Bài học yêu thương và tha thứ
Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay
Ed 18,21-28; Mt 5,20-26.
Chúng ta đang sống trong tâm tình của những ngày đầu Mùa chay, mời gọi mọi Kitô hữu hoán cải và đổi mới để hướng tới mầu nhiệm phục sinh vinh quang của Chúa Kitô. Lời Chúa trong các bài đọc chúng ta vừa nghe cũng nằm trong chiều kích đó, dẫn đưa chúng ta đi sâu vào trong lời mời gọi hoán cải, nổ lực vươn lên để công chính hơn, để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”.
Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe nằm trong khung cảnh của bài giảng trên núi. Sau khi công bố hiến chương nước trời cho mọi người, Chúa Giêsu đưa ra hàng loạt chỉ dẫn khác để hoàn thiện lề luật và lời các tiên tri. Ngay sau đó Ngài thêm rằng sự “hoàn thiện” lề luật này đòi hỏi một sự công chính trỗi vượt, một sự tuân thủ chân thực hơn, sâu xa hơn. Vì thế Người nói với các môn đệ rằng : “Nếu các con không công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, các con sẽ không được vào nước trời” (Mt 5,20). Có thể nói, Lời Chúa trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe là một lời rất mạnh mẽ từ Thiên Chúa, dường như đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta. Nó như một điểm dừng mà Thiên Chúa đặt ra trước mặt chúng ta trong cuộc sống này, để nhìn lại chính mình, để sửa đổi và tiếp tục tiến bước.
Đứng trước một ngọn núi cao đầy trắc trở, bất chợt làm cho chúng ta cảm thấy rất khó khăn, khi nhìn vào những cản trở dường như không thể vượt qua. Qua những lời Chúa Giêsu nói hôm nay, Người muốn dẫn đưa chúng ta lên đỉnh cao của cuộc sống, vượt qua những cản trở chúng ta gặp phải, đưa ra cho chúng ta một bước nhảy trong đời sống đức tin dựa theo luật mới. Chúa Giêsu đề nghị với những ai theo Ngài, về một tình yêu hoàn hảo: tình yêu mà thước đo duy nhất là không có thước đo, vượt trên sự tính toán. Tình yêu dành cho tha nhân là một thái độ căn bản đến nỗi Chúa Giêsu đã xác nhận rằng tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa không thể nào chân thành nếu chúng ta không muốn hòa giải với tha nhân: “nếu khi các con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với các con, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Trước khi tiếp tục đến gặp gỡ Thiên Chúa, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của mình hãy xác định lại mối tương quan với tha nhân, với anh em, đừng tiếp tục nếu ta tìm thấy điều gì đó mà ta có thể cải thiện được, và hãy lui về để điều chỉnh lại mối tương quan đã từng rạn vỡ.
Nhưng đó là chuyện nhỏ thôi mà – không quan trọng. Người xúc phạm đến tôi là một người quá thân quen – cũng không cần thiết; Không sao, ngày mai tôi hòa giải cũng được – thật là sai lầm. Tương quan với tha nhân là điều kiện thiết yếu để tiếp tục hành trình hướng đến với Thiên Chúa. Những ai đã tách mình ra khỏi mối tương quan với người anh em, người đó tự tách mình ra khỏi mối liên hệ với Thiên Chúa. Thánh Gioan đã nói : “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20). Nếu không đến với anh em mà tiếp tục dâng của lễ thì chẳng có ích gì. Cain ghét Abel em mình bởi vì của lễ Abel dâng lên Thiên Chúa thật tốt đẹp. Bước nhảy mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện là giải hòa với anh em, người xúc phạm đến chúng ta trước, dâng của lễ lên Thiên Chúa cùng với lễ vật của người anh em trong tâm tình hòa bình, và như thế sẽ làm vui lòng Thiên Chúa.
Qua những lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ hướng lên một tầm mức cao hơn của đời sống làm con cái Chúa. Người không muốn các ông lưu lại trong sự an nhàn, bình thản như không có gì xảy ra. Người muốn các ông hãy “trở nên hoàn thiện như Cha”. Nhưng làm sao có thể được? Sự hoàn thiện mà Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết được, không thể đặt nó trên bình diện công bình : không phải là muốn thực hành sự hoàn thiện đối với tất cả các nhân đức luân lý, cũng không phải là không phạm lỗi lầm nào khi đối diện với luật của Thiên Chúa. Nếu như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không có khả năng để làm tất cả những điều đó, bởi chúng ta là những con người mỏng giòn và đầy khiếm khuyết. Điều chúng ta có thể làm được đó là tin tưởng và phó thác, đặt nền tảng đời mình nơi Thiên Chúa, học ở nơi Thiên Chúa để sống với tình yêu và tha thứ.
Bài học yêu thương và tha thứ từ ngàn xưa của Thiên Chúa vẫn còn đó qua môi miệng của ngôn sứ Ezekiel: “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”. Thiên Chúa đã không trừng phạt con người bằng cách kết tội họ, nhưng nhìn tận trong sâu thẳm của tâm hồn con người và cuộc sống hiện tại của con người, quá khứ, tội lỗi sẽ được xóa bỏ nếu con người biết hoán cải và thực hành lời Chúa. Nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả, thế giới này có lẽ không tồn tại. Thật thế, nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được đâu.
Bài học yêu thương và tha thứ Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ vẫn còn đó, vẫn luôn là điểm quy chiếu cho mọi thế hệ. – Chẳng phải trên thập giá chính Chúa Giêsu đã đi bước trước, thứ tha cho những kẻ lên án mình sao? – Chẳng phải Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ hãy tha thứ đến bảy mươi lần bảy sao?. – Chẳng phải Thiên Chúa như người cha chờ đợi đứa con hoang trở về để tha thứ bằng cử chỉ âu yếm, vui mừng sao?. – Và chẳng phải hôm nay Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ hãy đi hòa giải với anh em trước rồi đến dâng của lễ sao?
Yêu thương và tha thứ tạo nên dáng đứng hoàn thiện của người môn đệ trong đời sống làm con Chúa, dẫu biết rằng đôi khi phải đối diện với những điều thật trái ngang.
Chúng ta đang khép lại những ngày ở với Chúa, cùng leo núi với Chúa sau những ngày tĩnh tâm, lời mời gọi trở nên hoàn thiện của Chúa Giêsu vẫn đang ở trước mắt chúng ta, theo chúng ta trong từng lời nói, từng hành động. Đặc biệt trong đời sống linh mục xin Chúa cho chúng ta luôn biết kiên trì đi theo Chúa trên con đường hoàn thiện, biết thánh hóa bản thân, biết yêu thương tha nhân trong tình huynh đệ và học nơi Người bài học yêu thương để khi đến với tha nhân trong đời sống thường ngày, cách riêng qua bí tích hòa giải, chúng ta có thể xác tín được tình yêu mà chúng ta trao ban cho họ là tình yêu đích thực mà chúng ta lãnh nhận và đã sống.
Giuse Võ Tá Hoàng
Tags:
Chia sẻ