II, 1962-1965)
II. SỰ TIẾP NHẬN CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM
1. Giai đoạn khởi đầu
2. Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt
a/ Các Nhạc đoàn đầu tiên.
b/ Các nhóm nhạc sĩ
c/ Các nhạc sĩ độc lập
3. Sau năm 1954
a/ Tại miền Bắc
b/ Tại miền Nam
4. Sau năm 1975
a/ Vấn đề bị bỏ ngỏ
b/ Những đóng góp đáng ghi nhận
c/ Chung lời ngợi ca
d/ Nhạc Taizé
5. Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc HĐGMVN
a/ Nội san Hương Trầm
b/ Những cuộc vận động sáng tác
c/ Câu lạc bộ những người sáng tác thánh ca
d/ Tuyển tập thánh ca
6. Ca đoàn
7. Ấn phẩm
8. Huấn luyện
B. NHẬN ĐỊNH
C. NHÌN ĐẾN TƯƠNG LAI
D. HƯỚNG VỀ NĂM THÁNH 2010
E. KẾT LUẬN
***
LỜI MỞ ĐẦU
Trước hết và trên hết, đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Bởi đó, để có đức tin, thêm đức tin và giữ vững đức tin, ta phải luôn dâng lời cầu nguyện lên Người.
Đáp lời Chúa dạy phải “cầu nguyện luôn” (Lc 18,1-8) và để xin Chúa “nâng đỡ lòng tin kém cỏi của ta” (Mt 9,2), Hội Thánh luôn nêu gương và khuyến giục con cái của mình quy tụ cầu nguyện (Cv 2,42), lên đền thờ cầu nguyện (Cv 3,1), đồng thanh nhất trí cầu nguyện (Cv 4,24-26). Vì thế, châm ngôn “Lex orandi, lex credendi” (luật cầu nguyện là luật của đức tin) đã trở thành định ước.
Trong những buổi cầu nguyện chung (mà sau này trở thành việc cử hành phụng vụ),âm nhạc luôn có một vị thế quan trọng: Chính Chúa Giê-su đã từng hát thánh vịnh (Mt 26,30), cộng đoàn Ki-tô giáo đầu tiên vẫn duy trì việc hát thánh vịnh của Do Thái giáo trước khi cử hành lễ Bẻ Bánh (Cv 2,42-47).
Hội Thánh xác nhận rằng: Nhờ âm nhạc, “lời kinh được diễn tả cách thâm sâu hơn” (Huấn thị thánh nhạc trong phụng vụ, số 5), âm nhạc giúp “phát triển lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium - Hiến chế Phụng vụ - do Công đồng Vatican II ban hành ngày 04.12.1963, số 112) để “tất cả mọi người có thể ca tụng, cầu nguyện một Chúa duy nhất nhưng Ba Ngôi cách mạnh mẽ và hiệu nghiệm hơn” (Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, số 28).Đức Pi-ô XII đã viết: “Nhờ thánh nhạc, vinh dự mà Hội Thánh kết hợp với Đức Ki-tô là vị thủ lãnh của mình, dâng lên Thiên Chúa, sẽ lớn lao hơn; tín hữu nhờ thánh ca lôi cuốn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn” (Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, số 29). Người cũng nhắc lại tư tưởng của thánh Âu Tinh (Augustino):“Tôi cảm thấy rằng, lời kinh được hát lên với một giọng hát trong trẻo theo một giai điệu du dương, chính những lời thánh nung nấu lòng đạo đức của tâm hồn chúng ta, sẽ làm tăng thêm niềm thành kính và lòng sốt sắng của chúng ta hơn”.Vì thế, ngay từ ngày xưa, câu “Qui bene cantat, bis orat” (Ai hát hay là cầu nguyện hai lần) đã trở thành ngạn ngữ.
A. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ
I. THEO DÒNG CHẢY CỦA HỘI THÁNH TOÀN CẦU
Như đã nói ở trên, ngay từ thời các thánh tông đồ, âm nhạc luôn được sử dụng trong những buổi cầu nguyện. Chính thánh Phao-lô đã cùng với Xi-la hát thánh ca cầu nguyện ngay trong ngục (Cv 16,25). Thánh Phao-lô đã từng khuyến dụ các tín hữu Ê-phê-xô: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19). Người cũng viết cho các tín hữu Cô-lô-xê: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16c).
Những bài ca được thánh Gio-an ghi lại trong sách Khải Huyền chắc chắn đã được hình thành và sử dụng trong các buổi cử hành phụng vụ (Kh 4,11; 5,9-10.12-14; 11,17-18…), nhất là bài ca Hôn lễ Chiên Con (Kh 19,1-3.5-8) với tiếng “Al-lê-lu-ia” được lặp lại ở đầu và ở cuối mỗi đoạn, đó là một sáng kiến để mọi người có thể tham dự việc ca hát. Khi Hội Thánh càng lan rộng, việc đưa âm nhạc vào trong các lễ nghi càng mang nhiều sắc thái khác nhau. Vì chưa có những quy định chung nên mang tính cách tự phát và đôi khi có những sai trái. Vì thế, thánh Giút-ti-nô (Justino) đã phải lên tiếng nhắc nhở: “Nhạc có mục đích hoàn thiện và làm đẹp thêm những phẩm hạnh của con người, nhưng phải loại bỏ những thứ nhạc quá phù phiếm, làm hại tâm hồn và khơi dậy những tình cảm bi ai, dâm đãng… đem tới những khát vọng bất chính…” (“Stronata”, quyển VI, chương XI). Xác định giá trị của âm nhạc nên giáo phụ Ô-ri-gien (Origène)không ngần ngại khuyến dụ các tín hữu dùng những bài ngợi ca, các ca khúc, các thánh vịnh để chống lại những kẻ thù đức tin, để có thể chiến thắng trong Đức Ki-tô (Patrology Greque, quyển XII). Thánh Âu Tinh cho biết thánh Am-brô-xi-ô (Ambrosio) đã sáng tác những bài ngợi ca và chỉ dạy cách hát thánh vịnh trong các lễ nghi phụng vụ, khiến dân chúng luôn thích thú tham dự cách tích cực (“Tự thuật”, quyển IX, chương VII).
1. Đức Grê-go-ri-ô Cả (Gregorio Cả, 03.9.590 - 12.3.604) và cuộc canh tân của người
Sau khi lên ngôi Giáo hoàng, người thấy cần phải thống nhất nhạc phụng vụ cho toàn thể Hội Thánh. Với sự trợ giúp của các chuyên viên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người đã cho phổ biến một cuốn “Antiphona” (đối ca) gồm những bài hát mà toàn thể Hội Thánh phải sử dụng trong các lễ nghi phụng vụ. Đồng thời, người cũng cho thiết lập tại Rô-ma một “Schola cantorum” (trường dạy hát) để chỉ dạy cách hát những bài hát trên.
Âm nhạc dùng trong tuyển tập nêu trên được mệnh danh là “bình ca” (cantus planus), và sau này còn được gọi là “ca điệu Grê-go-ri-ô”, để tôn vinh vị khai sinh ra nó.
Tuy bị chỉ trích lúc ban đầu từ bên trong tới bên ngoài, nhưng lối hát hợp tâm tình và tạo bầu khí trang nghiêm thích hợp phụng vụ đã dần dần gây ảnh hưởng và được chấp nhận khắp nơi qua nhiều thế kỷ.
Có thể ghi nhận một vài nét đặc trưng của bình ca như sau:
- Xây dựng giai điệu trên một phách cơ bản, nên một vần trong một chữ của bản văn La Tinh đều có một thời gian tối thiểu để phát âm, giúp người nghe lãnh hội được.
- Hình thành các âm theo độ dài ngắn của bản văn. Không lệ thuộc luật cân phương hay cân đối của nhiều loại nhạc thời đó.
- Toàn bài xây dựng theo một tổng thể duy nhất, được hình thành theo ý nghĩa của bản văn, theo đúng vai trò và vị trí của từng chữ trong câu, từng dấu nhấn trong mỗi chữ.
Chính vì thế, bình ca được coi là bản dịch của bản văn, vì nhờ âm nhạc, ý nghĩa của lời ca được chuyển tải tới người nghe cách thâm sâu hơn.
Trong Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, Đức Pi-ô XII đã ghi nhận: “Sự thánh thiện là biểu hiện rực rỡ nhất của thánh ca Grê-go-ri-ô, từng được sử dụng trong Hội Thánh từ bao thế kỷ, và người ta có thể gọi đó là sản nghiệp của Hội Thánh. Quả thật, bởi các giai điệu của loại thánh ca này mật thiết hoà hợp với bản văn thánh, nên chẳng những ăn khớp với các ngôn từ cách chặt chẽ, mà còn giống như một bản dịch ý nghĩa và dẫn giải, đồng thời làm cho vẻ hấp dẫn của ngôn từ thâm nhập tâm hồn các thính giả” (số 41).
2. Cuộc tranh luận tại Công đồng Tren-tô ( Trento , 1545-1563)
Với việc hình thành nhạc đa âm ở thế kỷ XVI, nhiều bài thánh ca đa âm được đưa vào phụng vụ, các nghị phụ tại Công đồng - đặc biệt ở khoá XXII và XXIII - đã đặt vấn đề và tranh luận gay gắt. Công đồng quyết định trao lại công việc cho một uỷ ban đặc biệt nghiên cứu và thẩm xét.
Uỷ ban đặc biệt này đã cùng nhiều vị hồng y nghe một số bài thánh ca đa âm đặc biệt của Giô-van-ni đa Pa-lét-tri-na (Giovanni da Palestrina, 1525-1594) tại nguyện đường Xít- tin (Sixtine),đã thấy đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ, với hai điều kiện được quy định:
- Nhạc phải được khởi hứng từ thánh ca phụng vụ, nếu khởi hứng từ nhạc trần tục thì không được dùng trong các cử hành phụng vụ.
- Nhạc đa âm muốn dùng trong phụng vụ phải giúp nghe rõ được bản văn phụng vụ.
Những năm tháng kế tiếp, do sự lạm dụng và phát triển nhạc đa âm thái quá, sự náo nức chạy theo những thể loại nhạc trần tục, sự thay đổi của thời thế… đã khiến thánh nhạc lần lần suy thoái. Nhiều vị giáo hoàng như Urbano VIII, Alexandro VII, Benedicto XIV… cũng như nhiều công đồng ở những nơi khác nhau phải lên tiếng cảnh tỉnh. Choron đã nhận xét: “Trong các nhà thờ, nhạc không còn giữ được chút phẩm chất gì phù hợp với mục đích thánh thiện của nó”. Thực vậy, nếu nghe một bài hát nào được trình tấu ở bất cứ nhà thờ nào (nhà nguyện của một vị lãnh chúa, nhà thờ chính toà hay ở các giáo xứ) đem so sánh với bài hát được ca diễn trong các hội quán hay nhà hát, thì ta không thể nhận ra sự khác biệt nào dù rất nhỏ nhoi. Cả hai cùng có chung một cơ cấu kỹ thuật, một tác dụng, một đặc tính, một biểu hiệu của khoái cảm hay đê mê. Có thể nói, các bộ lễ, thánh vịnh, ca khúc của chúng ta không khác các “Operas latannisés” - (André Pons. Droit ecclésiastique et Musique sacrée, quyển I, trang 18). Bởi đó, khắp nơi trông chờ một cuộc canh tân.
3. Đức Pi-ô X (Pio X, 09.8.1903 - 20.8.1914) và tự sắc Tra le Sollecitudini - Tự sắc quy luật thánh nhạc
Ngay khi lên ngôi giáo hoàng, người đã ban hành tự sắc này (22.11.1903) để canh tân nền thánh nhạc. Người xác định mục đích của thánh nhạc chung với mục đích của phụng vụ là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tín hữu”. Đồng thời nêu ra ba đặc tính mà thánh nhạc phải có để đạt mục đích trên: tính thánh thiện, tính nghệ thuật và tính phổ quát.
Với sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, Đức Pi-ô X muốn và hướng dẫn toàn thể Hội Thánh trở về cội nguồn đích thực: Một thứ bình ca thuần khiết, hoàn chỉnh và những bài đa âm đáp ứng đúng những đòi hỏi của phụng vụ. Cuộc canh tân của người được khắp nơi đón nhận nhiệt tình và được các đấng kế vị hoàn chỉnh. Đặc biệt, Đức Pi-ô XII (12.3.1939 - 09.10.1958) với Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina (Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, ban ngày 25.12.1955), và Huấn thị thánh nhạc được Thánh bộ lễ nghi ban hành ngày 03.9.1958, đã soi sáng và hướng dẫn chi tiết để khắp nơi tuân hành và làm cho thánh nhạc thăng tiến.
Chính trong triều đại của người, ta thấy được một hình thức thánh ca mới được đề cập tới là “dân ca tôn giáo” (hay thánh ca bình dân). Đó là bài ca bộc phát do cảm hứng mộ đạo mà chính tạo hoá đã phú bẩm cho con người. Do đó, nó có tính phổ quát khi trổ bông giữa mọi dân tộc. Khi bài ca nào đặc biệt thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo trong đời sống tư nhân và xã hội của các tín hữu, thì từ ngày xưa đã được tuyên dương trong Hội Thánh, và ở thời đại chúng ta, nó cũng có thể được tiến cử để kích động lòng sốt sắng của giáo dân. Để gia tăng các việc đạo đức, đôi khi nó được thừa nhận cả trong việc cử hành phụng vụ (Huấn thị thánh nhạc, số 9).
4. Công đồng Va-ti-ca-nô II (Vatican II, 1962-1965)
Hiến chế phụng vụ cho phép dùng thường ngữ trong phụng vụ và dành riêng chương VI để nói về thánh nhạc, đã hướng thánh nhạc về một chân trời mới: Vẫn đề cao bình ca, nhưng hướng dẫn một Hội Thánh địa phương hình thành một nền thánh nhạc cá biệt. Khắp nơi nô nức tuân hành và được Hội đồng thực thi Hiến chế phụng vụ chỉ đạo qua Huấn thị Musicam Sacram, do Thánh bộ phụng tự ban hành ngày 05.3.1967.
Mỗi Hội Thánh địa phương với ngôn ngữ riêng, biết dần dần xây dựng một nền thánh nhạc riêng, với những tiêu chí chung của Hội Thánh toàn cầu.
II. SỰ TIẾP NHẬN CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM
Khi Tin mừng được truyền giảng ở Việt Nam . Hội Thánh toàn cầu đang trong giai đoạn sử dụng bình ca trong phụng vụ, nên chắc chắn các vị thừa sai đầu tiên cũng phải thể hiện theo quy định chung, nên không một văn kiện nào ghi lại nét đặc trưng của nó.
1. Giai đoạn khởi đầu
Hiển nhiên, trong thời kỳ này, các vị thừa sai khi cử hành các lễ nghi Phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, phải dùng tiếng La tinh, và nếu hát thì phải sử dụng Bình ca theo qui định chung toàn Hội Thánh.
Để giúp giáo dân có thể hiểu đôi chút về phụng vụ thánh lễ, ta thấy xuất hiện hình thức dẫn lễ, ngắm lễ… Dẫn lễ do một người gợi ý một vài tâm tình cần có để thông hiệp với Chủ tế. Còn ngắm lễ do một nhóm người cùng đọc, theo cung điệu đã được dọn sẵn. Như: Khi thầy cả mở khăn che chén…. Thì ta hãy nguyện rằng...
Tuy nhiên, để giáo dân thêm lòng sốt sáng, các vị thừa sai đã hình thành lần lần những hình thức “ngoại Phụng vụ” như các ca vãn, các kịch thánh, các buổi diễn nguyện theo Phụng vụ, nhất là trong Tuần Thánh… Ngắm “Mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giêsu”, “Giảng sự Thương khó Đức Chúa Giêsu (không có cử điệu kèm theo) ở ngoài Bắc, “lễ Đèn 1, 2, 3” (tuần Thánh), “Thiên thần bảo” (dịp Giáng Sinh) …. trong Nam là những bằng chứng cụ thể. Những hình thức trên đều được hình thành với cung điệu riêng biệt cho từng loại.
Các loại sách đạo đức như: Sách gương phúc, sách gương tội, sách tháng Đức Bà, sách tháng ông thánh Giuse, sách tháng các linh hồn… cũng đuợc phổ biến dần dần theo những cung điệu nhất định.
Ngoài ra, để tăng thêm lòng sốt sáng cho giáo dân, các CUNG KINH cũng được hình thành theo từng loại, theo từng Mùa Phụng Vụ. Đây là một kho tàng vô cùng phong phú đa dạng (theo từng miền, từng giáo phận)và rất đáng tôn trọng, đáng lưu truyền mà các nhà chuyên môn nên để tâm nghiên cứu và ghi lại.
Riêng ở ngoài Bắc, việc DÂNG HOA kính Đức Mẹ mỗi khi tháng Năm về là một cử hành không thể thiếu! Những bản văn khác nhau được hình thành, những cung điệu vô cùng phong phú được phổ biến khắp nơi với giá trị nghệ thuật rất cao và đượm thắm bản sắc dân tộc.
Không một tài liệu nào ghi lại cho biết các ban hát ở các họ đạo được thành lập từ bao giờ ! Việc hát tiếng La tinh chắc chắn chỉ được khởi đầu ở các Chủng Viện, các dòng tu…. Và vào những dịp đi nghỉ hè, nếu có vài ba thầy cùng đi một nơi thì cố gắng qui tụ để hát đôi ba bài trong lễ Chúa nhật, lễ trọng… lần lần giáo dân có thể học theo đáp những câu như: Amen, et cum spiritu tuo….
2. Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt
Khi các Bộ lễ, các bài Thánh ca hợp xướng được phổ biến, ta thấy những BÀI NGỢI CA (Hymnus) trước đây được hát theo Bình ca, cũng lần lần được xuất hiện theo tiết tấu phân nhịp, đặt biệt trong những buổi Chầu Thánh Thể như: O Salutaris…Tantum ergo… Từ hình thức này, ở một vài nước, những bài Thánh ca bằng tiếng bản quốc được tung ra thử nghiệm một cách không chính thức trong một số tác động Phụng Vụ, như: Nhập lễ, Dâng lễ, Hiệp lễ bằng cách cho một số người hát theo những gì Linh Mục vẫn cử hành trọn vẹn bằng tiếng La-tinh trên bàn thờ…. Gợi ý cho cộng đoàn hiểu đôi chút….để hiệp thông…..sau này gọi là Hát chầu lễ, hát đưa lễ. Huấn Dụ về Thánh Nhạc (1958)đã xếp những bài hát này vào loại DÂN CA TÔN GIÁO với định nghĩa: “là bài ca bộc phát do cảm hứng mộ đạo mà chính Tạo Hoá đã phú bẩm cho con người; do đó nó có tính phổ quát nghĩa là nó trổ bông giữa các dân tộc… nó đã được tuyên dương trong Giáo Hội, và ở thời đại chúng ta, nó cũng đã được tiến cử để kích động lòng sốt sắng của giáo dân và để gia tăng các việc mộ đạo; đôi khi nó còn được thừa nhận cả trong những cử hành Phụng Vụ nữa. (số 9 của Huấn Dụ)
Khi những bài hát loại này được các vị Thừa sai đem vào Việt Nam , nhiều nơi đã thích thú tiếp nhận sử dụng… và để mọi người cùng có thể hiểu và cùng hát, một vài vị đã khởi công dệt lời Việt. Công đầu phải kể tới hai vị:
- Cha Phaolồ QUI (Sàigòn), với những tập như: CA NGỢI ĐỨC BÀ MARIA (Imprimerie de la mission Tân Định - 1947) gồm 32 bài, lấy từ sách Breviarium, Benedictionnale và Hymni et Cantiones ( Hong Kong 1912) và đặt lời Việt. Tập CA NGỢI RẤT THÁNH TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU, chính ngài cho biết: Những bài ca về Trái Tim Đức Chúa Giêsu trong sách này, đã rút ra bởi những kinh Hội Thánh quen đọc, và lời ca ngợi trong tiếng Langsa (tiếng Pháp). Những ca ngợi ấy phần nhiều hơn là của cha Toma ĐOAN đã dịch ra, cũng có một ít của các cha ở Huế và của cha Phaolồ ĐẠT đã dịch ra nữa…(bài giới thiệu được viết ngày 1 tháng Mai (tháng 5) năm 1913 tại họ Cầu Bông - sách chúng tôi hiện có được in lại năm 1961)
- Cha già VƯỢNG ( Nam Định), với những tập như: BA MƯƠI BA BÀI HÁT MỪNG ĐỨC BÀ (1941), HAI MƯƠI BỐN BÀI HÁT các ngày LỄ TRỌNG QUANH NĂM (1940)… (Tất cả có đến 6 tập). Phần lớn những bài trong các tập của ngài được trích từ cuốn CANTIQUES DE LA JEUNESSE (hiện chúng tôi có ấn bản năm 1928) để đặt lời Việt. Cha Vượng đúng là một “hiện tượng” trong việc đặt lời Việt. Vào năm 1944, với số tuổi 70, cha đã viết lời ca vào mấy trăm bài hát ngoại quốc. Ngoài ra còn có thêm một số bài được sáng tác dựa theo một số làn điệu nhạc cổ truyền Việt Nam. Thời đó, các cha Dòng Chúa Cứu Thế hay tới các xứ mở tuần đại phúc, đi tới đâu các ngài cũng thu hút giới trẻ bằng các bài hát của cha Vượng.
a/ Các Nhạc đoàn đầu tiên
Với sự đón nhận nồng nhiệt của giáo dân đối với các bài ca, nhạc ngoại-lời Việt, các nhạc sĩ công giáo đã tự tìm hiểu và thử viết những bài thánh ca đầu tiên, để nâng đỡ và tiếp sức cho nhau, các vị tự qui tụ thành những nhóm, theo từng địa phương, dưới danh nghĩa Nhạc Đoàn. Trong đó phải kể tới:
-Nhạc Đoàn LÊ BẢO TỊNH (Hà Nội): theo NGUYỄN KHẮC XUYÊN (trong cuốn TIẾN TRÌNH THÁNH NHẠC VIỆT NAM), Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập từ tháng 7 năm 1945 với những thành viên đầu tiên: Nguyễn khắc Xuyên, Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo… và cuốn CUNG THÁNH tập I được xuất bản cùng năm, với 9 bài theo chủ đề Thánh Lễ… mà tới nay nhiều bài vẫn còn được sử dụng, như: Xin ơn xem lễ, Dâng hồn xác… rồi các tập Cung Thánh liên tiếp được xuất bản và mỗi lúc các thành viên một thêm đông…. ta không thể không nhắc tới các vị như: Hoài Chiên, Hoài Đức, Duy Tân …Sự đóng góp cuả Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh cho nền Thánh nhạc Việt Nam thật đáng tôn trọng. Nhận định về Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Nguyễn Khắc Xuyên viết: “Ba mươi năm qua, 1945-1975, Lê Bảo Tịnh đã là một thành tích vững chãi, một chỗ đứng xứng đáng trong ca nhạc công giáo Việt Nam. Một phần tư thế kỷ đã qua, nhạc đoàn đã làm tròn sứ mệnh của mình… đã cho ta thấy một khuynh hướng tích cực cho phụng vụ ngày nay.”
- Nhạc Đoàn SAO MAI (Bùi Chu): được thành lập từ năm 1945, với các nhạc sĩ: Hải Linh, Minh Trân, Thăng Ca, Ngô quang Tuấn, Thiên Phước, Võ-Thanh-Hương, Hồ Khanh… những tập CA VỊNH lần lượt được xuất bản, một số bài ngày nay vẫn được giáo dân thuộc làm lòng: “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam…”, “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”
- Nhạc Đoàn TIẾNG CHUÔNG NAM (Thanh Hoá): Chúng tôi không biết ngày thành lập, nhưng tập HƯƠNG NHẠC Tập I, xuất bản năm 1951 đánh dấu sự đóng góp của các vị như Nguyễn Duy Vi, Thanh Cao, Marco Khanh, Thiệu Duy cho nền Thánh Nhạc Việt Nam, với 5 tập nhạc.
b/ Các Nhóm Nhạc sĩ
Một số các nhạc sĩ tuy không thành lập Nhạc Đoàn nhưng cũng góp bài để in ấn, như:
-Nhóm CA THÁNH (Phát Diệm): Đuợc gọi tên theo những tập Ca Thánh mà nhóm lần lượt cho xuất bản từ năm 1946. Hiện chúng tôi còn lưu giữ được 4 tập với các đề mục như: Kính Thánh Thể và Thánh Tâm, Đức Mẹ. Rất nhiều bài hiện nay vẫn được sử dụng, như: Cầu xin Chúa Thánh Thần (Phương Linh), Tiếng Vang (Tiến Hưng), Lạy Mẹ, Mẹ Chúa vinh quang (Mai lạc Thiện, Nguyễn khắc Tuần)…
- Nhóm THIÊN CUNG (Hải Phòng): với các Nhạc sĩ, như: Cha Chu Công, cha Trung Thu, Long Vân, L.T.H., Lê Hoan… Tập Thiên Cung I chúng tôi còn giữ được không ghi năm xuất bản, tập II với tựa đề: NĂM ĐỨC MẸ (1954)
- Nhóm MINH NHẠC: Do một số nhạc sĩ góp bài để Đa Minh thiện bản in chung trong những tập Minh Nhạc. Tập I in năm 1950 với tựa đề MẸ VIỆT NAM, gồm những bài của Tiến Dũng, Liên Thắng, Tiến Hùng, Cha Vinh; tập II với tựa đề MẸ MARIA (1952), gồm những bài của Hương Phong, Huyền Linh, Hương Bản, Lê Huy… tập IV với tựa đế NGUỒN SỐNG (1957) gồm những bài của Liên Thắng, Tiến Dũng, Mậu Hải, Chương Duy…. tập V với tựa đề SUỐI THIÊNG (1960) gồm những bài của Kim Long, Trọng Linh, Mạc Linh Tuyền…
c/ Các Nhạc sĩ độc lập
Không thể không nhắc tới sự đóng góp âm thầm của các Nhạc sĩ cho nền Thánh nhạc Việt Nam , như:
- Cha Chính NGUYỄN VĂN VINH (Hà Nội): Ngài theo học từ nhỏ tại Nhạc viện Paris, khi về VN, ngài viết Hoà âm cho một số bài Thánh ca của NĐ Lê Bảo Tinh, sau này ngài sáng tác một số bài như: Tv. 8, Tv. 41, Giavi, Vua Tinh yêu… đặc biệt nhất là Trường ca MỞ ĐƯỜNG PHÚC THẬT (Hợp xướng 4 bè).
- Cha SẢNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN THÍCH (Huế): Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn cò, đàn nhị,v..v.. Ngoài những di sản về Thơ-Văn-Hoạ, trong lãnh vực Thánh ca, ta không thể quên những đóng góp của ngài trong những sáng tác ca ngợi Đức Mẹ, nổi tiếng là bài: Đức Mẹ La Vang, cùng với các bài: Bao giờ tôi được lên trời, Trời cao đất thấp, Mười hai cái mến….Ngài cũng chính là tác giả bài hát: “CÁI NHÀ CỦA TA” mà năm 1982, khi thực hiện chuyên đề “Lịch sử âm nhạc Việt Nam” đài BBC đã nhắc đến.
- Cha PHAOLÔ ĐẠT (Saigon): Ngoài việc cùng với các cha Phaolô Qui, Gabriel Long phổ biến kiến thức âm nhạc và các bài thánh ca ngoại-lời Việt, ngài còn để lại cho chúng ta những sáng tác bất hủ, như: Kinh nguyện Chúa Thánh Thần, Nửa đêm mừng Chúa ra đời, Kinh cầu Đức Bà, kinh cầu Trái Tim…
- Năm 1951, từ Rôma có in và gửi về Việt Nam phổ biến tập CẦU NGUYỆN do cha Trần Hùng Dũng phụ trách. Trước khi in ấn, cha Dũng đã đưa tập nhạc này nhờ nhạc sư Praglia xem và sửa chữa. Một số bài trong tập này là của nhạc sĩ Trần Hùng Dũng và các bạn ký tên là Ba Anh hay Tam Huynh, tức Trần Hùng Dũng, Phạm Xuân Thu và Nguyễn Cao Khẩn. Phạm Xuân Thu, và Nguyễn Cao Khẩn cùng lớp với Trần Hùng Dũng, nhưng đã rời khỏi đại chủng viện trước khi tốt nghiệp, trong đó có những bài như: Cầu xin Chúa Thánh Thần (Phương Linh), Tận Hiến (Vinh Hạnh)… cho tới nay vẫn còn được sử dụng.
3. Sau năm 1954:
Với biến cố đất nước bị chia đôi năm 1954, sinh hoạt Thánh Nhạc cũng có sự khác biệt giữa hai miền Bắc - Nam :
a/ Tại miền Bắc: theo những chứng nhân kể lại, giai đoạn đầu chỉ sử dụng những bài Thánh Ca đã được phổ biến từ trước, về sau, nhất là sau Công Đồng Vatican II. Một số vị như: Cha Hùng Sĩ ở Phát Diệm, Cha Dung, cha Thẩm ở Bùi Chu đã cố gắng phổ nhạc và phổ biến chuyền tay những Ca Nhập Lễ, Ca Hiệp Lễ, Thánh Vịnh Đáp Ca để đáp ứng nhu cầu Phụng Vụ. Đặc biệt nhất là tại Hà Nội, Đức Hồng Y TRỊNH VĂN CĂN đã qui tụ một số người để cùng với ngài hoàn thành 3 tập THÁNH CA (Tập IV in năm 1986) để phổ biến lại cho đúng một số bài đã có trước, giới thiệu các Bộ lễ, các Ca Nhập lễ, Thánh vịnh Đáp ca và Ca Hiệp lễ của một số lễ Trọng, lễ Kính, lễ tùy trường hợp… Sưu tầm một số cung kinh, cung sách, các điệu Dâng Hoa… Đây thật là một công trình đáng tôn trọng, giúp ích rất nhiều cho cả miền Bắc trong nhiều năm cử hành Phụng Vụ sốt sáng.
b/ Tại miền Nam : sau một thời gian ngắn ổn định, các nhạc đoàn qui tụ lại và tiếp tục hoạt động. Nhạc Đoàn LÊ BẢO TỊNH cho xuất bản Cung Thánh 13, 14 rồi 15… 16 với nhiều đoàn viên mới, Cung Thánh Hợp Tuyển, Cung Thánh Tổng Hợp rồi Tổng Hợp Tân Biên; Nhạc Đoàn Sao Mai với Ca Vịnh Giáng Sinh rồi CA VỊNH HỢP TUYỂN, Nhạc Đoàn Tiếng Chuông Nam với Hương Nhạc tập IV rồi tập V….đồng thời thấy xuất hiện:
- Nhạc Đoàn THÁNH GIA với nhạc trưởng là Cha Huyền Linh cho xuất bản 2 tập Thánh Nhạc, tập I, tháng 4 năm 1957 và tập II, tháng 11 cùng năm. Ngoài một số vị đã từng cộng tác với cha Huyền Linh trong nhóm Minh Nhạc trước đây, ta thấy xuất hiện những tên tuổi mới như Phạm đình Nhu, Triệu Hà, Thu Sơn, Anh Linh…
- Nhạc Đoàn Á Thánh Philipphê PHAN VĂN MINH, với đoàn trưởng là Cha NGUYỄN VĂN THẢNH giới thiệu 2 tập PHỤNG CA. Sau đó là 3 tập GIÁO NHẠC được xuất bản. Tập I ra mắt tháng 8 năm 1957 với 26 bài, gồm những bài về Thánh lễ, Thánh Thể, Đức Mẹ và một số bài khác. Trong Thay Lời Tựa, nhạc đoàn Phan Văn Minh thân thưa: “Sau rất nhiều cố gắng, nhạc đoàn Phan Văn Minh được công khai góp tiếng với “rừng nhạc” đang sẵn có để ca khen Thiên Chúa,…một ít hoa quả đầu mùa của vườn Giáo nhạc Đồng Nai, với những sắc hương riêng của nó.” Tháng 11 năm 1957, Giáo Nhạc tập II ra đời (tập thánh ca đặc biệt về Mùa Vọng và Sinh Nhật) với phần phụ lục Ca-nhạc-kịch: Đêm Sinh Nhật. Giáo Nhạc tập III xuất bản năm 1961 gồm 52 kinh hát đủ loại.
Rất nhiều nhạc sĩ mới trình làng trong thời gian này, trước hết phải kể tới: APNC Trần Văn Nhơn, Cha Trọng Nghĩa, cha Thanh Nguyên, cha Minh Hùng, Cha Hương Tiến, Sơn Ngọc Túy, cha Thanh Ngã, Vũ Hòa Đức, Ánh Hùng, Ngoại Châu và cha Nguyễn Văn Thảnh.
+ Cha HOÀNG DIỆP, CSSR. Nhắc đến tên gọi của linh mục nhạc sĩ Hoàng Diệp thì rất ít người biết đến, nhưng nhắc đến tác giả của bài thánh ca bất hủ “Kìa Bà Nào Đang Tiến Lên…” thì ai cũng biết, vì đã quá thuộc lòng bài hát đẹp này. Cha Hoàng Diệp đã để lại cho nền thánh nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm thánh ca đã được tuyển chọn và phổ biến. Có thể kể đến các tập thánh ca của ngài như: Thánh Ca tuyển tập 1, Thánh Ca tuyển tập 2, Dao Ca tuyển tập, Trường Ca thánh khúc, và 2 tập thơ đạo.
+ Cha VINH HẠNH. Ngài sáng tác thật sớm khi mới 17-18 tuổi với bài “Tận Hiến” (Giờ đây êm ái nhất cả đời con…). Sự nghiệp sáng tác thánh ca của ngài được khoảng 100 bài, và in trong cuốn Hương Thánh Kinh I và II, năm 1963.
Có lẽ ngài là một trong những nhạc sĩ tiên phong viết lời ca dựa theo ý lấy từ trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Truyền Thống. Và lời ca như vậy sẽ có tính giáo lý và thần học chắc chắn như nhận xét của Ủy ban Kiểm duyệt Ca Nhạc Công Giáo Tòa Giám Mục Sàigòn, ngày 23-10-1960, đã viết: “Xét đại cương, tác giả thường dựa theo ý thánh vịnh hoặc những bài ca phụng vụ truyền thống trong Giáo Hội, nên ý tứ dồi dào chắc chắn.” Linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh cũng đề xướng những hình thể khác nhau trong thánh ca từ hơn 30 năm nay, cần được nghiên cứu và làm cho hoàn chỉnh hơn ở những lớp nhạc sĩ kế thừa.
Những tác phẩm thánh nhạc tiêu biểu của ngài gồm có: Ngày Ấy, Hãy Vùng Đứng, Đâu Có Tình Yêu Thương, Xin Chúa Thánh Thần Ngự Đến, Ôi Thần Linh Chúa, Giờ Đây Êm Ái, Tấu Lạy Bà, Kìa Ai, Lạy Chúa xin Cho Lời Con (bài hát này là một trong những bài kinh điển mà các lớp ca trưởng thánh nhạc sử dụng để học về đánh nhịp), Chúa Khoan Nhân, Hát Lên Một Bài Ca Mới.
Nói chung, ngài đã thổi một luồng gió mới vào Thánh ca Việt Nam khi cho xuất bản HƯƠNG THÁNH KINH, tập I rồi tập II, bởi trước đây, các bài Thánh ca thường được diễn ý theo kinh nguyện và qua những cảm tình cá nhân bộc phát, Hương Thánh Kinh đã giúp giáo dân hát và cầu nguyện với những bản văn Thánh Kinh như Thánh Vịnh, Thánh ca Tân Cựu Ước…giai điệu của ngài mang một sắc thái mới, đậm nét bình ca và không bị ràng buộc của luật cân phương...
+ Nhóm SUỐI NHẠC. Do cha TIẾN DŨNG chủ trương, lần lượt cho in tại Rôma rồi gửi về Việt Nam phổ biến, những tập: HÁT LÊN BÀI CA MỚI, TRĂM TRIỆU LỜI CA, BÀI CA SUY TÔN và BÀI CA VÔ TẬN (in tại VN) với kỹ thuật hoàn chỉnh nhưng ngắn gọn, lời ca trau chuốt…những tên tuổi mới như THIỆN CẨM, NGUYỄN VĂN HOÀ, PHƯƠNG QUANG… rồi GIOAN MINH, PHẠM MINH CÔNG cũng được đón nhận nồng nhiệt. Sau này, khi về nước Cha Tiến Dũng còn nhận trách vụ là Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc, làm Giám đốc trường Suối Nhạc đào tạo nhiều thế hệ nhạc sinh cho Giáo Hội.
Trước đây, năm 1957, mấy nhạc sĩ như Tiến Dũng, Phương Quang đã cho in từ Rôma và gửi về Việt Nam phổ biến tập NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH.
+ Nhóm TÂN CA với 3 tên tuổi chính là cha ĐINH QUANG TỊNH, CHÍNH TRUNG (Đinh Văn Trung) và HÙNG MINH… giới thiệu 3 tập TÂN CA với nhiều bài được phổ biến.
+ CHÚC TỤNG CHÚA (2 tập) do Đại chủng viện Sàigòn thâu góp những sáng tác của các sinh viên và cựu sinh viên. Ta ghi nhận một vài tên tuổi mà sau này hay được nhắc tới: DAO KIM, VĂN CHI, OANH SÔNG LAM, DUY THIÊN…
Nhiều tác giả độc lập cũng được biết tới trong thời kỳ này, như:
+ Linh mục nhạc sư KIM LONG. Tên tuổi của ngài luôn được gắn liền với những tập CA LÊN ĐI (25 tập) được phổ biến khắp nơi.
Sinh tại Bắc Việt ngày 1 tháng 9 năm 1941, đến năm 16 tuổi (1957) ngài đã viết bài thánh ca đầu tiên CON HÂN HOAN. Hai năm sau (1959) xuất bản tập nhạc SUỐI THIÊNG. Và đến khi KINH HÒA BÌNH (lời ca: Thánh Phanxicô Assidi) được vang lên khắp nơi, danh tiếng Ngài luôn được nhắc đến.
Từ năm 1961, những tập CA LÊN ĐI (từ tập 1 đến 25) được lần lượt xuất bản đã thu hút các ca trưởng và các ca đoàn. Bởi vì, các sáng tác trong các tập này vừa giàu cảm xúc về lời ca (có khi là những thánh vịnh, có khi là những lời nguyện truyền thống, có khi từ những ý tưởng thần học và giáo lý,v..v..) , vừa đẹp về giai điệu dễ đi vào lòng người và khơi dậy tâm tình cầu nguyện của cộng đoàn phụng vụ.
Trong lĩnh vực sáng tác, ngoài 25 tập Ca Lên Đi, ngài còn đóng góp nhiều nhạc phẩm khác nữa. Trong số đó cần phải kể đến: 2 tuyển tập Hợp ca Ca Lên Đi (1979-1980), 10 tập Bài Ca Suy Niệm, Thánh Vịnh Đáp Ca, v..v..
Trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc, linh mục nhạc sư Kim Long, đã biên soạn những giáo trình giảng dạy về: Nhạc lý căn bản, Luyện tiếng, Hòa âm 1, 2, 3, Đối âm 1, 2, Hướng dẫn đánh nhịp, Một vài kinh nghiệm để viết thánh ca…
Trong lĩnh vực đào tạo: sau khi tốt nghiệp Thánh nhạc tại Rôma, linh mục Kim Long về nước vừa giảng dạy, vừa đào tạo nhân sự thánh nhạc cho Giáo hội Việt Nam ở nhiều nơi.
Linh mục Kim Long cũng là người đầu tiên có sáng kiến thành lập một Thư viện Thánh Nhạc cho toàn quốc. Không chỉ có sáng kiến, ngài còn dành tất cả những gì có (từ tài chánh đến tư liệu thánh nhạc) xây dựng được Thư Viện Thánh Nhạc đầu tiên tại Việt Nam. Thư viện tọa lạc tại quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.
Nói về linh mục nhạc sư Kim Long, trong lời giới thiệu Tuyển tập CA LÊN ĐI (1000 ca khúc phổ thông) xuất bản năm 2001, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, giám mục giáo phận Phú Cường, chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã viết: “Nói tới những bài hát của Kim Long, có lẽ tất cả những ai đã từng ca hát trong nhà thờ, trong những buổi kinh lễ, đều đã hát qua…Phải nói đây là một thiên tài Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam. Cha không chỉ có hồn nhạc, mà còn được học đến nơi đến chốn về thánh nhạc, nên những bài hát của cha vừa giúp ta sốt sắng cầu nguyện, vừa giúp cho việc cử hành các nghi thức phụng vụ cách tích cực và hữu hiệu nữa….Cho tới nay con số các bài hát đã lên trên 2000, trong đó gồm đủ loại về thánh ca, từ những ca khúc đơn sơ ngắn gọn, cho những bài hợp ca nhiều bè; từ những ca nguyện thích hợp để hát trong những buổi đọc kinh cầu nguyện thông thường cho tới những bộ lễ, những thánh vịnh đáp ca, những tiền xướng được sử dụng trong những cử hành phụng vụ chính thức của Giáo Hội, vừa theo Mùa, vừa theo các ngày lễ trong lịch phụng vụ…”
+PHẠM LIÊN HÙNG với những tập BÀI CA MỚI.
Linh mục nhạc sĩ Phạm Liên Hùng cùng lớp chủng viện với linh mục nhạc sĩ Kim Long. Nhạc sĩ Phạm Liên Hùng đã cho ra đời 3 tuyển tập thánh ca có tên là “Bài Ca Mới” và tuyển tập các bài thánh ca được viết thêm phần đệm đàn trong phụng vụ. Ấn bản đầu tiên “Bài Ca Mới” xuất hiện năm 1974. Cho đến nay ngài đã thực hiện 3 tuyển tập mang tên Bài Ca Mới.
Trong ấn bản đầu tiên, người ta ghi nhận sự cộng tác của các nhạc sĩ: Hy Bắc, Trọng Tín, Vũ Hùng Tôn và Đàm Ninh Hoa.
Nội dung: 1- Thánh Lễ: 47 bài; 2- Thánh Thể: 22 bài; 3- Ca Nguyện: 24 bài; 4- Đức Mẹ: 10 bài; 5- Các Thánh: 6 bài; 6- Linh mục-Tận Hiến: 11 bài; 7- Phụng Niên: 16 bài và phụ chương: Bộ Lễ, Thánh Lễ Hôn Nhân và Cầu Hồn.
Cũng còn phải kể đến trước hết là 2 tập ĐOẢN KHÚC (Bản đàn Phụng vụ) gồm những nhạc phẩm không lời, vắn gọn, bình dân để dạo đàn trước Ca nhập lễ, trong Hiệp lễ, khi Kết lễ, trước và trong phép lành Thánh Thể. Sau là tập Trường Ca GIÁNG SINH, và Thánh Ca HỢP XƯỚNG.
Ngài là một trong các linh mục nhạc sĩ có công lớn với nền thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc.
+ HUYỀN LINH với tập Hát lễ TẤT CẢ NHỜ MẸ
+ HOÀNG KIM với tập HỌP MỪNG VƯỢT QUA, rồi sau này 2 tập Thánh Vịnh Huyền Ca với nhiều nét đặc trưng đáng ghi nhớ.
Trong phần “Lời Nói Đầu” của tuyển tập THÁNH VỊNH HUYỀN CA linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế viết: “Ngay từ hồi còn học Phụng Vụ và Thánh Nhạc, cha đã sáng tác một số thánh ca, đáp ứng một nhu cầu ngày càng bức thiết, đặc biệt từ Công Đồng Va-ti-ca-nô 2, từ khi được sử dụng tiếng bản xứ để cử hành phụng vụ. Các bản thánh ca của cha, xuất phát từ những bản văn Kinh Thánh và Phụng Vụ, được lồng vào những cung điệu có màu sắc dân tộc khiến người hát hay người nghe cảm thấy gần gũi. Nét độc đáo của cha là ở đó. Vào đầu thập niên 70, khi tập “Họp Mừng Vượt Qua” ra đời, cha Hoàng Kim đã trở thành một nhạc sĩ quen thuộc trong giới Công Giáo Việt Nam.”
Ngoài ra, Linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim còn sử dụng tài tình giai điệu của một số bản thánh ca ngoại quốc để phổ lời Việt, như bài “Chúa Hiển Trị” (nhạc Pháp).
Ngài đã đóng góp vào trong kho tàng thánh nhạc Việt Nam những tác phẩm nổi tiếng: “Một Bài Ca Mới”, “Chúa Đã Làm Cho Tôi”, “Thiếu Nữ Sion”, “Vang Lên Muôn Lời Ca”, “Lạy Chúa Xin Sai Thánh Linh”, “Con Hãy Nhớ Rằng”, nhất là tập nhạc Tuần thánh và Phục sinh “Họp Mừng Vượt Qua”.
+ THÀNH TÂM. Một xu hướng mới xuất hiện từ ca đoàn ALLELUIA của Học Viện dòng Chúa Cứu Thế - Đàlạt, chịu ảnh hưởng từ nhạc sinh hoạt công giáo phát xuất từ Pháp mà người khởi xướng là cha Duval. Những bài hát được mệnh danh là NHẠC ĐẠO VÀO ĐỜI của Thành Tâm, Sĩ Tín, Hoàng Đức….tạo bầu khí vui tươi, phấn khởi cho giới trẻ… và được nhiều người tiếp tay. Nhưng khi đưa vào sử dụng trong Phụng Vụ, không được gạn lọc cẩn thận (nhiều điệu mang nặng tính kích động), nhất là khi trình tấu rất dễ mang tính biểu diễn, khiến nhiều người am tường thánh nhạc lo âu.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong thời kỳ này, khoảng đầu thập niên 60, vì thấy những bài Thánh Ca có nhiều sai sót đối với những qui định của Hội Thánh, nên Đức Cha Simon Hoà-Hiền đã ra thông cáo buộc các bài Thánh ca phải xin Imprimatur mới, nếu muốn được tiếp tục sử dụng.
Cũng phải nhắc tới sự đóng góp của các nhạc sĩ cung ứng theo nhu cầu Phụng Vụ khi Công Đồng Vatican II cho sử dụng thường ngữ, những bộ lễ như SÉRAPHIM của Gm. Nguyễn văn Hoà, CA LÊN ĐI, 2-3 của Lm Kim Long…. Các bài hát mới dùng tạm thay thế Ca Nhập Lễ, Hiệp Lễ… của các nhạc sĩ như Xuân Thảo, Nguyên Hữu.
4. Sau năm 1975
Khi đất nước được thống nhất, sinh hoạt thánh ca của hai miền lại hội chung, tưởng cần ghi nhận mấy điểm sau đây:
a/ Vấn đề bị bỏ ngỏ: Trước tình hình mới, hầu hết các Toà Giám Mục không dám cho IMPRIMATUR các sách đạo, nên các nhạc sĩ tự do sáng tác và tự do in ấn (Ronéo) để phổ biến… Do đó, có thể nói, đã xảy ra một cảnh không mấy tốt đẹp trong sinh hoạt Thánh Ca, mà sau này, khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được sinh hoạt chính thức, đã đặt vấn đề và yêu cầu Ủy Ban Thánh Nhạc phải ổn định.
b/ Những đóng góp đáng ghi nhận: Trong cảnh không mấy trật tự đó, cũng cần ghi nhận một số nhạc sĩ vẫn nhiệt tâm thiện chí đóng góp công sức để phổ biến những ca khúc theo đúng qui định của Hội Thánh, như: Văn Chi với những tập TRẦM KHÚC HOAN CA (mới đây đã in thành Tuyển Tập phổ biến ở Mỹ và Úc), Dao Kim với KINH NGỌC, Viết Chung với những tập như: CHÚA XUÂN, CHÚT TÌNH CỎ HOA, CA MỪNG ƠN CỨU ĐÔ, Nguyễn Duy với những tập NHẠC KHÚC THIÊN ĐƯỜNG (mới đây đã gom lại trong 2 Tuyển tập), Ngọc Linh với 2 tuyển tập “HỢP XƯỚNG THÁNH CA” và “CA KHÚC THÁNH CA”, Phanxicô với “CÁT BIỂN SAO TRỜI”, Anh Tuấn với “CẢM MẾN TÌNH NGÀI”, (trước đây các nhạc sĩ này đã góp sức trong những tập NGUYỆN CA), Trầm Hương với tập CHÚA ĐÃ YÊU CON…
c/ Chung Lời Ngợi Ca:
Vào khoảng năm 1985, trước nhu cầu ca hát của cộng đoàn phụng vụ muốn có những bài thánh ca mới phù hợp với đường hướng thánh nhạc của Giáo hội: có tính cộng đồng, lời ca bắt nguồn từ Thánh Kinh và Phụng Vụ, linh mục nhạc sư Kim Long đã đề xướng cùng nhau thực hiện tuyển tập những sáng tác thánh ca mới. Các nhạc sĩ thân hữu và các học trò của ngài đã đồng thanh hưởng ứng. Ý tưởng này đã được linh mục Kim Long trình bày ở lời ngỏ trong tuyển tập Chung Lời Ngợi Ca đầu tiên như sau: “Đã từ lâu, tôi muốn những người thân quen Chung Lời trong những bài Ngợi Ca Thiên Chúa…nhưng tôi vẫn ngại, chưa một lần ngỏ ý. Nay tôi không ngờ, khi vừa lên tiếng là tất cả đều đồng tình… do đó tập nhạc được gửi tới quý vị để xin cùng chúng tôi CHUNG LỜI cho bài NGỢI CA được vang vọng khắp nơi…”
Qua ý tưởng khởi đầu đó, các tên tuổi sáng tác quen thuộc trong làng thánh nhạc đã được quy tụ, họ là những người bạn, và nhất là những học trò của ngài, ở khắp mọi miền đất nước, đông nhất vẫn là ở giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. Việc hưởng ứng này cứ mỗi ngày mỗi gia tăng từ tuyển tập 1 cho đến tuyển tập 5, cả về người tham gia viết, cũng như số lượng bài mới. Việc làm này trong mục đích gần: có những bài thánh ca được xem xét cẩn thận về nhạc và về lời ca để phục vụ cộng đoàn; trong mục đích xa: dấy lên phong trào kêu gọi những người có khả năng chuyên môn nỗ lực và tích cực đóng góp những bài hát mới vừa đúng, vừa hay, ngõ hầu làm cho kho tàng thánh nhạc Việt Nam thêm phong phú.
Tất cả những cố gắng đơn thành của Nhóm Chung Lời Ngợi Ca (Xin tạm gọi như thế) là mong được cộng tác và làm việc chung với nhau. Từ đó gây ý thức nơi các nhạc sĩ và các nhà hoạt động thánh nhạc tính tập thể và tính cộng đoàn trong bổn phận cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.
Từ Chung Lời Ngợi Ca 1, khoảng 10 nhạc sĩ với 50 bài thánh ca, cho đến Chung Lời Ngợi Ca 2, 3, 4, 5, con số nhạc sĩ tham gia là 65 người, với tổng số trên dưới 400 bài thánh ca mới.
Thành phần có mặt trong những Tuyển tập Chung Lời Ngợi Ca rất đa dạng: có các linh mục nhạc sĩ bậc thầy như: Tiến Dũng, Đinh Quang Tịnh, Kim Long; có những nhạc sĩ lão thành như cha Đỗ Xuân Quế, Phạm Liên Hùng, Duy Ân Mai; có những nhạc sĩ linh mục thế hệ đàn em như: Huy Hoàng, Mai Thiện, Ân Đức, Hoài Bắc, Nguyễn Duy,v.v...; có các nữ tu, như: Thiên Thanh, Thiên Hương, Thu Hương…; có những tên tuổi khá trẻ trung, như: Phanxicô, Hải Triều, Cát Minh, Anh Tuấn, Ngọc Linh; và các thầy đại chủng viện đang chuẩn bị lãnh chức linh mục…
Những sáng tác này bao hàm nhiều chủ đề trong Phụng vụ: Năm và Mùa Phụng vụ, cử hành các bí tích, các lễ kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, các Lễ Truyền thống Dân tộc, các Thánh vịnh, Thánh ca Tân ước, Cựu ước, có cả những bài thơ của linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng được phổ nhạc.
Theo đánh giá của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục đặc trách thánh nhạc thuộc HĐGMVN, cũng như của nhiều bậc chuyên môn, những tuyển tập Chung Lời Ngợi Ca, xứng đáng có một chỗ đứng trong nền Thánh nhạc Việt Nam, vì những bài ca trong các tuyển tập này được nhiều cộng đoàn sử dụng.
d/ Nhạc Taizé:
Từ năm 2000, tại ĐCV thánh Giuse, Tp. HCM người tín hữu công giáo được mời gọi đến tham dự giờ cầu nguyện được tổ chức mỗi tối thứ Ba hằng tuần. Giờ cầu nguyện này được đặt tên là Giờ Cầu Nguyện Theo Cộng Đoàn Taizé. Cầu nguyện Taizé là hình thức cầu nguyện Đại Kết Taizé phổ biến. Đây là một Cộng Đoàn chiêm niệm do thầy Roger Schutz (thuộc giáo hội Tin Lành) sáng lập năm 1940, tại ngôi làng nhỏ Taizé, kế bên sườn đồi Bourgogne (miền Trung nước Pháp), cách Cluny khoảng 10 kilômét.
Hằng năm, nhất là những tháng hè, mỗi tuần có khoảng từ 3.000 đến 6.000 bạn trẻ từ 80 quốc gia khác nhau đến Taizé cầu nguyện. Để cho các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới với những ngôn ngữ khác nhau có thể tham dự vào giờ cầu nguyện, các thầy Taizé đã nghĩ ra một phương cách: những lời cầu nguyện là những câu Lời Chúa dưới dạng một câu hát ngắn (âm nhạc giúp giới trẻ cầu nguyện dễ hơn), được lập đi lập lại nhiều lần. Vì thế làm nổi bật đặc tính suy niệm của loại nhạc này. Đã có những chuyên viên ngoại quốc viết loại nhạc cầu nguyện này và đã tuyển chọn được 5 tập nhạc Taizé.
Mặc dầu ngôn ngữ Việt Nam có sáu dấu giọng, nên việc đặt lời Việt vào giai điệu Taizé gặp nhiều khó khăn khi phải trung thành với bản văn Kinh thánh, nhưng cho đến nay, nhiều bài hát Taizé đã trở nên quen thuộc, như Jesus, Remember me! (Lạy Ngài dủ thương đoàn con…!; Kyrie Eleison (Vạn lạy Chúa, xin thương xót); Alleluia; Mến Yêu… và một số nhạc sĩ thánh nhạc Việt Nam cũng đang thích ứngvới phong cách cầu nguyện Taizé trong khi sáng tác các bài hát mới, ngắn gọn, và đơn giản.
Không thể không nói tới một số Ban Thánh Nhạc GP hoạt động rất tích cực trong giai đoạn này:
- Ban Thánh Nhạc giáo phận NHA TRANG. Sinh hoạt thường xuyên, khích lệ sáng tác, giới thiệu các Tuyển Tập để dùng theo đúng Phụng Vụ. Đặc biệt là những tập BÀI CA Ý LỰC do linh mục nhạc sĩ Phương Anh chủ biên theo yêu cầu của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. BÀI CA Ý LỰC gồm những bài ca ngắn, đơn giản giúp cộng đoàn hát và ghi nhớ ý chính của Phụng Vụ Lời Chúa các Chúa Nhật và Lễ Trọng. Bên cạnh đó cha Mi Trầm và Ban Thánh nhạc thu tập 2 bộ THÁNH CA theo mùa phụng vụ (năm A,B và C), được sắp xếp dựa theo nội dung các bài đọc ngày Chúa nhật, và các chủ đề khác như Tận hiến, Linh Mục, Hôn Phối, Cầu Hồn, Xuân,v.v… Đặc biệt năm 2009 đã ra mắt tuyển tập “Trăm Triệu Lời Ca” của đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà và Tập sách “Bài Ca Lời Chúa ABC”.
- Ban Thánh Nhạc giáo phận TP. HỒ CHÍ MINH. Đứng trước tình hình sáng tác và sử dụng Thánh nhạc trong giáo phận (từ năm 1975 trở về sau) có những điểm đáng mừng nhưng lại cũng có nhiều điểm đáng ngại, nên vào khoảng năm 1985-1986, Đức cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chỉ định cha Anrê Đỗ Xuân Quế tái lập Ban thánh nhạc giáo phận để duyệt xét lại các bài ca đang lưu hành, phân loại, chọn lựa và giới thiệu những bài thánh ca đích thực; đồng thời phổ biến giáo huấn của Giáo hội về Thánh nhạc. Ban Thánh nhạc cũng đã thực hiện tuyển tập các văn kiện liên quan đến thánh nhạc; các bài viết bàn về thánh nhạc. Ngoài việc cổ võ sinh hoạt và phổ biến những qui định của Hội Thánh về Thánh nhạc, quí Ban còn cho xuất bản đều đặn hằng tháng nội san HÁT LÊN MỪNG CHÚA,
Nội san HÁT LÊN MỪNG CHÚA với số đầu tiên ra mắt vào tháng 10 năm 1995, và đã ra được tất cả 95 số báo. Đây là một bộ tài liệu tương đối đầy đủ gồm nhiều trang mục chính thống và thiết thực (có tính mục vụ cao), với những bài vở của những nhà chuyên môn về Kinh thánh, Phụng vụ và Thánh nhạc. Mỗi tháng, nội san giới thiệu nhiều chuyên mục thường xuyên cho các ca trưởng, các ca đoàn và những nhà hoạt động thánh nhạc. Chẳng hạn: vấn đề thánh nhạc: giới thiệu, tìm hiểu, giải thích và áp dụng các thông điệp, huấn thị và thông cáo liên quan đến thánh nhạc và phụng vụ; thân thế và sự nghiệp các nhạc sĩ; thánh ca phụng vụ; những sáng tác mới; mục vụ Chúa nhật và Đại lễ.
Ngoài ra, Ban thánh nhạc đã bàn bạc và xin phép ấn hành 2 tuyển tập các bài thánh ca cũ và mới (xuất bản năm 1990), nhằm mục đích tiện dùng cho các giáo dân trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện.
- Ban Thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc. Từ ngày thành lập Giáo phận, Ban thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc luôn có một linh mục phụ trách thánh nhạc để giúp giám mục trong lĩnh vực này. Đầu tiên là cha Gioan Baotixita Mai Văn Điệu, rồi đến cha Gioan Phạm Đình Nhu và năm 1972, cha Vicentê Phạm Liên Hùng.
Năm 1990, Ban thánh nhạc được hình thành và mở rộng. Tiếng kèn, tiếng hát đã vang lên, đặc biệt trong các đại lễ cấp giáo phận. Được như thế là nhờ nỗ lực và đóng góp tích cực của các tiểu ban: tiểu ban sáng tác và phổ biến (Cha Vương Diệu), tiểu ban huấn luyện (Cha Bênêđitô Nguyễn Hưng), tiểu ban sinh hoạt: thuyết trình - học hỏi - liên hoan (Cha Giuse Vũ Anh Thu), tiểu ban nhạc kèn (Cha Giuse Bùi Văn Viễn), tiểu ban Thánh nhạc Tuần Tĩnh Tâm (Cha Giacôbê Lâm Văn Thế).
Nhằm nâng cao trình độ và giúp các ca đoàn có điều kiện phục vụ hữu hiệu hơn, từ năm 1992 đã mở các lớp nhạc ngắn và dài hạn tại các giáo xứ. Đầy thiện chí và lòng ưu ái dành cho các giáo xứ, Ban Thánh nhạc giáo phận không ngừng khích lệ và hỗ trợ trong tinh thần “lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng thánh nhạc” (Hiến chế Phụng vụ, 114). Cụ thể là 5 cuốn Tôn Vinh Chúa kèm theo băng nhạc và 4 tập chủ đề Năm Thánh 2000 kèm theo băng nhạc.
Để có điều kiện giao lưu, học hỏi và tạo bầu khí phấn khởi, Ban Thánh Nhạc đã tổ chức những buổi gặp gỡ các ca đoàn, nhạc đoàn tại hạt, các khu vực hoặc trên cấp giáo phận.
Ban thánh nhạc Xuân Lộc là một trong những Ban thánh nhạc giáo phận đi đầu trong việc phối khí các bài thánh ca và giới thiệu các bài soạn cho ban kèn được chính thức trình tấu trong phụng vụ. Tiếng kèn trổi lên, liên hoan hợp xướng thánh ca đã khiến cho “điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể” (Hiến chế Phụng vụ, 114) - (Xem: Kỷ Yếu Giáo Phận Xuân Lộc 1965 - 2003, xuất bản tháng 11 - 2003, trang 85).
5. ỦY BAN THÁNH NHẠC TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Từ khi được thành lập, qua bốn đời Đức Cha đặc trách, với sự cộng tác của các Phó Ban và các Tổng thư ký, các ủy viên, Ban Thánh nhạc các Giáo phận đã góp phần tích cực cổ võ, chấn chỉnh và hướng dẫn sinh hoạt Thánh nhạc qua trên 24 cuộc Đại Hội và Hội Thảo (Thành phần tham dự: Ban thường vụ Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc; Các Trưởng Ban Thánh nhạc của 26 Giáo phận; Các giáo sư đặc trách Thánh nhạc của 7 Chủng viện; Trưởng Ban Thánh nhạc các Hội dòng chính (thông qua Đức Giám mục đặc trách các Hội dòng); Các thành viên của Câu lạc bộ những người viết Thánh ca; Ban giảng viên các lớp đào tạo Thánh nhạc tại Trung tâm Mục vụ; Các nhạc sĩ Thánh nhạc đã từng cộng tác với Ban Thánh Nhạc từ trước đến nay; Các linh mục, tu sĩ và các nhạc sĩ đã cộng tác với các kỳ Đại Hội Thánh Nhạc, phổ biến nội san HƯƠNG TRẦM, thành lập CÂU LẠC BỘ NHỮNG NGƯỜI VIẾT THÁNH CA, phổ biến những tập nhạc đáp ứng nhu cầu Phụng Vụ….. và đang chuẩn bị những TUYỂN TẬP THÁNH CA VIỆT NAM, để giới thiệu những bài Thánh ca giá trị và đáng được sử dụng chính thức. Các hoạt động của Ủy Ban Thánh Nhạc toàn quốc trong những chục năm qua đã được ghi lại trong nội san HƯƠNG TRẦM.
a/ Nội san HƯƠNG TRẦM
Đây là nội san thánh nhạc chính thức của Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được phổ biến không định kỳ. Trong “Lời Giới Thiệu” trên trang đầu của Nội san số 1, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đặc trách Thánh nhạc (nay gọi là Chủ tich UBTN. HĐGM.VN), đã viết: “Nội san HƯƠNG TRẦM do Ban Thánh nhạc Việt Nam chủ trương nhằm phổ biến các hướng dẫn về thánh nhạc, hầu cung cấp tài liệu cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhạc sĩ, ca trưởng, ca viên, mọi thành phần Dân Chúa và tất cả những ai quan tâm tới Thánh Nhạc. Nội dung gồm:
- Các bài thuyết trình về thánh nhạc
- Phần thảo luận tiếp theo các bài thuyết trình
- Các văn kiện và văn thư Tòa Thánh liên quan tới Thánh Nhạc
- Diễn đàn bốn phương (thơ, nhạc, họa, bình luận, nghiên cứu…)
Ước mong nội san mang lại những kiến thức cần thiết về Thánh Nhạc đồng thời cũng là nơi quy tụ mọi nỗ lực trong lãnh vực này để đạt tới mục đích thật của Thánh Nhạc là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu (Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ, số 4).”
Như vậy mục đích của HƯƠNG TRẦM là mở rộng cho mọi người hiểu biết về những vấn đề liên quan đến thánh nhạc và mời gọi mọi người cùng cộng tác để góp phần xây dựng nền thánh nhạc ngày thêm phong phú trong Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Từ số đầu tiên ra ngày 29-6-1996 đến nay là 9 số, ta có thấy được từng bước đi vững chắc theo đúng đường hướng và mục đích mà Hương Trầm đã đề ra. Một số đề tài đã được thuyết trình và được ghi lại. Những đề tài này đã được các hội thảo viên thảo luận, đóng góp và trao đổi với các thuyết trình viên. Do đó đem lại nhiều hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển thánh nhạc tại Việt Nam. Sau đây là một số đề tài đã được thuyết trình:
(1) Bản văn các Bài Ca trong Thánh Lễ (Hương Trầm [HT], số 1)
(2) Hình thể Đối ca với Thánh vịnh (antiphona cum psalmo suo - HT.1)
(3) Hình thể Thánh vịnh Đáp ca (Psalmus responsorius - HT.2)
(4) Các Ca đoàn Phụng vụ sau Công đồng Vaticanô II (HT.5)
(5) Đi tìm một bản văn “Vãn Dâng Hoa” (HT.3)
(6) Đôi điều gợi ý để sáng tác thánh ca tiếng Việt (HT.4)
(7) Vai trò và nhiệm vụ của người ca trưởng (HT.4)
(8) Ca sinh hoạt tôn giáo (HT.4)
(9) Ca Kinh sách (HT.5)
(10) Những hình thức âm nhạc thường được sử dụng trong Phụng vụ (HT.6)
(11) Đệm đàn trong Phụng vụ (HT.6)
Ngoài những nội dung trên đây có tính hướng dẫn việc sáng tác và sử dụng thánh nhạc trong phụng vụ, còn có nhiều đề tài hữu ích liên quan đến thánh nhạc được đăng tải trong các số nội san này.
b/ Những cuộc vận động sáng tác
Theo yêu cầu của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Thánh nhạc đã mở những cuộc vận động sáng tác thánh ca theo các chủ đề. Các nhạc sĩ công giáo từ nhiều giáo phận đã tích cực hưởng ứng viết và gửi bài về. Ủy ban Thánh nhạc đã dành nhiều thời giờ để lựa chọn, nhuận sắc, và sau khi trình duyệt, những sáng tác mới này đã được Đức cha đặc trách chuẩn nhận cho dùng trong Phụng vụ, và phổ biến từng tập theo chủ đề.
(1) Hướng về Năm Thánh 2000: gồm 28 bài về Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, và về Năm Thánh.
(2) Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống: gồm 60 bài.
(3) Thiên Chúa Cha Giàu Lòng Thương Xót: 66 bài.
(4) Đức Mẹ La-Vang: 44 bài
(5) Vui Lên - Hát Mừng Đại Năm Thánh 2000: gồm 63 bài, chia ra:
- 11 bài Hành Hương - Sám hối
- 18 bài Thánh Thể
- 34 bài Ca Mừng Năm Thánh.
Có được những thành quả này là nhờ nhu cầu của cộng đoàn Dân Chúa thúc bách, sự nhiệt tình cộng tác của đội ngũ nhạc sĩ, của Ban Biên tập, đứng đầu là linh mục nhạc sư Kim Long đã dày công lựa chọn và nhuận sắc, nhưng trên hết là nhờ sự khôn ngoan và sự quan tâm sâu sát của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc HĐGM.VN.
* Về việc phổ nhạc Kinh Kyrie và Thánh vịnh Đáp ca trong thánh lễ: Ngày 10-11-2009, Đức cha chủ tịch UBTN đã gửi thư cho Đức giám mục thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích để xin những chỉ dẫn cần thiết về việc soạn nhạc cho những phần này trong thánh lễ sao cho đúng hướng dẫn của Giáo Hội và thích nghi hài hòa với ngôn ngữ Việt Nam.
c/ Câu lạc bộ những người sáng tác thánh ca:
- Do Linh mục Mai Tính phụ trách
- Sinh hoạt định kỳ vào chiều mỗi khi đại hội hay hội thảo Thánh nhạc toàn quốc
- Đã phát hành các tuyển tập sáng tác mới sau khi được chuẩn nhận.
d/ Tuyển tập Thánh ca:
Bước đầu, đã thực hiện được một Tuyển tập Thánh ca chung cho cả nước gồm các bài có từ thời kỳ đầu của nền thánh nhạc Việt Nam cho đến năm 1975. Tuyển tập này gần 500 bài Thánh ca được tuyển chọn từ hơn 4000 bài Thánh ca của nhiều tác giả.
- Ban Tuyển chọn gồm có Đức cha chủ tịch và các thành viên được Đức cha chủ tịch chỉ định hoặc được mời cộng tác.
- Nội dung tuyển chọn:
Tuyển chọn các bài Thánh ca (đã được phép sử dụng) từ ngày đầu tiên khai sinh nền thánh nhạc VN cho đến khoảng năm 1973 - 1975.
Gồm các sáng tác của các nhạc đoàn và các nhạc sĩ:
- Lê Bảo Tịnh (Hà Nội) gồm Hợp tuyển, Tuyển tập, Tuyển tập Tân biên
- Sao Mai (Bùi Chu) trong đó có Nhạc sĩ Hải Linh
- Tiếng chuông Nam (Thanh Hoá)
- Nhóm Ca Thánh (Phát Diệm)
- Nhóm Thiên Cung (Hải Phòng)
- Nhóm Minh Nhạc (Bắc Ninh)
- Cha Thích (Huế) - Cha Phaolô Qui, Phaolồ Đạt (Sàigòn)
- Thánh Gia, Philipphê Minh (Vĩnh Long)
- Suối Nhạc (Cha Tiến Dũng) và các linh mục nhạc sĩ: Đinh Quang Tịnh, Chính Trung, Hoàng Diệp, Thiện Cẩm,v..v..
- Vinh Hạnh, Kim Long, Phạm Liên Hùng, Hương Phong, Văn Chi, Dao Kim và các nhạc sĩ trongtuyển tập Chúc Tụng Chúa 1 và 2 của ĐCV Sàigòn.
- Tiêu chuẩn tuyển chọn:
* Các bài xuất hiện nhiều trong các tuyển tập thánh ca của các giáo phận, các cộng đoàn dòng tu và giáo xứ, v..v..
* Các bài Đúng và Hay (Đúng trước Hay sau: xét về Lời và Nhạc, Lời: ưu tiên)
* Đa phần là những bài có tính cộng đồng (ít bè).
- Các bước tuyển chọn:
* Thu tập các tài liệu gốc
* Nhóm tuyển chọn sẽ copy (photo) các bài có trong tay (đã được sơ tuyển) và gửi đến các thành viên cùng với Các trưởng ban Thánh Nhạc của 26 Giáo phận và 7 Đại Chủng Viện trong cả nước để xem xét, và xin ghi chú những gì cần xem lại trong từng bài hát để ban tuyển chọn dễ dàng lưu tâm (và sửa chữa nếu được).
* Các thành viên có thể đề nghị những bài Thánh ca mà mình có trong bộ sưu tập của mình.
* Kêu gọi sự hỗ trợ của những vị hoạt động Thánh nhạc từ trứơc đến nay cung cấp thêm tài liệu cho ban sơ tuyển.
* Ban sơ tuyển sẽ lần lượt gửi từng phần (chủ đề: ca nguyện, thánh lễ, Mùa phụng vụ, Đức Mẹ, các Thánh, v..v..) để cho các vị hữu trách và các ban Thánh nhạc kịp xem và hoàn tất rồi sẽ gửi lại cho Ban Sơ Tuyển.
6. CA ĐOÀN
Ca đoàn là một danh từ mới dùng trong những năm gần đây. Ngày trước, (trước CĐ Vat.II), tiếng La-tinh là ngôn ngữ cầu nguyện chung cho toàn thể Giáo hội Công giáo. Nên chỉ có một số người (thường toàn nam giới) biết hát tiếng La-tinh được quy tụ lại để hát lễ, hoặc hát chầu. Những người hát trong nhà thờ này được gọi là hội háthay ban ca vịnh.
Sau CĐ Vat.II (1965), ngoài tiếng La-tinh, tiếng bản xứ được dùng trong các cử hành phụng vụ. Cuộc canh tân phụng vụ này vừa thúc đẩy các nhạc sĩ sáng tác thánh ca bằng ngôn ngữ của mình, vừa thúc giục việc hình thành các ca đoàn hầu đáp ứng nhu cầu phụng vụ của cộng đoàn, cũng như thi hành những quyết định của Công Đồng (x. HCPV, 112-121).
Ca đoàn có một vai trò đặc biệt trong cử hành phụng vụ, nhất là mỗi khi cử hành thánh lễ. Những cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu nào chăm sóc ca đoàn một cách chu đáo thường gặt hái được nhiều hiệu quả thiêng liêng. Vì như có ai đó đã nói: Trong thánh lễ có 2 phần được cộng đoàn tham dự lưu tâm hơn cả là: bài giảng và các bài hát.
Biết rằng hát cộng đồng là ưu tiên trong Phụng vụ, nhưng ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn; họ là những người có khả năng âm nhạc cần thiết giúp cộng đoàn tập hát và nâng đỡ cộng đoàn trong khi ca hát trong những phần mà khả năng cộng đoàn chưa vươn tới được.
Người ta không thể thống kê 50 năm qua có bao nhiêu ca đoàn, ngay cả hiện nay cũng không thể thống kê một cách chính xác được. Thông thường số lượng ca đoàn tùy thuộc số giáo dân và nhu cầu phục vụ. Có những giáo xứ chỉ có 1 hay 2 ca đoàn; nhưng cũng có những cộng đoàn giáo xứ có đến 8 hay 9 ca đoàn. Thành phần ca viên rất đa dạng: người lớn tuổi, người trẻ và các thiếu nhi, có cả nam lẫn nữ. Các anh chị em tham gia ca đoàn ở Việt Nam (và ngay ở hải ngoại) đều là những con người thiện chí, hy sinh và can đảm, vì họ đều là những người tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, là những cộng sự viên nhiệt thành của các cha chính xứ hay của ban mục vụ giáo xứ (ở những nơi không có linh mục quản xứ).
Một số ca đoàn nổi tiếng vì tính nghệ thuật cao, ít nhiều tác động tốt đến sinh hoạt của các ca đoàn khác, như ca đoàn Chim Việt (do cha Ngô Duy Linh sáng lập), Tinh Thần, ca đoàn Quê Hương (giáo xứ Phanxicô Đakao), ca đoàn Cung Chiều (cộng đoàn Dòng Tên, Đắc-lộ, đường Lý Chính Thắng, quận 3, Tp. HCM),v..v..Nổi bật nhất là ca đoàn HỒN NƯỚC.
Ca Đoàn HỒN NƯỚC:
Năm 1956 trở về Việt Nam, nhạc sĩ Hải Linh cùng linh mục Vũ Đình Trác hoạch định đường lối mới cho Nhạc Đoàn Sao Mai. Một trong 3 công việc được hoạch định là thành lập 1 ca đoàn, để trình tấu hợp ca. Mùa Noel 1957, ca đoàn Hồn Nước ra mắt bà con Sàigòn một cách long trọng tại rạp Olympic. Sau đó tại Thảo Cầm Viên Sàigòn, ca đoàn đã biểu diễn hợp xướng với Ban Nhạc Hòa Tấu New York của Nhạc trưởng Sherman dưới sự điều khiển của chính nhạc sư Hải Linh.
Năm 1958, Ca đoàn Hồn Nước lại chủ động trong Đại hội Thánh Mẫu Toàn quốc, do Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành tổ chức. Khắp nơi nhiệt liệt hoan nghênh ca đoàn Hồn Nước như một công trình nghệ thuật hợp ca, đóng góp cho nền âm nhạc của dân tộc. Đặc biệt là những bài Trường Ca theo hệ thống ngũ cung đầy màu sắc dân ca. Năm 1970, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Hải Linh (trở về Sàigòn sau những năm tháng khảo cứu về âm nhạc giáo dục tại Hoa Kỳ) , Ca đoàn Hồn Nước đã đạt tới một trình độ nghệ thuật tinh vi. Năm 1972, trong dịp Đại Hội Thánh nhạc toàn quốc, do linh mục Tiến Dũng và linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Minh tổ chức, ca đoàn Hồn Nước lại một lần nữa sáng chói trong đại hội.
Ca đoàn Hồn Nước là một trong những ca đoàn đã góp phần rất lớn trong việc “tôn vinh Thiên Chúa”, giới thiệu một phong cách hát thánh ca thật có “hồn” và góp phần thúc đẩy các ca đoàn thánh nhạc không ngừng luyện tập để “hát hay chính là cầu nguyện hai lần”.
Các ca đoàn ở Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam. Theo những giáo dân địa phương kể lại, những năm tháng khó khăn ở miền Bắc (từ 1954-1975), có một số ca đoàn đã phải tìm cách tập hát hay tập dâng hoa ở trong các hang động (Tam Cốc, Phong Nha,v..v..) nhờ lúc nước lên và xuống, để tránh những phiền toái về mặt xã hội. Nhờ đó tiếng hát và lời Chúa được truyền tải đến mọi người. Trong việc truyền tải này, còn phải kể đến việc phổ biến các sách thánh ca của các nhạc sĩ, và các băng đĩa thánh nhạc do các ca sĩ và các trung tâm phát hành băng đĩa âm nhạc công giáo, mà phần đóng góp không nhỏ chính là giới ca sĩ công giáo. Trong số các anh chị em ca sĩ công giáo hoạt động âm nhạc, có nhiều ca sĩ xuất thân từ ca đoàn, như:
Đó là những đóng góp quý báu của các nhà xuất bản, của anh chị em ca sĩ và các nhà hoạt động âm nhạc khi đưa những tác phẩm thánh nhạc đến với cộng đồng dân Chúa.
7. ẤN PHẨM THÁNH NHẠC:
Không thể liệt kê hết các đầu sách thánh ca đã được thực hiện, cũng như không thể lên danh sách đầy đủ các băng đĩa (audio, video, VCD, DVD). Một cách vô tình hay hữu ý, các băng đĩa này là một phương tiện truyền giáo hiệu nghiệm khi các bài thánh ca được vang lên dưới các mái ấm gia đình, trong các hàng quán, hay trên các phương tiện di chuyển. Nhiều người đã đến với Kitô giáo chỉ vì tình cờ rồi đến yêu thích nghe tiếng hát của ca đoàn, tiếng ca, tiếng đàn được ghi lại trong những băng đĩa nhà đạo.
8. HUẤN LUYỆN THÁNH NHẠC
Ủy ban Thánh nhạc HĐGM, cũng như Ban Thánh nhạc các giáo phận và các dòng tu luôn quan tâm đến việc đào tạo và huấn luyện nhân sự về thánh nhạc.
Một mặt các linh mục, tu sĩ, giáo dân có khả năng chuyên môn cao được gửi đi học ở nước ngoài (Ý, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, v..v.), một mặt thụ huấn tại các trường lớp quy mô trong nước, như Đại học Thánh Nhân, Trường Suối Nhạc (do linh mục nhạc sư Tiến Dũng sáng lập và điều khiển). Trường SUỐI NHẠC đào tạo được nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca trưởng, nhạc công tên tuổi, như: Thy Yên, P. Kim, v..v..
Những tên tuổi lớn trong nền thánh nhạc Việt Nam đã được đào tạo về âm nhạc và thánh nhạc tại ngoại quốc:
- Linh mục Ngô Duy Linh: Du học âm nhạc tại Paris , Pháp năm 1953. Ngài chọn học các môn Bình ca, Hòa âm, sáng tác và ca trưởng là những môn thực dụng cho ngành Thánh Nhạc Việt Nam đang trong giai đoạn phôi thai. Bộ môn Ca Trưởng và Hòa Âm.
- Hải Linh: 1950 du học ở nhạc viện Rôma chuyên về Thánh ca, tốt nghiệp Bình ca; và sau khi học ở Pháp, Hải Linh tốt nghiệp Sáng tác và Ca trưởng; 1956, tốt nghiệp ưu hạng tại nhạc viện César Franck với luận án: “La Couleur Vietnamienne dans le Chant Grégorien - Màu sắc Việt Nam trong Bình Ca”; năm 1956 trở về Việt Nam và sau đó Hải Linh còn du học Mỹ.
- Linh mục Đinh Quang Tịnh tốt nghiệp khoa sáng tác tại nhạc viện (L’institut catholique) Césaz Franz.
- Linh mục nhạc sư Tiến Dũng (Antôn Nguyễn Tiến Dũng) du học Rôma và được công nhận là Magistero về Sáng tác nhạc tại Viện Giáo hoàng về Thánh Nhạc.
- Linh mục Hoàng Kim đỗ cử nhân ngành Hòa Âm tại Nhạc viện Paris (khoảng năm 1955-1958).
- Linh mục Kim Long tốt nghiệp Magistero ngành Bình Ca và cử nhân Thánh nhạc tại Viện Giáo hoàng về Thánh Nhạc (năm 1972).
- Linh mục Mi Trầm học nhạc tại Pháp.
- Linh mục Xuân Thảo du học Mỹ nhiều năm và đã hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài “HỘI NHẬP VĂN HÓA THÁNH CA PHỤNG VỤ TẠI VIỆT NAM”. Theo giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, “Luận án này rất xuất sắc về đề tài tác giả đã nêu lên và là một công trình khoa học có một giá trị rất lớn về việc “Tìm hiểu, phân tích Dân ca và Thánh ca Việt Nam.”
Song song với những vị du học thánh nhạc ở nước ngoài là những tên tuổi khác tự học, hay được đào tạo và huấn luyện ở trong nước, cũng đã đóng góp không ít cho kho tàng thánh nhạc Việt Nam, chẳng hạn: nhạc sĩ Viết Chung, Thy Yên, P. Kim, Tiến Linh, Cát Minh, Cung Chiều, Nguyễn Duy, Phanxicô, v..v..
Bên cạnh đó còn có các lớp riêng do các cá nhân tổ chức như các lớp nhạc, thánh nhạc, ca trưởng của Cha Kim Long, Cha Xuân Thảo, nhạc sĩ Đinh Thiện Bản (tại Dòng Chúa Cứu Thế, Kỳ Đồng), nhạc sĩ Phạm Đức Huyến, thầy Hải Linh,…Những lớp đào tạo và huấn luyện âm nhạc, thánh nhạc này đã đóng góp nhiều nhân sự cho nền thánh nhạc Việt Nam.
Sau phiên họp ngày 22-08-2006 tại Hoa viên Hiệp Nhất Dòng Chúa Cứu Thế, Ủy ban Thánh nhạc đã liên kết với Trung tâm Mục vụ Giáo phận Tp. HCM mở các lớp đào tạo về Thánh nhạc cho đến nay (5 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 4 tháng):
- Nhạc lý, ký xướng âm: gồm 2 cấp
- Thanh nhạc (Luyện tiếng): gồm 2 cấp
- Phân tích hoà âm
- Hoà âm 1, 2
- Điều khiển ca đoàn:
1- Đánh các nhịp căn bản;
2- Phác hoạ tiết tấu;
3- Chỉ huy hợp xướng.
- Thánh nhạc trong Phụng vụ
- Đàn sơ cấp
- Đệm đàn trong Phụng vụ.
Tổng số người tham dự trong 9 khóa học (không kể 2 khóa Hè - trọn tháng 7 năm 2007 và 2008) gần 4000 lượt học viên .
Từ năm 1986, các đại chủng viện được mở lại để đào tạo các ứng sinh linh mục, nhu cầu giảng dạy môn thánh nhạc đã được đáp ứng. Linh mục Kim Long là người có công đầu trong việc hình thành một giáo trình có hệ thống về Thánh nhạc trong Phụng Vụ. Với giáo trình này, các ca đoàn sẽ biết phải hát những gì, hát cách nào cho đúng ý Hội Thánh, đúng với những quy định mà các văn kiện Hội Thánh đã đề ra. Giáo trình này không chỉ được giảng dạy trong các đại chủng viện, trong các đợt bồi dưỡng tại các giáo phận, mà còn được phổ biến trong các hội dòng và trong các lớp thánh nhạc tại các trung tâm mục vụ. Ở đây cũng không quên nỗ lực đào tạo tại một vài chủng viện, như chủng viện Thánh Giuse Tp. Hồ Chí Minh, Thánh Quý Cần Thơ.
Việc huấn luyện thánh nhạc trong Đại chủng viện thánh Phêrô Đoàn Công Quý, giáo phận Cần Thơ được quan tâm với chương trình dạy nhạc và thánh nhạc khá đầy đủ; trong đó các giáo huấn của Hội thánh về Thánh nhạc được trình bày cặn kẽ.
Khoàng trên dưới 30 năm qua (từ 1980), Các giáo phận và các Hội Dòng cũng liên tục mở các khóa Huấn luyện về Thánh nhạc (ngắn hạn hoặc dài hạn) cho các ca trưởng, ca viên, các tu sĩ. Các giáo phận: Hà Nội, Bùi Chu, Thái Bình, Huế, Qui Nhơn, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phú Cường, Mỹ Tho, Vĩnh Long, v..v.. Tại Huế, Đức Tổng giám mục cho phép các tham dự viên là linh mục, chủng sinh, các đan tu Cát-Minh, các nữ tu cùng học chung với nhau. Các Hội Dòng: Thánh Phaolô thành Chartres (Tp. HCM và Đà Nẵng), Mến Thánh Giá Hà Nội, Tân Lập, Tân Việt, Khiết Tâm, Thái Bình, Chợ Quán và Đa-minh Thái Bình (Hố Nai), Đa-minh Bùi Chu (Tam Hiệp), v..v..
Trung bình mỗi khóa học kéo dài cả tháng và thường xuyên tổ chức mỗi năm. Các tham dự viên tham dự cách thích thú và hiệu quả. Nhờ đó hoạt động thánh nhạc từng bước được chấn chỉnh do anh chị em học viên ý thức và yêu mến, để lại những dấu ấn đức tin trong đời thường cho xứ đạo và cộng đoàn mà ai cũng nhận thấy.
B. NHẬN ĐỊNH
Mặc dầu, sau biến cố 1975, nhiều thay đổi về nhân sự, các ban thánh nhạc lúng túng trong việc phải tổ chức sinh hoạt như thế nào trong giai đoạn mới, thêm vào đó giai đoạn này các ban thánh nhạc giáo phận không được quan tâm sâu sát khiến trong các hoạt động thánh đã xảy ra nhiều biểu hiện không mấy lạc quan trong hoạt động thánh nhạc (sáng tác và sử dụng).
Tuy nhiên, qua cái nhìn rất tổng quát trên đây, ta thấy rõ sự đóng góp liên tục và thật nhiệt tâm của các nhạc sĩ, nghệ sĩ qua hơn nửa thế kỷ cho nền Thánh nhạc Việt Nam . Những đóng góp này thật đáng ghi nhớ và trân trọng. Mỗi người, theo tài năng và sự hiểu biết của mình đã góp rất nhiều công sức để giáo dân Việt Nam có được một phương tiện đặc biệt trong việc ca tụng Chúa, nhờ đó, với tác động của ân sủng, đức tin mỗi ngày một thêm sâu sắc.
Thánh nhạc có một vai trò rất quan trọng trong đời sống phượng tự và cầu nguyện của người công giáo Việt Nam. Vì tự bản chất, ngôn ngữ Việt Nam giàu nhạc điệu, khi đọc kinh hay khi đọc sách, âm thanh được phát ra lên xuống trầm bổng như là hát. Thế nên việc ca hát đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong các cử hành phụng vụ. Đa phần người công giáo đều thuộc và có thể hát nhiều bài bình ca, như Tantum ergo, Salve Regina, Bộ lễ De Angelis, và hát nhuần nhuyễn nhiều bài thánh ca phổ thông Việt Nam, chẳng hạn như: Kinh Hòa Bình (lm Kim Long), Hang Belem (Hải Linh), Dâng Mẹ (Lm Hoài Đức), Bên Sông Babylon (Lm Tiến Dũng), Trăm Triệu Lời Ca (Đức cha Nguyễn Văn Hòa),Lắng Nghe Lời Chúa (Lm Nguyễn Duy), Cầu Cho Cha Mẹ (Phanxicô), Ca Khúc Trầm Hương (Lm Dao Kim), Bài Ca Dâng Hiến (Sr Trầm Hương),v..v.. Nhu cầu ca hát mỗi ngày mỗi tăng lên, nhất là từ sau khi Công đồng Chung Vaticanô II canh tân phụng vụ, cho phép sử dụng ngôn ngữ bản địa thay thế cho La ngữ. Đứng trước nhu cầu lớn của cộng đồng dân Chúa, các ban Thánh nhạc các giáo phận đã kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác các bài Thánh ca mới với lời ca được khơi nguồn từ Thánh Kinh, từ bản văn Phụng vụ, cũng như từ các suy tư Thần học hoặc Giáo lý.
Hưởng ứng lời kêu gọi sáng tác, đã có rất nhiều bài Thánh ca mới được giới thiệu cho các cộng đoàn Phụng vụ. Bên cạnh đó, các cộng đoàn Phụng vụ, nhất là các giáo xứ, đã luôn có và phát triển thêm các ca đoàn Phụng vụ để giúp cộng đoàn cùng hát trong các cử hành Phụng vụ chính thức của Giáo hội.
Vì thế, cùng với Ủy ban Phụng tự, Ủy ban Thánh nhạc Hội đồng Giám mục Việt Nam luôn quan tâm đến những vấn đề Thánh nhạc trong Phụng vụ, để giúp các nhạc sĩ và các cộng đoàn (cách riêng là ca đoàn) biết phải hát những gì, hát cách nào cho đúng ý Hội thánh, đúng với những quy định mà các văn kiện của Hội thánh liên quan đến Thánh nhạc đã đề ra.
Nói chung:
1/ Thánh nhạc đã góp phần tích cực cho đời sống đạo của giáo dân Việt Nam: không những giáo dục đức tin mà còn hâm nóng đức tin của họ.
2/ Đáp ứng nhu cầu cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
3/ Nhiều khi có hiệu quả truyền giáo rất lớn: thánh nhạc được ghi băng dĩa, được nghe mọi nơi mọi lúc; thêm vào đó các ca đoàn của các giáo xứ cũng đem lời ca tiếng hát đến với mọi người, gây sự thu hút cho những anh em ngoài Ki-tô giáo,v..v..
4/ Những bài Thánh ca Giáng sinh, cầu cho cha mẹ, cho gia đình,v..v.. được nhiều người yêu thích, và để lại nhiều hiệu quả tốt đẹp trong đời sống của họ.
5/ Về lời ca: đã có những bước tiến trong tư tưởng và ý nghĩa: bản văn Thánh kinh được dệt nhạc nhiều hơn, nhiều bài Thánh ca mang chất Thần học và Phụng vụ hơn, nhất là từ sau Công đồng Vaticanô II.
6/ Đội ngũ sáng tác Thánh ca ở Việt Nam có thể nói là một trong những đội ngũ đông nhạc sĩ nhất, với số lượng sáng tác các bài Thánh ca mới nhiều nhất so với nhiều Giáo hội địa phương khác.
7/ Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần phải được gạn đục khơi trong ở cả hai lĩnh vực: sáng tác và sử dụng, sao cho đúng tinh thần phụng vụ của Giáo hội.
Cũng cần ghi nhận sự có mặt của Thánh ca, theo những người viết về Nhạc-Sử Việt Nam, đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành nền Tân Nhạc Việt Nam. Thêm nữa, nhiều nhạc sĩ Công giáo, đã giới thiệu những sáng tác rất có giá trị và được phổ biến rộng rãi, như Nguyễn Xuân Khoát, Hùng Lân, Hải Linh…. nhất là ở thập niên 60, hai nhạc sĩ Ngô Duy Linh và Hải Linh đã làm nở rộ và thăng tiến nhạc hợp xướng trong Đạo cũng như ngoài đời.
C. NHÌN ĐẾN TƯƠNG LAI
Không ai phủ nhận sự cần thiết của Thánh nhạc trong Phụng vụ, nên những thao thức để có được một nền Thánh Nhạc thực sự thánh thiện và có tính nghệ thuật cao luôn tiềm ẩn trong lòng mọi người, đặc biệt là Hội Đồng Giám Mục. Vì thế, Ủy Ban Thánh nhạc luôn nhắm tới tương lai với những ước nguyện cụ thể:
- Đào tạo nhân sự: Ngoài việc vận động Giáo quyền các địa phương gửi người đi du học (đặc biệt tại viện Thánh Nhạc Rôma), Ủy Ban phối hiệp với TRUNG TÂM MỤC VỤ giáo phận Tp. Hồ Chí Minh mở các lớp nhạc ngắn hạn và dài hạn, nâng cao trình độ cho các Ca Trưởng, Ca viên… phổ biến những qui định của Giáo Hội về Thánh Nhạc, phát động và cổ võ những sinh hoạt chuyên sâu…
- Tuyển chọn và giới thiệu các Tuyển tập Thánh ca từ khởi đầu cho tới nay để các nơi có sẵn trong tay những bài hát nên sử dụng trong Phụng Vụ.
- Dự thảo một Tài liệu Hướng dẫn Mục vụ về Thánh Nhạc và Nhạc Phụng Vụ chung cho các giáo phận tại Việt Nam và đệ trình HĐGM phê chuẩn.
- Tuyển chọn một bài “Đệm đàn” mẫu (không lời hoặc có lời ca).
- Qui tụ các Nhạc sĩ để học hỏi thêm và sáng tác những bài Thánh ca mới, đáp ứng nhu cầu Phụng vụ trong mỗi giai đoạn cụ thể…
- Thúc đẩy và hỗ trợ sinh hoạt Thánh Nhạc các giáo phận…
- Hoàn thiện thư viện thánh nhạc toàn quốc. (Về căn bản là Thư viện hiện nay - toạ lạc tại quận Tân Phú, Tp. HCM - của linh mục nhạc sĩ Phêrô Kim Long và Ngài sẽ giao lại ngôi nhà và tài sản thánh nhạc cho UBTN. HĐGMVN để toàn quyền sử dụng.
Mọi cố gắng của những người phục vụ Chúa và Hội Thánh qua lời ca tiếng hát qua dọc dài lịch sử Hội Thánh Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện nay, thực sự giúp cộng đoàn Dân Chúa trên quê hương này cầu nguyện cách sống động và trang trọng hơn, phát triển đức tin sâu sắc hơn, tôn vinh Thiên Chúa cách cụ thể hơn và làm cho nhiều người sống đạo bền vững hơn.
- Xác định nhiệm vụ: Hướng dẫn và cổ vũ mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các Ủy ban Thánh nhạc giáo phận, góp phần làm cho nền Thánh nhạc Việt Nam tiến triển hòa nhịp với nền mục vụ về Phụng vụ (x. Huấn thị Âm Nhạc Trong Phụng Vụ - ANTPV- số 68; HCPV số 44-46): sáng tác và ca hát theo đúng tinh thần Phụng vụ và phù hợp với tinh thần Phụng vụ (x. HCPV số 114 và 121; nghiên cứu và phát triển các bài Thánh ca phù hợp với ngôn ngữ và âm nhạc truyền thống dân tộc (HCPV số 37, 119; ANTPV số 61).
- Phổ biến các văn kiện về Thánh nhạc: tài liệu Tòa Thánh, các chỉ dẫn của Giáo quyền đặc biệt là 3 thông báo mà trước đây Ban Thánh nhạc toàn quốc đã phổ biến (Xin xem tài liệu đính kèm). Việc phổ biến này sẽ lần lượt được đăng tải trong Nội san Hương Trầm (dự định phát hành 4 tháng 1 lần, đã thực hiện được 9 số báo).
- Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nhân sự cho Thánh nhạc toàn quốc và hỗ trợ đào tạo nhân sự cho các Giáo phận; tăng cường huấn luyện về Phụng vụ và về chất “thánh” trong Thánh nhạc cho các nhạc sĩ để sáng tác đúng các tiêu chuẩn của Thánh nhạc, cũng như cho các ca trưởng để thể hiện đúng giáo huấn của Giáo hội về Thánh nhạc.
- Tìm ra một hướng đi riêng biệt cho việc HỘI NHẬP VĂN HÓA trong Thánh nhạc Việt Nam, giúp phúc âm hóa văn hóa Việt Nam. Sưu tầm và phổ biến di sản hội nhập văn hóa dân gian Công giáo trong các cung Kinh, Sách, Ca Vãn, Ngắm nguyện, Dâng Hoa,v..v..
- Kêu gọi mọi người quan tâm đến nền Thánh nhạc Việt Nam suy tư và đóng góp để có thể hình thành được một nền Thần học Thánh nhạc Việt Nam.
- Tuyển chọn các bài Thánh ca từ đầu cho đến nay để làm thành TUYỂN TẬP THÁNH CA VIỆT NAM, gồm 3 cuốn:
1/ Tuyển tập MỘT: gồm những bài từ khi hình thành nền thánh nhạc Việt Nam cho đến năm 1975.
2/ Tuyển tập HAI: gồm những bài từ 1975 cho đến nay của các tác giả đã có tác phẩm xuất bản thành sách.
3/ Tuyển tập BA: gồm những bài của các tác giả không có sách xuất bản riêng, cùng một số bài hợp xướng quen thuộc với các ca đoàn.
D. HƯỚNG VỀ NĂM THÁNH 2010:
Toàn thể dân Chúa tại Việt Nam (và hải ngoại) đang hướng về Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Ủy ban Thánh nhạc cùng hòa chung niềm vui tạ ơn trong giòng chảy của Giáo Hội nên sẽ thực hiện những công trình về mặt tinh thần và đạo đức để chào mừng và cảm tạ, bao gồm:
1. Nội san “HƯƠNG TRẦM SỐ ĐẶC BIỆT” (với nhiều bài viết và nghiên cứu có tính học thuật cao), như: Tính Nghệ Thuật của Lời trong Thánh Ca (Khổng Thành Ngọc), Đệm Đàn Trong Phụng Vụ (Tiến Linh), Những nhạc sĩ tiên phong trong nền Thánh Nhạc Việt Nam (Lê Ngọc Bích) v.v..
2. TUYỂN TẬP I THÁNH CA CHUNG VIỆT NAM hơn 1000 trang khổ A 5, với 500 bài thánh ca phổ thông và những Bộ Lễ quen dùng.
3. SÁCHvà CD THÁNH CA mừng Năm Thánh:. các nhạc sĩ công giáo sáng tác các bài thánh ca (dành trong phụng vụ), bài ca sinh hoạt, bài ca giáo lý (dành cho các buổi hội thảo, học hỏi hay chia sẻ,v..v..)
4. Sưu tầm và ghi chép lại trên giấy hoặc băng dĩa các cung kinh, sách, ca vãn, ngắm nguyện, dâng hoa…của địa phương mình và Ban thánh nhạc toàn quốc thực hiện Bộ sưu tầm kho tàng hội nhập văn hóa trong thánh nhạc Việt Nam.
5. Bổ sung tư liệu về nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh
6. Sưu tầm ca vãn và cung kinh sách cổ truyền:
7. Tổ chức Hội diễn Thánh ca mừng Năm Thánh.
8. Sưu tầm, san định và sáng tác các bài cho kèn đồng.
9. Nghiên cứu và giảng dạy kỹ thuật đệm đàn trong phụng vụ.
E. KẾT LUẬN
Trải qua 50 năm, thánh nhạc Việt Nam đã cùng đồng hành với dân Chúa, đã góp phần không nhỏ trong đời sống đức tin của họ. Đức tin trong âm nhạc nâng cá nhân và cộng đoàn lên cao khỏi chính mình và giúp vươn tới người khác. Bởi vì mỗi bài thánh ca được hát lên (lời ca từ Thánh Kinh, từ Phụng vụ, từ suy tư thần học, hay trải nghiệm của tác giả) cũng là lúc người tín hữu ca hát những thăng trầm của cuộc đời, biến cuộc đời thành bài ca tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho các tâm hồn.
Âm nhạc dành cho mọi người nói chung (cả người có niềm tin, người không có niềm tin lẫn người đang chao đảo vì niềm tin nữa), còn thánh nhạc dành cho các kitô hữu nói riêng. Nhưng hiệu quả là “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân (Kh 5, 9)” đều bị lôi cuốn vào âm nhạc. Một hình thức nghệ thuật mà hầu như ai cũng biết cảm nhận. Thánh nhạc là con đường có thể dẫn ta tới gặp Thiên Chúa hay mở cửa lòng ta biết trân quý cuộc sống, biết trân quý người khác và biết trân quý thế giới kỳ diệu mà ai cũng có trách nhiệm phải chăm sóc.
Vì thế, có thể nói được rằng hoạt động thánh nhạc chỉ là một nối dài thừa tác vụ mà Thiên Chúa đã kêu gọi người tín hữu từ khi họ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
Ước mong mọi người tín hữu ý thức sự cao quý của hoạt động thánh nhạc, vì đó là một hoạt động thuộc đức thờ phượng, một công tác tông đồ, một việc làm bác ái và một sinh hoạt nghệ thuật. Thánh nhạc vừa làm đẹp cho buổi cử hành Phụng vụ, vừa nuôi dưỡng và làm tăng triển đời sống đạo đức của tín hữu.
UB Thánh nhạc / HĐGMVN
Tags:
Âm nhạc