Lịch sử cứu độ (1) - Dẫn nhập

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
Giuse Võ Tá Hoàng


Dẫn nhập
I. Khái quát lịch sử
Theo viện ngôn ngữ học việt nam, lịch sử là:
+ Quá trình phát sinh, phát triển đã qua hay cho đến tiêu   vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó.
+ Khoa nghiên cứu về quá trình phát triển của xã hội của loài người nói chung hay của một quốc gia, một dân tộc nói riêng.
Một cách đơn giản chúng ta hiểu lịch sử là câu chuyện về những gì con người đã nói và đã làm trong thời gian qua.
Dù đơn giản nhất nó cũng đòi ba nền tảng này.
  1. Liên quan đến con người
Dù là một vài cá nhân, dù là tập thể to lớn như một vài dân tộc, hoặc toàn nhân loại, nếu không liên quan đến con người thì không có lịch sử. Nếu liên quan đến con người, nhưng thuộc phạm vi tư tưởng tu đức, thì lại là đối tượng của thần học và triết học.
Sử học nói tới kinh tế, chính trị, tâm lý của con người thời đó chứ không dạy chính trị, kinh tế.
Con người hành động trong quá khứ mới là đối tượng của lịch sử.
2. Quá khứ thời gian của lịch sử
Nhiều người tô vẽ hiện tại, trong đó mình nắm ưu thế, tưởng rằng mình làm được những trang sử y như thế. Ai cũng có thể làm được những yếu tố tư liệu lịch sử, nhưng hậu thế sẽ sàng lọc, sẽ minh định, sẽ thẩm định yếu tố đó, cái còn lại sau cùng là lịch sử. 
3. Thời gian, không gian trong lịch sử
Thời gian không những định vị cho ngày giờ, năm tháng để chúng ta tính hôm qua với hôm nay. Trong lịch sử, thời gian còn là thành tố của dữ kiện.
Không thể hiểu đúng được lịch sử nếu tách một dữ kiện ra khỏi bối cảnh trực tiếp của nó. Cũng thế, không thể hiểu lịch sử Giáo Hội, lịch sử của ơn cứu độ nếu không đặt vào bối cảnh lịch sử toàn cầu và môi trường sống của những người đương thời. Và hơn thế nữa, nó được đặt vào trong chương trình mầu nhiệm do Thiên Chúa khởi xướng[1].
II. Lịch sử cứu độ trong chương trình của Thiên Chúa
Lịch sử cứu độ mang một ý nghĩa khác, siêu nhiên hơn, trỗi vượt hơn rất nhiều so với lịch sử thông thường. Lịch sử cứu độ được khởi xướng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tác nhân chính, thời gian và con người là những dữ kiện làm nên lịch sử, đó còn gọi là lịch sử thánh.
Mầu nhiệm cứu độ xét trong toàn bộ là một hồng ân hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa.
Hiến chế Lumen Gentium đã mô tả điều đó như sau:
“Bởi ý định khôn ngoan và nhân lành, hoàn toàn tự do và huyền nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Người đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh và Người đã không từ bỏ con người sa ngã trong A-đam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi nhờ Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, con đầu lòng của mọi tạo vật”[2].
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô VI trong thông điệp Ecclesiam suam đã trình bày ơn cứu độ như một cuộc đối thoại tình yêu, do lòng tốt của Thiên Chúa khai mào: cuộc đối thoại thân thiện, với tình phụ tử lâu dài và đa dạng này bắt đầu bằng hành động sáng tạo của Thiên Chúa và chỉ chấm dứt vào ngày thế mạt.
Thiên Chúa dùng phương pháp đối thoại để con người hiểu được Thiên Chúa và hiểu được chính mình. Chính Chúa Kitô sau này đã có những cuộc đối thoại với con người, như cuộc đối thoại với Nicôđêmô, nhờ đó, con người hiểu được phần nào về chính Người và thân phận của mình: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người để tất cả những ai tin vào Người Con ấy thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16-17)
III. Lịch sử cứu độ và những liên hệ trong đời sống đức tin
Qua việc tạo dựng, Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta thấy sự toàn thiện của Ngài trong trật tự tự nhiên, và qua đó con người có thể nhận ra ngài.
Ngài chính là tác nhân làm nên lịch sử, hay một “địa chỉ” đáng tin cậy nhất. Bởi tất cả đã được trình bày một cách hoàn toàn tuyệt vời qua bức tranh tự nhiên được Ngài tô vẽ một cách tài tình và cực kỳ chính xác.
Lịch sử cứu độ đề cập đến ơn gọi của Ap-ra-ham, đến việc tuyển chọn dân Israel, đến giao ước cũ là giai đoạn chuẩn bị cho giao ước mới được thực hiện trong máu của Đức Kitô, đến dân đích thực của Thiên Chúa.
Lịch sử cứu độ liên quan đến hoạt động mục vụ phụng vụ trong Giáo Hội. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội nhờ việc nắm giữ kho tàng ân sủng Đức Kitô đã để lại với mục đích hướng dẫn dân Chúa đang lữ hành trên trần gian này hướng về đích điểm của niềm hy vọng và hạnh phúc.
IV. Mạc khải trong lịch sử
Mạc khải có thể hiểu như vén một bức màn để thấy những điều bí ẩn bên trong. Đây là việc Thiên Chúa, bằng hành động hay lời nói, khiến ta biết Ngài hoặc ý định của Ngài, nhờ đó quy hướng về Ngài và qua đó Ngài tự trao mình cho ta.
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ mình cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài. Nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha nhờ Chúa Kitô Ngôi lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa”(MK 2).
Chúng ta có thể hiểu được ý muốn của Thiên Chúa qua những dòng trên của Hiến Chế Mạc khải. Đây là một hành vi tự do của Thiên Chúa, (do lòng nhân hậu và khôn ngoan, do lòng yêu mến tràn đầy) không phải là cái gì được trao ban cùng với bản tính con người trong việc tạo dựng.
Thiên Chúa đã mạc khải cho con người trong lịch sử cứu độ duy nhất. Ý đồ của mạc khải này là kêu gọi con người tiến tới thông dự vào bản tính Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả nhân loại được mời gọi tiếp nhận ý đồ sâu nhiệm đó của Đấng mạc khải. Nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hình, chúng ta chỉ nhận biết Ngài qua những gì đã được tỏ hiện. Như vậy, Thiên Chúa cho con người biết được về Ngài qua mạc khải, và mạc khải đó có thể là tự nhiên hoặc siêu nhiên.
1. Mạc khải tự nhiên
a. Trật tự trong vũ trụ
Qua những điều kỳ diệu của việc tạo dựng, một phần tạo vật đã phản ánh thượng trí vô cùng của Thiên Chúa, cũng như sự toàn năng và quan phòng của Ngài[3].
“Thiên Chúa Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về mình trước mặt loài người qua các tạo vật”(MK 3).
b. Mạc khải qua các quy luật
Qua các hình thức giáo huấn và luật pháp cũng như quy luật mà con người nhìn thấy tận thâm sâu của nội tâm, một thứ luật mà con người không thể tự tạo ra cho chính mình, trái lại con người cảm thấy mình phải vâng phục nó.
c. Lý trí đón nhận mạc khải
“Con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ các tạo vật, nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh của mọi sự” (MK 6) .
Thiên Chúa tạo nên con người có những khả năng có thể nói là vô biên. Ngài trao cho con người một môi trường hoạt động mênh mông, trong đó họ được tha hồ vùng vẫy: tự do định đoạt lấy những cơ cấu và những phương hướng hoạt động. Nhưng con người không thể là toàn năng. Họ nhất thiết phải cần đến Thiên Chúa trong những vấn đề hệ trọng vượt tầm sức của mình.
Tìm dấu vết của Thiên Chúa trong thế giới vật chất, mới chỉ là phương tiện nghèo nàn đưa đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ tạo dựng.
·   Mạc khải tự nhiên không trao gởi cho chúng ta một Thiên Chúa toàn vẹn, mà lắm khi còn đẻ ra một “quái thai” Thiên Chúa, khi mà nguyên tội làm mờ chột trí năng của tôi.
·  Mạc khải tự nhiên cũng không trao gởi cho ta một Thiên Chúa sống. Nó cho thấy sự hiện hữu của Ngài cùng với thuộc cách cốt yếu, nhưng nó không dẫn ta vào đời sống bên trong của Ngài.
Vì thế con người cảm thấy sự bất lực và tối tăm của mình. Con người cần một can thiệp ngoại thường về phía Thiên Chúa, một mạc khải siêu nhiên.
2. Mạc khải siêu nhiên
Không thờ ơ trước sự bất lực của con người trong nỗ lực khao khát sự thánh thiện. Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử, không những mạc khải chính mình mà còn mạc khải ý định muốn cứu vớt. Không những giúp con người đi vào đạo làm người, Ngài còn muốn mở cho họ con đường làm thần, cho họ dự vào chính hạnh phúc và đời sống bên trong của Ngài nữa.
a. Qua các biến cố
Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử bằng những hành động lịch sử. Qua các biến cố, khởi đầu từ việc chọn và lập giao ước với Ap-ra-ham cùng dòng dõi ông (dân tộc Do thái). Trải qua nhiều thế hệ, việc tuyển chọn những người trung gian như: Mô-sê,  Ê-li-a… cũng như việc sửa trị, răn đe, xếp đặt và điều khiển các biến cố lịch sử của nhân loại, chiến thắng cũng như thất bại, lưu đày và bách hại, tất cả đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, để chuẩn bị cho Giáo Hội trong Tân Ước, và tất cả đã cấu thành một lịch sử Thánh.
b. Qua lời nói.
Qua lời nói, Thiên Chúa đã tự mạc khải mình. Lời ấy đã xuất hiện cách vô cùng hữu hiệu trong các công trình của Người: phán một lời liền có mọi sự, thực hiện điều người đã hứa hoặc tiên báo.
Nhiều lần và nhiều cách qua các tổ phụ rồi các ngôn sứ, Thiên Chúa đã cho cha ông chúng ta biết ý muốn của Người và nhờ họ truyền đạt cho dân.
Cuối cùng, Thiên Chúa đã tự mạc khải bằng chính Lời nhập thể là Đức Kitô. Ngài chính là Lời chứ không phải tiếng vang từ lời. Mạc khải nơi Đức Kitô là mạc khải trực tiếp. Và nơi Đức Kitô, mạc khải trở thành toàn khải, hoàn tất mạc khải. Mạc khải này cũng thực hiện sự thần hoá con người, trong khi thực hiện sự thần hoá con người, trong khi mạc khải qua ngôn sứ chỉ hứa hẹn sự thần hoá ấy.
c. Đức tin đón nhận mạc khải
“Đức tin bảo đảm cho những gì chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy”[4] .
Mạc khải là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người. Chính Thiên Chúa đi bước trước trong cuộc đối thoại này, qua các biến cố và lời nói mà lịch sử cứu độ thuật lại. Để đi vào cuộc đối thoại đó, con người phải đáp trả bằng đức tin.

Còn nữa.... 



[1] Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội đi trong nhân loại , trg 6.
[2] LG2; Col 1,15
[3] Jacques Lacourt, trong cuốn “Question sur la vie et la foi” ông đã viết về vũ trụ kỳ diệu như sau: cuộc sống thật là một cuộc mạo hiểm lạ lùng! Tôi được đặt vào một cổ máy tròn trịa là trái đất này, mà chẳng cần hỏi xem có bằng lòng hay không. Tôi bám vào trái đất như một con ruồi đậu trên một quả cầu. Tại xích đạo, trái đất quay quanh mình mỗi ngày một vòng lớn với tốc độ 1000km/giờ và quay quanh mặt trời theo môt quỹ đạo hình bầu dục với vận tốc 108.000km/giờ…
Một câu hỏi được đặt ra, vũ trụ được cấu tạo như thế nào, làm sao vũ trụ lại là một thực tại có thể hiểu được, vì những nhà thông thái như Newton đã khám phá ra những định luật trong vũ trụ ấy? Ai là tác giả của những điều kỳ diệu này? Nếu quả thật có quy luật, đó là do ai vậy?
Tổng thống Mỹ Ap-ra-ham Licon đã nói: “Tôi có thể hiểu được nếu chỉ nhìn vào mặt đất mà vẫn sống vô thần; thế nhưng tôi không thể tài nào hiểu được làm sao đêm đêm khi ngước mắt nhìn trời mà lại nói rằng chẳng có Thiên Chúa”.
[4] Dt 11,1
Mới hơn Cũ hơn