Trong buổi tiếp kiến tại Vatican sáng thứ tư 28/05/2014 Đức Thánh Cha đã chia sẻ về chuyến hành hương đến Đất Thánh của ngài trong những ngày vừa qua. Đức Thánh Cha đã nhắc đến các mục đích của chuyến đi này :
- Kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức thượng phụ Atenagora.
- Cổ võ các tôn giáo hướng đến hòa bình và cầu nguyện cho hòa bình.
- Củng cố đức tin cho những cộng đoàn các Kitô hữu, những người đang sống trong đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là các quốc gia ở Trung Đông.
Anh chị em thân mến
Như anh chị em đã biết, vào những ngày vừa qua, tôi đã thực hiện chuyến hành hương đến Đất Thánh. Đó là một ơn to lớn dành cho Giáo hội, và tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Ngài đã hướng dẫn tôi nơi vùng đất được chúc lành, nơi đã thấy được sự hiện diện lịch sử của Chúa Giêsu và nơi đã xác định những sự kiện căn bản cho Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôi muốn nhắc lại lòng biết ơn sâu xa của tôi đến Đức Thượng Phụ Fouad Twal, đến các Giám Mục theo nhiều lễ nghi khác nhau, đến các Linh mục, các tu sĩ dòng Phanxicô bảo vệ đất thánh. Các tu sĩ Phanxicô này rất giỏi! Công việc của họ rất tuyệt vời, đó là những việc họ đang làm. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến nhà cầm quyền Giordano, Israel và Palestin, đã đón tiếp tôi thật tử tế, có thể nói như tình bạn, tôi cũng biết ơn tất cả những người đã cộng tác để thực hiện chuyến viếng thăm này.
1. Mục đích đầu tiên của chuyến hành hương này là để kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức thượng phụ Atenagora. Đó là lần đầu tiên một người kế vị thánh Phêrô viếng thăm Đất Thánh : Như vậy ĐTC Phaolô VI đã khai mở, suốt Công đồng Vatican II, những cuộc du hành ra khỏi Italia của các Giáo hoàng trong thời hiện đại. Bằng cử chỉ tiên tri của vị Giám mục Roma và của Đức thượng phụ Costantinopoli đã đặt nền móng quan trọng cho hành trình chịu nhiều đau khổ nhưng đầy hứa hẹn cho sự hiệp nhất các kitô hữu, kể từ đó đã thực hiện được những bước đi đáng kể. Bởi vậy cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thượng Phụ Bartolômêô, người anh em yêu mến trong Chúa Kitô, được xem như thời điểm nổi bật của cuộc viếng thăm. Chúng tôi đã cầu nguyện chung với nhau tại Mồ Chúa Giêsu, và cùng với chúng tôi còn có Đức Thượng Phụ Hy lạp-Chính thống Giêrusalem là Theophilos III và Đức Thượng Phụ Armeno Tông truyền Nourhan, các Tổng Giám Mục và Giám Mục của nhiều Giáo hội và cộng đoàn khác nhau, nhà cầm quyền dân sự và rất đông các tín hữu. Ngay tại nơi đã vang lên lời loan tin Phục sinh, chúng tôi đã cảm nhận được mọi đau xót và khổ cực của những chia rẽ vẫn còn tồn tại giữa các môn đệ Chúa Kitô; và thực thế điều này tạo ra biết bao điều xấu, tệ hại cho tâm hồn. Chúng ta vẫn còn bị chia rẽ; Tại nơi đã vang lên lời loan báo Phục sinh, nơi Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta sự sống, chúng ta vẫn còn chia rẽ đôi chút. Nhưng nhất là, trong buổi cử hành đầy tràn tình huynh đệ, quý mến và tôn trọng nhau, chúng tôi đã cảm nhận mạnh mẽ tiếng nói của Người Mục Tử Nhân Lành Phục Sinh, muốn làm cho tất cả đàn chiên của mình thành một đoàn chiên duy nhất; Chúng tôi đã cảm nhận được khát khao chữa lành những vết thương đang còn sâu rộng và kiên trì theo đuổi con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn. Một lần nữa, như các vị Tiền Nhiệm đã làm, tôi xin lỗi vì những điều chúng ta đã làm để gây ra sự chia rẽ này, và tôi xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chữa lành các vết thương mà chúng ta đã gây ra cho những người khác. Tất cả chúng ta là anh em trong Chúa Kitô và với Đức Thượng Phụ Bartôlômêô chúng tôi là bạn, là anh em, và chúng tôi đã chia sẻ ước muốn đồng hành chung với nhau, làm tất cả những gì mà hôm nay chúng tôi có thể làm được : cầu nguyện với nhau, làm việc với nhau cho đoàn chiên của Chúa, tìm kiếm hoà bình, bảo vệ công trình tạo dựng, rất nhiều điều chúng tôi có chung với nhau. Và như là anh em chúng tôi phải tiến bước.
2. Mục đích khác của chuyến hành hương này là cổ võ các tôn giáo hướng đến hòa bình, đó là ơn của Thiên Chúa và đồng thời đó là sự dấn thân của con người. Tôi đã thực hiện điều đó tại Giordan, ở Palestine và Israel. Và tôi luôn luôn thực hiện điều đó như người lữ hành, nhân danh Thiên Chúa và con người, bằng cách mang trong tim lòng thương cảm lớn lao đối với những người con ở miền Đất mà từ lâu họ sống trong chiến tranh và cuối cùng họ có quyền nhận biết được những ngày hòa bình.
Vì thế tôi đã khuyến khích các kitô hữu để cho mình được Chúa Thánh Thần "xức dầu” với con tim rộng mở và ngoan ngoãn, để luôn có thể có các cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và hòa giải. Chúa Thánh Thần cho phép có các thái độ đó trong cuộc sống thường ngày với con người của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, và như thế trở thành những người thợ "thủ công” của hòa bình. Hòa bình được làm một cách thủ công. Không có các kỹ nghệ chế tạo hòa bình. Nhưng người ta làm nên hòa bình mỗi ngày một cách thủ công, với con tim rộng mở để ơn của Thiên Chúa tới. Do đó tôi đã khích lệ các kitô hữu để cho mình được "xức dầu”.
Tại Giordan tôi đã cảm ơn nhà cầm quyền và dân chúng vì sự dấn thân của họ trong việc đón tiếp con số đông đảo những người tỵ nạn đến từ những vùng chiến tranh, một nỗ lực nhân đạo có giá trị và đòi hỏi sự nâng đỡ kiên trì của cộng đồng quốc tế. Tôi rất ấn tượng bởi lòng quảng đại của người dân Giordan trong việc đón nhận những người tỵ nạn, có rất nhiều người chạy trốn chiến tranh, trong vùng này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho dân tộc hiếu khách này, xin Thiên Chúa chúc phúc cho họ thật nhiều. Và chúng ta phải cầu nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho việc đón tiếp này và cầu xin cho tất cả các thể chế quốc tế giúp đỡ những người dân này trong công việc đón tiếp họ đang làm.
Trong suốt chuyến hành hương cũng như ở những nơi khác tôi đã khích lệ nhà cầm quyền tiếp tục quan tâm đến những nỗ lực để xua tan những căng thẳng trong vùng Trung Đông, nhất là tại Syria, cũng như tiếp tục tìm kiếm công bằng để giải quyết những xung đột giữa người Israel và Palestine. Vì thế, tôi đã mời Tổng thống Israel và Palestine, cả hai con người của hòa bình và kiến tạo hòa bình đến Vatican để cầu nguyện cùng với tôi cho hòa bình. Tôi xin anh chị em đừng để chúng tôi cô đơn : anh chị em hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện thật nhiều xin Thiên Chúa ban cho chúng ta hòa bình, ban cho chúng ta hòa bình tại miền đất được chúc phúc! Tôi tin cậy trên những lời cầu nguyện của anh chị em! Hãy mạnh mẽ lên, anh chị em hãy cầu nguyện, trong lúc này, anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho hòa bình trị đến.
3. Chuyến hành hương này tại Đất Thánh cũng là một cơ hội để củng cố đức tin cho những cộng đoàn các Kitô hữu, những người chịu rất nhiều đau khổ, và bày tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo hội đối với sự hiện diện của các tín hữu tại khu vực này và toàn bộ Trung Đông. Những anh chị em này của chúng ta là những chứng nhân can đảm của niềm hy vọng và bác ái, là "muối và ánh sáng" tại miền đất đó. Với đời sống đức tin, lời cầu nguyện của họ và đánh giá cao các hoạt động giáo dục và cứu trợ, họ đang làm việc có lợi cho việc hòa giải và tha thứ, góp phần vào thiện ích chung của xã hội.
Chuyến hành hương này là một ơn thực sự của Thiên Chúa, tôi đã ước muốn mang tới một lời hy vọng, nhưng tôi cũng đã nhận lời đó trong lượt của tôi! Tôi cũng đã nhận được nó từ anh chị em những người đang hy vọng "chống lại mọi hy vọng" (Rm 4,18), qua những đau khổ, chẳng hạn như nỗi khổ của những người trốn khỏi chính quê hương mình vì những cuộc xung đột: hoặc những nỗi khổ của những người trong nhiều phần đất khác nhau trên thế giới, bị kỳ thị và phân biệt đối xử vì niềm tin vào Chúa Kitô. Chúng ta tiếp tục gần gũi họ! Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho hòa bình ở Đất Thánh cũng như tất cả vùng Trung Đông. Lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội cũng nâng đỡ con đường hướng đến sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu, để thế giới tin vào tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến để sống giữa chúng ta.
Và giờ đây tôi mời tất cả anh chị em chúng ta cùng cầu nguyện với nhau, cầu xin Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Nữ vương của sự hiệp nhất các Kitô hữu, Mẹ của tất cả mọi kitô hữu : Xin mẹ ban hòa bình cho chúng ta, cho tất cả thế giới, và xin Mẹ cùng đồng hành với chúng ta trên con đường hiệp nhất này.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Tags:
Đức Thánh cha