Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Bí tích Xức dầu bệnh nhân
sáng thứ tư ngày 26 tháng 2 năm 2014 tại quảng trường thánh Phêrô.
sáng thứ tư ngày 26 tháng 2 năm 2014 tại quảng trường thánh Phêrô.
Anh chị em thân mến
Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về Bí tích Xức dầu bệnh nhân, là bí tích cho phép chúng ta đụng chạm được với đôi tay xót thương của Thiên Chúa dành cho con người. Trong quá khứ nó được gọi là "xức dầu sau cùng", bởi vì nó được hiểu như là sự an ủi tinh thần khi cái chết gần kề. Thực vậy, khi nói về "Bí tích xức dầu bệnh nhân" giúp chúng ta mở rộng cái nhìn đối với kinh nghiệm của bệnh tật và đau khổ, trong viễn tượng của lòng thương xót Chúa.
1. Có một biểu tượng Kinh thánh diễn tả tất cả chiều sâu mầu nhiệm của nó soi sáng cho Bí tích xức dầu bệnh nhân : đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong Tin mừng Luca (10,30-35). Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích này, Chúa Giêsu, nơi con người linh mục, đến gần với những người đau khổ, đau nặng hay già yếu. Dụ ngôn kể về người Samaritanô nhân hậu chăm sóc cho người bị nạn bằng cách đổ dầu và rượu trên vết thương của nạn nhân. Dầu làm cho chúng ta nghĩ đến dầu được Đức giám mục làm phép hằng năm trong thánh lễ truyền dầu vào ngày thứ năm Tuần thánh, để xức cho các bệnh nhân. Trái lại, rượu là dấu chỉ của tình yêu và ơn sủng của Chúa Kitô tuôn trào từ ơn sự sống của Người dành cho chúng ta và được diễn tả tất cả sự phong phú của nó trong đời sống bí tích của Giáo hội. Thật thế, người bị nạn đã được giao phó cho ông chủ nhà trọ, để anh ta có thể tiếp tục săn sóc cho người đó, mà không quan tâm đến các chi phí hao tổn. Hôm nay, ai là người chủ nhà trọ này? Đó là Giáo hội, cộng đoàn tín hữu, là chúng ta, mà mỗi ngày Chúa Giêsu trao phó cho chúng ta những người đang bị đau đớn trong thân xác lẫn tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục đổ tràn trên họ, không so đo tính toán, tất cả lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa.
2. Phận vụ này đã được tái khẳng định một cách rõ ràng và minh bạch trong thư của thánh Giacôbê, ngài nói : "Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha" (5,14-15). Thực vậy, đây là một thói quen được thực hiện vào thời của các Tông Đồ. Cho nên Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Người hãy mặc lấy chính lòng yêu thương của Người đối với những người đau yếu, bệnh tật. Và Người đã truyền lại cho họ năng lực và nhiệm vụ để tiếp tục ban tặng nhân danh Người, và kèm theo con tim xoa dịu và bình an của Người, nhờ ơn đặc biệt của Bí tích này. Tuy nhiên, đừng để điều này làm cho chúng ta rơi vào trong việc tìm kiếm phép lạ cách ám ảnh hay rơi vào trong trong ảo vọng có thể đạt được sự chữa lành. Nhưng đó là sự gần gũi chắc chắn của Chúa Giêsu đối với bệnh nhân và với người già yếu, vì mỗi người già, những người hơn 65 tuổi, có thể nhận lãnh Bí tích này, nhờ bí tích này mà chính Chúa Giêsu ở gần chúng ta.
Nhưng có đôi lần người bệnh nghĩ : "Chúng ta hãy mời vị linh mục đến"; "Đừng, đừng gọi linh mục, vì ông ta mang đến sự bất hạnh" hoặc là "sau đó bệnh nhân hoảng sợ". Tại sao người ta nghĩ đến chuyện đó? Bởi vì có vài người cho rằng sau khi linh mục đến thì đám tang sẽ đến sau đó. Điều đó không đúng!. Vị linh mục đến để giúp đỡ bệnh nhân hoặc người già yếu; vì thế việc thăm viếng của các linh mục đối với các bệnh nhân thì rất quan trọng. Bệnh nhân cần phải gọi các linh mục sớm và hãy gọi linh mục đến ban bí tích xức dầu, và chúc lành cho họ. Khi đó chính Chúa Giêsu đến để nâng bệnh nhân dậy, ban cho họ sức mạnh, ban cho họ niềm hy vọng, nâng đỡ họ; cũng như để tha thứ tội lỗi của họ. Điều rất đó tuyệt vời! Đừng nghĩ rằng đó là điều cấm kỵ, vì điều đó luôn tuyệt vời, hãy biết rằng trong lúc yếu đau, bệnh tật chúng ta không ở một mình : Linh mục và những người hiện diện trong khi xức dầu, họ đại diện cho toàn thể cộng đoàn kitô hữu, như một thân mình duy nhất được thúc đẩy xung quanh người yếu đau và những người thân, bằng cách dưỡng nuôi đức tin và hy vọng cho các bệnh nhân và nâng đỡ các bệnh nhân bằng lời cầu nguyện và tình nồng huynh đệ. Nhưng sự an ủi to lớn hơn hết đến từ sự kiện đó là sự hiện diện của chính Chúa Giêsu trong Bí tích, Đấng nắm tay chúng ta, âu yếm chúng ta như đã từng làm với các bệnh nhân và nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta thuộc về Chúa và không có gì - bệnh tật hay sự chết - có thể ngăn cách chúng ta khỏi Người.
Chúng ta thường có thói quen gọi linh mục vì những bệnh tật của chúng ta - tôi không nói đến bệnh cảm, ba đến bốn ngày, nhưng khi bị bệnh trầm trọng - cũng như những người cao tuổi, hãy mời linh mục đến để ban cho họ Bí tích này, ban cho họ sự an ủi và sức mạnh của Chúa Giêsu để tiếp tục tiến bước. Chúng ta hãy làm điều đó.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Tags:
Đức Thánh cha