LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ
HAI BẢN THÔNG CÁO 1965 VÀ 1974
Theo dõi loạt bài của chúng tôi, hẳn nhiều độc giả muốn đọc nguyên văn những chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục (Miền Nam) Việt Nam. Để tiện dụng cho độc giả tham khảo, chúng tôi xin trích lại đây nguyên văn thông cáo 1965 (theo www.simonhoadalat.com) và thông cáo 1974 (theowww.dongten.net )
Thông cáo
của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
về việc tôn kính tổ tiên
Ngày 20-10-1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thụ Plane compertum est (8-12-1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam.
Để hiểu rõ tinh thần Giáo Hội trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong khi áp dụng, Hội đồng Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:
I. Giáo hội Công Giáo đối với nền văn hóa và truyền thống các dân tộc
1) Giáo Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh Đấng Sáng Lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đầu tiên của Giáo Hội là giúp sao cho con người được nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và được trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội khảm của mỗi cá nhân. Nhưng nó có vang âm đến toàn diện cuộc đời và trong mỗi khu vực sinh hoạt của con người (Đức Piô XII: Huấn dụ tại Cơ Mật Viện, ngày 20-2-1946).
2) Mặt khác, từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Theo đó, Giáo Hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực. Cũng vì vậy mà Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ mầu nhiệm hoặc để tôn kính các bậc thánh nhân hay các vị tử đạo (Đức Piô XII: Thông điệp Evangeli praecones, 2-6-1951; Đức Gioan XXIII trích dẫn tư tưởng này trong thông điệp Princeps Pastorum, 28-11-1959).
3) Đối với các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác (Đức Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam suam, 6-8-1964). Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô là “đường đi, là chân lý và là nguồn sống” và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hòa với muôn vật.
Tuy nhiên Giáo Hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các tôn giáo khác tuy có sai biệt với những điểm Giáo Hội đề ra, song vẫn mang lại một tia sáng nào đó của chính cái chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa, gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này (Công đồng Vatican II, khóa III: Giáo Hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ngày 20-11-1964)
Chính lập trường đó của Giáo Hội được đúc kết trong tư tưởng của các Đức Giáo Hoàng và trong đệ nhị Công đồng Vatican, đã giải thích lý do của quyết định Tòa Thánh, khi cho áp dụng huấn thị Plane compertum est tại Việt Nam ngày nay. Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các Giám mục hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 12, 14-06-1965 đã cho công bố thông cáo này.
II. Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est
1) Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2) Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khoản 1258 (GL 1917).
3) Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công Giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.
Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài Công Giáo. Các vị phụ trách Công Giáo Tiến Hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện.
Làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965
Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492
§1 Người tín hữu không được phép tham dự cách chủ động bằng bất cứ cách nào, hoặc tham dự một phần trong các nghi thức của người không Công giáo.
§2 Có thể chước chuẩn cho người tín hữu hiện diện cách thụ động, hay chỉ có tính cách bề ngoài vì trách nhiệm dân sự hoặc vì danh tiếng, bởi có lý do quan trọng, trường hợp nghi ngờ đã được Giám mục xác nhận. Trong các lễ an táng người không Công giáo, các đám cưới và những cuộc lễ long trọng tương tự, miễn là không có nguy hiểm làm gương mù và sinh lợi.
Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên
Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, như sau:
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1965).
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
Tại Nha Trang, ngày 14.11.1974
Ký tên:
– Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế
– Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho
– Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long
– Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ
– Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang
– Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột
– Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Qui Nhơn
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 17
TÂM TƯ NGƯỜI LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ
Dấn thân tìm cách đem Tin mừng của Chúa đến cho người đồng tộc, tôi được biết một đại biểu nọ được Ban Chấp hành Dòng họ Tỉnh giao trách nhiệm chuẩn bị Đại hội Dòng họ tại địa bàn huyện. Ông vận động rất nhiệt tình nhưng lắm người nghi ngại không tham gia. Ông dẫn chứng rằng đây là một sinh hoạt đang được đồng tộc cả nước quan tâm, cả những người Công giáo cũng đang nhập cuộc. Một người phản bác:
– Coi chừng lại bị mấy anh Công giáo “phỉnh” theo đạo.
Câu nói đặc thù rất phổ biến và khá tiêu biểu. Hình như anh chị em người lương dị ứng, xem việc tin theo Chúa như một việc tệ hại cần đề phòng!
Sự kiện ấy dễ hiểu. Thử hình dung xem, một kẻ ác ý nào đó dùng tin nhắn điện thoại phát đi liên tục những điều vu khống bịa đặt về bạn một cách có hệ thống và bạn không thể thanh minh biện hộ gì cả. Mà dù muốn thanh minh biện hộ cũng chẳng biết những điều bôi nhọ ấy đã phát tán tới tận những ai. Có thể càng thanh minh, chuyện càng gây chú ý ầm ĩ, bạn đành thinh lặng. Chỉ sau một tháng thôi, cả thôn cả xã xầm xì đủ điều về bạn. Bạn chẳng bị thân bại danh liệt thì cũng thấy mặc cảm đủ điều. Đàng này những chuyện bịa đặt bôi nhọ Đạo Chúa kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến nay với đủ thứ thêu dệt truyền miệng thật hấp dẫn, thậm chí còn diễn thành tiểu thuyết và phim ảnh. Dân chúng chỉ được nghe mãi một chiều, “mưa dầm thấm lâu”, họ sẽ nghĩ gì về Đạo Chúa? Tôi đề nghị tổ chức ngày truyền thống từng dòng họ và mời anh chị em lương dân tới chính là để họ có thể thấy tận mắt mọi sự ngược hẳn điều họ đã hiểu lầm từ tấm bé.
Không kể những sách báo phim ảnh bài xích Kitô giáo đã gây ấn tượng lệch lạc sâu đậm trong tâm trí người dân, việc truyền giáo ào ạt và hời hợt cuối thập niên 1950 đầu 1960 có thể đã khiến quần chúng như bị chích vác-xanh “phòng dịch”, đẩy lùi sự xâm nhập của hạt men Kitô giáo. Cả việc dạy giáo lý dự tòng vội vã chiếu lệ nhiều nơi hiện nay cũng đang gây nên tác dụng hiểu lầm ấy.
Rất nhiều người tẩy chay, từ chối không cầm đến sách vở và băng đĩa Công giáo. Ý thức tình trạng ấy, tôi không phân phát sách vở Công giáo hàng loạt. Chỉ một số người đã có tình thân hoặc cảm tình rồi, tôi mới tặng sách. Ngoài ra, chỉ những ai xin, tôi mới tặng. Nếu thấy họ có vẻ muốn đọc, tôi gợi ý để họ xin rồi mới tặng. Chính Chúa Giêsu đã ân cần dặn môn sinh phải dè dặt, đừng tạo cớ cho người ta giày đạp “của thánh” và “ngọc quý” (x. Mt 7,6).
Tuy nhiên, tôi lại cũng có một ghi nhận khác. Đang khi từ chối sách vở và băng đĩa Công giáo thì người ta lại trân trọng tấm lòng. Có thể lúc đầu họ ngập ngừng, nhưng sau khi đã trắc nghiệm và thấy rõ sự chân thành của ta, họ rất quý mến. Người ta quý mến vì thấy tôi không chăm chăm nói chuyện Đạo, chỉ nói chuyện họ hàng. Tuy nhiên, khi được mời thắp hương thì tôi cho họ thấy lòng tin Kitô giáo của tôi. Tôi ghi dấu thánh giá chậm và rõ, rồi cầu nguyện lớn tiếng. Tôi nguyện kinh Lạy Cha và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, xin Ngài ban ơn lành cho bà con đồng tộc tại địa phương. Sau đó, tôi dâng lời cầu nguyện với các bậc Tổ tiên đồng tộc tại từ đường, xin các vị bầu cử trước nhan Thiên Chúa Tạo Hóa cho con cháu được mọi điều may lành.
Ở một số trường hợp, sau khi tôi cầu nguyện như thế, người ta đã nêu những câu hỏi và tôi trả lời. Đúng là tôi không tuyên truyền về đạo nhưng chỉ trả lời thắc mắc của họ.
Cũng có một cơ hội thường gặp khác mà tôi có thể dựa theo để nói lên quan điểm Kitô giáo cách hồn nhiên. Đó là khi người ta than phiền về tình cảnh suy đồi đạo lý, với những bản tin cụ thể, lặp lại từ báo, từ đài… Tôi chia sẻ với họ rằng đây chính là lý do khiến tôi dấn thân cho trào lưu nối kết dòng họ. Là linh mục, tôi xác tín rằng cần phải kết hợp mọi lời kêu gọi thành một bản hợp ca. Có nhiều cơ quan đoàn thể lên tiếng, các gia tộc lên tiếng và chức sắc các tôn giáo lên tiếng. Dù tất cả đều lên tiếng cùng một lúc nhưng không có sự đồng thuận và hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ không tạo được kết quả. Chẳng khác nào nhiều người đơn ca cùng một lúc, mà mỗi người hát một bài riêng hay một kiểu riêng, thì tất cả chỉ tạo nên một tạp âm gây khó chịu cho người nghe. Có thể số người hát ít hơn nhưng phối hợp hài hòa với nhau thì sẽ tạo được âm hưởng tốt, thông điệp sẽ mạnh mẽ hơn.
Để phát triển xã hội, Singapore bắt đầu từ giáo dục và Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu mỗi học sinh phải theo một trong năm tôn giáo lớn, trong đó có Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Tựa như phong trào Hướng Đạo quốc tế, đạt được kết quả giáo dục cao là nhờ luôn đòi hỏi mỗi đoàn viên đều phải thực hành một tôn giáo. Nam Hàn cũng đang làm điều tương tự. Họ đã phát triển nhờ dân chúng có lòng tin tôn giáo sâu sắc: Phật giáo, Tin lành, Công giáo. Để mọi người dân đều tích cực xây dựng quê hương đất nước, Nam Hàn không những phát huy tinh thần dân tộc qua Thái Cực Đạo mà còn hỗ trợ các tôn giáo đóng góp hữu hiệu vào công cuộc giáo dục.
Việt Nam không có Thái Cực Đạo nhưng có tinh thần uống nước nhớ nguồn, đồng tộc yêu thương đùm bọc, biết nhắc bảo nhau, và đồng thời cũng có tôn giáo. Trước thảm trạng nền đạo đức đang lao nhanh xuống vực thẳm, muốn phục hồi lại lòng tốt, muốn tái tạo lại lương tâm, chỉ riêng dòng tộc hay chỉ riêng tôn giáo thôi không đủ. Cần kết hợp cả hai.
Những lý do thời cuộc khiến nhiều người ngại nói đến hai chữ truyền giáo, nhưng theo tôi, đã đến lúc cần mạnh dạn nêu rõ sự cần thiết của yếu tố tôn giáo trong việc giáo dục lương tâm cho người dân, cách riêng là các bạn trẻ.
Với những tâm tư ấy, tôi viết loạt bài chia sẻ này không riêng cho các linh mục và anh chị em đồng đạo nhưng chung cho hết mọi người Việt Nam đang tha thiết với việc phục hưng tấm lòng cho đồng bào, cách riêng là cho lớp trẻ. Ước gì mọi người Công giáo đều nhập cuộc tìm hiểu lại Đạo Hiếu cách nghiêm túc và ước gì mọi anh chị em ngoài Kitô giáo hãy một lần cầm lấy Kinh Thánh, đọc và nghiền ngẫm, để hiểu rõ và xác tín rằng cả đôi bên đang cùng bước chung một đường.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 18
NGỎ LỜI VỚI BẠN ĐỌC NGOÀI KITÔ GIÁO
Có thể bạn, người đang đọc những bài này, là một người ngoài Kitô giáo. Nếu thế, tôi xin được gửi đến bạn một lời chào chúc đặc biệt. Thân ái cầu chúc bạn sớm nhận ra tình Cha của Thiên Chúa. Tôi không giấu giếm rằng tôi đang khao khát và nôn nóng muốn chia sẻ với bạn niềm hạnh phúc chúng tôi đang có, niềm hạnh phúc được làm con Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao, Chí Thánh, Nhân Hiền và Hằng Sống.
Tôi đang chia sẻ với bạn một Tin mừng, một niềm vui. Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang làm công tác truyền giáo thì cũng chẳng sao. Bởi lẽ truyền bá một tôn giáo tốt lành thì chẳng có gì xấu xa. Lắm người làm như thể khi chúng tôi bảo nhau truyền giáo là chúng tôi đang âm mưu làm một chuyện gì đen tối, bậy bạ, chẳng khác nào đang lén lút rủ nhau phạm những tội ác gì quái gở! Ô không, bạn thấy đó, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người một thông tin quan trọng và hữu ích: Đó là, tất cả chúng ta đều có chung một người Cha là Thiên Chúa Tạo Hóa, chẳng phải vì chúng ta xứng đáng gì để được làm con Ngài, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã tặng ban người Con duy nhất của Ngài là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta, đến làm Anh Cả của nhân loại, cho tất cả chúng ta thành em của Người Anh Cả ấy và thành con cái của Cha trên trời.
Có thể những Kitô hữu bạn gặp là chúng tôi đây còn có rất nhiều khuyết điểm, nhiều điều đáng trách, không xứng danh là con cái Thiên Chúa. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng đổi mới chính mình và, trong nỗ lực ấy, chúng tôi chân thành chia sẻ với bạn về Đấng là Cha chung của chúng ta.
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để những ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ Ngài mà được trở nên con cái Thiên Chúa. Những ai nghĩ rằng đó là chuyện đùa, sẽ không bao giờ biết được sự thật. Còn những ai nhận biết được sự thật này, sẽ vô cùng hạnh phúc. Có những người cảm thấy sung sướng được làm con một thủ trưởng, một thủ tướng, một vị vua… Nỗi sung sướng ấy làm sao sánh được với hạnh phúc của bạn khi nhận ra mình là con của Thiên Chúa… Nếu tới đây bạn vẫn chưa nhận ra điều ấy thì bạn nên dành vài phút thật thinh lặng, gạt bỏ hết mọi suy nghĩ và âu lo, rồi khẽ thưa với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa Tạo Hóa, nếu quả thật Ngài là Cha của con, xin hãy tỏ cho con biết điều đó”. Mỗi tối, hãy dành dăm phút thinh lặng để ngỏ lời như thế, rồi bạn sẽ thấy… Đừng sợ mất dăm phút để đổi lấy một cuộc đời, hơn nữa, đổi lấy cả một cuộc sống đời đời…
Khi đi tìm những cội nguồn nhân loại, người ta quý từng trang viết chắp vá, từng chi tiết nhặt nhạnh đây kia, từng dấu vết mờ nhạt của người xưa. Quyển sách nói về cội nguồn chung của nhân loại, là bộ Kinh Thánh, hình thành từ thế kỷ XIII trước Công nguyên đến cuối thế kỷ I của Công nguyên, cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn nội dung thuở ban đầu. Bạn hãy thử đọc một lần để nhận ra sự thật kỳ diệu về cả nhân loại và về chính mình… Tại sao không?
Nhiều trường hợp con cháu không biết tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp vị thủy tổ có ghi trong gia phả, hoặc vì do kiêng cữ hay là do tôn trọng không dám nhắc đến, hoặc vì lười lĩnh không bao giờ chịu mở gia phả. Bộ gia phả của gia tộc là thế mà bộ sách viết về Thiên Chúa cũng thế. Nếu ta không bao giờ đọc đến thì cũng chẳng thể nào biết được Thiên Chúa là ai và Ngài đã làm gì cho ta.
Toàn bộ Kinh Thánh được tóm tắt nơi câu chuyện Người Cha nhân hậu ở sách Tin Mừng theo Thánh Luca 15,11-32: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình… Thế nhưng rồi giữa đau thương buồn tủi, anh ta nhận ra lỗi của mình và đã quay về với Cha.”
Một khi bạn đã nhận ra mình là con của Trời Cao, bạn hãy thưa chuyện với Cha theo lời kinh mà chính Chúa Giêsu Kitô là Con Duy Nhất đồng bản tính với Thiên Chúa Cha đã dạy:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.”
Được làm con cái Trời Cao là ước mơ sâu thẳm tận đáy lòng mọi người và là điều đã được Con Một của Trời Cao là Chúa Cứu Thế Giêsu đến loan báo và thực hiện cho nhân loại. Thế nhưng có người không dám tin vì vinh dự ấy đòi hỏi họ phải sống một cuộc sống mới. Cũng có người tin nửa vời, chỉ mang danh nghĩa con cái Thiên Chúa mà không thực sự sống như thế. Nhận biết tình Cha của Thiên Chúa là một ơn lớn của Chúa ban, do đó, ta cần tha thiết xin Chúa ban cho ta ơn ấy.
Được biết Thiên Chúa là Cha, bạn sẽ sung sướng nhận ra rằng người Cha ấy ôm ấp trong lòng Ngài cả bản thân bạn và Tổ tiên bạn. Bạn trả lời cho tôi xem, mỗi khi nghĩ đến Ông Bà Tổ Tiên, bạn hình dung thấy họ ở đâu? Ở với Nguồn Cội nào? Nơi họ ở tối tăm hay rực sáng? Nếu rực sáng thì ánh sáng ấy do đâu?
Phần tôi, nhờ được Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, tôi biết chắc chắn không sợ sai lầm chút nào, tôi biết rất rõ rằng: “Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Ngài, và thánh danh Ngài ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Khải huyền 22,4-5). Mỗi lần gặp thử thách trên đường phục vụ, tôi mau chóng tìm lại được bình an khi nhớ đến Chúa và tất cả những người đã đi trước tôi đang ở trong Chúa và đang đợi chờ tôi nơi nhà đời đời của Thiên Chúa. Tôi nghĩ đến chị Hai tôi, các em dâu tôi, Cha tôi, các Chú Thím, Cậu Mợ, Cô Dì, những Linh mục đàn anh và các Bạn hữu… đã hoàn tất cuộc đời và đang được no thỏa, mỗi người một vẻ, trong nhà Cha Chung trên trời. Tôi thấy tràn ngập mến thương và mong sớm tới ngày đoàn tụ với tất cả. Trong tôi như có một nỗi giằng co êm dịu, một đàng mong sớm về Nhà Cha là quê hương đích thật, một đàng lại khao khát được mãi mãi hiến dâng cuộc sống để đem biết bao anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa về với Tình Cha muôn thuở.
Mời bạn tiếp tục đọc các bài chia sẻ của tôi. Không riêng tôi, nhiều người đang nghĩ đến bạn và đang nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho bạn và gia đình. Cầu chúc bạn ngày càng nhận ra mình là con của Trời Cao và sống thật xứng với danh nghĩa ấy.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 19
ĐÀO TẠO NGƯỜI CHỨNG TRẺ
Xin được trở lại với các độc giả Công giáo.
Chúa dạy hãy đi khắp thế giới loan báo Tin mừng. Do đó, việc loan Tin mừng không khép kín lại với một nhóm người cùng Dòng họ, nhưng nhóm người ấy chỉ đóng vai một nhúm men giúp cả khối bột dậy men. Gạch nối để Tin mừng lan từ họ này sang họ khác là những người con dâu và con rể, những người có quan hệ thông gia.
Các gia đình cũng như cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đào tạo cho con em mình có một đức tin đầy bản lãnh, thấm đều mọi mặt cuộc sống, để khi họ lên đường về nhà chồng hoặc nhà vợ, họ thực sự là những chứng nhân của Hội Thánh Chúa. Nhiều cha mẹ người lương thích cho con cái lập gia đình với người Công giáo bởi họ thấy đa số người Công giáo chung thủy trong hôn nhân. Thế nhưng đã có một số trường hợp rất đáng tiếc, chính bên người Công giáo gốc thiếu thiện chí, khiến hôn nhân tan vỡ. Những trường hợp đau lòng ấy đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm lại việc giáo dục đào tạo của chúng ta. Cần giúp bạn trẻ đi sâu vào cầu nguyện để có được đức tin, đức cậy và đức mến nồng nàn mãnh liệt, nhờ đó, dù phải qua đau thương thử thách tới đâu vẫn quyết một lòng trung thành với Luật Chúa dạy và làm chứng cho Chúa.
Thực tế của quá khứ cho thấy rất đông những người theo Đạo để lập gia đình có một đức tin không sâu và không bền, khiến nhiều phụ huynh Công giáo ái ngại khi thấy con em mình thương người ngoài Công giáo. Tuy nhiên không thiếu những trường hợp những người trở lại trong dịp kết hôn lại có một đời sống đức tin còn mẫu mực hơn nhiều người Công giáo đạo dòng. Sự khác biệt thật ra là do cách đào tạo và chăm sóc. Thành kiến xem thường ơn đức tin của người trở lại nhân dịp kết hôn, có thể khiến người ta dạy giáo lý cách sơ sài vội vã cho xong chuyện. Nhiều bậc phụ huynh cố ngăn cản tình duyên của con cái mình, cho tới lúc không ngăn cản được nữa, nhượng bộ cho con cái thì thời giờ học giáo lý không còn nhiều. Thêm vào đó, chuyện tin ngày giờ tốt xấu, kiêng kị tuổi tác nhiều khi cũng khiến người ta tiến hành hôn nhân vội vã, không kịp học giáo lý cho thật sâu.
Chúng ta cần nhìn vấn đề dưới ánh sáng đức tin. Nếu một sợi tóc trên đầu ta rơi xuống không ngoài ý Chúa thì sự kiện ánh sáng Tin mừng đến với rất đông bạn trẻ qua con đường hôn nhân không phải là chuyện ngẫu nhiên. Đó là những nén bạc quý báu Chúa đang trao cho Giáo hội ở thời đại này, mọi thành phần Dân Chúa đều cần biết trân trọng góp phần sinh lợi, không để một nén bạc nào bị vùi lấp oan uổng.
Các bậc làm cha mẹ cần biết tin cậy vào tình thương Thiên Chúa, trân trọng ơn đức tin Chúa đang ban cho người con dâu hay con rể của mình và tôn trọng sự chọn lựa của con cái, để ứng xử sát thực tế hơn. Một khi thấy con cái đã quyết, cha mẹ cần sớm chấp thuận và hướng dẫn cho việc học giáo lý được tươm tất và đức tin kịp thấm sâu và nẩy nở.
Các vị dạy giáo lý cần vững tin vào ơn Chúa, dù thời gian rất ngắn cũng đừng vội vã. Hãy bước những bước đầu thật chính xác và chắc chắn. Hãy mở đầu bằng việc giúp học viên ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha, và cứ như thế cho tới lúc họ thực sự cảm nghiệm rằng Cha đang ở trong họ, đang ủ ấp họ và đang dẫn dắt họ trên mọi bước đường. Đức tin đến từ sự gặp gỡ Thiên Chúa cách thân tình và đầy yêu mến, chứ không đến do sự nhồi nhét một mớ hiểu biết. Những hiểu biết giáo lý rất quan trọng và cần thiết, nhưng ta đừng vội. Một khi học viên bắt đầu nếm cảm được Chúa, chính họ sẽ kiếm tìm và chỉ một khám phá nhỏ họ nhận được dưới ánh sáng của Chúa đủ khiến họ miệt mài trên đường theo Chúa. Các vị hãy sớm trao Kinh Thánh vào tay học viên và giúp họ khám phá từng chút một bằng sự suy nghĩ, cầu nguyện và đổi mới đời sống theo Lời Chúa. Cũng hãy mạnh dạn khuyến khích học viên chia sẻ ơn họ đang nhận được với đồng bạn trong lớp giáo lý và cả với những người chưa tin. Một đức tin được chia sẻ sẽ tựa như lửa, cháy lan và cháy bùng lên.
Một thiếu sót lớn của cộng đồng Công giáo Việt Nam là hiện chúng ta không có những sách vở cần có cho các dự tòng và tân tòng. Sách vở Công giáo Việt Nam ngày nay phát triển hỗn độn, đang khi có những thứ thừa mứa thì sách cho trẻ em và sách cho những người muốn tìm hiểu Đạo Chúa lại quá thiếu. Cả Kinh Thánh, chúng ta có những bản dịch tốt, những sách in rất trang trọng, nhưng tìm một quyển Tin mừng theo Thánh Luca in rời để trao cho dự tòng thì không có. Chúng ta đã có bản Tân Ước loại chữ lớn, ước gì sẽ có cả 11 chương đầu Sáng thế ký, in rời, với những chú dẫn thích hợp với người muốn tìm hiểu.
Tệ hơn nữa, khi các bạn trẻ muốn mua một quyển sách thích hợp để tặng cho bạn trai hoặc bạn gái của họ, thì không biết tìm ở đâu. Giáo hội Phật giáo có một tổ in ấn và phát hành thuộc thành hội TPHCM và từ đó sách vở Phật giáo lan tỏa đến mọi miền đất nước. Giáo hội Cao Đài cũng có một hệ thống phát hành tương tự. Phải chi Giáo hội Công giáo Việt Nam có một cơ sở tổng phát hành, rồi mỗi Giáo hạt có một bộ phận cung ứng sách cho các giáo xứ trong Hạt, các bạn trẻ sẽ dễ dàng trao tặng cho bạn bè của họ những băng đĩa và sách vở giới thiệu Tin mừng với hình thức thích hợp với tuổi trẻ. Họ có thể thành tông đồ cho những người bạn chưa tin, rồi những người bạn này khi đã được ơn đức tin, lại thành chứng nhân giữa gia đình và gia tộc của mình. Đây là trách nhiệm của các hội doanh trí tại các giáo phận. Điều Dân Chúa đang mong chờ nơi các hội doanh trí có lẽ không chỉ là đóng góp xây thêm nhà thờ nhưng là sự suy tư, động não và tích cực góp phần thiết thực để đào tạo cho Giáo hội những chứng nhân trẻ giàu tâm huyết và khả năng, mà trước mắt là cung ứng dồi dào thức ăn tinh thần cho họ. Nếu quý vị băn khoăn tìm một dự án tông đồ mang tính trí thức, tôi nghĩ dự án ưu tiên nhất cần được chọn là xây dựng cho Giáo phận của quý vị một hệ thống phát hành sách.
Tuy nhiên trách nhiệm lớn nhất trong việc đào tạo người chứng trẻ thuộc về các mục tử. Khi một cha sở giành lấy cho mình việc chăm sóc những tín hữu mới, chắc hẳn ngài sẽ có hàng ngàn sáng kiến. Năm 1990 khi được gặp Đức Cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng tại Bắc Ninh, rồi mấy năm sau được thăm ngài tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội, tôi rất cảm kích vì chính ngài đích thân lo cho các dự tòng trí thức. Tôi cũng gặp được một bản sao y hệt nơi người kế vị ngài là Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Cả hai vị đều là bản sao của nhóm 12 Giám mục thuở ban đầu, và hơn nữa, bản sao của chính Chúa Kitô, Đấng đã thức thâu đêm để trao đổi với một người trí thức là Nicôđêmô. Rồi cả khi đã mỏi mệt vì đường xa, ngồi bệt bên bờ giếng, Ngài không ngại dành bận tâm cho một phụ nữ đến lấy nước ở đó. Điều an ủi là cả hai đều đã trở thành những chứng nhân cho Ngài…
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 20
DẠY GIÁO LÝ THEO KINH LẠY CHA
Tiếp tục đề tài đào tạo những người chứng trẻ trên đường loan Tin mừng cho Dòng họ, tôi xin lưu ý quý giảng viên giáo lý thêm một chút về việc dùng sách giáo lý, để học viên thấy rõ mình đang được đón nhận một Tin mừng tươi mới và diễm phúc, thay vì xem việc học giáo lý như một gánh nặng bất đắc dĩ.
Ngày nay khoa sư phạm giáo lý dự tòng đã đúc kết được những lược đồ khác nhau cho tiến trình dạy/học giáo lý dự tòng: lược đồ kinh Tin kính, lược đồ Lịch sử cứu rỗi, lược đồ Phụng vụ, lược đồ Tin mừng. Đó là những kinh nghiệm thuận lợi cho việc đào tạo đức tin. Đang khi ấy, các bản hỏi đáp, cũng gọi là sách bổn (sách phần, sách thiên) hay sách giáo lý xưa nay thường chia nội dung giáo lý thành bốn phần: tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. “Bản hỏi thưa Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” do Ủy ban Giáo lý Đức Tin thực hiện năm 2013 cũng thế. Cấu trúc ấy dễ khiến người ta hiểu lầm rằng dạy/học giáo lý cũng giống như dạy/học những kiến thức. Việc chia thành bốn phần rất thuận lợi để dùng sau khi học xong giáo lý, để ghi nhớ những điều đã học theo một hệ thống có thứ tự lớp lang, nhưng nó không được sắp xếp theo những bước phát sinh và nẩy nở của đức tin. Muốn giúp đức tin nẩy nở và lớn lên cách thuận tự nhiên, nên trình bày theo những giáo trình biên soạn cho các dự tòng, không nên dạy tuần tự từng câu theo sách hỏi đáp. Nói cách khác, nên trình bày theo từng bài trong sách dự tòng rồi cuối bài cho ghi nhớ bằng các câu tương ứng trong sách giáo lý hỏi đáp.
Bốn sách Tin mừng là bốn quyển giáo lý đầu tiên của Hội Thánh cho thấy rõ việc dạy giáo lý không phải là truyền đạt kiến thức nhưng phải là đào tạo cho người tín hữu mới có được một đức tin sâu xa.
Với bối cảnh văn hóa nặng tính Đạo Hiếu tại Việt Nam, thiết tưởng lược đồ của sách Tin mừng Luca, cũng có thể gọi là lược đồ Kinh Lạy Cha, dễ giúp người tín hữu mới tiếp cận và đào sâu giáo lý Đạo Chúa cách hồn nhiên, và sau đó dễ chia sẻ lại với anh chị em và bà con trong dòng họ. Thật vậy, Tin mừng Luca khởi đầu với khung cảnh gia đình và gia tộc (x. Lc 1,5.36.39-45.57-66), với Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Tối Cao (x. Lc 1,35), Đấng đến để lo việc của Chúa Cha và ở lại trong nhà Cha (x. Lc 2,49), Đấng thuộc về đại gia đình nhân loại, gia phả Ngài phăn ngược lên đến tận cội nguồn đầu tiên (x. Lc 3,23-38), Ngài luôn sống đẹp lòng Cha, Ngài nêu rõ bước tiến từ quan hệ huyết thống đến quan hệ Nước Trời (x. Lc 8,19-21; 9,57-61; 12,51-53), Ngài dạy ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha (x. Lc 11,1-4), dạy ta tin tưởng vào tình Cha quan phòng của Thiên Chúa (x. Lc 12,22-32). Nổi bật nhất là câu chuyện về tình Cha (x. Lc 15,11-32) và tâm tình của Chúa Giêsu trên thập giá phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha (x. Lc 23,46).
Dạy giáo lý theo Kinh Lạy Cha có nghĩa là mời gọi học viên ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha ngay từ khi mới tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Ngài, như con nhỏ thưa chuyện cùng Cha mình, với hết tình con thảo. Phần tín lý là câu chuyện tình thương của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, dành cho chúng ta. Câu chuyện này được kể chủ yếu với Tin mừng theo Thánh Luca và bổ sung bằng các sách khác: Chúa Cha mặc khải cho những người bé mọn (Lc 10,21), Chúa Cha và Chúa Con (Lc 10, 22), Tình Cha quan phòng (Lc 12,22-32), giàu lòng thương xót và tha thứ (Lc 15,12-32). Ngài là Cha Đức Giêsu Kitô (Lc 21,41-44), đã trao Vương quốc cho Con mình (Lc 22,28-30), Đấng luôn làm theo ý Cha (Lc 22,41-44), phó thác mọi sự trong tay Cha (Lc 23,46) và là Đấng đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại (Lc 24,46) và ban Thánh Thần cho môn đệ (Lc 24,48). Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại để quy tụ Gia đình con cái Thiên Chúa là Hội Thánh.
Đời sống luân lý tập trung vào nghĩa vụ của người con Thiên Chúa, với điều răn lớn nhất là mến Chúa yêu người (Lc 10,25-28), và “hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 7,36). Một khi biết được có Đấng Tuyệt Đối đang âu yếm dõi nhìn ta mọi nơi mọi lúc, thì dù không được ai ở đời này khen thưởng hay nhìn nhận, ta vẫn luôn sống xứng đáng là con cái của Ngài. Với sự quảng đại ấy, dần dần người ta sẽ được ơn nhận biết rằng “vị Thiên Chúa ấy đã yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một Ngài để tất cả những ai tin vào Người Con ấy thì không bị hư mất nhưng được sống đời đời” (Tin mừng theo Thánh Gioan 3,16). Chính Người Con ấy đã đến trần gian để dạy ta biết làm con cái trong gia đình trần thế và làm con của Trời Cao. Từ chỗ là Con Thiên Chúa Hằng Sống, Ngài đã trở nên “Con của người”, “Con của nhân loại” và cũng là người con hiếu thảo trong một gia đình (x. Luca 2,51) để ban cho nhân loại Tinh Thần của ơn nghĩa tử, tức là Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng dạy cho mỗi người biết sống như con thảo của Cha trên trời. Bốn biển chỉ có thể là anh em một nhà khi cùng nhìn nhận một Người Cha duy nhất, quy tụ quanh một Người Con duy nhất đồng bản tính với Thiên Chúa Cha, là Đức Giêsu Kitô, được Cha sai đến trần gian làm Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời (x. Thư Hípri 13,8).
Các bí tích là những nhịp sống của người con Thiên Chúa, từ khi được tái sinh bởi nước và Thánh Thần (Lc 3,16) cho tới ngày trở về với Thiên Chúa.
Trong chương trình Giáo lý Dự tòng, sau khi nói về mạc khải, nên trình bày ngay bài học về Đạo Hiếu và việc thờ cúng Ông Bà theo quan điểm Công giáo, để hóa giải thắc mắc về điểm này ngay từ đầu, trước khi đi vào toàn bộ mạc khải.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 21
ĐÀO SÂU LINH ĐẠO LÀM CON THẢO
Như đã nói, dạy giáo lý không chỉ là truyền đạt những hiểu biết về Thiên Chúa và chương trình tình thương của Ngài, nhưng là dẫn vào một nếp sống mới, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, tức là sống theo linh đạo của người làm con Thiên Chúa. Nói một cách giản dị, đó là sống theo Kinh Lạy Cha.
Ngày nay ở Việt Nam dường như sự phục hưng tinh thần gia tộc, với việc xây dựng từ đường, tôn tạo mồ mả cha ông đi đôi với sự phát triển những tin tưởng về phong thủy. Ngoài việc xem phương hướng, coi ngày giờ, người ta còn dùng những đồ vật trấn phong thủy như la kinh, la bàn, đá phong thủy đồ thị, đồng tiền cổ của các đời vua, xương thú vật, cẩm thạch, đá thạch anh, bùa chú, châu sa thần sa… Các cửa hàng phong thủy lớn nhỏ mọc lên nhan nhản ở các thành phố, với những món hàng giá lên đến vài chục triệu đồng, cũng có những món hàng cao cấp lên đến tiền tỉ. Nhưng phần lớn các món hàng phổ thông được bán với giá vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng là bán chạy nhất và nhiều người ưa chuộng hơn cả. Trước đây việc phát huy Tây học, cuộc vận động của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả cùng thời cũng như ảnh hưởng Kitô giáo qua môi trường giáo dục đã đẩy lùi các tin tưởng và thực hành phong thủy, nhưng vài chục năm trở lại đây người ta lại đua nhau chạy theo phong thủy, mong nhờ đó mà mình và con cháu làm ăn phát đạt.
Thách đố lớn trong việc loan Tin mừng cho người cùng Dòng họ, là nêu lên được tính lừa dối của quan niệm phong thủy. Chính các con cái Chúa phải bước đi vững vàng trong tinh thần siêu thoát và giúp các tín hữu mới bước đi như thế, thoát khỏi não trạng ham mê tiền bạc vật chất. Muốn vậy, cần giúp họ xác tín và sống mãnh liệt các ý lực của Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha giúp người tín hữu thoát ra khỏi chính mình. Những ý nguyện nơi phần thứ nhất của kinh này dạy ta đặt mục đích đời mình nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi tiền bạc. Ý nguyện của phần thứ hai nhắc ta sống phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Chính trên những cơ sở ấy mà ta có thể sống yêu thương, hiệp thông, tha thứ và quên mình vì ích chung (x. Mt 6,25-34).
Để chữa lành bệnh dịch bạo lực và gian dối đang lan tràn hiện nay, cần phải giúp mọi người nhận ra mình là con cái của Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao và là anh em của mọi người. Nếu không biết đến vị Cha Chung đầy nhân ái của muôn loài, Đấng thấu suốt cõi lòng và ân thưởng cả những điều quảng đại bé nhỏ nhất (x. Mt 10,41-42) thì quả là khó mà quảng đại quên mình vì ích chung. Ích chung đòi phải quên lợi riêng, cho nên ai cũng ngại. Nhờ nhận biết mình là con Thiên Chúa, người tín hữu sẽ quả cảm sống tinh thần vì ích chung, bắt đầu từ chính mình. Chính tinh thần vì ích chung sẽ giúp ta dám sống công bằng và chân thật, là những giá trị đang trở nên hiếm hoi giữa một xã hội đang quay cuồng chạy theo vật chất.
Muốn xây dựng một thế hệ hào hùng, thượng võ và quả cảm quên mình vì đồng loại, trước hết cần dạy cho họ biết hiếu thảo với Cha Cả trên trời, Đấng đang liên lỉ ngỏ lời với con cái mình cách thầm lặng nơi lương tâm họ. Việc giáo dục này chúng ta có thể thực hiện được bằng cách cố gắng thêm một chút để sống trọn lý tưởng hiệp thông của Tin mừng và chia sẻ với các tín hữu mới lý tưởng chính chúng ta đang sống. Đây là vấn đề và thách đố đặt ra không phải cho những người đồng tộc nhưng là cho cộng đồng tín hữu Công giáo, ở bình diện giáo xứ cũng như giáo phận. Với kinh nghiệm bản thân về giáo hội Việt Nam, tôi nghĩ rằng đó là điều có thể làm được.
Tôi đã giữ được một kỷ niệm rất êm đềm và thánh thiện về Đà Lạt, là đã được sống tại đó trong thời gian giáo phận này được chuyển mình triệt để nhờ mọi người cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tập sống theo khôn mẫu Giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi. Hiệp thông, quả là Nước Trời giữa trần gian, dĩ nhiên là đang còn bất toàn với bao đấu tranh cần thiết. Tiếp đó, cuối năm 1990, được về Bắc Ninh và Phát Diệm, rồi những năm sau đó được trải qua một vài tuần chầu lượt tại Giáo phận Vinh, tôi được nhìn thấy thêm một phiên bản thực hành, không cần lý thuyết.
Về sau, tôi còn được nhìn thấy sự thể hiện tình hiệp thông tuyệt vời tại đơn vị hàng xóm: Giáo phận Kontum. Tại những nơi tôi có dịp sống và làm việc như Nha Trang, Sài Gòn, cũng như tại Giáo phân mẹ Qui Nhơn, tôi vẫn luôn được đầy an ủi do tình hiệp thông của bề Trên cũng như của anh em chung quanh. Tuy nhiên, cung cách thể hiện của cộng đoàn Công giáo tại Kontum, như tôi được nghe và được thấy, quả là một bảo chứng để khẳng định rằng lý tưởng hiệp thông trong Công vụ Tông đồ là điều khả thi ngay ở thời đại này và theo cách của thời đại này. Tôi chỉ được thấy Đức Cha Paul Seitz một vài lần. Tôi chỉ được gặp gỡ nói chuyện với Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung một vài lần, còn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và anh em linh mục Kontum thì nhiều lần hơn. Điều khiến tôi xúc động là qua đó khuôn mẫu của các vị Thừa Sai nghèo, quên mình cho Tin mừng và cho Dân chúng vẫn còn được “sao y bản chánh” cho đến nay. Hiệp thông và hiệp nhất, quả là sức hút và chất men của Nước Trời.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 22
NHÂN HÒA – ĐỊA LỢI – THIÊN THỜI
Tới đây, tôi xin phép được chia sẻ một vài kinh nghiệm rất riêng, để anh chọ em đồng đạo có thêm chất liệu cụ thể, tiện đối chiếu, suy tư và tìm kiếm trong lãnh vực dòng họ.
Ngày đất nước thống nhất, tôi được 28 tuổi. Việc thống nhất tạo thuận lợi cho việc đoàn tụ nhiều gia đình và gia tộc. Tôi quan tâm tìm sao chép lại bản gia phả đã được cụ trưởng tộc phiên âm sang chữ Quốc ngữ và cất giữ, thì được biết đã bị mối mọt ăn hư mất. Tôi tiếc ngẩn ngơ và mong sớm có ngày được về quê để đến kính viếng từ đường của Dòng họ nằm ở làng ngoài Công giáo gần bên và xin tham khảo bản gia phả. Trong lúc chờ đợi, tôi vào thư viện tìm đọc và sao chụp những trang sách có nói về họ Võ và lịch sử họ Võ… Đọc được một số sách và bài có nói về nguồn gốc dòng họ Võ ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương cũng như ở Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tôi càng háo hức sớm có dịp về Bắc tìm kiếm. Mãi mùa thu 1990, mộng mới thành.
Cha Giuse Lê Viết Phục, Dòng Chúa Cứu Thế, lúc ấy đã 70 tuổi, là một người cha và một người anh tôi hằng ngưỡng mộ. Biết được ước nguyện của tôi, ngài đã mời tôi theo ngài hành hương Giáo hội phía Bắc trong vòng 3 tuần. Ngài hứa đưa tôi thăm hầu hết các Tòa giám mục phía Bắc và đặc biệt sẽ đưa tôi về làng quê An Nhiên và về gốc tổ Mộ Trạch. Quả là một món quà hết sức bất ngờ.
Sáng ngày 11-09-1990, chúng tôi về tới làng quê nơi tôi sinh trưởng là An Nhiên. Xế chiều tôi tìm đến thăm cụ tộc trưởng họ Võ huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) ở làng bên để thắp hương bái tổ. Sau ngót ba trăm năm xa cách về mặt tinh thần, tôi phập phồng không biết sẽ nói năng làm sao. Thế nhưng tôi đã được cụ tộc trưởng và con trai cụ là một nhà giáo dang rộng vòng tay đón nhận. Nhà giáo này nhanh nhẹn thu xếp mọi sự để chiều hôm sau tôi dâng thánh lễ cầu bình an cho dòng họ tại sân nhà cụ tộc trưởng.
Cuối thế kỷ 17, cụ tổ đời thứ sáu của họ Võ ở Thạch Hà là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh được ơn tin Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô và dọn nhà sang sinh sống tại làng Công giáo, cách khoảng một cây số đường chim bay. Người em trai út của ông là Cường Lộc Hầu Võ Tá Trọng đã đưa vai cáng đáng việc từ đường, nhờ đó mà việc tế tự truyền thống vẫn kéo dài mãi đến nay.
Cuộc chia tay để lại vết thương khó lành trong tâm khảm. Con đường từ thị xã Hà Tĩnh xuống cảng Hộ Độ gần như là ranh giới chia đôi, những làng Công giáo ở phía Bắc và những làng lương dân ở phía Nam. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến hai bên trở thành xa lạ với nhau, rất ít khi giao thiệp. Thế mà chiều ngày 12-9-1990, khi tôi cử hành thánh lễ tại sân nhà cụ tộc trưởng Võ Tá Quê, thì có đến gần một trăm người cả lương lẫn giáo cùng tham dự. Chưa đầy hai ngày ở quê nhà, tôi được Thiên Chúa cho thấy bức tường vô hình đã sụp đổ.
Sau thánh lễ, tất cả cùng ngồi lại ăn bánh ngọt chia sẻ tâm tình. Tôi đã dự tính về xin tham chiếu gia phả nhưng tôi không còn kịp hỏi han gì đến chuyện ấy vì có một cái gì ở trên vừa ập xuống còn lớn lao hơn nhiều. Nhà giáo Võ Tá Tương cảm tác một bài đường luật bát cú ghi nhớ cuộc “sum họp”. Bài thơ ấy đã mở màn cho cuộc xướng họa “sum họp”. Đất nước thống nhất là địa lợi, lòng người cùng khắc khoải tìm kiếm như nhau là nhân hòa; và hơn thế nữa, còn có cả thiên thời. Vâng, nhờ ơn Chúa, đúng một tuần sau hôm dâng lễ ở từ đường, tôi tìm được ngôi mộ ông nội của vị tổ thế kỷ thứ IX mà cha tôi và các chú tôi thường nhắc đến, trên cánh đồng huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Trong cùng một buổi chiều ấy, hết sức bất ngờ, tôi còn tìm được cả những trang gia phả hơn 800 năm trước tại nhà một vị trưởng lão có tên là Thiên Hựu – Trời xếp đặt. Tôi gửi các bài họa của tôi cùng với hình chụp ngôi mộ và bản đồ chỉ đường đến đó. Những chi tiết ấy đã tạo thêm cảm hứng cho nhiều người. Có đến gần 40 bài họa của nhiều anh em các nhánh họ Võ khác nhau tại Hà Tĩnh, Nghệ An và cả Hà Nội. Những bài thơ này được chép tay, đánh máy, photocopy, phát tán không riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn lan đến một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam, góp phần làm dậy nên sức sống cho tình đồng tộc…
Kinh nghiệm ở đây, từ chuyện xướng họa thơ Đường giữa những người luống tuổi, tôi muốn gợi ý với các bạn trẻ sử dụng những phương tiện truyền thông ngày nay vào việc xây dựng tình đồng tộc và loan báo Tin mừng: email, chat, nhắn tin, nhạc chờ, blogs, facebook…
Chuyện thiên thời đối với tôi còn có nghĩa là những ơn lạ, lặp đi lặp lại nhiều lần trên hành trình tìm về nguồn cội, giúp tôi tìm ra được cả những manh mối nối liền được một số nhóm bị đứt đoạn về gia phả suốt mấy trăm năm qua, như tôi đã kể lại ở cuối quyển Về Với Cội Nguồn. Tôi có cảm tưởng những ơn ấy là những tín hiệu siêu nhiên muốn nhắn nhủ rằng việc nối kết dòng họ đang được Thiên Chúa chúc lành như một nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 23
HƯỚNG TỚI THẾ HỆ TRẺ
Loan Tin mừng qua con đường dòng họ không chỉ là chuyện có tính giai đoạn nhân kỷ niệm 50 năm huấn thị “Plane compertum est”. Lệnh truyền của Chúa là loan báo Tin mừng đến tận cùng thế giới, từ thế hệ này qua thế hệ khác cho tới ngày Chúa lại đến. Như thế, vai trò các thế hệ trẻ rất quan trọng.
Nơi phong trào tìm nguồn cội của người lương cũng như người giáo, thoạt đầu, chỉ những người về hưu mới quan tâm. Nay giới phụ huynh trẻ 35-45 tuổi bắt đầu nhập cuộc nhiều. Những người trẻ hơn thường ít bận tâm hơn. Do đó, cần nỗ lực đào tạo ý thức cội nguồn cho thế hệ trẻ.
Trước tình cảnh sự học sa sút, năm 1990, chúng tôi đã thiết lập việc khuyến học trong phạm vi gia tộc, lấy ngày giỗ ông nội làm “ngày truyền thống gia tộc” đồng thời cử hành ngày này theo dương lịch cho các bạn trẻ dễ nhớ.
Một số phụ huynh trẻ thấy chương trình khuyến học khá hữu ích, tích cực theo đuổi và việc phát thưởng nhân “ngày gia tộc” vẫn tiếp tục cho tới ngày nay. Trong ngày này chúng tôi ưu tiên quy tụ các cháu nhỏ, không mời người ngoài, chỉ tập trung lo xây dựng trong nội bộ. Giá trị vật chất của các phần thưởng không đáng kể nhưng vẫn là một cái gì háo hức đối với các cháu mẫu giáo và các lớp nhỏ. Ngày gia tộc cũng lôi cuốn với các học sinh lớn nhờ đó là dịp để các cháu đi chơi. Do chúng tôi không có từ đường, ngày này được tổ chức lưu động tại bất cứ gia đình nào đăng cai tổ chức. Cả những gia đình trẻ và cả những cháu ngoại cũng được quyền đăng cai tổ chức. Nhà nào lo giỗ năm sau sẽ rước di ảnh Ông Bà về lo hương khói trong một năm. Bù lại trong năm mọi người được nhắc nhở cầu nguyện cho gia đình ấy. Như thế chúng tôi có một từ đường lưu động hằng năm, đi theo di ảnh Ông Bà. Các gia đình trong dòng tộc chúng tôi ở tại ba tỉnh miền Trung và cả ở Sài Gòn, hằng năm các cháu đều có dịp quy tụ ở những địa phương khác nhau. Hơn nữa, dù tổ chức ở đâu, ngoài thánh lễ, buổi phát thưởng và bữa ăn gia tộc, còn có chương trình dã ngoại hoặc du lịch tham quan. Thêm vào đó, vì không có ruộng hương hỏa hoặc một nguồn lợi tức nào để chi dùng cho việc gia tộc, chúng tôi xây dựng quỹ hương hoa bằng sự quyên góp hằng năm, ngay trong ngày gia tộc. Một phần được giữ lại cho quỹ học bổng, một phần được giao cho gia đình đăng ký tổ chức ngày gia tộc năm sau.
Trong cuộc họp mặt đầu tiên về gia phả dòng họ năm 1996 tại hội trường Viện Sử Học Hà Nội, nhiều đại biểu cũng tỏ ra đồng cảm với điều tôi chia sẻ. Tôi lưu ý mọi người rằng tìm lại quá khứ là để phục vụ tương lai. Trong thâm tâm những người nhiệt thành với nguồn cội, ai cũng biết rằng công việc của mình trước hết là nhằm ích lợi tinh thần cho con cháu. Xu thế suy thoái đạo lý trên thế giới thật đáng lo ngại: Phim ảnh bạo lực và tình dục cộng với bao nhiêu tệ nạn khác của văn minh hưởng thụ sẽ càng lúc càng phá hỏng những nền móng của đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Việc dựng lại gia phả, nêu cao tình gia đình và gia tộc là một phương thế có thể góp phần hữu hiệu vào việc giáo dục đạo lý cho con cháu. Từ góc nhìn của một linh mục, tôi thấy ngày nay muốn chấn hưng đạo đức cho lớp trẻ, chỉ riêng nỗ lực của gia tộc hoặc của tôn giáo thôi không đủ, cần có sự hợp tác của cả đôi bên. Chính vì thế mà tôi tham gia nghiên cứu về gia phả dòng họ. Dù chưa thu thập được đầy đủ các chi tiết cần thiết, dù còn bất toàn và đầy hạn chế, bản gia phả vẫn là một phương tiện có tác dụng rất lớn trong việc đào tạo lòng biết ơn tiền nhân, gây ý thức tự trọng và tạo tinh thần cầu tiến.
Gia tộc chúng tôi cũng tìm cách để biến gia phả thành một phương tiện thu hút sự chú ý của các cháu nhỏ và đào tạo tình gia tộc cho các cháu. Xưa tại Việt Nam, chỉ những người đã khuất mới được ghi vào gia phả. Nay chúng tôi ghi vào gia phả cả những cháu nhỏ mới sinh. Hiện chúng tôi đang thí nghiệm phiên bản CD của gia phả, đã thực hiện cách nay năm năm. CD này sẽ cập nhật năm năm một lần, có hình từng gia đình và từng cháu, các cháu có thể bấm tìm như trên một website. Qua thử nghiệm, các cháu nhỏ tỏ ra rất thích thú khám phá nhiều điều về dòng họ, gia tộc và họ hàng trên màn ảnh vi tính. Chúng tôi cũng mong tìm người thiết kế một trò chơi điện tử về gia phả và dòng họ để đưa vào CD này cho các cháu nhỏ thêm hào hứng.
Việc đào tạo ý thức về Đạo Hiếu còn được thực hiện qua việc hành hương về nguồn cội. Năm 2005, kỷ niệm 50 năm cuộc di cư, chúng tôi đã đưa các cháu về cử hành ngày gia tộc tại gốc tổ Hà Tĩnh. Một vài vị cao niên, một số phụ huynh trẻ và một linh mục trong gia tộc dẫn đầu đoàn hành hương về phát thưởng tại một gia đình ngoài ấy, dâng lễ tại nhà thờ xứ và thắp hương niệm tổ tại từ đương bên làng lương.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 24
ĐẾN VỚI LƯƠNG DÂN
Hiện nay có nhiều gia đình và gia tộc Công giáo đang cố gắng tiếp tục triển khai một bản gia phả còn may mắn giữ được hoặc đang gom góp tư liệu để dựng lại gia phả. Đó là sáng kiến quý và là một khởi đầu tốt. Với viễn tượng loan báo Tin mừng, việc này không nên dừng lại trong nội bộ những gia đình đã theo Chúa nhưng cần quyết tâm mở rộng tới anh chị em ngoài Công giáo. Nhiều trường hợp đôi bên còn giữ được liên hệ qua việc giỗ chạp. Anh chị em lương dân thường khá kỹ lưỡng trong việc lưu truyền gia phả. Ta có thể nhờ đó mà tìm lại được thông tin về những thế hệ xưa.
Việc mời nhau trong dịp giỗ chạp nay đã bình thường. Những ngày truyền thống từng gia tộc tại các nhà thờ Công giáo là dịp để mời anh chị em đồng tộc bước tới nhà Chúa, và cũng là dịp để họ đáp lễ bằng cách mời ta đến thăm từ đường của họ trong các dịp giỗ. Đức Thánh Cha Phanxicô thật chí lý khi nhấn mạnh đến viếng thăm và gặp gỡ. Chính sự gặp gỡ sẽ hóa giải những hiểu lầm.
Ở quê tôi, trước kia hai làng lương và giáo rất ít qua lại, thậm chí còn tránh mặt nhau. Thế nhưng sau thánh lễ cử hành tại từ đường bên làng lương tháng 9-1990, người dân hai bên dần dần trở nên thân thiện. Ngày giỗ Thanh Minh, khi được mời đến dự, bà con đồng tộc Công giáo đem theo hương đèn, hoa quả (Thật ra chỉ mấy năm đầu khi mới tái lập quan hệ mới cần mời, về sau, việc về thắp hương và đóng góp trong ngày giỗ không phải đợi ai mời nhưng là một bổn phận).
. Khi tôn tạo từ đường, anh chị em Công giáo cũng đóng góp tiền bạc. Bù lại, khi giáo xứ xây dựng nhà thờ mới, anh chị em lương dân quan tâm thăm hỏi, đóng góp. Ngày khánh thành nhà thờ xứ, có một đoàn bên làng lương đến mừng. Một gia đình ở đó còn công đức cả hệ thống âm thanh và đèn cao áp cho nhà thờ mới.
Sự gặp gỡ cảm thông giúp thay đổi cái nhìn. Bài ca tế Thanh Minh trước kia nhận định rằng “Đức Hiển Dương vốn dòng trưởng chánh, việc từ đường vắng tạnh khói hương”, nay đã đổi thành: “Hiển Dương Hầu ở ngôi cháu trưởng, đổi sang đường tín ngưỡng Kitô”. Thay vào sự phiền trách là sự ghi nhận khách quan, có phần trân trọng. Có thể nói theo Đạo Chúa không còn là bỏ Ông bỏ Bà.
Sự có qua có lại này ngày càng thắm thiết. Bản thân tôi là linh mục cũng cố gắng để khắc sâu mối thân tình. Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi đều dành thời giờ thăm vị Tộc trưởng và người bạn tâm giao là nhà giáo Võ Tá Tương. Tôi đến thắp hương ở từ đường và khi có điều kiện, tôi dâng thánh lễ ở đó. Dù xa xôi ngàn dặm, hàng năm đến giỗ Thanh Minh, vị tộc trưởng đều gọi điện mời tôi. Một vài lần tôi đã vượt khó khăn để về dự. Một số lần khác, tôi đã gọi điện về xin cha xứ hiện diện thay tôi. Cha Phêrô Nguyễn Đại, khi là chính xứ An Nhiên, đã hai lần đến thắp hương tại từ đường Hà Hoàng và được mời phát biểu trước hàng mấy ngàn người về dự đại tế.
Sự nhập cuộc của các linh mục được anh chị em người lương quý chuộng cách riêng. Vì thế, mỗi khi bắt liên lạc được với một dòng họ nào, tôi đều cố gắng giới thiệu một cha thuôc dòng họ ấy. Tại Lý Sơn, cha Phạm Đức Thanh DCCT đã cùng tôi đến thắp hương ở từ đường họ Phạm; tại Qui Nhơn, cha Văn Ngọc Anh đã cùng tôi đến thăm nhà cụ trưởng lão họ Văn đang hoàn thiện bản gia phả dòng họ.
Đã có những linh mục ghi nhớ ngày giỗ dòng họ mình và tích cực đến hiệp thông, thắp hương. Tại Hải Dương, hằng năm tới ngày lễ hội họ Vũ, Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên vẫn có lẵng hoa gửi về. Trong năm 2012, có lần ngài đã cùng với 18 anh em linh mục mang họ Vũ về tổ đường này dâng thánh lễ đồng tế.
Với những người đã tham dự ngày truyền thống dòng họ tại nhà thờ giáo xứ, ta nên quan tâm lui tới thăm viếng. Mỗi giáo xứ thường có sẵn những nhóm anh chị em lo thăm viếng, cụ thể là các anh chị Legio Mariae, vẫn thường thăm người neo đơn, bệnh tật, vv… ta nên liên kết nhờ họ cùng đi thăm để việc thăm viếng được nhịp nhàng đều đặn hơn. Những người cao niên thường nghĩ nhiều về đời sau, và cũng không còn vướng mắc xã hội, ta nên mạnh dạn chia sẻ về đức tin và cầu xin Chúa mở lòng cho họ. Ngày giờ của họ càng lúc càng ngắn ngủi, cần được ta quan tâm giúp hoàn tất cuộc đời đúng như Chúa mong chờ cho họ. Khi một vị lão thành tin nhận Chúa, con cháu người ấy sẽ dễ hướng lòng về Chúa hơn.
Cần lưu ý rằng việc loan Tin mừng của anh em Tin Lành kết quả nhiều là nhờ họ thăm viếng nhiều. Có một đôi bạn từ Trung Quốc theo học một Đại học Công giáo tại Mỹ để nghiên cứu về Kitô giáo. Khi ra trường, họ bày tỏ nỗi ngạc nhiên:
– Tại trường Đại Học này, có rất nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu Công giáo, nhưng hơn ba năm ở đây không có bất cứ một ai đến thăm chúng tôi, ngược lại mỗi ngày Thứ Sáu đều luôn có người Tin Lành đến nói về Kinh Thánh cho chúng tôi nghe.
Có lẽ câu nói ấy phải khiến chúng ta tự vấn nhiều trước anh em và trước nhan Chúa.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 25
KHÓ KHĂN VÌ GIÁN ĐOẠN PHẢ LIỆU – NHỮNG ĐƯỜNG DẪN CO DÃN
Khi mở rộng vòng giao lưu tới anh chị em đồng tộc ngoài Công giáo, ta sẽ thấy khó khăn trong việc phục hồi gia phả là chuyện chung của các gia tộc hiện nay, không riêng gì lương hay giáo.
Bản gia phả chi tộc chúng tôi đã được chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ khoảng năm 1950. Tiếc thay nó đã bị mối mọt phá hủy. Sự kiện ấy giúp tôi đồng cảm với những nhóm mất hẳn gia phả, do chiến tranh, nghèo đói, không được đi học…
Hiện nay ở huyện quê nhà của tôi có nhiều gia đình Công giáo mang cùng họ và cùng chữ lót với gia tộc chúng tôi, chưa kể nhiều gia đình cùng họ nhưng khác chữ lót, cũng bị mất gia phả như chúng tôi. Mỗi nhóm chỉ có thể quy tụ quanh những vị tổ gần đây hiện còn biết được nhưng khó mà xác định liên hệ thế thứ giữa vị tổ nhóm mình với những vị tổ các nhóm khác. Về mặt tâm tình đồng tộc, họ không ngần ngại nhận mình phát xuất từ cùng một vị trưởng tộc đã theo Công giáo cách nay khoảng 300 năm, là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh, nhưng do thiếu phả liệu nên không sao nối kết thành một hệ thống chung.
Từ đó, tôi đề ra khái niệm “đường dẫn co dãn”, có nghĩa là những gia đình nào muốn đều có thể tiếp tục viết bản gia phả của chính mình, bằng cách nối một đường dẫn co dãn từ tổ Võ Tá Cảnh đến vị tổ cao nhất mà gia đình ấy hiện còn biết được. Ví dụ nơi gia phả phía cha tôi, đường dẫn ấy sẽ nối từ tổ Võ Tá Cảnh cho đến tổ Võ Tá Dinh (tôi là cháu đời thứ năm), còn phía họ Võ của các cậu tôi và mẹ tôi đường dẫn sẽ nối thẳng từ tổ Võ Tá Cảnh đến tổ ngoại tôi là cụ Luca (tôi là cháu đời thứ tư).
Khi tôi mới nêu giải pháp này vào năm 1997, nhiều người còn ngần ngại. Thế nhưng, dịp tế Thanh Minh 2010, hầu hết các nhánh họ Võ tại giáo xứ quê tôi đều đã có mặt tại từ đường đại tôn (do bà con người lương đảm nhiệm) ở Hà Hoàng.
Nếu mỗi gia đình hiện nay đều có thể tự mình nối một đường dẫn co dãn như thế để tiếp tục viết gia phả, thì ai có thẩm quyền thừa nhận rằng gia đình ấy đúng là người trong họ? Theo tinh thần anh em về họp mặt trong những năm qua, sẽ không ai đặt vấn đề thừa nhận, ngược lại ai nấy đều vui mừng mỗi khi có thêm những anh em đồng cảm cả trong tâm tình đối với tổ tiên và tâm tình đối với hậu thế. Nói cách khác, bên cạnh những nỗ lực tìm ghi lại quá khứ, hiện còn có một xu thế coi trọng một gia phả tinh thần ít ra cũng ngang hàng với một gia phả bằng chữ viết.
Thật vậy, nếu phục hồi được những chứng liệu về một chuỗi liên hệ huyết thống đầy đủ và xác thực thì quý biết bao. Thế nhưng có lẽ đó không phải là mục đích duy nhất của việc thực hiện gia phả và, đàng khác, nhiều khi đó là điều không thể làm được. Ta liên kết là để thêm tình thêm nghĩa, chứ chẳng có gì để gọi là quyền lợi hay bổn phận. Nếu cứ khăng khăng phải tìm cho được chứng liệu liền mạch, chắc hẳn sẽ đến lúc người ta đành phải chia tay vì không thể nào còn giữ được những chứng liệu như thế.
Ngày nay, ai cũng hiểu rằng chuyện một mẹ trăm con chỉ là huyền thoại chứ không phải là gia phả thật. Công dụng của câu chuyện là tạo cơ sở để bất cứ gia đình nào cũng có quyền nối chính mình vào cội nguồn Âu Lạc.
Đường dẫn co dãn là chuyện bình thường trong gia phả học Kinh Thánh. Tại Trung Đông, xã hội du mục hơn 3000 năm trước đây đòi các bộ lạc phải nương vào nhau để sinh tồn. Các bộ lạc yếu tìm liên kết với các bộ lạc mạnh. Người ta thường khẳng định liên hệ giữa hai bộ lạc bằng một đường dây gia phả nào đó. Nghiên cứu kỹ, người ta khám phá ra rằng nhiều bản gia phả có phần nhập đề rất giả tạo, mối dây liên kết các bộ lạc trong thời điểm viết gia phả rất lỏng lẻo. Dù vậy, mối dây ấy cần thiết để biện minh cho sự liên kết và để tạo cho thành viên đôi bên cái tâm lý “máu loãng còn hơn nước lã” và thật sự quan tâm đến nhau.
Vấn đề trước mắt của chúng ta là với những mảnh vụn gia phả còn may mắn giữ được, làm sao để tìm ra những mối liên hệ thân tình giữa các nhánh cùng dòng họ? Và hơn nữa, làm sao có thể nối kết khi người ta chẳng còn một mảnh vụn nào? Trong thực tế, tại những thôn xã có từ đường một dòng họ nào đó, ngay bên cạnh từ đường có thể vẫn có những gia đình đồng tộc đã gián đoạn liên lạc không biết từ bao giờ, lại cũng có những gia đình đồng tộc từ đâu khác mới đến được vài ba đời… Có nơi người phụ trách từ đường đã chủ động đến thăm và mời những gia đình lẻ loi như thế cùng đến dự tế hiệp, vì dù nhiều hay ít, cách này hay cách khác, vẫn có một liên hệ đồng tộc.
Nếu giấy trắng mực đen còn đó và chỉ một số ít gia đình nối được tên mình vào chuỗi gia phả thì số ít này dễ gặp nguy cơ kiêu hãnh, tự hào mình là “của thật”, những anh em khác là “của giả”. Nay cái giấy trắng mực đen kia thành cát bụi, mọi người đều lạc mối như nhau thì cũng đều có thể tự nối với gốc tổ một cách bình đẳng và đồng thời cũng là một cách khiêm nhường, theo tình chứ không theo lý.
Những liên hệ có tính tương đối như thế sẽ giúp người trong cuộc tự hỏi tại sao không đi xa hơn, nối tiếp những đường dẫn co dãn cho tới con người đầu tiên của lịch sử, cho tới nguyên tổ Ađam để gặp được Cội Nguồn tuyệt đối là Cha Cả trên trời?
Như thế ta có thể tìm được ở đây thêm một minh họa cho học thuyết của các vị Tiến sĩ Hội thánh thuộc Dòng Cát Minh về sự thanh tẩy chủ động và sự thanh tẩy thụ động. Ông Abraham đã tự nguyện lìa bỏ quê cha đất tổ, lên đường theo tiếng Chúa gọi và gặp được Thiên Chúa là Cội Nguồn và Đích Điểm. Ông tự nguyện thanh tẩy khỏi những vấn vương trần thế. Còn chúng ta, dù tha thiết với những cội nguồn nhân loại đến mấy cũng không sao tìm lại được; Thiên Chúa đã dùng ngoại cảnh, cắt đứt chúng ta với những cội nguồn ấy, rồi khi ta đang hụt hẫng bơ vơ thì Ngài lại soi sáng cho ta nhận biết Ngài là Cội Nguồn đích thật. Chính Thiên Chúa thanh tẩy và tước đoạt. Nếu ta thuận tình chiều theo sự dẫn dắt ấy của Ngài, Ngài sẽ đích thân đưa ta về với Ngài. Nhu thế, cả thái độ tự nguyện lẫn thái độ thuận tình đều giúp nhận được đức tin.
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ – Chia sẻ 26
MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ KINH NGHIỆM SINH HOẠT LIÊN KẾT DÒNG HỌ
Năm 2009, cụ Võ Huề ghé thăm tôi. Cụ là hậu duệ của tiền hiền Võ Lực, mộ hiện ở nghĩa trang giáo xứ Phú Hữu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tôi chia sẻ với cụ về sinh hoạt liên kết họ Võ hiện nay ở khắp trong nước và hải ngoại. Cụ thấy ngay đó là một nỗ lực rất tích cực có thể góp phần giáo dục hữu hiệu cho lớp trẻ. Do đó, cụ đã năng nổ liên lạc và vận động để có được cuộc họp mặt một số bà con Công giáo họ Võ vào dịp sinh nhật Tổ Võ Hồn, ngày mùng 8 tết Canh Dần, 2010.
Cuộc họp mặt đã đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công giáo tỉnh Bình Định, chuẩn bị cho những cuộc họp mặt về sau. Thế rồi chúng tôi đã có ngày Võ Tộc Công Giáo Bình Định lần thứ hai, vào mùng 8 tết Tân Mão, 2011 và lần thứ ba vào mùng 8 tết Nhâm Thìn, 2012.
Trong cuộc sinh hoạt lần thứ hai, trước các đại biểu cả người giáo và người lương, ông Trưởng ban Liên lạc Võ tộc Công giáo tỉnh Bình Định đã nêu lên những mục tiêu rất thiết thực của việc liên kết dòng họ:
– Mục tiêu thứ nhất là để động viên nhau sống tốt, không làm ô danh tổ tiên. Đây là điều quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh giáo dục đầy khó khăn ngày nay.
– Mục tiêu thứ hai là để nhắc nhau xây dựng tình gia đình và gia tộc thật ấm cúng đậm đà. Đây cũng là điều rất quan trọng. Do ảnh hưởng văn minh tiêu thụ, chạy theo tiền bạc, nhiều gia đình dễ tan vỡ. Cùng với lời dạy và sự nâng đỡ tinh thần của Hội Thánh, chính các gia tộc phải tích cực nhắc nhở nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn để bảo đảm hạnh phúc gia đình.
– Mục tiêu thứ ba là để gia tăng tình thân ái với các anh chị em đồng tộc trong cũng như ngoài Hội Thánh Chúa, để từ chỗ chu toàn đạo hiếu dưới đất với tổ tiên, chúng ta sống trọn đạo hiếu thảo với Cha Cả trên trời là Cha chung của hết mọi người. Trước kia, người Công giáo bị gián đoạn việc thờ cúng Ông Bà theo cách cổ truyền, suốt hơn 200 năm, khiến nhiều người lương hiểu lầm rằng theo Đạo là bỏ ông bỏ bà. Nay những khó khăn đã qua, Giáo Hội đã cho phép người Công giáo Việt Nam lập lại việc thờ cúng cổ truyền, ta cần giao lưu gặp gỡ để giải tỏa sự ngộ nhận đáng tiếc.
Theo hướng ấy, chúng tôi đề xuất những điểm sau đây để chúng ta cùng trao đổi cho sáng rõ thêm.
1. Trong năm nay, cố gắng giới thiệu sinh hoạt của chúng ta tới bà con đồng tộc trong giáo xứ. Cụ thể là mượn sổ của giáo xứ, lọc ra một danh sách các gia đình Võ tộc.
2. Gặp riêng từng người, kể về sinh hoạt của chúng ta hôm nay và cùng thảo luận hướng tới tương lai.
3. Xin photocopy tờ hướng dẫn làm gia phả và phát cho các gia đình. Qua chiến tranh, gia phả hầu hết bị thất lạc và gián đoạn. Mỗi gia đình nên chủ động xây dựng lại gia phả, sớm ngày nào hay ngày đó, vì càng để lâu, các bô lão qua đi, ta sẽ không biết hỏi ai.
4. Anh chị em Võ tộc cùng giáo xứ nên xin cha sở một thánh lễ cầu cho kẻ sống và kẻ chết trong Võ tộc địa phương mình, rủ nhau đi thật đông.
5. Sau thánh lễ ấy, có thể gặp gỡ sinh hoạt và bầu ra một ban đại diện. Ban đại diện nên chọn người trẻ, có uy tín nhờ khả năng và tư cách đạo đức.
6. Chú ý mời gọi lớp trẻ tham gia sinh hoạt Võ tộc tại giáo xứ cũng như liên xứ. Chính lớp trẻ sẽ là tương lai của dòng họ.
7. Có nhiều chị em con gái và con dâu họ Võ rất nhiệt tình với sinh hoạt dòng họ. Xin đặc biệt lưu tâm và mời những người ấy giúp việc chung của dòng họ.
8. Gặp gỡ người phụ trách từ đường Võ tộc tại địa bàn giáo xứ, tại xã hoặc huyện mình, không phân biệt lương hay giáo, để xin sao chụp gia phả, phiên dịch và tham khảo để tìm nguồn cội.
Tại mỗi giáo xứ, hằng năm nên có một ngày sinh hoạt, tốt nhất là vào ngày lễ một vị thánh trong dòng họ. Nên mời tất cả các gia đình đồng tộc trên địa bàn giáo xứ, cùng con dâu và con rể. Nên mời cả bà con đồng tộc ngoài Công giáo cùng tham gia, đồng thời cũng nên tích cực nhận lời mời tham gia các sinh hoạt đồng tộc của các anh chị em ngoài Công giáo.
Nội dung chính là thánh lễ và giờ gặp gỡ trước hoặc sau thánh lễ.
Nhiều làng có hương ước, nhiều nhánh tộc họ có tộc ước. Các quy ước thành văn có cái hay của nó nhưng cũng có lắm điều phức tạp. Sinh hoạt của chúng ta chỉ giản dị là động viên lòng hiếu thảo và hiếu học, vì thế nên tránh viết thành nội qui với những điều lệ rắc rối. Cần giữ cho sinh hoạt luôn mang tính tự do, không ràng buộc.
Chỉ cần đề cử một ban liên lạc để tổ chức và nhắc anh chị em tham gia. Ban liên lạc làm việc với tinh thần tự nguyện, vô vụ lợi.
Không nên gây quỹ. Mỗi lần sinh hoạt sẽ xin bà con đóng góp tùy hảo tâm. Nếu bị hụt thì xin thêm cho đủ, nếu dư thì ban liên lạc sẽ quyết định sử dụng vào việc gì có ý nghĩa nhất, trong thời gian sớm nhất, không giữ lại.
PHỤ LỤC
CÁCH KHỞI THẢO GIA PHẢ
Đời 1 | ||||||||||||||||
Đời 2 | ||||||||||||||||
Đời 3 | ||||||||||||||||
Đời 4 | ||||||||||||||||
Đời 5 | ||||||||||||||||
Đời 6 | ||||||||||||||||
Đời 7 |
BẢN HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG GIA PHẢ
Bước đầu
Xin lưu ý:
Bản hướng dẫn này giúp bạn thực hiện phần chính yếu trong gia phả của bạn, tức là phần trực hệ (cha, ông nội, ông cố, ông can,…). Sau khi có kinh nghiệm, bạn sẽ bổ sung các phần bàng hệ (chú, bác…)
Nếu bạn muốn lập gia phả phía mẹ bạn, thì phải làm một bản khác (mẹ, ông ngoại, ông cố ngoại, ông can ngoại…).
Các bước thực hiện:
1. Ghi các tổ phụ (nam giới) hàng dọc từ cha của bạn trở lên, cho tới vị trên cùng mà bạn biết được. Nếu vị này có những anh chị em mà bạn biết tên tuổi, còn thân phụ của các vị bạn không rõ họ tên, bạn sẽ gọi vị tổ cao nhất này là vị tổ khuyết danh.
2. Ghi tên vị tổ cao nhất (hoặc vị “khuyết danh”) đã tìm thấy vào ô đậm ở hàng “đời 1”. Bạn không còn biết vị này có anh em hay không, cho nên trước tên của vị này không ghi số thứ tự nhánh. Hàng “đời 1” chỉ có một ô là vì thế.
3. Các vị tổ đời thứ hai trở đi, mỗi vị có mấy anh em trai thì đời ấy có mấy nhánh. Bạn ghi tên các anh chị của vị tổ vào các ô bên trái, các em trai và em gái của vị ấy vào các ô bên phải, theo thứ tự. Sau đó bạn đánh số thứ tự các nhánh vào trước tên những người nam.
4. Tên phu nhân các vị tổ sẽ bổ sung sau.
5. Bạn vạch những mũi tên từ mỗi vị tổ đến các người con của họ, rồi xóa những ô trống.
6. Phần gia phả của các nhánh khác ở mỗi đời sẽ bổ sung sau. Tốt nhất, bạn giao phần của mỗi nhánh cho người phụ trách nhánh đó, rồi cuối cùng sẽ tổng kết lại.
7. Bạn trao đổi với những người có kinh nghiệm trong vùng để tiến hành những bước tiếp theo.
8. Tại các nhà sách, có một số bản mẫu sổ gia phả – Khi đã có số liệu, bạn có thể tham khảo những sách ấy để trình bày theo cách nào bạn thấy tiện nhất.
Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
Gpquinhon.org