Anh chị em thân mến!
Thánh Gioan trong bài Tin mừng chúng ta đọc hôm nay nói rằng: “ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng…. Ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,4-5.9). Người ta nói rất nhiều về ánh sáng, nhưng họ lại thích sự yên tĩnh của kẻ lừa dối là bóng tối. Chúng ta nói rất nhiều về hòa bình, nhưng chúng ta thường nhờ cậy chiến tranh hay chúng ta chọn thinh lặng đồng lõa, hoặc là không làm việc gì cụ thể để xây dựng hòa bình. Vì thế, thánh Gioan nói rằng “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Gv 1,11); Bởi thế “đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Gv 3,19-20). Tin mừng Gioan đã nói như thế. Tâm hồn nhân loại có thể chối từ ánh sáng và ưa thích bóng tối, vì ánh sáng vạch trần những việc làm xấu xa của họ. Ai làm điều ác, người đó ghét ánh sáng. Ai làm điều xấu, người đó ghét hòa bình.
Chúng ta đã bắt đầu năm mới trong ngày lễ Mẹ Thiên Chúa được ít ngày qua, bằng cách cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới với chủ đề “không còn nô lệ nữa, nhưng là tình anh em”. Ước muốn của tôi là vượt qua khỏi sự lạm dụng từ phía con người. Sự lạm dụng này là một nỗi đau xã hội, nó xỉ nhục các mối tương quan liên vị và cản trở một cuộc sống hiệp thông ghi dấu cho sự tôn trọng, công bằng và bác ái. Mọi người và mọi dân tộc đang đói khát hòa bình; vì thế xây dựng hòa bình là điều khẩn thiết và cấp bách.
Hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, nhưng là điều kiện chung mà nơi đó con người sống hài hòa với chính mình, với thiên nhiên và với người khác. Đó là hòa bình. Tuy nhiên, bịt các họng súng và dập tắt những ngọn lửa chiến tranh vẫn là điều kiện tất yếu để đem lại khởi đầu cho một lộ trình dẫn đến hòa bình trong những khía cạnh khác nhau của nó. Tôi nghĩ rằng những cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn nhiều nơi trên hành tinh, cho đến những căng thẳng trong các gia đình và cộng đoàn – biết bao gia đình, cộng đoàn cũng như giáo xứ, đang có chiến tranh! – cũng như những bất đồng xảy ra trong thành phố và tại quê hương của chúng ta giữa các phe nhóm có nguồn gốc văn hóa, sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Chúng ta phải biết rằng, cho dù có những trái ngược, nhưng sự hài hòa thì luôn luôn có thể, đối với mọi cấp trật và trong mọi tình huống. Không có tương lai mà không có những ý định và những kế hoạch cho hòa bình! Không có tương lai mà không có hòa bình!
Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa. Tiên tri Isaia nói: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến (Is2,4). Thật tuyệt vời! Hòa bình đã được loan báo, như một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, qua việc giáng sinh của Đấng Cứu Chuộc: “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14). Ơn này lần nữa phải được cầu xin cách liên lỉ trong lời cầu nguyện. Ngay lúc này ở quảng trường này, chúng ta phải nhớ rằng: “gốc rễ của hòa bình đó là cầu nguyện”. Phải cầu xin ơn này và phải đón nhận nó mỗi ngày bằng cam kết, trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta đang sống.
Ngay từ buổi bình minh của năm mới này, tất cả chúng ta được mời gọi thắp lên trong tâm hồn mình sự thúc đẩy của niềm hy vọng, phải biến nó thành những hoạt động cụ thể cho hòa bình. “Anh không tốt với người này phải không? Hãy đi làm hòa! “Ở nhà của anh? Hãy làm hòa!; “Nơi cộng đoàn của anh? Hãy đi làm hòa; “Trong công việc của anh? Hãy làm hòa!”. Hành động cho hòa bình, hòa giải và huynh đệ. Mỗi người chúng ta phải thực hiện những cử chỉ huynh đệ cho phù hợp với tha nhân, cách đặc biệt cho những người đang chịu thử thách bởi những căng thẳng gia đình hay bởi những bất hòa khác nhau. Những cử chỉ nhỏ bé này có rất nhiều giá trị: chúng có thể là những hạt mầm đem lại hy vọng, chúng có thể mở ra những con đường và những triển vọng cho hòa bình.
Giờ đây chúng ta cùng khẩn cầu lên Đức Maria, Nữ vương Hòa Bình. Trong cuộc đời trần thế, mẹ đã trải qua không ít khó khăn, bị ràng buộc với những khó nhọc hằng ngày của cuộc sống. Nhưng mẹ đã không bao giờ mất đi sự bình an trong tâm hồn, luôn tin tưởng và phó thác cho lòng thương xót Chúa. Chúng ta hãy cầu xin sự chỉ dẫn của Đức Maria, Hiền mẫu của chúng ta, con đường yêu thương và hòa bình chắc chắn toàn thể thế giới.Sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha đã công bố danh sách 15 vị được chọn làm hồng y, trong đó có Đức TGM Hà Nội, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.
Đức Thánh Cha nói: “Như đã loan báo, ngày 14-2 tới đây tôi vui mừng tổ chức một Công nghị Hồng Y, khi đó tôi sẽ bổ nhiệm 15 Hồng Y mới, đến từ 13 quốc gia thuộc mọi đại lục, biểu lộ mối liên hệ không thể tách rời giữa Giáo hội Roma và các Giáo Hội địa phương trên thế giới.
Chúa nhật 15-2, tôi sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế trọng thể với các tân Hồng Y, trước đó ngày 12 và 13-2, tôi sẽ tổ chức Công nghị với tất cả các Hồng Y để suy tư về những hướng đi và đề nghị cải nhằm tổ giáo triều Roma.
Sau đây là danh sách các Hồng Y mới:
01. Đức Cha Dominique Mamberti, người Pháp, TGM hiệu tòa Sagona, Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, (63 tuổi, 1952)
02. Đức Cha Manuel José Macário do Nascimento Clemente, Thượng Phụ thành Lisboa, thủ đô Bồ đào nha (67 tuổi, 1949)
03. Đức Cha Berhaneyesus Demerew Souraphiel, CM, TGM Addis Abeba, Etiopia, (67 tuổi, 1948)
04. Đức Cha John Atcherley Dew, TGM giáo phận Wellington, thủ đô New Zealand (67 tuổi, 1948)
05. Đức Cha Edoardo Menichelli, TGM giáo phận Ancona-Osimo, Italia (76 tuổi, 1939)
06. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Việt Nam, 77 tuổi (1938)
07. Đức Cha Alberto Suárez Inda, TGM Morelia, Mêhico, (76 tuổi, 1939)
08. Đức Cha Charles Maung Bo, SDB, TGM giáo phận Yangon, Myanmar, (67 tuổi, 1948)
09. Đức Cha Francis Xavier Kiengsak Kovithananji, TGM Bangkok, Thái Lan, 66 tuổi (1949)
10. Đức Cha Francesco Montenegro, TGM Agrigento, Italia, (69 tuổi, 1946)
11. Đức Cha Daniel Fernando Sturla Berhouet, SDB, TGM Montevideo, Uruguay, (56 tuổi, 1959)
12. Đức Cha Ricardo Blázquez Pérez, TGM Valladolid, Tây Ban Nha, (73 tuổi, 1942)
13. Đức Cha José Luis Lacunza Maestrojuán, OAR, GM giáo phận David, Panamá (71 tuổi, 1944)
14. Đức Cha Arlindo Gomes Furtado, TGM Santiago de Cabo Verde, Quần Đảo Capo Verde, (66 tuổi, 1949)
15. Đức Cha Soane Patita Paini Mafi, GM Tonga, (Quần đảo Tonga) (54 tuổi, 1961).
Ngoài ra, tôi cũng sẽ liên kết với Hồng Y đoàn 5 vị TGM và GM về hưu, là những người nổi bật về đức bác ái mục tử trong việc phục vụ Tòa Thánh và Giáo Hội. Các vị đại diện cho nhiều Giám Mục, cũng với lòng nhiệt thành mục tử đã làm chứng cho tình yêu đối với Chúa Kitô và Dân Chúa tại các Giáo Hội địa phương, cũng như tại Giáo Triều Roma, hoặc trong ngành ngoại giao Tòa Thánh.
Đó là các vị:
01. Đức Cha José de Jesus Pimiento Rodríguez, nguyên TGM giáo phận Manizales (Colombia) (96 tuổi, 1919)
02. Đức Cha Luigi De Magistris, TGM hiệu tòa Giubalziana, nguyên là quyền chánh tòa ân giải tối cao (89 tuổi, 1926)
03. Đức Cha Karl-Joseph Rauber, TGM hiệu tòa Tucumán, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh (81 tuổi, 1934)
04. Đức Cha Luis Héctor Villalba, nguyên TGM Tucumán, Argentina (81 tuổi, 1934)
05. Đức Cha Júlio Duarte Langa, nguyên GM giáo phận Xai-Xai (Mozambique) (88 tuổi, 1927)
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng Y, để canh tân tình yêu đối với Chúa Kitô, để họ là những chứng nhân Tin Mừng của Chúa tại thành Roma và trên thế giới, và với kinh nghiệm mục tử, các vị nâng đỡ tôi cách mạnh mẽ hơn trong việc phục vụ Tông Đồ của tôi”.
New.va
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Tags:
Tin tức