50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN – Chia sẻ 34
THÁNH CA và THẦN HỌC:
KHÔNG PHẢI VỰC SÂU NHƯNG LÀ KHÁT VỌNG
Năm 1997, cuối thánh lễ an táng một linh mục, người ta hát bài “Từ vực sâu u tối”. Sau đó một giáo dân tâm sự với tôi:
– Con nghe bài hát mà nản lòng và bất mãn quá! Ông cha này ai cũng biết là rất tốt, rất đạo đức thánh thiện, tại sao vừa chết xong lại bị đày xuống vực sâu, bị tống vào ngục tối ngay lập tức vậy?
Lời chia sẻ khiến tôi giật mình. Chính bản thân tôi cũng đã nhiều lần cảm nghiệm nhận ra sự trái khoáy ấy mà không lấy làm điều, nhưng đối với những người đang kiếm tìm đức tin thì quả tình bài ca có thể khiến họ nghĩ: Cách nhìn về cái chết của người Công giáo thật mâu thuẫn. Có những lần tôi hiện diện trước áo quan anh chị em mình trong tâm tình chúc mừng, mừng vì Chúa Kitô Cứu Thế vừa khẳng định thêm một chiến thắng không thể đảo ngược, trong lúc bên tai tôi người ta đang rên rỉ câu kinh từ vực sâu ai oán. Thật hết sức lạc điệu nếu giữa tâm tình rộn rã của đêm chia tay trước khi cô dâu lên xe hoa về nhà chồng, chợt có người cất tiếng: Từ vực sâu tối tăm!… Vâng, nhiều trường hợp chúng ta cầu nguyện bên người vừa nằm xuống trong bầu khí họp mừng vượt qua, và như muốn tha thiết nói với Tân Lang rằng: Xin hãy cảm thông, vui lòng chờ cho chúng em được tỏ chút luyến lưu bịn rịn; chỉ vài giờ nữa thôi, chúng em sẽ để cho Chàng tự do đưa bạn ấy lên đường…
Tôi đã hứa sẽ viết bài về vấn đề này. Giới Công giáo đã quá quen tai cho nên không để ý rằng bài hát mang hình ảnh vực sâu tối tăm có thể gây phản cảm nặng nề nơi người ngoài Công giáo. Người ta đồng ý rằng người Công giáo luôn tưởng nhớ đến người đã khuất rất nhiều, nhưng cách nhớ tưởng ấy rất khác với tâm tình người Việt. Người Việt nhớ đến Ông Bà Cha Mẹ đã khuất và xin các ngài phù hộ cho con cháu, còn với người Công giáo, hình như Ông Bà Cha Mẹ chết xong là rơi vào thảm trạng bi thương. Hiện nay, không chỉ có một bài mà đến bốn, năm bài hát với hình ảnh vực sâu tối tăm, từ chốn luyện hình u tối. Những bài này thịnh hành đến nỗi buổi kinh hoặc thánh lễ tưởng nhớ người chết mà không hát một trong mấy bài ấy thì dường như còn thiếu sót.
Vừa qua, sau 15 năm gặp lại người giáo dân nọ, chúng tôi nói chuyện khác, nhưng tôi chợt nhớ một món nợ chưa trả.
Tôi về mở quyển “Nghi Lễ An Táng và Thánh Lễ Cầu Hồn”, Ủy ban Giám mục về Phụng tự xuất bản, Sài Gòn 1971, dày 230 trang, thấy phản ứng của người ấy rất đúng. Quyển sách gồm có 5 lời hiệu triệu, 152 lời nguyện, 9 bài Cựu ước, 8 đoạn xướng đáp và lời cầu , 26 thánh vịnh, 11 câu xướng alleluia và 20 bài Tân ước chưa kể kể 19 bài Tin mừng, 5 kinh Tiền tụng, 3 Kinh nguyện Thánh Thể… Suốt bằng ấy nội dung, tiếng “vực sâu” chỉ xuất hiện trong một bản văn duy nhất là thánh vịnh 129/130 được in lại 6 lần ở các trang 19, 23, 28, 56, 84 và 125. Thánh vịnh này được đề nghị dùng làm đáp ca, và ở các trang 28, 56 và 84 có hai câu đáp để chọn là câu 1: “Từ vực sâu, Lạy Chúa, tôi kêu lên cùng Chúa” hoặc câu 5: “Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, tôi trông cậy ở lời Người”; ở trang 19 và 23 có hai câu đáp để chọn là câu 1: “Lạy Chúa, tôi kêu lên cùng Chúa”, bỏ cụm từ “Từ vực sâu”, hoặc câu 6: “Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi”, ở trang 125 không có câu đáp. Như thế ở đây phụng vụ cũng đọc thánh vịnh này với tất cả sự lạc quan tin tưởng như khi trích đọc nó trong Kinh chiều II của Lễ Giáng sinh.
Các nhạc sĩ Việt Nam đã dừng lại ở hình ảnh vực thẳm và triển khai kịch tính của hình ảnh này khiến cho một chi tiết phụ của bài thánh vịnh lấn lướt mất nội dung chính. Điều này cũng có phần do âm hưởng của cung giọng não nuột của kinh “Ớ Chúa tôi, tôi ở chốn thẳm sâu kêu lên cùng Chúa” (Đàng Trong) tức cũng là kinh “Lạy Chúa tôi, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi” (Đàng Ngoài).
Những bài thánh ca chủ đề vực sâu thật hay, tiếc là không đúng phụng vụ cũng không sát giáo lý Công giáo. Tiếc hơn nữa là chúng đã gây những ngộ nhận rất lớn cả cho người Công giáo lẫn người ngoài Công giáo.
Vấn nạn được nêu lên không phải là thắp nhang hay đặt đồ cúng nhưng là theo Chúa thì mất đi cái nhìn lạc quan đầy hy vọng của Đạo Hiếu khi nghĩ về tiền nhân! Do chưa nhận biết mạc khải, người Việt chưa diễn tả bằng ngôn từ chính xác nhưng cách ứng xử cho thấy dường như đa số linh cảm rằng tiền nhân qua đi là về với Cội Nguồn tối thượng. Cùng lúc, người sống vừa cầu mong cho người chết sớm siêu thoát vừa xin người chết phù hộ. Cái nhìn ấy khá gần với giáo huấn trong sách “Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo”. Sách này không hề nhắc gì đến một vực thẳm hoặc một nơi chốn. Với tựa đề “Luyện ngục: cuộc thanh luyện cuối cùng”, số 1030 của sách này nói đến sự “thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết”:
“Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắn chắc được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên Đàng.
Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là “purgatory”. Dù ta quen dịch là luyện ngục, thuật ngữ này chỉ đơn giản là một tình trạng thanh luyện, không phải vực, cũng không phải là ngục tối. Điều này khác hẳn với hình phạt đời đời của kẻ bị chúc dữ: Hội Thánh công bố giáo lý về luyện ngục cách riêng trong các công đồng Flôrence (x. DS 1304) và Trentô (x. DS 1820; 1580). Dựa vào một số đoạn Kinh Thánh (x. 1Cr 3,15; 1Pr 1,7), Hội Thánh nói về lửa thanh luyện.
“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện. Chúa Giêsu xác nhận: nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần người ấy sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31). Qua khẳng định này, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác thì phải đợi tới đời sau” (x. T. Grêgôriô cả, đối thoại 4,39).
Lời dạy này cũng căn cứ trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố mà Kinh thánh đã nói: vì thế ông Giuđa Macabêô “xin dâng lễ đền tội cho những người chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay từ đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong thánh lễ (x. DS 856) để một khi được thanh luyện họ có thể hưởng nhan Thánh Chúa. Hội Thánh khuyên chúng ta bố thí, làm việc hãm mình và nhường các ân xá cho những người đã qua đời.
“Chúng ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (G 1,5), tại sao chúng ta còn nghi ngờ là những lễ tế của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, để cầu cho người quá cố, lại không đem đến cho họ một phần an ủi nào? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời”(x. T. Gioan Kim Khẩu, Bài Giảng về 1Cr 41,5).
Thánh vịnh 129/130 quả có được dùng trong sách “Nghi Lễ An Táng và Thánh Lễ Cầu Hồn”, tuy nhiên đọc kỹ, sẽ thấy ở đó Hội Thánh nhấn mạnh hai điều: hoặc là sự kiện con người không thể tự cứu mình, hoặc là niềm khát vọng sớm được cứu thoát chứ không hề nhấn mạnh thảm cảnh “vực sâu”. Ước mong các cấp thẩm quyền của Hội Thánh sớm nghiên cứu lại để tránh tình trạng phản tác dụng cho việc loan báo Tin mừng tại Việt Nam.
Cụ thể, Ban Thánh Nhạc toàn quốc có thể giúp giải quyết vấn đề cách nhẹ nhàng bằng một tuyển tập thánh ca cho lễ an táng và cầu hồn. Hiện nay trong rừng thánh ca Việt Nam, có nhiều bài rất hay cả về nhạc, về lời, về hình ảnh và về thần học hy vọng để cầu nguyện lúc anh chị em tín hữu lên đường về với Chúa, nhưng chỉ mới được biết đến ở một số cộng đoàn hay một số địa phương. Ước mong Ban Thánh Nhạc sớm thu thập và đề cao những bài ấy để phổ biến cho mọi người, và đừng đưa những bài không chuẩn về thần học hoặc dễ gây hiểu lầm vào tuyển tập. Hy vọng như thế dần dần thói quen dùng những bài thảm sầu như nói ở trên sẽ lùi vào quá khứ.
50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN – Chia sẻ 35
VIỄN ẢNH LẠC QUAN CỦA SPE SALVI
Để độc giả có thêm cơ sở suy nghĩ về điều vừa chia sẻ ở bài trước, và áp dụng vào việc loan tin mừng cho Dòng họ, tôi xin được lược tóm ở đây giáo huấn của Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp Spe Salvi: “Được cứu rỗi trong đức trông cậy”.
Thông điệp Spe Salvi số 45 có nhắc đến quan niệm Do Thái giáo “cho rằng các linh hồn đang sống trong một hình thức bị tạm giam,… đang phải chịu phạt hay đang được hưởng một hình thái hạnh phúc tạm thời” và lập tức cho rằng quan niệm ấy đã bị đầy lùi vào quá khứ. “Giáo Hội sơ khai tiếp nhận các quan điểm này, và trong Giáo Hội Tây Phương, chúng dần dần được phát triển thành học thuyết về Luyện Ngục. Chúng ta không cần xem xét ở đây các nẻo đường phức tạp trong lịch sử sự phát triển ấy; mà chỉ cần hỏi xem điều này thực ra có ý nghĩa gì” (số 45).
Điểm chính yếu trong học thuyết Spe Salvi về luyện ngục, ở số 47, là sự thanh luyện trong tình yêu của Đấng Thẩm Phán và, ở số 48, mối hiệp thông trong Hội Thánh khiến ta có thể cầu nguyện cho các linh hồn đang được thanh luyện. Xin trích nguyên văn số 47:
“Một vài thần học gia mới đây có ý kiến cho rằng lửa vừa thiêu đốt vừa cứu chuộc chính là Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế. Cuộc gặp gỡ với Ngài là hành động phán xét chung cuộc. Trước ánh mắt Ngài, tất cả những gì là giả trá sẽ tan biến. Sự gặp gỡ Ngài trong khi thiêu đốt chúng ta, lại cải biến chúng ta, và giải thoát chúng ta, khiến cho chúng ta trở nên con người chính thật của mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong đời có thể chỉ là rơm rạ, rỗng tuếch và sụp đổ. Vậy mà trong cái đau đớn của cuộc gặp gỡ này, khi những dơ bẩn, và bệnh hoạn của cuộc đời được phơi bày ra trước mắt chúng ta, thì ơn cứu độ nằm ngay ở đó. Cái nhìn của Chúa, sự va chạm của trái tim Ngài chữa lành chúng ta qua một biến cải chắc chắn là đau đớn “như đi qua lửa”.
Nhưng đó là một sự đau đớn được chúc lành, trong đó quyền lực cực thánh của tình yêu Ngài xuyên thấu chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính mình và nhờ đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Bằng cách này sự tương quan giữa Công Lý và ân sủng cũng trở nên rõ ràng; cách thức chúng ta sống trên đời không phải là không quan trọng, nhưng tội lỗi của chúng ta không gây tì ố trên chúng ta mãi mãi nếu ít ra chúng ta vẫn tiếp tục vươn ra để đến với Chúa Kitô, đến với sự thật và tình yêu.
Thật vậy, tội lỗi đã bị thiêu đốt qua cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Vào lúc chung thẩm chúng ta cảm nhận và hấp thụ quyền lực vô biên của tình yêu Ngài trên tất cả sự dữ trong thế gian và trong chúng ta. Nỗi đau của tình yêu trở nên ơn cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể đo lường “thời gian” của sự thiêu đốt biến cải này bằng những đơn vị đo lường thời gian của trần thế. “Giờ phút” biến cải trong cuộc gặp gỡ này vượt quá ước tính thế gian – đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của cuộc “vượt qua”, để tiến đến hiệp thông với Thiên Chúa qua Mình Thánh Chúa Kitô.
Sự phán xét của Chúa là niềm hy vọng, vì đó vừa là Công Lý, và vừa là ân sủng. Nếu chỉ có ân sủng mà thôi, khiến cho tất cả mọi việc trên thế gian không còn vấn đề nữa, thì Chúa sẽ mắc nợ chúng ta một câu trả lời về Công Lý – một câu hỏi quyết liệt chúng ta đặt ra cho lịch sử và cho Thiên Chúa. Nếu chỉ là Công Lý, thì cuối cùng chỉ có thể đem lại cho chúng ta sự sợ hãi. Việc Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô đã nối kết Công Lý và ân sủng với nhau mật thiết đến độ Công Lý được thiết lập vững chắc: chúng ta đều phải lo liệu cho sự cứu rỗi của mình “trong âu lo và run sợ” ( Pl 2, 12 ). Tuy nhiên, ân sủng cho phép tất cả chúng ta hy vọng, và để vững tin đi gặp vị Thẩm Phán, Đấng chúng ta biết đến như là “trạng sư”, hay parakletos ( x. 1 Ga 2, 1 ) của chúng ta.”
Cũng cần góp thêm vào đây cái nhìn thần học tâm linh của Dòng Cát Minh Têrêxa về sự “hiệp nhất tạo biến đổi”, được cha Marie Eugène trình bày trong sáng dễ hiểu ở phần đầu tác phẩm “Tôi muốn thấy Thiên Chúa”. Khái niệm hiệp nhất tạo biến đổi giúp ta hiểu ra rằng khi được gọi hiệp nhất với Thiên Chúa Chí Thánh, thụ tạo được Ngài đổi mới không ngừng cho đến đời đời. Sau giai đoạn thanh tẩy luyện lọc hết những vết nhơ, sự biến đổi tiếp tục làm cho thụ tạo càng lúc càng giống với Thiên Chúa. Người ta thường hình dung cách giản dị là phải xong việc này rồi mới sang việc khác, phải qua khỏi giai đoạn luân lý rồi mới bàn đến đời sống hiệp nhất, nhưng thực tế của đời sống ơn thánh cho thấy cả ơn hiệp nhất và ba nhân đức tin cậy mến có mặt ngay từ đầu và, nơi con cái Chúa, chính ba nhân đức ấy giục giã ta dứt khoát với tội lỗi, làm cho mọi dính bén và mọi bất toàn bị bật rễ. Ngay ở đời này ba nhân đức tin, cậy, mến đã cho ta một kinh nghiệm về việc lửa đốt sạch những cặn bẩn. Nơi sự hiệp nhất tạo biến đổi, ta sẽ như những cục than, những thỏi kim loại được ném vào lò lửa hồng và rực cháy theo lửa…Thiên Chúa vừa bất biến vừa vô cùng vô tận cho nên thụ tạo khi chiêm ngưỡng và khám phá Ngài sẽ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác cho đến đời đời và đời đời. Thiên đàng chẳng phải là một đêm lễ hội ánh sáng nào đó nhưng một chuỗi đời đời những ngạc nhiên thích thú và mãi mãi khám phá sự tươi mới, chẳng còn hở ra một phút giây nào để nhàm chán. Thánh Gioan Thánh giá diễn tả điều ấy như sự khám phá của người khai thác những hầm mỏ mênh mông, của người lạc vào những hang động thiên nhiên bất tận. Còn Thánh nữ Têrêxa Avila, trong quyển Lâu Đài Nội Tâm, thì xếp đặt thành một lộ trình tiến dần để, ngay ở đời này, những người khát khao sẽ tha thiết nài xin cho mình được biến đổi và hiệp nhất với Thiên Chúa.
50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN – Chia sẻ 36
CẦN NHỮNG BÀI CA MỚI CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT
Thánh ca đang đóng một vai trò quan trọng trong việc loan báo Tin mừng. Nhân khi nghiên cứu quyển “Nghi Lễ An Táng và Thánh Lễ Cầu Hồn” để viết về bài hát “Từ vực sâu”, tôi thấy quyển sách đầy những ý tưởng giàu hình ảnh, dễ tạo cảm hứng cho những bài thánh ca thật hay để cầu nguyện bên người quá cố. Chỉ cần nêu lên tần số xuất hiện của những ý tưởng từ nhiều đến ít như sau, cũng đủ gợi hứng cho người viết ca từ biết phải viết theo hướng nào:
Sống: (148), trong đó có: hằng sống (23) + sống mới (9) + sống đời đời (8) + những trường hợp khác (108)
Chết: (145)
Tin: (98)
Phục sinh: (91), trong đó có: sống lại (62) + trỗi dậy (9) + Phục Sinh (20)
Phúc: (71)
Cứu: (68), trong đó có: cứu (25) + cứu độ (29) + giải thoát (14)
Hiệp nhất: (60), trong đó có: nước trời (6) + tiệc (14) + luyện (8) + hợp nhất với/hiệp nhất với Chúa (8) + liên kết (7) + chiêm ngưỡng (7) + đón nhận ( 10)
Hưởng: (45)
Niềm vui: (43), trong đó có: ân sủng (11) + niềm vui (6) + an ủi (7) + ánh sáng (9) + bình an (10)
Vinh quang: (42)
Hy vọng: (36), trong đó có: hy vọng (13) + trông cậy (12) + trông đợi (5) + mong đợi (5) + mong chờ (1)
Nhân hậu: (31), trong đó có: khoan dung (4) + nhân từ (3) + thương xót (10) + nhân hậu (14)
Thanh tẩy: (22), trong đó có: phép Rửa (9) + rửa (5) + thanh tẩy (8)
Đóng đinh: (11)
Khóc: (9)
Vượt thắng: (18), trong đó có: vượt (7) + thắng (11)
Lửa: (9), trong đó có: luyện vàng trong lửa (5) + hồ lửa (3 – trong cùng một bài đọc) + lửa đời đời (1) + Lửa vinh quang (1 – ánh lửa chiếu qua bụi lau)
Mục tử: (7), trong đó có: mục tử (3) + chăn nuôi (4)
Hình khổ: (5), trong đó có: xiềng xích (2) + cực hình (3)
Phạt: (4)
Dù vực thẳm (Rm 8,39): (1)
Từ vực thẳm (Tv 130,1): (1)
Ngục: (0)
Ngoài ra còn có một hình thức mai táng mới xuất hiện trong đời sống người Việt nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng trong mấy thập niên gần đây, là hỏa táng. Hỏa táng thường gây những ấn tượng và cảm xúc hết sức đau thương. Kinh Thánh cũng cho ta nhiều hình ảnh mãnh liệt về sự thanh tẩy bằng lửa. Cho tới nay các nhạc sĩ Công giáo Việt Nam chưa quan tâm đến sự kiện này. Thiết tưởng dân Chúa đang rất cần những bài thánh ca đầy hy vọng để có thể vượt qua những giây phút thương tâm trong bình an. Trong quyển “Kinh nguyện gia đình” phiên bản 1986, chúng tôi có đề xuất những đoạn sau đây, xin nêu như những gợi ý cho anh chị em nhạc sĩ:
“Lạy Cha, Cha đã tạo dựng nên lửa và ban nó cho chúng con. Lửa đã sưởi ấm khi chúng con sinh ra, đã tạo điều kiện cho cuộc sống hằng ngày, và khi chúng con đã qua đời, lửa còn làm cho thân xác này chóng về lại tình trạng cát bụi. Xin Cha chúc lành và thánh hoá ngọn lửa chúng con sắp dùng để hoả táng thân xác người anh em (chị em) chúng con.” (Lời nguyện)
“Anh chị em thân mến, bởi vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Ngài. Quả thật, Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Lời Chúa: Dt 12,28-29; xem thêm những đoạn khác: 1 Côrintô 15,35-38 và 42-49; Đanien 3,19b-21 và 24-28; 2 Vua 2,1-2 và 7-11; 1 Côrintô 3,10b-17; Isaia 43,1-7; 2 Phêrô 3,8-13)
Hoặc lời mời gọi, các lời cầu và lời nguyện:
“Thưa anh chị em, Kinh thánh nói: Thiên Chúa là lửa thiêu. Chính Thiên Chúa là Cha đã cho Đức Giê-su Ki-tô đến thanh tẩy chúng ta bằng lửa trong Thánh Thần, và đã ban Chúa Thánh Thần như lửa sưởi ấm linh hồn ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta dâng hiến đời sống cho Ngài như những lễ vật toàn thiêu. Với những xác tín ấy, trong dịp cử hành lễ hoả thiêu hôm nay, chúng ta hãy thưa với Ngài những lời cầu nguyện tha thiết và đầy tin tưởng.
Chúng con xin dâng lên Cha mọi việc lành của (OBACE) T. và của mỗi người chúng con đã cố gắng thực hiện trong cuộc sống. Xin Cha thanh luyện cho trở nên của lễ đẹp lòng Cha.
Chúng con xin giao phó trong tay Cha mọi tội lỗi của (OBACE) T. cũng như của mỗi người chúng con đã vấp phạm. Xin Cha lấy lửa yêu mến của Cha mà thiêu đốt và thanh tẩy.
Như ngọn lửa vật chất sắp thiêu đốt thi hài (OBACE) T. , xin cho ngọn lửa mến Chúa yêu người cũng luôn thiêu đốt tâm hồn chúng con.
Cũng như thân xác (OBACE) T. sắp thành những hạt bụi mất hút trong lòng đời, xin Cha cho mỗi người chúng con biết quên mình, biến tan đi trong cuộc sống phục vụ anh em.
Xin cho các thân nhân của (OBACE) T. nhận được mọi ơn lành của Cha và gặp được nơi mọi người lòng yêu mến thiết tha như ngọn lửa an ủi sưởi ấm tâm hồn.
Lạy Cha, giờ đây chúng con xin dâng phó linh hồn (OBACE) T. trong tình thương của Cha, và chúng con hoả táng (OBACE) như một của lễ toàn thiêu dâng lên Cha. Xin cho lễ hiến dâng này, cùng với tình yêu của gia đình và cộng đoàn chúng con, được kết hiệp với sự hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá thành một của lễ đẹp lòng Cha. Xin cho đời sống chúng con và mọi lời chúng con cầu nguyện cũng được như hương khói chân thành tỏa bay trước Nhan Cha, để cầu cho (OBACE) T. và mọi người đã qua đời trong ơn nghĩa Cha được vào hưởng vinh quang Cha muôn đời.
50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN – Chia sẻ 37
CẦN CÓ THÊM NHỮNG BẢN VĂN LỄ GIỖ MANG TÍNH TẠ ƠN
Hầu như ai trong chúng ta cũng biết bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn với câu ca vừa trầm lắng vừa mạnh mẽ: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Cả khi người xưa đã xa cách ta nhiều chục năm hay nhiều trăm năm, ta vẫn có thể thấy gần gũi qua công ơn và gương sáng của họ. Hồi tưởng, ta thấy dường như họ vẫn hiện diện đâu đây. Riêng với những người mới xa cách, ta thường ngậm ngùi thương nhớ và cầu nguyện cho họ.
Ở đây, niềm tin của anh chị em lương dân khá mơ hồ và hỗn độn. Một đàng, họ cầu nguyện cho người chết sớm siêu thoát. Một đàng lại có sự tin tưởng cho rằng người chết còn ở với gia đình hết năm đời rồi mới đi đầu thai. Tại sao lại được ở với gia đình hết năm đời? Việc ở với con cháu là hạnh phúc hơn hay việc đi đầu thai kiếp khác hạnh phúc hơn? Phải chăng còn ở với gia đình là chưa được siêu thoát? Ta nên cầu nguyện cho người chết siêu thoát và thôi ở với gia đình hay là đừng cầu nguyện để họ có thể ở với gia đình mãi? Trong thực tế thì người ta cầu nguyện sự siêu thoát cho người chết chỉ trong hai năm đầu, rồi sau đó không nhắc tới việc cầu cho siêu thoát. Mà thế nào là siêu thoát? Siêu thoát là đi về đâu? Ai giữ cái quyền thẩm xét để cho một người được siêu thoát hay chưa được siêu thoát? Anh chị em lương dân không biết dựa vào đâu để trả lời những câu hỏi ấy và để lý giải những tin tưởng của mình.
Còn người Công giáo tin rằng chúng ta từ Thiên Chúa mà đến và ta được mời gọi hoàn thành cuộc đời này để về với Thiên Chúa. Được cứu rỗi là được về với Thiên Chúa. Ta được cứu rỗi nhờ tin vào Chúa Kitô chứ không nhờ vào công sức riêng của bản thân. Khẳng định như thế không có nghĩa chết xong là được hưởng phúc thiên đàng ngay, bởi vì chính Chúa cho biết rằng ta phải trả xong những món nợ rất nhỏ cuối cùng rồi mới được vào thiên đàng (x. Mt 5,26). Ta cần cầu nguyện xin Chúa giải thoát người đã khuất, tuy nhiên, phải cầu nguyện cho tới bao lâu?
“Rõ ràng là chúng ta không thể đo lường “thời gian” của sự thiêu đốt biến cải này bằng những đơn vị đo lường thời gian của trần thế. “Giờ phút” biến cải trong cuộc gặp gỡ này vượt quá ước tính thế gian – đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của cuộc “vượt qua”, để tiến đến hiệp thông với Thiên Chúa qua Mình Thánh Chúa Ki-tô” (Thông điệp “Được cứu rỗi nhờ hy vọng”, số 47). Không ai trong chúng ta được vượt thẩm quyền của Tòa Thánh để nói một linh hồn nào đó đã xong hay chưa xong việc thanh tẩy. Tuy nhiên lời ấy của Đức Bênêđíctô XVI nhắc ta nhớ rằng vĩnh cửu và thời gian không cùng một hệ thống và đơn vị đo đếm. Một đàng, một người đã về với Chúa cả trăm năm mà mãi đến nay ta mới cầu xin Thiên Chúa giải thoát họ thì lời cầu xin của chúng ta cũng không vô ích. Đàng khác, một người thân vừa nằm xuống, đang chờ Đấng Thẩm Phán hoàn tất cuộc thanh tẩy nhưng con cháu ở trần gian đã cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến sự che chở phù hộ của người ấy, thì cảm nhận này cũng không sai trái. Một đàng, ngoài thẩm quyền của Tòa Thánh khi tuyên phong chân phước hoặc hiển thánh, không ai nói được một người nào đó đã được hiệp nhất trọn vẹn với Chúa hay chưa, nhưng đàng khác đức trông cậy dạy ta phải tin tưởng mãnh liệt vào lượng thương xót của Thiên Chúa. Người đã ra đi thuộc về vĩnh cửu, còn con cháu đang ở đời này thuộc về thời gian, ta không thể lấy suy luận duy lý mà cắt nghĩa.
Cho tới nay các bản văn lễ giỗ đều mang ý nghĩa cầu xin ơn giải thoát. Thế nhưng nếu giỗ 30 năm, 50 năm hay 100 năm thì sao? Nếu ta cứ tiếp tục nhấn mạnh việc cầu xin ơn giải thoát cho những người đã chết lâu như thế, liệu có xúc phạm đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa chăng?
Tôi nêu câu hỏi như thế không phải để phải trả lời bên này hay bên kia, nhưng để cho thấy ngoài những bản văn lễ giỗ mang ý nghĩa cầu hồn, cần phải có thêm những bản văn mang ý nghĩa tạ ơn và hiệp thông. Thiết nghĩ ngay cả trường hợp giỗ một năm hay cả giỗ 100 ngày đi nữa, lễ giỗ không chỉ có một ý nghĩa duy nhất là xin ơn giải thoát cho người quá cố. Nó còn mang ý nghĩa tưởng nhớ, tiếc thương, hiệp thông giữa người sống với người chết và hiệp thông giữa những người còn sống trên đời.
Đan cử một ví dụ. Một trong những lý do để tạ ơn Thiên Chúa chính là vì Ngài đã ban Đạo Hiếu cho người Việt, để nhờ đó người Việt dễ khám phá ra Tình Cha bao la tuyệt với của Thiên Chúa. Ta có thể lấy ý tưởng ấy làm một lời nguyện nhập lễ. Lời nguyện tiến lễ sẽ dâng lên Cha trên trời lòng hiếu thảo của cộng đoàn và của cả những người con còn mò mẫm trong bóng tối. Lời nguyện hiệp lễ vừa tạ ơn vì đã được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, vừa xin gìn giữ khỏi mọi mê tín lầm lạc. Một bản lễ như thế sẽ vừa tuyên dương Đạo Hiếu vừa dẫn đưa tâm trí người dự lễ tới con đường chân thật.
Trong viễn tượng loan Tin mừng cho lương dân, thiết nghĩ cộng đồng Công giáo các nước Á Đông cần có thêm những bản văn lễ giỗ theo các ý nghĩa ấy. Các HĐGM có thể đề xuất những bản văn cụ thể và xin Tòa Thánh phê duyệt. Những bản văn trong sách lễ tiếng Việt về thánh lễ Tất niên, Giao thừa, Minh niên, mùng Hai và mùng Ba Tết, cũng như thánh lễ Trung thu… đã được hình thành như thế.
Lm. Trăng Thập Tự