Bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng 16/04/2014
Anh chị em thân mến
Hôm nay, một nửa Tuần Thánh, Phụng vụ trình bày cho chúng ta một chuyện buồn : tường thuật về sự phản bội của Giuđa, đã tự tìm đến các thủ lãnh kỳ mục Do thái để mặc cả và trao nộp Thầy của mình cho họ. "Các ông trả cho tôi bao nhiêu, nếu tôi nộp người ấy cho các ông?". Như vậy vào thời điểm đó Chúa Giêsu có một cái giá. Hành vi bi thảm này đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Thương khó Chúa Kitô, đoạn đường đau khổ mà Người đã chọn bằng sự tự do tuyệt đối. Chính Chúa Giêsu đã nói rất rõ về điều đó : "Tôi hy sinh mạng sống của tôi... Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." (Ga 10, 17-18). Và như thế, với sự phản bội này, bắt đầu con đường tự hạ và cởi bỏ của Chúa Giêsu. Giống như trong một cái chợ : cái này có giá 30 đồng.... bắt đầu con đường khiêm hạ và cởi bỏ, Chúa Giêsu đã bước đi cho đến tận cùng.
Chúa Giêsu đạt đến sự tự hạ hoàn toàn bằng "cái chết trên thập giá". Đó là cái chết tồi tệ nhất, một cái chết chỉ dành cho những tên nô lệ và tội đồ. Chúa Giêsu đã từng được xem như tiên tri, nhưng giờ đây chết như một tội phạm. Khi nhìn vào trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta thấy như trong tấm gương soi hình ảnh những đau khổ của nhân loại và chúng ta tìm thấy được câu trả lời thiêng liêng cho mầu nhiệm sự dữ, đau khổ và sự chết. Nhiều lần chúng ta cảm thấy khiếp sợ vì sự dữ và đau khổ đang bao vây chúng ta và chúng ta tự hỏi : "tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều đó xảy ra?". Đó là một vết thương sâu đậm để chúng ta thấy được đau khổ và sự chết, đặc biệt nơi những người vô tội! Khi chúng ta nhìn thấy những đứa trẻ chịu đau đớn thì đó là một vết thương cho tâm hồn : đó là mầu nhiệm của sự dữ. Chúa Giêsu đã gánh lấy tất cả sự dữ và khổ đau nơi bản thân Người. Tuần này sẽ đem lại điều tốt cho tất cả chúng ta khi nhìn lên thánh giá, hãy hôn những vết thương của Chúa Giêsu, hôn lấy những vết thương của Đấng chịu đóng đinh. Người đã gánh lấy tất cả những khổ đau nhân loại nơi bản thân mình, và đã tự khoác lấy đau khổ này.
Chúng ta đang chờ đợi Thiên Chúa trong quyền năng của mình đánh bại sự bất công, sự dữ, tội lỗi, khổ đau bằng cuộc chiến thắng vinh hiển. Nhưng trái lại, Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta thấy một cuộc chiến thắng khiêm tốn mà dưới cái nhìn nhân loại xem ra thất bại. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa chiến thắng trong sự thất bại! Vì thế, Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá như một kẻ chiến bại : khổ nhục, bị phản bội, chê bai và cuối cùng là cái chết. Nhưng Chúa Giêsu cho phép sự dữ được xảy ra nơi Người, và Người mang lấy những điều đó nơi mình để chiến thắng nó. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là một tai nạn; cái chết của Người là cái chết "đã được viết". Thực vậy chúng ta không tìm thấy nhiều lời giải thích. Đó là một mầu nhiệm làm đảo lộn, một mầu nhiệm khiêm nhường lớn lao của Thiên Chúa : "Thực vậy, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một" (Ga 3,16).
Trong tuần này chúng ta hãy nghĩ nhiều về đau khổ của Chúa Giêsu và hãy nói với chính mình : điều đó xảy ra cho tôi. Ngay cả khi tôi là người duy nhất ở thế giới này, Người cũng thực hiện điều đó. Người đã làm vì tôi. Chúng ta hãy hôn Đấng chịu đóng đinh và nói : Vì con, lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Người.
Khi tất cả mọi sự xem như bị mất hết, khi không còn ai nữa vì chúng sẽ sát hại "người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác" (Mt 26,31), thì lúc ấy Thiên Chúa can thiệp bằng quyền năng của sự sống lại. Sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là kết thúc có hậu của một câu chuyện hay, không phải là kết thúc có hậu của một bộ phim - happy end di un film - nhưng đó là một sự can thiệp của Chúa Cha, ở nơi mà niềm hy vọng nhân loại bị phá vỡ. Trong lúc dường như bị mất tất cả, trong lúc khổ đau, khi ấy nhiều người như cảm thấy cần phải bước xuống khỏi thập giá, đó là lúc gần với sự phục sinh nhất. Màn đêm trở nên tối hơn trước khi bình minh bắt đầu, trước khi ánh sáng bắt đầu. Trong lúc tối tăm nhất Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho sống lại.
Chúa Giêsu đã chọn đi trên con đường này, Người mời gọi chúng ta hãy bước theo Người trong hành trình tự hạ của Người. Trong những lúc chắc chắn của cuộc sống chúng ta không tìm ra được lối thoát cho những khó khăn của mình, khi chúng ta bị chìm trong đêm tối thăm thẳm, thì đó là lúc tự hạ và cởi bỏ hoàn toàn, vào lúc đó chúng ta mới cảm nghiệm được mình là những con người mỏng giòn và tội lỗi. Thật vậy, vào lúc đó, chúng ta đừng che dấu sự thất bại của mình, nhưng hãy tin tưởng mở lòng mình cho niềm hy vọng vào Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã thực hiện.
Anh chị em thân mến, tuần này sẽ tốt cho chúng ta, hãy mang lấy Đấng chịu đóng đinh trong tay và hãy hôn lấy thật lâu, thật lâu và hãy nói : Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa. Xin cho được như vậy!
Cuối cùng sau khi chào thăm các tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới, Đức Thánh Cha kết thúc bằng những lời sau : Ngày mai chúng ta bắt đầu Tuần Tam Nhật Phục sinh, trung tâm của năm phụng vụ. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy suy tư về giá máu mà Thiên Chúa đã đổ ra để cứu rỗi chúng ta. Các bệnh nhân thân mến, xin cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh dạy cho anh chị em nhân đức nhẫn nại trong những phút giây của thập giá. Và sau cùng các đôi vợ chồng trẻ quý mến, các con hãy đong đầy niềm vui Phục sinh trong cuộc sống gia đình của các con.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng
Tags:
Đức Thánh cha