ĐÔI DÒNG TÂM SỰ VỚI CÁC TU SĨ
Chúng ta đang sống trong năm đời sống thánh hiến. Nhân dịp này đề nghị các tu sĩ trong giáo phận duyệt lại đời tu của mỗi người và đưa ra những quyết tâm thực tế cho những ngày sống sắp đến.
Hồi tưởng lại những năm còn mới chập chững đi tu, các bạn sẽ thấy bao hồng ân kỳ diệu của Chúa, nhất là êm ái thay tiếng gọi của Ngài. Ngài đưa các bạn đến cổng tu viện như người mẹ dắt con trèo lên Núi Thánh.
Rồi tuổi dòng tăng dần cùng với tuổi đời, nét mặt ngây thơ trong sáng, cuộc sống hồn nhiên đã mất dần rạng rỡ, để nhường chỗ cho cách sống kỷ luật, khắc khổ chịu đựng và đương đầu với nhiều thực tập, thử thách. Bàn tay Chúa có lúc bọc nhung và các bạn thấy đời tu êm ái, nhưng nhiều khi bàn tay đó lại bọc sắt, làm cho tay các bạn có lúc đau buốt nhưng chân vẫn bước theo Chúa và lòng trí vẫn xác tín rằng bàn tay kia dù có bọc sắt vẫn là bàn tay dịu hiền của Chúa, vì một ngày kia lớp nhung lớp sắt sẽ biến đi và chúng ta sẽ được hạnh phúc hôn bàn tay đã từng tạo dựng, tái sinh, thi ân giáng phúc và bao che chúng ta.
Trong tuổi trẻ đầy sức sống và giàu lòng quảng đại, các bạn đã từng nhiều lần bước lên tuyên khấn trước nhan Chúa và Giáo Hội. Các bạn tuyên khấn theo Chúa trong ba nhân đức trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, nhưng không phải chỉ bấy nhiêu mà còn cố tâm họa lại cách trung thực hết sức có thể bức chân dung Chúa, nhất là hình ảnh Chúa chịu đóng đinh. Các bạn được đưa ra các nhiệm sở để phục vụ. Đời sống xa lìa tổ ấm có lúc mang lại nhiều niềm vui, nhưng cũng có những nỗi cơ cực đắng cay và buồn chán. Cơn thử thách nhiều khi quá nặng đã làm có lúc các bạn chùng bước và nhiều lần bị cám dỗ tháo lui. Nhưng đôi mắt từ ái của Chúa vẫn dõi theo các bạn như xưa đã dõi theo con thuyền Phêrô bập bềnh trên sóng nước. Lòng yêu thương vô biên của Chúa đã gởi đến trong đời các bạn những con người nào đó, những biến cố nào đó để giúp các bạn vượt qua những cơn thử thách nảy lửa và lấy lại niềm tin. Mỗi năm các bạn được về lại tổ ấm để bồi dưỡng tinh thần và thể chất. Rồi cam kết, rồi dốc quyết, lên đường trong một tinh thần mới, một thân xác khỏe mạnh, các bạn lại lao mình vào công việc, chứng nhân tông đồ, mục vụ. Đời tu cứ thế, trách nhiệm tăng dần và có thể nói được tất cả là ân sủng, là hồng ân của Chúa gởi đến cho người bạn của Ngài, người mà Chúa chọn giữa muôn một để trở nên giống Ngài.
Đặc biệt hơn, trong thời gian qua thời cuộc đã thay đổi tận gốc và cuộc sống người tu sĩ vì thế mà có nhiều xáo trộn, tâm tư các bạn cũng lâm phải những lo âu mới, những xao xuyến mới và trên lưng trên vai các bạn có ai đặt lên những Thánh Giá mới, nặng cân và cao dài hơn. Những công trình, những tổ chức, những dự định cho tương lai nhiều khi tan biến nhanh chóng. Cứu tế, xã hội, học đường nay đã đi vào hướng khác và người tu sĩ thấy mình đi ngược lại dòng lịch sử. Khi trở về với quá khứ, người tu sĩ có thể đã gặp lại các tiền nhân của mình trong việc dùng đôi bàn tay trắng để sinh nhai và dùng đôi chân gầy của mình để rong ruổi qua những ngõ ngách truyền giáo giúp đời và làm chứng nhân cho Chúa. Điều nầy đáng mừng hay đáng lo? Chúng ta nên nhớ nguyên tắc căn bản: Đức tin, tin vào Chúa Kitô, nếu là chân chính phải được sống trong bất cứ môi trường xã hội hay chính trị nào, lòng mến Chúa Kitô, nếu sống động, đích thực, phải vượt thắng mọi lo âu sợ hãi và thành kiến. Hơn nữa, chúng ta đã được Chúa báo trước như Ngài đã từng căn dặn các tông đồ quý yêu của Ngài. Giữa đời đau khổ ngang trái, đầy giả dối và bất công, chúng ta hãy như những chiếc đèn sáng soi trong u tối và lòng luôn tâm niệm: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Giữa những thử thách khủng khiếp nhất, các bạn hãy nhớ lại lời sách Khải Huyền: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21, 4). Như vậy chúng ta đừng yếm thế, bi quan, buông xuôi nhưng hãy phấn đấu hăng say chạy đua với thời gian, hãy tin chắc đường ta đi tuy có chông gai sỏi đá, rắn dữ, hùm beo, nhưng vẫn có hoa thơm cỏ lạ, có Simon và Vêrônica, đặc biệt có Mẹ Maria ở vào chặng thứ bốn trên đường Thánh Giá.
Những trở ngại to lớn đến từ thái độ sống của con người, kẻ nghịch luôn làm khó dễ, chen lấn liên lỉ, giành giật, gây trở ngại phiền phức cho công việc sinh sống, công việc tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã từng báo trước cho chúng ta biết về những hoàn cảnh và các trở ngại nầy khi Ngài nói về dụ ngôn “cây lúa và cỏ lùng” (x. Mt 13,24-30). Ngày nào còn đi trên con đường lữ thứ, ngày đó chúng ta phải sống cảnh vàng thau lẫn lộn. Những hoạt động bị hạn chế, danh tiếng bị lu mờ, chống đối dồn dập tứ phía lại chính là những lưỡi kéo cắt tỉa của chủ vườn nho là Thiên Chúa, như Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã nói: “cây nào sinh trái tốt, cha ta cắt tỉa” (Ga 15,2). Nhờ sự cắt tỉa nầy mà cành non sẽ đâm chồi, nở hoa và nặng trĩu trái chín ngọt thơm ngon.
Nhìn vào cảnh sống trong nhà, nhiều đụng chạm, nhiều hiểu lầm, rồi có sự khác nhau về tuổi tác, khác nhau về kiến thức, làm lắm phen sóng gió nổi lên. Rồi vì những bất hòa đó mà mỗi người cảm thấy mình lạc lõng như bị bỏ rơi, không có ai thông cảm. Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, trong suốt cuộc đời công khai đã mất dần những cảm tình và kẻ nghịch ngày càng đông, ngay cả các môn đệ cũng tuần tự bỏ thầy, Giuđa là tông đồ trong nhóm 12 lại nộp thầy cho quân dữ, Phêrô trưởng nhóm chối thầy không chút do dự, bà con của Ngài coi Ngài như kẻ điên nên lập kế bắt Ngài đem về nhà. Trong khi Ngài bị bắt, mọi người đều bỏ trốn và trên Thánh giá Chúa đã thốt lên lời vừa than trách mà cũng vừa là một lời cầu: “Lạy Cha, nhân sao Cha nỡ bỏ con?” (Mt 27,46). Chúa Cha đã không bỏ Ngài. Thời gian là yếu tố quan trọng, nhẫn nại đợi chờ vì sau ngày thứ Sáu Thánh sẽ đến ngày Phục sinh.
Hãy ý thức Chúa quan phòng đưa ta đi vào những nẻo đường chông gai nhưng kỳ diệu. Phải thú thật xã hội ta đang sống hiện giờ càng ngày càng đi vào chỗ đồi trụy, nhân phẩm của con người bị chà đạp hầu như không lối thoát, duy vật thực tiễn đã lan tràn và thực dụng chủ nghĩa đã làm cho con người hầu như quên hết những giá trị thiêng liêng. Làn sóng hưởng thụ, chạy theo tiền bạc, chuộng tự do quá trớn cũng xâm nhập vào nhà tu và nếu không có cánh tay của Chúa quan phòng ngăn chận, không biết đời sống chúng ta sẽ ra sao. Hàng ngày người ta xin cho được hòa bình với những cuộc rước kiệu Đức Mẹ rất linh đình, nếu có đức tin, chúng ta phải tin rằng trái tim Mẹ đã thắng và hòa bình đã đến nơi. Hòa bình không như ta ước mơ nhưng là một hòa bình trong hy sinh hãm mình, để chúng ta sống thánh giữa đời và để sự đau khổ đưa ta về cõi vinh quang cách bảo đảm hơn.
Trong tâm tư chúng ta cần nhiều thay đổi để sống Phúc Âm mạnh mẽ hơn. Nếu đang tranh nhau phô trương, thì hãy tìm cách trút bỏ, nếu cứ đòi hỏi xa hoa lộng lẫy, phù phiếm thì hãy sống đơn sơ đạm bạc. Nếu thường sống phản chứng thì hãy can đảm sống chứng tá đích thực. Đừng tranh giành địa vị đòi ưu tiên. Nếu bị cám dỗ sống xa hoa trụy lạc, thì cần nghiêm túc sống đời khổ hạnh. Quả thật trái tim Mẹ đã thắng bởi mỗi lần hiện ra ở đâu, Lộ Đức, Fatima hay La Vang, nơi nào Mẹ cũng kêu gọi: hãy ăn năn đền tội. Tại sao chúng ta chỉ thấy đời đau khổ, chúng ta than van sao không nhìn thấy đó là món quà Chúa trao ban để tôi luyện chúng ta. Một tu sĩ không có quyền than trách Chúa vì những Thánh Giá Chúa gởi đến cho đời mình, nếu không sẽ tự mâu thuẫn khi chọn sống đời thánh hiến.
Như vậy điều trước tiên ta cần phải dốc quyết là sống đời hy sinh đền tạ, và cần phải hy sinh mỗi ngày nhiều hơn. Rất nhiều dịp phải hy sinh. Dịp to lớn thường ít xảy đến như đưa cổ cho người ta chém hay phải bị biệt giam thiếu hết mọi thứ cần thiết, chết dần chết mòn. Nhưng trong đời sống thường nhật có nhiều hy sinh, như cố tươi cười với người nói móc họng mình, thinh lặng trước vu cáo bất công, yêu thương một người bạn phản bội, không nói một lời chua chát để trả đũa. Chị thánh Têrêxa Hài Đồng đã không làm gì hơn, chị đã xích lại gần hơn bên cạnh một chị đang giặt đồ mà đã để bọt xà phòng bắn lên người chị, hay chị cố gắng lắng nghe tiếng tràng hạt khua leng keng do một chị khác làm náo động sự thinh lặng mà chị đang cần… Khi dịp lớn đến hay trong những dịp nhỏ, hy sinh đòi chúng ta phải tự siêu thoát hóa đời sống. Những ai theo Chúa dĩ nhiên phải sống đời hy sinh. Thánh Phaolô đã mô tả cuộc đời đó: “Đói khát, rách rưới, bị trộm cắp, roi đòn, đắm tàu, vu vạ, ngục tù, chết chóc”. Hơn nữa chúng ta không hy sinh một mình mà chung quanh ta hiện nay biết bao người sống đời hy sinh: người ta hy sinh cuộc đời để đổi lấy miếng cơm manh áo, nuôi cháu nuôi con. Còn chúng ta hy sinh để cứu rỗi linh hồn mình và linh hồn người khác, tại sao chúng ta lại do dự? Chúng ta còn có Chúa luôn ở bên cạnh, đức tin đã dạy chúng ta như vậy. Chúa luôn là người bạn đường, người hướng dẫn, người bạn trung tín, người an ủi. Mỗi ngày chúng ta rước Chúa trong thánh lễ, nhưng không phải rước để chỉ riêng cho ta, mà hãy truyền sức sống sang cho bao nhiêu người khác đang trải qua cơn thiếu “máu thiêng liêng”. Hãy nhìn lên Thánh Giá, nơi Chúa chịu đóng đinh. Hình ảnh đó của Ngài sẽ là lẽ sống cho suốt đời ta.
Dốc lòng thứ hai là hãy bền chí. Bền chí cần có sự bạo dạn, can đảm. Bạo dạn khác với mạo hiểm, phiêu lưu, liều mạng. Trong ngày sống, mỗi sáng thức dậy, hãy khởi sự cuộc đời trong hăng say, lạc quan. Dù đường đi có nhiều trắc trở, dù phải đi ngược chiều, quay lưng về phía Giêrusalem như hai môn đệ đi về làng Emmaus, Chúa vẫn bám sát ta, theo dõi, đồng hành với ta, rồi Ngài sẽ dẫn ta về với đường ngay nẻo chính. Dù mọi người bỏ dở cuộc hành trình, chúng ta vẫn giữ vững tinh thần, mặc dù cảm thấy rã rời nguội lạnh, hãy kiên nhẫn bền đỗ và vững tin ở Chúa, Đấng đã làm cho người chết sống lại, sẽ phục sinh chúng ta. Mỗi ngày hãy can đảm, dứt bỏ, khước từ tính tự ái, tăng thêm bác ái và luôn bền chí trong yêu thương.
Điều dốc quyết thứ ba là cam kết một lần nữa sống trọn vẹn ba nhân đức: vâng phục, thanh bần và trong trắng. Đức vâng phục bắt nguồn từ mầu nhiệm nhập thể, như thánh Phaolô đã miêu tả trong thư gởi giáo đoàn Philipphê: Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài không muốn dành địa vị chính đáng của Ngài, một muốn làm người để ở giữa những tên nô lệ. Thế rồi Ngài vâng phục, vâng phục cho đến chết và chết ô nhục trên khổ giá (x. Phil 2,6-8). Đời Chúa là như thế đó. Chúng ta là những Kitô hữu, những người theo Chúa, ta không có con đường nào khác. Adong vì bất tuân, mà đã đưa nhân loại vào cõi chết. Ta muốn cứu sống hãy vâng phục như chính Chúa Cứu Thế. Vâng phục không phải nhằm đến cá nhân mà là nhằm cộng đoàn. Từ bề trên đến bề dưới, mọi người đều phải vâng phục, nghĩa là cùng nhau tìm hiểu ý Chúa. Dĩ nhiên bề trên phải định đoạt, nhưng trước khi định đoạt, cần phải trao đổi. Vâng lời tích cực có nghĩa là hãy đưa ra sáng kiến, tìm hiểu, lắng nghe trình bày, nhận chỉ thị và sáng suốt thi hành. Chúng ta đừng xét đoán cấp trên và xem coi cấp trên có gương mẫu hay không? Chúa Giêsu đã vâng phục Mẹ Maria và Thánh Giuse là những con người thụ tạo, trong khi Chúa thực sự là Thiên Chúa. Bề trên là người Chúa chọn thay mặt Ngài, chứ không phải làm bề trên là hoàn toàn do ý muốn nhân loại phàm trần. Phêrô dù chối thầy, Chúa vẫn chọn làm giáo hoàng, Gioan dù là người môn đệ Chúa yêu, nhưng Chúa lại không chọn làm thủ lãnh Giáo Hội. Vậy thì chúng ta đừng để tâm xét nét bề trên. Người bệnh thì cần nghe lời thầy thuốc đâu cần phải hạch sách đòi hỏi thầy thuốc phải là người khỏe mạnh. Hơn nữa, vâng lời là một nhân đức đâu dễ thực hiện, phải tập nhiều từ việc nhỏ đến việc lớn. Vâng lời là một lời khấn trọng nhất trong ba lời khấn và đòi hỏi hy sinh tất cả, hy sinh chính nhân vị của mình. Do đó vâng lời biến người tuyên khấn thành của lễ toàn thiêu.
Ngày nay lời khấn khó nghèo không phải là khó giữ, có khó là khó từ bên trong vì tinh thần xa hoa lúc nào cũng mai phục, cũng nằm vùng trong chúng ta. Hãy dùng tiền của để mua Nước Trời, Chúa đã nói như vậy. Đừng ham làm, ham sống đến nỗi quên cả kinh sách, quên cả việc thiêng liêng, biến cộng đoàn huynh đệ thành “chung cư lao động”. Đừng thu tích quá nhiều, kẻo Chúa để cho mất hết. Lịch sử thánh đã chứng minh điều đó: khi dân Do Thái sang giàu, nhiều củ hành củ tỏi, Chúa đã dẫn họ vào rừng vắng, vào sa mạc chỉ có cát và nắng, mỗi ngày chỉ ăn manna, uống nước suối. Hãy thực hiện điều chúng ta cầu xin: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày”. Chúng ta không xin giàu sang, chỉ xin đủ sống. Vậy chúng ta hãy sống nghèo trong nơi ở, trong cách ăn mặc, trong thức ăn, trong đồ dùng, trong việc làm; sẵn sàng nhường chỗ tốt, cái tốt, danh tiếng tốt, thành công, địa vị cho người khác… Đó cũng là đời sống chứng tá hùng hồn nhất. Thế gian không thấy ta vâng phục, ít rõ ta trinh khiết đến mức nào, nhưng thế gian rất nhạy cảm trước cuộc sống thanh bần của chúng ta.
Thời đại ngày hôm nay người ta ưa chuộng vật chất, nhưng thực sự người ta vẫn khao khát giá trị tinh thần. Nếu người ta khao khát thực sự, chúng ta hãy cho họ chiêm ngưỡng vẻ đẹp siêu nhiên. Nếu người ta mê vật chất, chúng ta hãy dùng đời sống khiết tịnh vì Nước Trời của mình để cho họ thấy nó còn đẹp hơn muôn vàn lần sắc đẹp chóng tàn của vật chất. Còn một khía cạnh khác của đức trinh khiết là giúp người tuyên khấn rảnh tay để phục vụ. Người khấn khiết tịnh là người khước từ mọi bận bịu của cuộc đời trần thế để trở thành mọi sự cho mọi người, trở thành người của muôn người, sẵn sàng phục vụ bất cứ ai, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, vì người tu sĩ thoát mọi ràng buộc của gia đình, của yêu thương theo kiểu thế tục (x. 1Cr 7,32-35). Lý thuyết thì cao đẹp, nhưng việc bảo vệ đức trinh khiết là một điều khó, bởi lẽ xác thịt nằm ngay trong chính con người của chúng ta, bạn bè xấu của ta với những khí giới ngày càng tối tân. Nếu chúng ta không hiện đại hóa khí giới của mình là cầu nguyện, năng chịu các bí tích, hãm mình hy sinh, nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, tỉnh thức canh phòng, thì chúng ta sẽ đi từ thảm bại nầy đến thảm bại khác. Nhưng nếu có bại trận, thì chưa phải là thua cả cuộc chiến. Chúng ta hãy cấp tốc xây dựng lại cuộc đời và Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể biến sự dữ ra sự lành, kể cả tội lỗi, Ngài cũng đổi thành ơn phước.
Dốc quyết thứ tư là phải khiêm nhường. Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu, Đấng đã từng nói: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Ngài là Thiên Chúa thế mà lại hạ mình thẳm sâu sống giữa chúng ta và chết ô nhục trên thập giá. Ngài đã chọn bước đường cùng để chúng ta học với Ngài hầu sống thấp bé, sống rốt hèn, sống không chút mặc cảm tự tôn, vì chúng ta phải luôn suy nghĩ Chúa là “có” mà Ngài còn sống như vậy huống chi chúng ta là “không”. Khiêm nhường giúp chúng ta thắng vượt những dằn vặt của tự ái, những điên cuồng của kiêu ngạo. Chúng ta cũng hãy noi gương khiêm nhường thẳm sâu của Mẹ Maria khi được Chúa chọn làm Mẹ Ngôi Hai, Đấng cứu thế nhân loại. Mẹ đã cúi đầu thưa: “Nầy tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,37). Để phục vụ tốt, chúng ta cũng phải tự coi mình là những tôi tớ vô dụng của Chúa và của mọi người. Thử thách đắng cay nhất trong đời ta là chấp nhận những giới hạn của mình. Nhưng nếu có đức khiêm nhường, ta sẽ vui lòng lãnh lấy Thánh Giá nầy và hãnh diện nói như thánh Phaolô: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).
Dốc quyết cuối cùng đó là sống vui tươi bác ái. Tại sao chúng ta kém vui? Chắc là vì tâm hồn ta còn có những khúc mắc nào đó, hãy trình bày với Chúa để giải tỏa đi. Những thành công, những thất bại không được làm xáo trộn đời yên vui của người tu sĩ, vì nếu người tu sĩ đã tự coi mình là người tôi tớ khiêm hạ và vô dụng của Chúa thì mọi sự chỉ làm theo lệnh của Chúa, của lương tâm, thì không có lý do gì để quá hãnh diện hoặc sầu buồn. Hoặc tu sĩ cao niên nói rằng, già chừng nầy rồi còn gì nữa mà vui, lo dọn mình, lo tu đức, lo chuẩn bị đón Chúa, chứ có thích thú gì nữa mà vui, hãy để cho đám trẻ. Đúng như vậy, người già thì thường an thân, thích đọc kinh cầu nguyện, không thích cười giỡn, nhưng cười giỡn cũng không phải là vui, nhiều khi người ta vui quá mà tuôn trào nước mắt. Như vậy, vui nói ở đây chính là bằng lòng chấp nhận mọi sự do thánh ý Chúa gởi đến, không than van và luôn ở trong tư thế của người được yêu thương. Cái vui ấy phải lan tràn khắp con người của chúng ta, như máu nóng chạy từ tim qua huyết quản, và chảy tràn khắp thân thể, làm rộn rã trái tim, thì sức sống thiêng liêng phải dạt dào trong tâm hồn ta cũng phải lan tỏa làm cho người khác vui lây. Người vui thì đi đến đâu cũng gây niềm cảm mến, an bình, chúc tụng, ngợi khen Chúa, hòa hợp và yêu mến lẫn nhau. Cái vui của người tận hiến là như vậy, không miễn trừ tuổi tác hay địa vị. Một người sống đời tận hiến mà không vui là người tu sĩ đáng buồn. Vui tươi là hoa trái của bác ái. Nếu chúng ta muốn có niềm vui bền dai và thật sự, thì phải sống bác ái, huynh đệ. Đời sống cộng đoàn, như ta biết là đời sống tối hảo, do đó Giáo Hội đã bao thế kỷ nay chúc phúc cho các Hội dòng có đời sống chung vững chắc. Thánh Vịnh gia cũng đã cất tiếng ngợi khen: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132,1). Chúa cũng đã nói, ở đâu có hai ba người họp lại vì danh thầy thì có Cha thầy ở giữa. Nếu chúng ta đang sống trong cộng đoàn dù nhỏ bé xa xôi đi nữa, thì luôn lấy yêu thương làm lẽ sống. Yêu người là trắc nghiệm cho lòng mến Chúa. Yêu thương không phải lúc nào cũng vuốt ve chiều chuộng, nhưng có lúc cũng phải làm phiền lòng người mình yêu vì sự thật và vì ích lợi của người đó. Nhiều lúc chúng ta bị tê liệt không thể hoạt động gì, thì hãy yêu thương, yêu thương mạnh hơn sự chết, sẽ giúp chúng ta thắng vượt tất cả. Hạt giống tình thương sẽ tăng gấp trăm gấp nghìn lần hoa trái, sau một thời gian nằm im trong lòng đất của nhẫn nại và hy sinh.
Qui Nhơn, ngày 01 tháng 01 năm 2015
+ Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn