Chúa nhật 26 Thường niên A
Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông
Ed 18,25-28; Pl 2,1-11 hay Pl 2,1-5; Mt 21,28-32.
Bài đọc thứ nhất của Chúa nhật hôm nay là một lời mời gọi hoán cải. Hoán cải nhằm trả lại cho linh hồn chúng ta cuộc sống mới, sau những trải nghiệm đau buồn vì tội lỗi. Chúng ta nghe lại Lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Ezêchiel : “Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 18,27).
Khởi đầu cuộc hoán cải chúng ta hãy suy nghĩ. Đặt dưới ánh sáng những lời vị ngôn sứ đã nói : “Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (c.28). Cần thiết phải suy nghĩ về thái độ sống và việc làm của chúng ta. Mượn lời của Thánh vịnh chúng ta cầu xin Chúa: “Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con” (Tv 25,4).
Các bậc thầy của đời sống tâm linh cho biết điều đó rất quan trọng, nếu không muốn nói là cần thiết, hằng ngày nên bỏ chút thời gian để suy niệm. Cần phải suy niệm dựa trên Lời Chúa và cuộc đời của các thánh, những người đã sống Tin mừng một cách trung thành. Suy niệm cái cốt yếu trong lề luật của những đoạn văn Kinh thánh cách cẩn thận và nghĩ xem Thiên Chúa muốn nói với tôi điều gì. Việc suy niệm Lời Chúa cách cẩn thận sẽ đem lại cho chúng ta những ý định đúng đắn. Thánh Anfonso de Luguori dạy rằng suy niệm và tội lỗi không bao giờ sống chung được với nhau : hoặc từ bỏ suy niệm, hoặc từ bỏ tội lỗi. Ngay cả khi một người đã có nguy cơ bước chân vào hỏa ngục, nếu bắt đầu suy niệm chỉ 15 phút một ngày, chắc chắn họ sẽ được hoán cải.
Người biết hoán cải là người thể hiện tinh thần giống như người con thứ nhất trong Tin mừng hôm nay, đã chối từ lời đề nghị của cha, nhưng sau đó đã hối cải và đi làm vườn nho cho cha. Trái lại, rất nhiều lần chúng ta cũng giống như người con thứ hai, thưa vâng với Chúa nhưng sau đó lại thối lui, không làm chi cả. Chúng ta nhiệt thành thưa vâng với Chúa trong một phút giây phấn khích nào đó, nhưng sau đó rút lại những gì mà chúng ta đã làm cho Thiên Chúa.
Hoán cải nghĩa là luôn trở nên giống như Chúa Giêsu nhiều hơn, như thánh Phaolô đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong thư gửi Philipphê. Hoán cải nghĩa là tiếp tục trưởng thành hơn trong đức ái, bằng cách thực hành những điều Thiên Chúa chỉ dạy, như lời thánh Phaolô nói : “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Phil 2,3-4).
Thánh Phaolô là một mẫu gương của sự hoán cải. Trước kia ngài là người đã ra tay bách hại Giáo hội của Chúa Giêsu, nhưng sau đó đã lãnh nhận phép rửa và hăng say làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa bằng chính năng lực và lòng nhiệt thành thuở ban đầu.
Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn hai người con bằng những lời lẽ làm cho chúng ta phải suy nghĩ : “Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Những người thu thế và gái điếm là những hạng ngươi bị khi miệt trong dân Israel, thế nhưng đối với Tin mừng thì họ là những người được đón nhận dễ dàng. Chính vì tội lỗi quá rõ ràng của họ, thế nhưng họ không mắc lỗi lầm nghiêm trọng đó là tự cho mình có một vị trí quan trọng trước mặt Thiên Chúa. Họ biết mình rất cần đến lòng xót thương.
Thật vậy, Tin mừng hôm nay đem đến cho chúng ta một bài học rất thâm sâu. Chúng ta không thể lên án ai trước. Ngay cả những người mang tội nặng nề họ vẫn có thể đến thiên đàng trước chúng ta. Rất nhiều lần, chúng ta miệt thị và lên án tha nhân và không không nhận ra rằng những người xa rời Thiên Chúa là chính chúng ta, vì sự kiêu căng ước muốn một vị trí cho riêng mình.
Lời của Chúa Giêsu hôm nay thật rõ ràng, vì nó cho thấy trước mặt Thiên Chúa mọi sự đều có thể đi ngược lại với những gì con người đã thấy : Có người nghĩ rằng họ vâng phục Thiên Chúa, nhưng trong thực tế họ xa lánh Thiên Chúa, và những người sống như những tội nhân, nhưng khi đã hoán cải, họ thực sự là người gần gũi Thiên Chúa. Cái làm nên sự khác biệt quan trọng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu trong dụ ngôn đó là thực hiện ý muốn của Cha. Thánh Matthêô cho thấy hành động cụ thể đáp trả Thiên Chúa quan trọng biết bao: trong bài giảng trên núi Chúa Giêsu cho biết không phải những ai nói “lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào nước trời, nhưng là những ai thực thành ý muốn của Cha. Điều làm nên sự khác biệt trong dụ ngôn này đó là đem ra thực hành những giáo huấn của Chúa Giêsu. Sứ điệp này cũng dành cho tất cả chúng ta, những người môn đệ của Chúa hôm nay : không đi theo Chúa chỉ bằng lời nói, nhưng sống và thực hành những gì Người đã chỉ dạy chúng ta.
Một ngày kia, có hai người phụ nữ đến với một vị ẩn sĩ để xin những lời khuyên tinh thần. Một người có tội nặng, là gái điếm, còn người phụ nữ kia thì bề ngoài có vẽ đạo đức ngoan hiền. Vị ẩn sĩ nói với người có tội rằng hãy mang đến cho ông một viên đá thật to, rồi ông nói với người còn lại hãy đem đến cho ông một bao đầy cát. Một lúc sau hai người đến và trông họ rất mệt mỏi. Vị ẩn sĩ hỏi họ : “Ai trong các chị cảm thấy mệt nhất?” Và tất nhiên cả hai đều nói mình rất mệt. Cuối cùng vị ẩn sĩ giải thích : viên đá nặng kia biểu trưng cho tội lỗi chất chồng của cô điếm, còn bao đầy cát là tính kiêu căng của người còn lại. Vậy ai trong hai người có tội nặng hơn?
Chúng ta hãy tự trả lời cho mình câu hỏi đó, và hãy suy nghĩ về thái độ sống của chúng ta. Hãy để mình tránh xa khỏi thói kiêu căng đầy ích kỷ, và như thế chúng ta sẽ được giải thoát.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Chia sẻ