Giải viết văn đường trường 2013 - bản tin số 02

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013 – BẢN TIN 02

Cùng với lời chúc Xuân, Ban tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường xin gửi đến quý Ban Biên Tập và độc giả bốn phương bản tin số 2.

vietvanChúng tôi xin giới thiệu 7 truyện ngắn mới gửi về tham gia giải thưởng 2013.  Dù rất chậm, cuộc thi đã khởi động. Tốc độ chậm càng chứng tỏ sự cần thiết của cuộc thi: Số lượng người viết văn xuôi trong giới Công giáo rất ít ỏi, cách riêng là trong lãnh vực truyện ngắn và kịch bản, cần phải tìm nhiều cách cổ võ các bạn trẻ luyện văn.

Giải Viết Văn Đường Trường tổ chức trao giải 6 năm liền (2013-2018) cho những truyện ngắn có nội dung Kitô giáo và ấn hành giới thiệu các tuyển tập truyện ngắn cho các tác giả đạt giải.

Xin xem

Bản Thể Lệ Giải Viết Văn Đường Trường

Chương trình tìm kiếm và xây dựng tài năng văn xuôi cho văn học công giáo

tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Năm 2013, năm Đức Tin của Hội Thánh toàn cầu, cũng là kỷ niệm 25 năm tôn phong các hiển thánh Tử Đạo Việt Nam, đồng thời mừng 480 năm Kitô giáo Việt Nam, chỉ còn 20 năm nữa là đến kỷ niệm 500 năm (1533-2033), và đó cũng sẽ là năm Đại Toàn xá mừng kỷ niệm 2000 năm cuộc THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH CỦA CHÚA CỨU THẾ. Chia sẻ nhịp mạnh của đời sống Dân Chúa, ước mong các bạn trẻ tích cực trau dồi tài năng viết văn và nồng nhiệt hưởng ứng cuộc thi.

Xin quý vị và các bạn giúp giới thiệu chương trình này thật rộng rãi để tìm kiếm và xây dựng cho Giáo hội Việt Nam nhiều tài năng văn chương mới.

Thay lời Ban Tổ chức, xin kính chúc quý Ban Biên Tập, quý tác giả và độc giả bốn phương cùng gia đình một cái Tết vui tươi và một Năm Mới an lành hạnh phúc trong tình thương Thiên Chúa.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

BÀI DỰ THI

 

Mã số 13-003

CÂY HOÀNG PHI ĐIỆP

(Cây Hoàng Yến – Tên chính thức của loài cây này)

Không biết có chuyện gì quan trọng mà Sơ Nhung lại gọi điện nhắn mình lên nhà Dòng của sơ? Chuyện gì nhỉ? Tại sao không nói qua điện thoại cho rồi? Phân vân suy nghĩ, đoán già đoán non  xe của tôi đã đến trước cổng nhà Dòng lúc nào không hay.

Chiều Chúa Nhật các sơ không dạy trẻ. Tu viện được trả lại bầu khí yên tĩnh, trầm mặc vốn phải có của nó. Xuống xe, dẫn bộ vào lối cổng phụ, mắt tôi bị hấp dẫn bởi những cây hoàng phi điệp đang nở rộ trước dãy nhà chính của tu viện. Một khung trời toàn màu vàng, đúng như tên gọi của cây : bướm vàng bay. Mải mê ngắm những chùm hoa vàng lẳng lơ trước gió, có những chùm dài đến nửa thước đưa đi đưa lại. Tôi có cảm tưởng bất cứ chỗ nào của thân cây cũng có thể chìa ra một chùm hoa dài ngắn khác nhau. Thiên nhiên thật kỳ diệu!

– “Xin lỗi chị có phải là chị Thuý Nga không?” Giọng nhẹ nhàng của một em thanh tuyển kéo tôi về khung cảnh hiện tại.

– Vâng ! Tôi đây.

– Đợi mãi, không thấy chị lên, sơ Bề Trên, cha Tuyến, và ông bà cố của ngài vừa đi khỏi. Sơ nhắn chị lên phòng khách trên lầu ngồi đợi, tý nữa sơ sẽ về ngay.

Em thanh tuyển vừa dẫn tôi đi lên cầu thang vừa kể : Chiều nay, tu viện chúng em có lễ mở tay của cha Tuyến. Ngài mới được trao tác vụ linh mục.

Ngồi một mình trong phòng khách yên tĩnh, đợi mãi không thấy sơ Nhung về, tôi hết nhìn ảnh Chúa Chiên Lành, lại đến ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thấy chán. Tôi mang nghế ra ngoài hành lang ngồi cho thoáng và ngắm cảnh thiên nhiên. Phóng tầm mắt nhìn những ngôi nhà nhấp nhô xa xa, những lùm cây nghiêng mình bên hồ nước trước mặt, nhìn cảnh chiều buông, lòng tôi chùng xuống như cảnh cuộc đời tôi cũng đang về chiều.

Ngày ấy cách đây hơn ba mươi năm rồi, lớp của tôi chỉ có hai sinh viên công giáo. Có lẽ nhờ mối dây đức tin vô hình này mà tôi và Sơ Nhung dễ dàng chơi thân với nhau hơn. Sơ lớn tuổi nhất lớp. Sơ không muốn đi học đại học, muốn sống trong môi trường yên tĩnh của tu viện đắm mình trong lời kinh, ẩn mình bên Chúa, xa lánh sự nhiễu nhương của cuộc sống… Vì nhu cầu của nhà Dòng, vâng lời bề trên nên Sơ đi học. Hình như người nhà tu ai cũng học hành cần mẫn thì phải?

Ừ! Hồi ấy không hiểu sao lại có sự phân biệt, kỳ thị giữa người không Công giáo và người Công giáo khá rõ ràng? Các môn học hễ có gì liên quan tới tôn giáo thế nào các giáo sư cũng “tôn giáo là thứ thuốc phiện…”. May sơ Nhung học khá đoàng hoàng, tạo được ảnh hưởng tốt đã làm chứng, và phần nào xóa đi những thiên kiến về Đạo cho các bạn trong lớp.

Kể cũng may nhờ học chung với Sơ mà tôi có thể sống đạo tốt hơn. Nói là có Đạo chứ hồi ấy tôi đâu có sống Đạo. Đi lễ để được gọi là có Đạo, còn về Chúa, về Mẹ tôi chẳng biết sự gì, nói chi đến việc cầu nguyện. Sống trong môi trường xã hội cổ xuý không tin có Thượng Đế, thế giới bên kia. Con người tranh giành nhau mà sống, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Hơn nữa nhà tôi lại sống gần chợ, cha mẹ buôn bán tự dưng tôi mất đi cảm thức về sự thật thà. Nhà trường đúng lẽ phải đào luyện ra những con người tốt nhưng thử hỏi thi cử gian lận, chạy chọt thầy cô … thì làm sao có người tốt được. Hồi ấy việc tôi đậu đại học là do sự can thiệp bất công của đồng tiền. Sống trong dòng xoay của sự gian lận làm sao một người trẻ có thể đứng vững? Làm sao tiếng nói trung thực của lương tâm có cơ may lên tiếng.

Nhớ lại, sáng hôm đó thi môn Kinh tế chính trị, học kỳ hai năm một Đại học. Trước khi vào phòng thi, tôi vội vàng tìm sơ Nhung:

– Sơ ơi ! Tài liệu em đã photo cho sơ đây này. Em hai bộ, sơ hai bộ, để nếu bị bắt bộ này thì còn bộ kia nữa.

Sơ Nhung cầm lấy:

– Cái gì đây? Chữ nhỏ như này làm sao đọc được?

– Quay bài thì phải nhỏ chứ to thì lộ liễu quá.

– Cảm ơn em. Chị không quay bài đâu nhưng chị cất đi để làm kỷ niệm nhé.

– Bộ sơ thuộc cả cuốn sách à. Em với sơ có phải ai xa lạ đâu mà e thẹn. Mọi bạn đều thủ sẵn tài liệu. Không có tài liệu rớt trắng mắt cho mà coi. Lúc sơ nộp “tiền ngu”  đừng kêu ca.

– Cảm ơn lòng tốt của em đã nhớ, quan tâm tới chị. Chị chưa bao giờ quay tài liệu cả và cũng không dám. Sợ lắm!

Cuộc đời có những ngã rẽ thật huyền nhiệm. Nó dẫn ta đến những nơi không bao giờ có thể ngờ được. Có thể ngay lúc đó ta không nhận ra những giá trị của nó, đôi khi ta còn cố gắng phản kháng lại cách mãnh liệt. Nhưng với thời gian, khi nhìn lại ta mới thấy những dẫn dắt huyền diệu của Thiên Chúa. Ngã rẽ có khi đến từ những chọn lựa, suy tính kỹ càng của bản thân, đôi khi ngay cả trong sự bồng bột, nông nổi nhất thời và có khi ngang qua một biến cố, một sự kiện nào đó trong cuộc sống thường nhật. Đến bằng cách nào không quan trọng, miễn là qua nó ta rút ra được bài học gì cho hành trình đi tới của ta được tốt hơn. Quay bài là chuyện “thường tình” của kẻ bút nghiên, không quay mới là bất thường? Hồi đó đưa tài liệu cho sơ, tôi chẳng suy nghĩ gì, trong thâm tâm còn mừng nữa là khác, vì mình đã giúp đỡ người khác. Nào ngờ sự thể lại hoàn toàn ngược lại. Nó là cú đập giúp tôi bắt đầu suy nghĩ về các giá trị trong cuộc sống.

Sáng hôm ấy môn cuối cùng của kỳ thi chấm dứt, tôi tạm thời xếp sách vở sang một bên để thưởng thức những ngày hè sau thơi gian dài vất vả với sách vở.

Bỗng dưng sơ Nhung gọi :

– Thuý Nga ơi! Thi xong rồi, chắc em rảnh rỗi, đến nhà Dòng sơ chơi không? Hôm nay đến phiên chị nấu ăn.

–Được! Thi xong về nhà em cũng chẳng làm gì.

Tôi vui vẻ theo sơ vê nhà dòng. Sơ và tôi vừa nhặt rau vừa nói đủ thứ chuyện, học hành, đạo nghĩa, lý tưởng cuộc đời… Bỗng dưng:

– Thuý Nga, em trả lời chị nhé. Giọng sơ có vẻ trầm trọng.

– Trả lời cái gì?

– Ăn trộm đồ của người khác có tội không?

– Chị hỏi vớ vẩn vậy! Đương nhiên là có.

– Ăn cắp là có tội, bây giờ giả sử cả làng đều đi ăn căp, em có đi không?

– Làm gì có chuyện cả làng đi ăn cắp.

– Ừ, chị cứ giả sử vậy.

– Ừ ừ… có lẽ em… sẽ không đi. Vì ăn cắp là sai, cả làng sai chẵng lẽ hết sai.

– Đúng. Thế em nghĩ gì về việc cả lớp, cả trường quay bài trong khi thi, họ đúng hay sai? Tại sao ta phải theo họ?

– Ờ… chuyện này khác.

– Sao lại khác được. Chúa bảo “Ai trung thành trong việc nhỏ sẽ trung thành trong việc lớn và ngược lại…”

Thuý Nga ơi! Đợi chị có lâu không? Tiếng sơ Nhung từ dưới cầu thang vừa đi lên vừa gọi làm tôi giật mình bỏ dở dòng hồi tưởng.

– Hẹn em lên đây, bỏ đi chơi lại còn hỏi đợi lâu hay chóng. Tôi trả lời có vẻ hờn mát.

– Sáng nay em đã đi lễ chưa?

– Bộ sơ nghĩ em như thời sinh viên hay sao mà cứ phải kèm cặp. Có cháu nội cháu ngoại rồi không đạo đức thì chí ít cũng phải sống làm gương cho chúng nó chứ. Nãy giờ, ngồi đây, em nhớ lại thời sinh viên của chúng ta. Em thấy vui vui. Sơ còn giữ hai bộ tài liêu hồi ấy của em không?

– Nhớ dai nhỉ!

– Nhờ việc đó mà em đã thay đổi cuộc đời đấy. Chị gọi em lên đây có chuyện gì vậy?

Tay sơ chỉ về hướng những cây hoa hoàng phi điệp:

–  Nhìn mấy cây hoa kia em có nhớ gì không?

– Nó lớn nhanh quá và nhiều hoa nữa. Nhớ lúc em mang thai, sơ đưa em về đây “ở ẩn” xung quang còn hoang vu, đâu có khang trang như bây giờ.

Lúc đó, em vừa buồn vừa chán. May có những việc lặt vặt như làm vườn, trồng cây, nhổ cỏ để giết thời giờ. Cây cuối cùng kia sơ đưa em trồng và bắt em chăm sóc với lời nhắc nhở: “tưới tắm cho cẩn thận, biết đâu ý Thiên Chúa nhiệm mầu, sau này đứa con trong bụng em cũng được trồng trong vườn nho nhà Chúa như những cây này được trồng trong khu vực đất của nhà dòng”.

Lúc nãy khi đến đây, em để ý cây đó cách đặc biệt. Thấy nó vươn cao, hoa rất nhiều. Em hy vọng con trai em đang ở phương trời nào đó cũng…

Chị vừa nói vừa nhìn sâu vào mắt Sơ như dò hỏi “Tại sao sơ lại mất địa chỉ của gia đình ấy? Mà họ cũng tệ thật không liên lạc gì với sơ. Hay gia đình họ có chuyện gì rồi? ”

Sơ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt lộ rõ nét hiền từ của người tu hành, mắt nhìn vào cõi xa xăm như muốn hiểu thấu nỗi uẩn khúc trong lòng tôi và nhẹ nhàng trả lời.

– Ừ, sơ gọi em đến nhà Dòng cũng là vì chuyện này.

– Sơ biết được tình hình gia đình họ à…?

Boong banh! Boong banh… Tiếng chuông vang lên dồn dập làm ngắt quãng cuộc nói chuyện của hai người.

Nghe tiếng chuông, sơ Nhung vội nói và dương như chưa muốn trả lời câu hỏi của tôi:

– Chiều nay, có tân linh mục về dâng lễ tạ ơn ở nhà dòng. Chúng ta xuống tham dự Thánh lễ đã. Còn nhiều chuyện chị phải bàn bạc kỹ với em.

Hai người vội xuống cầu thang tiến về phía nhà nguyện. Bước vào nhà nguyện, một bầu khí thánh thiêng đang lan toả khắp không gian. Tôi hồi hộp. Linh tính báo cho tôi chuyện gì đó sắp xảy đến. Tôi cảm nhận nó cách lờ mờ nhưng không biết rõ nó từ đâu đến.

Các sơ đang ôn hát cho cộng đoàn. Giáo dân tiến vào nhà nguyện mỗi lúc một đông. Hình như họ đã được báo trước? Tôi lặng lẽ đến quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ. Chính chỗ này, lúc tuổi đời đôi mươi bồng bột tôi đã tìm được đường trở về, ngừng, không dại dột làm điều tàn ác, ghê gớm nhất trên đời.

Tin sét đánh đến với tôi vào chiều thứ năm ấy trước lễ thành hôn của tôi và anh hai ngày. Nó cách đây ba mưới mốt năm rồi. Anh bất ngời chết vì tai nạn xe máy khi một mình trên đường lấy giấy đăng kí kết hôn từ  uỷ ban phường trở về. Anh đâm vào con chó chay ngang qua đường. Anh chết trên đường đưa đi đến bệnh viện. Với tôi lúc đó đời hoàn toàn sụp đổ.

Hôm đưa anh ra nghĩa địa, tôi như người mất hồn. Nhìn những ngôi mộ mà lòng tôi xót xa khôn tả. Tôi đã thầm nguyền rủa nghĩa địa. Nghĩa địa! Đó là cuốn biên niên sử trung thực và khắc nghiệt nhất, là ngôi nhà chung cuối cùng cho mọi cư dân. Nơi đó gợi lên nỗi đau tận cùng của lòng người. Nhìn nấm mồ của anh vừa đắp xong, lòng tôi giằng co vô vọng. Tình yêu chân thành của anh và tôi? Hạt giống truyền sinh anh trao tặng. Để hay bỏ? Nếu để, áp lực gia đình, dư luận xã hội…? Ai hiểu nổi nỗi lòng rối bời của tôi lúc đó! Tương lai mịt mờ biết đi về đâu?

Mọi người đưa tiễn anh đã về hết. Sơ Nhung vừa nói vừa đưa tay dìu tôi về:

– Thuý Nga ơi, mình về thôi, thương tiếc bây giờ cũng chẳng làm gì được. Người chết đã yên, mình vẫn phải tiếp túc sống cuộc sống của mình.

– Sơ ơi! Chưa yên đâu! Kẻ chết đã vậy còn người sống sẽ ra sao? Tu là cõi phúc tình là dây oan, sơ  đi tu  làm sao hiểu được kẻ đã vương vào lưới tình như em?

– Tình yêu là cái gì cao đẹp, được Thiên Chúa chúc phúc…  Sao em lại nói võ đoán vây?

– Sơ ơi, tình yêu đúng là đẹp. Khổ nỗi mấy ai đủ khôn ngoan như triết gia trong khi đang yêu. Mấy hôm nay, nhìn anh ấy nằm bất động em suy nghĩ lung tung không biết nên để hay phá mầm sống còn lại của anh đang trong bụng em. Nếu phá đi thì may ra đời em còn có hy vọng, nếu để em e… Em không dám cho ai biết em đã…, nếu biết chắc em chỉ còn nước độn thổ.

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” lời của vị chủ tế vang lên, cắt đứt dòng hồi tưởng miên  man và kéo tôi về với bầu khí trang nghiêm của nhà nguyện. Tôi giật mình: sao giọng của cha này nghe quen quen, giống giọng của ai đó? Tôi đứng lên, ngước mắt nhìn lên bàn thờ bóng dáng linh mục chủ tế và những lời “kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta họp mặt nơi đây là làm những nghĩa cử của người con thảo đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Qua thánh lễ này, xin cộng đoàn cùng hiệp dâng lời tạ ơn cùng với con, cho con, vì con…” của Ngài làm tôi hiểu ra việc Sơ Nhung gọi tôi lên đây.

Nước mắt tôi trào ra tự bao giờ không biết. Tôi rùng mình và ghê rợn vì đã từng có ý nghĩ tiêu diệt mầm sống kia mà giờ đây đang đại diện cộng đoàn tế lễ Thiên Chúa…

Trong đầu tôi thoáng hiện đâu đó những khu nhà, những cây hoàng phi điệp đang được trồng bởi biết bao con người dám hy sinh cuộc đời mình vì sự sống của người khác…

Màu vàng của những cánh hoa hoàng phi điệp đang tung bay trước gió hoà màu vàng của áo lễ trên bàn thờ.

Mã số 13-004

KHÔNG HỐI TIẾC

Má nhìn ra bầu trời đục ngầu, thở dài nói, không biết mùa mưa năm nay kéo dài bao lâu. Tôi nao lòng chờ đợi cơn mưa đầu mùa. Lâu lắm tôi chưa được thấy mưa ở thôn quê, ở nhà mình. Nghe mưa rào rạt ở xa, rồi mưa thả từng tiếng lách tách trên mái tôn, rồi mưa ào ào chảy thành từng dòng xuống, mưa lặng lẽ đi vào lòng đất. Trong tiếng mưa rền rĩ dội xuống mái tôn, tôi nghe tiếng chuông leng keng của người bán kem. Tiếng chuông nhỏ dần theo độ lớn của hạt mưa một lúc rồi ngưng bặt. Má nhìn người đàn ông với chiếc xe kem buồn teo, cái chuông không buồn lắc, khẽ chép miệng “Ngày trước ổng là thầy tu”. Câu nói của má đội nón đi ra cái quán xiêu té trước nhà. Cái quán bỏ không đó vẫn làm chổ trú mưa núp nắng cho những người qua đường. Chiều nay quán nhỏ đón người bán kem. Người bán kem day cái lưng buồn tênh về phía tôi, đôi mắt chắc đang ngắm bầu trời đầy nước. Mưa đầu mùa vẫn chưa thấm chưa lạnh, phải đến lúc dầm dề mới buốt cắt da thịt người. Tôi giấu những ý nghĩ mông lung trong lòng, không biết chiều nay số kem đó ra làm sao, không biết ông bán kem làm gì khi mưa vô mùa day diết?

Ba má tôi (cũng như nhiều người khác ở cái vùng quê còn nhiều hủ tục này) không mấy thiện cảm với người xuất tu. Có lẽ trong mắt mọi người, họ phải mang một gánh nặng vô hình, một món nợ không thể trả. Má tôi còn mạnh miệng “Ăn cơm của Chúa mà còn hai lòng…”. Tôi dằn đôi đũa xuống chén cơm, thấy nghẹn ngào dâng lên đầy ứ trong cổ họng. Người đời thích lên án nhau, còn Chúa nào có lên án ai. Chúa chỉ có yêu thương và tha thứ.

Vợ chồng chú Tâm mới dọn về đây. Hai vợ chồng ở trong căn nhà cũ, rách nát ở cuối xóm. Chú mới về hôm trước, hôm sau xách giỏ đi chợ đã có người nhìn mặt thảng thốt hỏi “Ủa, ông thầy hồi trước đi tu ngoài Huế mà, phải hôn?”. Cái gật đầu của chú làm mấy người giật nẩy, có người còn la lên: “Trời đất ơi, sao vậy nè?”. Chú chỉ cười, cười để tránh trả lời những câu hỏi khó, như hồi bữa đang lui cui vo gạo dưới bếp, vợ chú nhìn da diết tấm lưng chồng, hỏi: “Tâm xuất tu để lấy em, Tâm có hối hận không?”…

Trời mưa kéo dài ngày này qua ngày khác. Ban sáng còn ửng mấy chùm nắng, chiều đến trời kéo đầy những đám mây thâm u. Tôi lững thững lội nước đi về cuối xóm. Tôi có ý ghé thăm vợ chồng chú một lúc trước khi ra lại chủng viện, nhưng rồi lại nghĩ, có phải mình đang vô ý khơi lại vết thương đã lành (hay chưa lành, tôi cũng không biết). Hoặc không có vết thương nào hết, vì đó là một lựa chọn không làm chú hối tiếc. “Chú không hối hận vì đã xuất tu”. Chú trả lời, mặc dù tôi không hỏi, mà có thể ánh mắt tôi, thái độ của tôi đã hỏi thay. Cuối cùng tôi cũng đã ngồi trên cái giường tre trước hiên nhà. Chú thấy tôi lấp ló ngoài hàng bông bụt đỏ, chú kêu vô chơi. Câu nói của chú nghe ấm áp vững vàng. Chú nói câu ấy còn giành cho vợ chú. Vợ chú bệnh quanh năm, gầy rạc dán mình trên chõng, đôi mắt sáng dịu dàng trên khuôn mặt dễ nhìn. Vợ chú cười nói: “Cố gắng nghen con, đừng như chú Tâm, khổ lắm”. Câu nói của thím bay về phía chú Tâm, chú quay lại cười.

Thỉnh thoảng tôi nhớ lại câu nói của chú tâm chiều hôm đó. Tôi định hỏi, sống khổ vậy mà không hối hận ư, nhưng một ý nghĩ khác xuất hiện trong đầu, ủa, vậy là mình đi tu vì sợ khổ sao?

Người đời (và đôi khi cả người trong cuộc) gắn cho họ cái mác “Dân tu xuất”. Mỗi lần nhắc đến họ thì đều nhắc đến cái sự “từng đi tu” của họ, mặc dù nay họ đã là ông nọ bà kia, hay cả đời chỉ là ông bán kem như chú Tâm. Ra đời, nếu thành đạt và hạnh phúc (điều này thật khó đo lường) thì thôi. Còn nếu gặp khó khăn đau khổ thì đành phải chịu miệng lưỡi thiên hạ. Nhiều khi đời đã quên, đời đã không còn nhắc gì tới, nhưng họ lại tự coi cuộc sống như một kiếp đọa đày. Bạn cũ của ba tôi nói “Cuộc sống cực hết chổ nói, nhưng phải sống để trả nợ, anh à”. Hai cha con tôi nhìn mãi chiếc xích lô cũ kĩ ọt ẹt chen lánh giữa lòng phố thị. Trên chiếc xe đó, có người đang vật lộn với cuộc sống để kiếm miếng cơm, để lo cho đàn con nheo nhóc. Người đó cũng từng đi tu.

Tôi gọi cho anh bạn, hỏi hồi bữa mới ra khỏi dòng tu anh thấy sao? Câu hỏi vô duyên vô chừng của tôi làm anh im lặng một lúc, chỉ nghe đầu dây tiếng nuốt nước bọt nhẹ trong cổ. Hồi lâu anh nói “Lúc xách đồ ra khỏi chủng viện, anh không thấy đường đi”. Tôi mường tượng ra con đường chênh chao trước mắt anh. Những hình ảnh tươi rói hiện về chập chờn trước mặt. Con đường nhòe nhoẹt hay nước mắt đã ngập tràn đôi mắt? Bước ra khỏi cánh cổng đó có thể đôi chân anh run rẩy muốn ngã quỵ. Anh sẽ mất nhiều cơ hội được gần gũi Chúa, được phục vụ Ngài. Anh sẽ không được vào căn phòng mà tối qua anh nằm ngủ, không được ngồi trên chiếc ghế ngáp ơi hời chờ hết tiết học … và không được nói “Dạ ,con đi tu”…

Chú Tâm nói hồi mới ra chú cực dữ lắm. Mẹ chú khóc ròng mấy tuần liền. Đi ra bếp, thấy mẹ ngồi trong bếp khóc. Đi qua cửa phòng, thấy mẹ nằm trong phòng khóc. Nghe ai nhắc đến cha nào đó, mẹ cũng khóc. Mẹ đau mẹ khóc, còn nỗi đau của chú lặn vào bên trong. Căn nhà buồn như có đám tang. Ba chú không thèm nhìn mặt chú. Còn gì đau khổ bằng khi sống trong nhà mà đã không còn là người trong nhà. Vết dao ba chú chém lên cột nhà như một lời thề vẫn chưa hao mòn “Nó mà ra khỏi nhà dòng thì không phải là con trong nhà này”. Ra ngõ mọi người xầm xì bàn tán, nói chú thế này thế kia. Đến nỗi vào nhà thờ mà lòng chú cũng không bình yên cầu nguyện. Có bữa khổ tâm quá chú cười hề hề, nói vài bữa con đẻ một bầy con, cho tụi nó đi tu hết. Câu nói chưa ra khỏi miệng đã nghe lòng xót xa.

Đứa con đầu lòng của chú mất khi mới sinh. Mẹ chú xách cái nón đi qua, ngó vô căn lều lụp xụp bên hè của vợ chồng chú xỉa xói “Đó, đã thấy sáng mắt ra chưa?”. Có lẽ vì câu nói này mà chú đem vợ đi khỏi quê, mỏi mòn tìm kiếm đến bạc nữa mái đầu mà vẫn chưa có thêm đứa con nào. Một hôm chú lưu lạc đến xóm tôi …

Hai năm sau tôi có dịp ghé thăm chú. Bữa đó nắng chiều hắt hết mái hiên mà trong nhà vẫn tối. Chú nắm còng queo trên chiếc chõng vợ chú từng nằm. Thấy tôi chú gượng ngồi dậy, đắp hờ chiếc áo ấm trên thân thể gầy guộc. Tôi nhìn chú mệt mỏi tiều tụy, như chú được đắp nên từ những nỗi đau. Bữa đó chú cũng nói câu mà tôi đã nghe cách đây hai năm “Chú không hối hận”.

Người đi tu rồi xuất cũng nhiều, nhưng không biết mấy ai dám nói như chú. Tôi không lý giải được, nhưng tôi tin lời chú nói.


Mã số 13-005

NGƯỜI CON CẢ

Anh lặng nhìn cha một lúc. Đôi mắt nâu sẫm vẫn hiền từ nhìn anh như mọi ngày, nhưng lúc này anh cảm thấy nghi ngờ ánh mắt đó. Có lẽ nó chỉ dành cho đứa em đang vui vẻ yến tiệc trong kia. Bằng chứng là từ ngày đứa em bỏ đi, cha ít nói ít cười. Chiều nào cha cũng chống gậy ra hàng ba, run rẩy đứng trong gió nhìn xuống con đường, nơi mà đứa con út đã ra đi. Có chiều anh ở ngoài đồng về, cha nhầm anh với em, chạy ra ôm chầm lấy. Bữa đó anh bỏ cơm, nằm dài nghe tiếng chim thao thức kêu suốt đêm. Tiếng chim nghe lẽ loi buồn não nề. Anh cũng như con chim đó, cảm thấy cô đơn lạc lõng ngay trong nhà mình.

Bây giờ cha lại vui, lại hớn hở vì đứa con lang thang thất thểu đã tìm đường về, nhỏ ra vài giọt nước mắt lại có thể làm cậu ấm như xưa. Cha đã cười, đã nói, đã tìm lại được lẽ sống, vậy thì sự hiện diện của anh còn ý nghĩa gì? Nếu anh cũng đi liệu cha có ra đứng trước cổng chờ đón anh về? Ý nghĩ đó nắm tay dắt anh đi. Anh đã đi, anh không biết tấm lưng của người cha như muốn gãy xuống. Chính anh cũng không biết sẽ đi đâu. Tốt nhất hãy đi khỏi cái nơi bất công này đã. Cánh đồng và con đường trước mặt đã bị bóng đêm nuốt chửng, nhưng có hề gì, lòng căm phẫn trong anh còn lớn lao hơn bóng đêm. Hương lúa mì theo gió lúc thoang thoảng có lúc tràn đến xốn xang. Anh bỗng thấy mình đứng trên cánh đồng của muôn ngàn năm trước. Trước mặt anh không phải là bóng đêm, nhưng là một bầu trời trong vắt, xanh ngằn ngặt. Trước khi biết được điều gì đã xảy ra, anh thấy mình không ở trên cánh đồng một mình. Có hai người đàn ông đang nói chuyện. Không, họ đang cãi vã. Họ là hai anh em. Người anh đang giận giữ. Bất ngờ người anh lao tới đứa em. Anh nghe tiếng thét và máu đứa em chảy vọt ra. Trong cơn sửng sốt tột cùng anh thấy tay mình có máu. Không. Anh không phải là thủ phạm.

Anh quay mặt chạy trốn. Anh không phải là thủ phạm, đứa anh kia mới là kẻ giết người, không phải anh. Nhưng sao tay anh lại có máu? Có tiếng người hô hoán đàng sau, hay là tiếng gió đang cười nhạo mình? Anh cắm đầu chạy, nghe cay đắng dâng lên ngập đầy. Con đường chông chênh gập ghềnh. Anh té nhào, rơi vào một cái hố thăm thẳm bỗng đâu xuất hiện trước mắt.

Trong giấc mơ hao khuyết ập đến, anh thấy người ta vây bủa lấy, đòi anh phải trả nợ máu đứa em chết trên cánh đồng. Họ buộc tội anh đã giết đứa em kia. Người ta không chịu nghe anh giải thích. Anh bị quật xuống giữa cánh đồng. Mặt trời đã tắt hay những khuôn mặt thù hằn, đang rắp tâm xúm lại quanh anh để che khuất không cho ánh mặt trời chiếu đến đây. Anh chợt nhớ lại khuôn mặt của người anh trên cánh đồng, cũng mang đầy rắp tâm và thù ghét em mình như anh. Anh chỉ thiếu một điều là giết em mình.

Khi anh tỉnh lại thì bầu trời lại tràn ngập trong bóng tối. Anh nghe tiếng eng éc, xột xoạt quanh mình. Anh giật nẩy khi biết mình đang ngồi giữa một bầy lợn đông đúc. Hơi thở từ những cái mõm dài phả lên mặt anh, mùi thức ăn của chúng khiến anh nôn mửa. Anh tìm đường chạy thoát khỏi những con vật gớm ghiếc này, nhưng xem chừng vô vọng. Đàn lợn đông vô kể và như trải dài ra vô tận. Vùng vẫy đến kiệt sức, anh cảm thấy mệt mỏi rã rời. Ngày hôm nay đã có những điều lạ thường xảy ra với anh. Anh không biết mình đã đi đâu và đang ở đâu. Nghĩ đến người cha đứng bên mái hiên, ánh mắt nhìn anh âu yếm, anh thấy hối hận dâng lên tràn ngập tâm hồn. Bên tai anh còn vang lên tiếng nói dịu dàng của cha : “Con ơi, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” . Có lẽ nào anh đã trách nhầm cha? Có lẽ nào anh đã không hiểu cha? Hay vì xưa nay anh chỉ coi cha như một ông chủ bất công? Nếu vậy há chẳng phải anh tự coi mình là tên đầy tớ sao? Nghĩ đến đây lòng anh thổn thức, không biết cha có đang mong anh?

Anh nghe trong mớ âm thanh hỗn độn của đàn lợn tiếng thút thít của một con người. Có người. Anh gào lên. Nhưng người đó không nghe thấy anh. Anh lại gần nhưng không thể chạm vào được, như anh chỉ là một cái bóng vô hình. Anh thấy người đó cúi xuống cái máng, nghẹn ngào bốc thức ăn của lợn đưa lên miệng. Một cảm giác kinh tởm trào lên trong cổ họng chua nghét.

Có con chim lạc bầy kêu gào thảm thiết trong đêm khuya. Anh ngồi dậy với vầng trán đẫm mồ hôi. Những cơn mơ chằng chịt vắt kiệt sức anh. Anh mệt nhoài úp mặt lên bàn tay bật khóc. Sương đêm theo những chiếc lá nhỏ xuống chân anh lạnh ngắt. Bầu trời đêm về khuya thổi vào anh một nỗi buồn khôn tả. Những gì anh vừa gặp phải chăng chỉ là giấc mơ? Điều gì là hư ảo, điều gì là thật? Anh cũng không biết nữa. Nhưng anh biết cha đang thức khuya đợi anh về.

 

Mã số 13-006

NỖI ĐAU CỦA CHÚA

Cuộc sống thời hiện đại chạy đua quá nhiều thứ, quá nhiều chuyện khiến cho Mầm cảm thấy mệt mỏi, chán ngán. Ngày ngày mỗi lần đọc kinh sáng xong Mầm thường đứng trước ảnh tượng Chúa chịu nạn và thầm nguyện xin với Người rằng: “Lạy Chúa Giêsu chí ái ước gì con cảm nhận được một phần nỗi đau của Chúa trong cuộc sống của con thì hay biết mấy, được như thế có lẽ con sẽ yêu Ngài hơn rất nhiều, sống với mọi người tốt hơn và con có thể xa lánh mọi dịp tội nhờ cảm nhận được một phần nỗi đau này”. Dường như câu ước nguyện bao năm nay Mầm đọc làm cho anh thuộc đến từng câu chữ, từng chấm phẩy và anh cũng không nhớ nổi đã đọc nó từ khi nào. Đúng thế con người khi muốn cảm nhận được nỗi đau thật sâu sắc thì chính họ phải trải qua một phần nỗi đau đó rồi mới có thể hiểu được nó đau đến mức độ nào.

Mầm là một người sinh trưởng trong một gia đình có ba chị em, Mầm là con út dường như anh được nâng niu hơn, được làm việc theo sở thích. Chị đầu của Mầm đã vào dòng còn anh hai thì đang học đại học năm cuối. Từ nhỏ Mầm và anh chị được thừa hưởng một nền giáo lý uyên bác từ xứ đạo, nhất là từ bố mẹ. Những câu kinh thánh hay những lời nguyện đã ăn sâu vào tâm khảm anh khiến cho anh cũng khá sốt sắng lòng đạo. Ngay từ lúc tám tuổi Mầm được cha xứ đón nhận vào đội Ban lễ sinh như là một dấu chỉ để cậu gần Chúa hơn và tiếp xúc với Chúa nhiều hơn, hồi đó cậu là một chú lễ sinh nhỏ nhất trong đội, một số tuổi quá nhỏ để gánh vác những việc nặng nề như mang những cuốn sách lễ to ình, xách quạt cho cha giảng lễ, đôi khi còn phải giúp cha mặc áo nữa chứ. Thật là một công việc nặng nề nhưng Mầm luôn tự hào và thích thú với công việc của mình. Có lần cha xứ hỏi Mầm với giọng trìu mến:

– Con có mệt nhọc khi giúp cha tham dự bàn thánh không?

Một câu nói nhanh nhảu thốt ra:

-Thưa cha kính ái chẳng có điều gì làm con mệt mỏi khi làm vui lòng Chúa cả. Mẹ con thường dạy con rằng: Phúc cho những ai được gần Chúa và thưa chuyện với Ngài.

Ngước nhìn cha xứ vẻ mặt hớn hở Mầm nói:

– Cha ơi khi gần bàn thánh dường như tâm hồn con vui tươi và hạnh phúc lắm, con cảm thấy sự bình an bao phủ thân con nên con luôn muốn đến đây để tìm kiếm những thứ mà người đời luôn mong muốn có được. Hiện nay trên thế giới nào là chiến tranh loạn lạc, khủng bố, chém giết lẫn nhau…con thấy sợ lắm và con thích gần Chúa.

– Mỗi lần nhìn lên Chúa Giêsu chỉ có mảnh vải che thân, trên đầu những cái gai sắc nhọn, thân hình đầy những dấu roi hòa cùng máu khiến lòng con tái tê, chắc hẳn mùa đông đến Ngài phải đau lắm phải không cha? lạnh lắm phải không cha?

Nhìn khuôn mặt của Mầm cha xứ với điệu cười trìu mến:

– Đúng thế! mùa đông đến Ngài đau lắm, lạnh lắm nhưng không bằng nỗi đau mà ta xúc phạm đến Ngài.

Vẻ mặt đăm chiêu:

-Thế nhưng nỗi đau của Chúa con chưa cảm nhận đủ, con muốn vác thánh giá thật cùng Chúa Giêsu hơn cơ.

Giọng cười thân thương, cha xứ nói:

– Tùy Chúa thôi! Nếu Chúa muốn Chúa có thể cho con vác cùng.

Sau một hồi mải miết trò chuyện cùng cha xứ, cậu quên khuấy mất cả thời gian rồi có một tiếng gọi văng vẳng từ xa vọng vào:

– Mầm ơi sao lâu thế con, còn phải ăn sáng rồi đến trường nữa chứ!

– Mau lên con trai.

Nghe tiếng gọi của mẹ, Mầm choàng tỉnh cuộc chuyện với cha xứ và chào cha xứ một cách hối hả ra về. Đặt tay lên mái đầu nhỏ của cậu cha xứ chúc lành cho cậu ra về bình an trong Chúa và chúc cậu chăm lo học hành để làm vui lòng cha mẹ và vui lòng Chúa.

Gật đầu một cái mạnh, cậu chạy lon ton rồi ra chỗ mẹ đứng, chiếc xe ì ạch ra về trong buổi sáng tờ mờ sương.

*

Gia đình cậu kể ra cũng chẳng khá giả gì cho lắm, bố mẹ đều làm ruộng và có một tạp hóa nho nhỏ.

Cái tên Mầm ra đời khiến cho bao bạn học sinh cùng trang nứa dò xét và khinh bỉ, ngay cả những đứa bạn trong lớp cũng luôn bình phẩm, khinh chê hiên ngang ngay cả lúc có mặt cậu ở đó, nào là: cái tên Mầm trông thật nhảm nhí khó coi,trông như tên của người ngoài hành tinh vậy…những lời bình phẩm khiến cậu rất buồn và xấu hổ với các bạn gái trong lớp. Một lần nọ đang ngồi ăn cơm. Mầm hỏi mẹ với giọng trách móc:

– Mẹ ơi sao tên con lại là Mầm? Cái tên này con thấy chẳng đẹp tí nào cả hay mẹ đổi cho con nhá, chẳng hạn tên Tuấn, tên Tú hay một tên gọi nào hay hơn. Đám bạn cùng lớp trêu chọc con hoài.

Mẹ cậu nhìn cậu với ánh mắt hiền từ rồi nói:

– Mầm ở đây là mầm sống. Mẹ muốn hạt mầm này một khi đã đâm chồi thì sẽ phát triển mạnh mẽ, vươn cao và vươn xa đến những chân trời mới. Hạt mầm này là chính con, mẹ muốn nó sau này sẽ phát triển không ngừng trong tình Chúa, trong tình người.

Nghe mẹ nói, gương mặt cậu bỗng lặng hẳn đi, cậu cũng chẳng dám than vãn nửa lời rồi thầm cảm ơn mẹ đã cho con cái tên này, thế mà lâu nay cậu hay rầy rà, từ chối về cái tên của mình….

Thời gian thấm thoắt trôi đi, chở bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của cuộc sống. Mới ngày nào là một cậu giúp lễ tí hon thế mà giờ đây bước sang tuổi mười tám cậu cao lớn, chững chạc hết sức. Tuổi mười tám một cái tuổi của sự tự lập cánh sinh, tuổi tình yêu bắt đầu chớm nở trong lứa tuổi học sinh. Khác với mọi tình yêu, tình yêu của cậu thuộc trọn về Đức Kitô-Đấng chịu treo trên khổ giá. Chiều Chúa nhật nọ khi thánh lễ đã vãn, cậu ngồi lại trước Thánh Thể Chúa để cầu nguyện. Đang một mình âm thầm trong nhà thờ giáo họ, bổng nhiên mở mắt ra cậu không tin vào con mắt mình nữa- Mầm đã quay lại quá khứ của hơn hai ngàn năm trước, đúng là một điều mơ được, ước thấy. Cậu không thể tin vào mắt mình nữa. Lần quay trở lại này cậu được nhập vai là bạn của Chúa Giêsu.

Đang sững sờ, bổng một tiếng chào gọi thân thiết:

– Thế nào, con yêu, con đã hài lòng chưa?

Bất ngờ trước sự việc, cậu cười với Chúa một cách ngạc nhiên.

Mọi việc dường như diễn ra theo một trình tự trong đàng thánh giá mà cậu thường tham dự vào mỗi tối thứ sáu. Mầm cùng Chúa Giêsu được tách ra hai căn phòng khác biệt để thẩm vấn. Giờ không phải tổng trấn Phi la tô hỏi cậu mà là tên kề cận của ông ta hỏi:

– Mày đến từ đâu? tên cận vệ hỏi.

– Tôi đến từ thế giới hiện đại. Mầm nói.

Ngạc nhiên trước câu trả lời của Mầm hắn trợn tròn con mắt rồi nói to:

– Cái gì cơ? Thế giớ hiện đại là cái quái gì? Tao không hiểu, mà cũng chẳng cần hiểu làm gì! Nhưng tại sao mày ngu thế, tại sao lại chui đầu vào chỗ chết?

Với tư thế điềm tĩnh. Mầm nói:

– Tôi là một con người, sinh ra để yêu, được yêu và được làm chứng về sự thật và công lý. Chính Đức Kitô đã dẫn tôi đến đây để cùng vác khổ giá với Người.

Khuôn mặt tên cận vệ nhăn nhó và có vẻ hung dữ:

– Toàn là những người điên. Tụi bay chết đi là đúng đó, toàn nói những điều khó nghe, khó hiểu và khó lọt lòng bọn ta.

Tên cận vệ cầm tay Mầm và lôi mạnh ra phía trước:

– Thôi đi ra đây để xem dân chúng thế nào đã. Một là sống hai là chết chứ chẳng còn con đường thứ ba đâu. Thôi đi . . .

Tên cận vệ và Mầm bước ra khỏi phòng, vừa lúc đó cuộc thẩm phán của Đức Giêsu cũng xong, ghé bên tai Mầm và Người thầm thì rằng:

– Con có chịu nổi chén đắng mà Cha trên trời sắp ban không?

– Không chịu được con cứ nói là không quen biết ta, thế là mọi chuyện ổn, con được tha bổng.

Lòng cương quyết và rắn chắc. Mầm nói:

– Thầy à, chỉ có Thầy mới đem lại cho con sự sống đời đời. Nhất định con sẽ cùng uống với Thầy.

Đức Giêsu vẻ mặt trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:

– Nếu con đã cương quyết như vậy thì ta cho con theo cùng ta, nếu gặp chông gai dù lớn đến mấy con cũng phải nhìn Thầy để vượt qua nghe chưa.

Đáp lại lời Đức Giêsu. Mầm thưa:

– Vâng ạ, nhất định con sẽ vượt qua.

Hai người đang thầm thì với nhau thì bọn lính canh lôi ra một tên chuyên trộm cướp. Vừa ra trước mặt Mầm. Mầm thét lên:

– A! Cái tên Baraba. Thì ra ngươi cũng ở đây à, lâu giờ ăn trộm của người ta được những gì?

Trợn tròn con mắt, Baraba chẳng hiểu cái quái gì đang diễn ra. Lòng anh ta tràn ngập bao suy nghĩ: đứa nào đây, sao lại biết tên mình mà gọi nhỉ!!! Mình cũng đã đâu nổi tiếng như ngôi sao Hàn Quốc thế mà nó lại biết mình!!!…Vụt tan suy nghĩ, Baraba thốt ra một câu ” đồ điên “.

Cuộc thẩm xét giữa công chúng cũng bắt đầu. Trước lúc thẩm xét tổng trấn Philatô chỉa tay vào Mầm và nói:

– Đây là bạn của Giêsu. Nó muốn theo lý tưởng của Giêsu: đường đi và sự thật. Mọi người thấy thế nào?

Chưa dứt lời, dân chúng và la hét vừa quát:” đóng đinh chúng đi, đóng đinh nó vào thập giá với Giêsu luôn “.

Giơ hai tay ngang trước mặt, tổng trấn bắt đầu hỏi dân chúng với những lý lẽ nhẹ nhàng nhằm khoan hồng cho Đức Giêsu và Mầm:

– Giêsu là người hiền lành, công bình, chính trực. Tôi thấy ông ấy và bạn ông ấy chẳng có tội gì cả. Ngoài ra ông ấy còn thương yêu người nghèo và còn chữa biết bao nhiêu là bệnh nhân. Tôi thấy thế này không công bằng cho lắm. Hay là đóng đinh Baraba rồi tha hai người này.

Tiếng la ó mỗi lúc một dữ tợn:

– Nó tự xưng là vua dân Do Thái.

– Tự cho mình là con Thiên Chúa.

– Tha Baraba, đóng đinh bọn chúng vào thập giá đi.

– Đóng đinh, đóng đinh…

Sự hung dữ của dân chúng mỗi lúc một lớn. Họ la hét ầm ĩ, om sòm khiến Philatô phải tha Baraba và chuẩn bị mọi thứ cho hai người đi vào khổ giá.

Chặng thứ nhất xem ra cũng khá dễ dàng cho Mầm, anh vượt qua một cách đơn giản và không mấy chút khó khăn.

Mặt trời buổi bình minh hồng hồng đang bắt đầu ló rạng, đôi ba tia nắng sớm lung linh, huyền ảo đang vượt ra khỏi những đám mây chuẩn bị cho ngày mới bắt đầu. Trên cành lá những giọt sương mai đọng xuống như đang chuẩn bị tách khỏi tán lá để đập vào nền đất xanh thẳm.

Đúng bảy giờ bọn lính dẫn Đức Giêsu và Mầm tách biệt ra hai bên, ở giữa có hàng rào chắn là khoảng cách để mỗi người tiến vào hành trình. Trước khi vác thánh giá bọn lính canh khạc nhổ vào mặt Chúa Giêsu và đánh mạnh những đòn liên tiếp. Roi bọn lính đánh Chúa Giêsu là những cái roi rắn chắc, cứng cáp. Thân hình Chúa Giêsu chịu những cái đau đớn gấp ngàn lần Mầm. Mầm cũng như Chúa Giêsu nhưng cái roi của Mầm nhỏ hơn nhiều và không rắn chắc cho lắm. Những cái roi liên tục giáng xuống thân hình Mầm khiến anh đau đớn vô cùng, khác hẳn với những lần má đánh, lần này cơn đau không chỉ dữ dội mà nó còn mang lại sự vô tình, lạnh lùng của những tên lính canh độc ác tàn bạo. Người Mầm như đang tan ra nhè nhẹ. Ước gì bây giờ lại được má đánh, được cảm nhận cái đau trong sự yêu thương của má. Phải, những lúc đánh xong má bảo Mầm đi rửa mặt, rồi khẽ xoa chỗ đau của Mầm và lấy gói bánh trong túi ra cho Mầm ăn… Nhưng cái đánh mỗi lúc một mạnh khiến cho Mầm choàng tỉnh hẳn. Một sự đau đớn thực phả vào người Mầm khiến Mầm cảm thấy tê buốt và đau nhức. May sao Mầm còn có Chúa vác cùng, gánh nặng của Người còn hơn gấp trăm, gấp ngàn lần Mầm, sự an ủi đó khiến lòng Mầm nhẹ đi và lê tha bước.

Trong chặng thứ hai này Mầm vẫn có đủ sức, đủ can đảm khi anh nhìn sang khổ giá Đức Giêsu. Người cười với anh nhẹ nhàng, thân thương, trìu mến khiến anh có nhiều can đảm hơn, vững tin hơn. Bước tiêp, bước tiếp rồi bước tiếp…

Lê tha một khoảng khá dài, sự thôi thúc của những tên lính canh, sự mệt mỏi rã rời của bản thân, sự đau đớn của những vùng thịt bị bọn lính đánh dã man…dần dần bước đi của Mầm không còn vững nữa, khi những hình ảnh thân yêu kéo đến rất nhanh rồi cũng vụt tan biến đi chốc lát chỉ vì những lời giục giã của bọn lính tàn ác. Những giọt mồ hôi hoà lẫn với máu lăn xuống trên gò má gầy gòm. Mầm muốn chạy thật nhanh, thoát khỏi sự mệt mỏi pha trộn đau thương, về với ánh sáng của cuộc sống như xưa. Mầm muốn gặp lại anh hai, chị cả và bố mẹ thân yêu, níu chặt mọi người và khóc như thời Mầm còn bé. Nhưng…nhưng Mầm đã chọn khổ giá để rồi vác cùng Đức Kitô – người bạn một đời của Mầm. Ôi không!!! Mầm không thể cử động tiếp được, cơn đau bắt đầu hoành hành, cơn đói bắt đầu kêu la. Thất thần Mầm ngã nhoài xuống đất, con mắt anh hoen mờ, cả bầu trời xanh thẳm bỗng dưng tan biến, chỉ còn lại một mình Mầm giữa vùng trời tối tăm.

Mầm đã ngất ư? Không thể! Lẽ nào lại bỏ cuộc nhanh như vậy?

Một luồng ánh sáng dần dần đập vào mắt cậu, trong ánh sáng đó như có một âm thanh vọng ra:

“Con của ta ơi! hãy cố lên, vững tin vì Ta luôn ở bên con “. Cố gường mình thật mạnh  để tiến về phía ánh sáng-phía đó là sự sống. Tiếng âm thanh đã đem lại sự sống trong lòng Mầm.

 Một chút, thêm một chút nữa. A! Mầm đã thấy ánh sáng, những tia sáng của niềm tin và hy vọng, những tia sáng của công bằng và chân lý.

 Một cú đá mạnh vào người cậu:

– Dậy mau, nhanh lên thằng nhóc.

– Mày định muốn ông chết mệt vì mày à!!!

– Mau lên…mau lên…

Liếc mắt sang Đức Giêsu, Mầm thấy Người cũng đã bắt đầu đứng dậy, đôi chân Người vững bước lê tha. Gắng sức, Mầm dần dà đứng được và bước đi trong sự mệt mỏi của thân tàn.

Gục ngã đầu tiên trong cuộc hành trình của Mầm, một sự gục ngã mang theo biết bao hy vọng để bước tiếp cùng với Đức Giêsu trên chuyến hành trình.

Lê tha tiếp…lê tha…lê tha…Dường như sự mệt mỏi hoà lẫn với đau thương khiến Mầm chẳng còn hơi sức đâu mà nhìn, mà ngắm những cảnh vật xung quanh. Bước tiếp rồi lại bước tiếp…

– Gần đến thành rồi thì phải. Mầm nghĩ.

Tiếng rì rào của anh chị  và mẹ Mầm mỗi lúc một lớn. Xa xa, má Mầm nhận ra đúng khuôn mặt của con trai mình. Chưa nói được lời nào đôi mắt đẫm lệ của bà đã chảy thành hai dòng khôn xiết. Nhìn bà có vẻ tiều tuỵ và gầy gòm hơn trước. Ngoảnh mặt ra đằng sau, Mầm trố mắt lên khi thấy mẹ và anh chị mình:

– Sao mọi người lại tìm con.

– Giờ đây con đã bước theo tiếng gọi của Đức Kitô. Mọi người hãy trở về cuộc sống như xưa và xem như chưa có chuyện gì xảy ra đi.

Chị gái của Mầm nhìn em trai trong thân hình tiều tuỵ, lòng không khỏi chới với buồn:

– Em trai thân yêu à! Dấn thân theo Đức Kitô là phải như thế đó. Em phải cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa để nên trọn vẹn trong Đức Kitô em nhé.

Anh trai trong tiếng nói nghẹn ngào:

– Đừng gục ngã giữa hành trình em nhé.

– Mọi sự mới chỉ là bước khởi đầu trong lý tưởng Đức Kitô. Em hãy can đảm lên em nhé!!!

Nghe những lời chân thành từ gia đình, đôi mắt Mầm ướt nhoè, khuôn mặt hốc hác bỗng trở nên nhẹ nhõm hơn. Đúng vậy, đằng sau hành trình của Mầm luôn có Giáo Hội tiếp sức, có gia đình ủng hộ, có Thiên Chúa đỡ nâng và nhất là hành trang của Mầm cùng có Chúa Giêsu đồng hành. Anh chợt nhận ra một điều đơn giản rằng: Mình là con Thiên Chúa và mình sinh ra để thuộc trọn về Ngài.

Tiếng giục giã và những cái roi đòn khiến Mầm tỉnh thốt. Bước tiếp…bước và bước.

Lê tha những bước dường dài

Dẫu đời con khó có Ngài đỡ nâng

Một hai vững bước ” Xin Vâng “

Cuộc đời con sẽ tiến dâng về Ngài.

Thì thầm trong tiếng bước. Xa xa bóng dáng thành Giêrusalem dần hiện ra trước mắt, nhìn khung cảnh thành huyên náo như cái chợ trước ngõ nhà Mầm, như những tiếng ồn ào đến giờ ra chơi của cô cậu học sinh…Sức lực Mầm đang trên đà giảm sút nghiêm trọng, cây thánh giá mỗi lúc lại nặng thêm vài kí lô, bước đi của anh mỗi lúc một chậm dần, chậm và thật chậm khiến đám lính bực cả mình. Thấy tình trạng yếu đuối của Mầm như vậy, bọn lính canh đã bắt một tên lương dân lại vác cho Mầm khoảng vài chục phút vì bọn này sợ Mầm chết giữa đường.

Một lát sau sức khoẻ Mầm cũng khá ổn định rồi lại bắt đầu hành trình vác tiếp.

Khu phố mỗi lúc một huyên náo và ồn ào hơn, tiếng nhạc cổ điển hoà tiếng nhạc hiện đại rầm rộ lại làm anh trở nên mệt mỏi hơn.

Đang lê tha bước đi. Bỗng nhiên có một người phụ nữ tay cầm một chiếc khăn mùi soa lao thẳng vào chỗ Mầm. Thấy vậy Mầm hốt hoảng trong những suy nghĩ thoáng qua:

– Chẳng lẽ lại là bà Vêrônica? Có thật bà ấy không nhỉ? Sao gầy gò thế?

Hì hục chạy tới, bà ta lau hết những vết máu đầm đìa trên khuôn mặt Mầm. Thều thào trong những tiếng nói đứt quãng, dồn hết chút sức lực cuối cùng Mầm nói:

– Thật lòng cám ơn bà rất nhiều nhưng bà là ai? Nhìn bà đâu giống bà Vêrônica trong các bức tượng ảnh đâu?

Mỉm cười trong tiếng nấc. Bà ta nói:

– Tôi là đầy tớ của bà Vêrônica. Khi nghe tin bạn của Đức Giêsu cũng vác khổ giá nên tôi vội chạy theo sau bà Vêrônica để có thể giúp được gì thì giúp.

Một nụ cười giữa những giọt nước mắt, Mầm nói:

– Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu cho chị.

Rồi một tên lính canh tiến lại gần và nói lớn một tiếng:

– Cút mau. Mày muốn cùng chung số phận à.

Cuộc hành trình rồi tiếp tục đi, đi nữa…Đi cùng Chúa Giêsu dần dần Mầm hiểu ra những nỗi đau mà Người phải gánh vác cho nhân thế. Giờ đây nỗi đau của Chúa anh một phần nào đã  hiểu và cảm thông với Chúa rất nhiều. Dường như anh đã yêu trọn những giọt máu đào Người đã đổ ra cho anh và nhân loại. Không gì sung sướng hơn nữa.

Mặt trời bắt đầu đứng bóng, cái nóng khiến Mầm cháy cả da thịt, cái đói và cả sự đau đớn về thể xác khiến Mầm ngã nhoài xuống mặt đất. Dường như Mầm đã bỏ cuộc? Chén đắng mà Chúa trao cho anh dường  như anh đang bỏ dở dang?

Một tiếng nói văng vẳng vào Mầm: “Hỡi con chí ái của Ta, thật hạnh phúc khi con đã đồng hành cùng Ta, tấm lòng nhỏ bé đã khiến ta vui rất nhiều. Giờ đây con hãy về với cuộc sống như xưa, trở lại với mảnh đất con từng sống để làm chứng cho tình yêu của Ta. Tạm biệt con yêu “.

                                                           *

Mầm… Mầm con có bị làm sao không? Sao người con ướt đẫm mồ hôi thế này? con vẫn ổn cả chứ?

Nước mắt đầm đìa cùng với tiếng nói không thành lời:

– Mẹ à! Giờ thì con đã hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người. Con đã bước đi cùng Chúa Giêsu trên nửa chặng đường khổ giá. Giờ thì con đã hiểu… đã hiểu thật rồi mẹ ạ!!!

Đêm đó Mầm thuật lại cuộc hành trình của Mầm cho cả nhà nghe. Tuy có thể chịu được một nửa chặng đường nhưng kể từ đây Mầm nhận ra rằng: Nỗi đau của Chúa là một động lực để Mầm vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi mọi xấu xa tội lỗi và làm chứng cho một tình yêu vĩ đại.

 

Mã số 13-007

KÝ ỨC TUỔI THƠ

Thời gian trôi mãi theo dòng chảy của quy luật tạo dựng mà Thiên Chúa đã định sẵn, thế rồi con cũng đã lớn lên, năm nay đang là một sinh viên đại học, nhưng những kỷ niệm về tuổi thơ vẫn còn văng vẳng trong tâm trí của con mỗi ngày.

Những ngày ấy thật là đẹp và an toàn vì được sống trong sự đùm bọc của gia đình. Con nhớ có lần làm đổ một cái bàn, nhưng những người thân vẫn không la, không mắng, mà còn nhẹ nhàng dạy dỗ. Đến nay con mới hiểu được rằng tuổi thơ thật vô cùng hạnh phúc.

Đặc biệt hơn, là con được sinh ra trong một gia đình Công giáo, được mang trong mình ấn tín và hình ảnh của Thiên Chúa, được sự quan tâm của gia đình về đời sống đạo đức ngay từ thuở nhỏ, nên con thấy mình được một ân huệ từ Thiên Chúa hơn bao bạn trẻ lương đân.

Một câu chuyện có thật: Khoảng năm lớp 2, con ở nhà bà ngoại để đi học. Ngày kia con thấy một hột quẹt ở trên bàn và muốn thử xem nó có cháy hay không? Thế là con lại vách nhà, quẹt lên một cái. Vách lá bốc cháy và khói bay lên. May nhờ cậu con dập tắt kịp, nếu không là cháy hết. Kỷ niệm đó con không bao giờ quên.

Con hay đi nhà thờ với bà ngoại để đọc kinh, dự lễ. Con thấy rằng mình luôn được các cha thương mến, các giáo lý viên khen ngợi vì được điểm cao trong các bài kiểm tra. Đến bây giờ khi nghe Tin Mừng Chúa nói: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”, con hiểu được Chúa muốn khuyên nhủ mọi người luôn biết yêu mến và bảo vệ trẻ thơ.

Những ngày ấy, con thường hay chơi những trò chơi như bắt trốn, thả diều, nặn tượng và mặc áo phao để tắm sông. Chỉ nhớ đến là con đã cảm thấy như muốn quay lại thuở ấy, để được hòa mình vào những trò chơi, cho khuây khỏa những lúc bù đầu vì chuyện học hành.

Không biết sao nữa, lúc 7 tuổi con rất thích được làm như các cha ở trong nhà thờ. Con đòi bà ngoại sắm cho cái áo dòng đen mà các cha thường mặc đấy. Con hay lấy mền khoác vào người, để làm lễ, đọc Kinh Thánh và những người trong nhà tụ lại để xem. Từ đó, dường như con cảm nhận được tiếng Chúa đã mời gọi con. Và cho đến bây giờ, con vẫn còn ôm trong lòng ước mơ đi tu, làm linh mục dâng hiến cho Chúa. Ôi! tuổi thơ chất chứa trong con biết bao hoài niệm và mơ ước.

Những kỷ niệm tuổi thơ thật là một dấu ấn khó quên trong lòng con và thiết nghĩ cũng như trong lòng mọi người. Do đó, con hy vọng tất cả chúng ta luôn kiện toàn những ký ức tuổi thơ, để nó luôn trở nên những người bạn tốt, gắn bó với chúng ta trong suốt hành trình

 

Mã số 13-008

CÁNH ÉN MÙA ĐÔNG

Họ hàng nhà én xưa nay vẫn sợ mùa đông nên thường ẩn mình mất tích trong hốc đá đâu đó… Phải đợi khi mùa xuân ấm áp trở lại, mới xuất hiện những cánh én chấp chới bay về…

Những ngày tháng giữa đông, cả miền Bắc chìm trong giá rét, cảm giác như phải sống trong một chiếc tủ lạnh “Sanyo” khổng lồ!… Én Nhỏ run rẩy co ro, chân tay cứ héo rũ như…“vượn”, lạnh cóng và mềm như không có xương!

Quần áo chăn nệm cũng trở nên buốt lạnh. Giơ tay sờ vào vật gì cũng thấy buốt như que kem. Chúa ơi! sao con cứ phải “nhốt” trong cái tủ lạnh này mãi mà không được ra???

Mở trang dự báo thời tiết thấy Sài Gòn nắng đẹp như mơ, muốn tung cánh mà bay vào xin chút nắng, cho ấm lại tấm thân đã bị những trận rét hại kéo dài làm hao mòn sinh lực. Mảng trời phía bắc cả tháng không biết đến ánh nắng mặt trời, không gian xám xịt, chỉ thấy mưa phùn và gió bấc thổi về. Rét đậm rét hại liên tục tăng cường đổ tràn khí lạnh buốt tái tê vào tận xương thịt, tim gan phèo phổi con người. Từng ngày, cả tuần, rồi kéo luôn cả tháng chìm trong buốt giá. Đến cả lá cây ngọn cỏ vô tri cũng bị rũ vì sương lạnh, huống chi con người có giác quan cảm vị. Én vừa run vừa khe khẽ gượng gạo đọc những câu thánh vịnh:

“Chúc tụng Chúa đi, trời nồng và khí lạnh.

Chúc tụng Chúa đi, nào sương đọng mưa tuôn,

chúc tụng Chúa đi, kìa thời đông tiết giá.

Chúc tụng Chúa đi, này băng phủ tuyết rơi,…”

Miệng đọc chúc tụng, rồi nhiều lúc thấy quá sức, lòng lại muốn rên rên: “Ôi! chịu nổi làm sao giá lạnh của Người?” Trời âm u xám xịt kèm theo mưa phùn cứ mãi rơi rơi hết đêm này qua ngày khác. Cánh Én mỏng manh cứ đuối dần, đuối dần từng ngày rồi “quỵ” hẳn. Bị nhiễm lạnh vào họng, vào phổi, Én rũ rượi trong những cơn ho lụ khụ, bịt bọc kín mít từ đầu đến chân mà vẫn run, nom chẳng khác nào một…“bà cụ Én”! Có hôm không chịu nổi, Én khuỵu xuống giường… Nhìn lên ảnh Chúa, Én chỉ cất lên hai chữ “Chúa ơi”! Thế là trong chăn có… trận “mưa rào” ướt cả gối!… Chỉ khi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn Én mới thôi run rẩy. Từ chỗ tự thân đôi chút, có khi còn phục vụ người khác, giờ trở nên bất lực, bất toại từ A-Z, bức bí… Có lúc chống chọi muốn hụt hơi, Én thầm mong giờ mà “Chúa thương gọi con về”, thì “hồn con hân hoan như trong một giấc mơ” cho hết khổ.

Nhưng khi có người từ miền ấm áp xa xôi thương về hỏi thăm, Én lại thấy như được Chúa ru… con ngủ bình yên!

Cảm tạ Chúa luôn thương mến con từng giây, qua người thân, bao người anh em xa gần, cho dù cánh én mỏng manh không thể “bay” giữa mùa đông giá lạnh. Ơn an ủi lớn nhất, là cho dù ốm yếu như vậy mà Chúa thương đặc biệt, Én vẫn được “đem đi” đến nhà thờ để gặp gỡ Chúa và tham dự Thánh lễ. Của lễ hiệp dâng toàn những bất lực, bất toại, yếu đuối…mà tình Ngài vẫn đón nhận tất cả. Trời đông tiết giá tái tê mà con tim được gặp Chúa sao ấm áp lạ thường, tình Ngài sưởi ấm làm hai má muốn ửng hồng… Vui sao… nước mắt lại trào tuôn… hạnh phúc!… Quả vậy, khi ta được ở trong Trái Tim Chúa yêu, đâu còn thấy mùa đông giá lạnh bạn nhỉ!

Nếu ai chưa một lần chứng kiến, nếm trải cái lạnh giá của mùa đông nơi đây, nếu muốn hãy nhanh chân đến tận… “tổ” của Én Nhỏ mà xem, mà cảm nếm cái lạnh thấu xương bạn nhé!

 

Mã số 13-009

NỖI KHỔ CỦA GIUĐA.

Nhiều ngày nay, dân chúng khắp mọi nẻo đường của kinh thành Giêrusem đã bị cuốn hút bởi một con người giản dị, rất hùng biện có tên là Giêsu. Họ đi theo người đó để được nghe những bài giảng về chân lí của cuộc đời. Có nhiều người đã tin theo những lời giảng đó. Nhưng gần đây, cũng có không ít người cảm thấy  bị xúc phạm tới mình, lại có người cảm thấy ghen ghét với con người đang rao giảng về nước trời kia vì đám đông dân nghèo đã nườm nượp đi theo con người đó một cách vô điều kiện. Như một lẽ thường tình, Chúa Giêsu như là một cái gai đối với những người lãnh đạo lúc đó. Họ âm thầm dàn dựng một cuộc hãm hại con người này.

Người ta tụ họp bàn tán, rồi tìm cách quyên góp tiền để thưởng cho những ai vào những ngày tới, khi đã bắt được Chúa Giêsu và điệu con người đó đi khắp các hội đường, các khu phố, thì chỉ cần hô: Đóng đinh nó vào thập giá, là sẽ được trả một đồng bạc. Sau khi đã bàn luận một cách êm thấm, họ bắt đầu tìm cách làm thế nào để có thể bắt được Chúa Giêsu, khi mà ảnh hưởng trong dân chúng của con người này rất lớn. Họ bàn bạc tới thâu đêm. Và kế hoạch đã hướng tới Giuđa, một trong mười hai người môn đệ của Chúa Giêsu. Giuđa là một con người ít nói, sống không hòa nhập với mọi người, đôi lúc có vẻ mặt dường như lì lợm, khó ai nắm bắt được hắn đang nghĩ gì. Hàng ngày hắn mặc bộ đồ màu đen đã sờn bạc.

Khi một người Pharisiêu tìm cách tiếp cận với Giuđa, và đưa ra những lợi ích mà anh ta sẽ nhận được là một khoản tiền rất lớn, và sẽ được tự do đi lại trong đất nước này, nếu muốn thì được sang cả bên đế quốc Rôma oai hùng. Giuđa thoáng mỉm cười và hẹn người đó vào một dịp nào đó.

Ngồi bần thần trong bóng tối, Giuđa vò đầu dứt tai nghĩ về con người mình. Lúc đó, quỷ Satan đã nhập vào con người hắn, và  những âm giọng ngọt ngào vang lên: Anh Giuđa ơi! Anh hãy nhận lấy đi, số tiền đó sẽ làm anh sung túc, anh sẽ không còn bị truy đuổi. Có tiền rồi, người ta sẽ phải nể trọng anh gấp bội phần. Làm sao mà anh thấy thoải mái khi đi đâu cũng phải bám víu vào người khác như thế, tiền không có, đó chẳng phải là một cái nhục sao?

Giuđa bỗng cảm thấy trái tim đập dồn dập trước những suy nghĩ đó. Tiền, tiền, tiền. Làm sao tiền lại có ma lực lớn đến như vậy chứ? Tiền chỉ là vật ngoại thân. Ta không cần lắm. Hắn cố nhủ lòng mình như vậy.

Một thiên thần nhập vào trong Giuđa, và cất tiếng: Giuđa, làm sao con lại suy nghĩ như thế chứ? Con mà nhận lời là phản bội lại người đã cưu mang con mấy năm nay, người ấy luôn đối xử tốt với mọi người, kể cả kẻ thù, sao con nỡ như vậy?

Giuđa thui thủi úp mặt vào tường, khóc nấc lên. Không được, không được làm thế, đó là người thầy của tôi. Nếu tôi làm thế thì sẽ mang tiếng xấu là kẻ phản bội. Tôi không thể làm vậy.

Những làn gió rào rạc thổi như quất vào khuôn mặt đen sạm của hắn. Hắn bứt rứt, nhấp nha nhấp nhổm nghĩ về hành động kia. Phải làm sao đây?

Satan liền kéo vị thiên thần sang một bên, nói tiếp với Giuđa: Giuđa ơi! Anh phải làm như vậy, vì nếu không làm thế thì chương trình cứu độ của Chúa Giêsu sẽ không thể hoàn thành. Người mà không chết thì làm sao sống lại được. Người phải chết. Ngay từ ban đầu, anh đã bị các bạn xa lánh vì cái vẻ lạnh lùng của mình. Giờ đây, họ đang ăn uống ở trong nhà, họ đâu có đi tìm anh về cùng ăn đâu, anh tủi thân chứ? Anh phải gánh lấy trọng trách ấy.

Tại sao chứ? Giuđa đau buồn kêu lên. Nếu tôi làm thế thì sẽ phải mang tiếng là kẻ phản bội.

Vị thiên thần nói: Mọi hành động đều là do con quyết định, đó là quyền tự do của con.

Giuđa cảm thấy như phát điên lên được. Thiên thần bảo thế thì gần như là ủng hộ một nửa cho hành động xấu xa của tôi. Tôi ơi! Tôi phải làm sao đây?

Trời đã tối om. Dân chúng vẫn ngủ rất đông ngoài phía lề đường đầy cỏ dại phía xa xa kia. Cách đây không lâu, họ đã đón chào Chúa Giêsu một cách đầy trang trọng, họ đã hái lá cây trải xuống đường cho Chúa đi. Giờ đây, chắc họ cũng lạnh lắm. Họ sống vạ vật như những kẻ không nhà, nhiều người trong số họ không có lấy một đồng xu giắt trong người. Chắc chắn có những em bé còn đang nằm trong vòng tay mẹ mà bú mớm. Giuđa chợt lặng người khi nghĩ tới đó. Phải rồi, đó chính là vấn đề.  Hai mươi năm sau đứa trẻ sẽ không thể bú mẹ nó vì hoàn cảnh đã thay đổi. Hoàn cảnh, đúng vậy. Hắn rùng mình kêu lên: Than ôi! Cuộc sống đôi khi có cả dăm bảy lựa chọn, và lúc này đây, vì một lí tưởng của nhân loại, tôi sẽ phải lựa chọn tình huống xấu nhất. Tôi buộc phải hi sinh tất cả danh dự mà mình có.

Nghĩ vậy, Giuđa thổn thức, bước vào nhà, nhưng bề ngoài vẫn cố tỏ ra lạnh lùng, thản nhiên như không có chuyện gì. Chúa và mười một môn đệ đang cầu nguyện cho một bữa ăn đạm bạc chỉ gồm rượu nho và bánh không men. Giuđa thẫn thờ ngồi xuống cuối bàn, chợt thoáng buồn. Từ trước tới nay, có bao giờ hắn được nhiều ưu ái như Gioan, hay Phêrô đâu. Mấy người đó luôn được Chúa quan tâm hơn các anh em khác. Họ hoạt bát, hay quấn lấy Chúa, vì Chúa là Đấng đáng được như vậy. Nhưng Giuđa thì khác, hắn luôn muốn tách mình ra. Đây không phải lần đầu tiên hắn chủ ý chọn chỗ ngồi ở cuối chiếc bàn dài như thế này. Các anh em thì trò chuyện vui vẻ, nhưng Giuđa vẫn im lặng, và vẫn dằn vặt với lựa chọn của mình, trái tim hắn giật thon thót. Một lựa chọn như thế là trái lương tâm. Biết là trái mà vẫn phải chọn, đó là một nỗi khổ không dễ gì nói ra.

Khi Chúa Giêsu bất giác nói, giọng ngậm ngùi đầy thương cảm: Một trong những anh em ngồi đây, có người sẽ phản bội ta, và nộp ta. Các môn đệ đều ngơ ngác, tự hỏi mình. Lại là Phêrô đứng lên thay mặt anh em để hỏi xem có phải mình không. Nhưng Chúa vẫn lắc đầu nhìn vào khoảng xa xăm đầy đau đớn và bảo: Người nào chấm vào đĩa với ta, thì đó là kẻ nộp ta. Các môn đệ lại nhìn nhau, họ thả bánh xuống bát của mình, họ không dám cầm nữa, họ sợ. Không thể nào có chuyện ấy chứ.

Giuđa biết số phận đã run rủi chọn mình. Hắn không nỡ để miếng bánh xuống. Một lựa chọn lớn như vậy đã được định đoạt sau suy nghĩ rất lâu. Giờ vẫn có thể rút lại hành động sắp tới đầy ác ôn kia, nhưng nhìn các anh em đầy nghị lực, khuôn mặt sáng láng thế kia, họ sẽ không làm, và cũng không nên làm. Từ nhỏ, hắn đã sống trong cảnh cô đơn quen rồi, bị nhiều người sợ sệt vì cái vẻ ngoài lạnh lùng quen rồi. Ai chẳng muốn sống cuộc sống bình yên, vui vẻ, được nhiều người ngưỡng mộ. Chịu thiệt thòi từ nhỏ, giờ chịu thiệt thêm, nếu điều đó hoàn thành sứ mệnh cứu độ nhân loại của Chúa, thì cũng đành chấp nhận. Nghĩ vậy, Giuđa quyết đoán cầm miếng bánh chấm xuống chiếc bát. Mọi người sững sờ, có người lộ vẻ phẫn nộ. Khi Giuđa nuốt miếng bánh mà cảm thấy nghẹn ngào đến khóc òa, nhưng vẻ lạnh lùng giấu đi tất cả. Chỉ có Chúa mới hiểu được.

Một cơn gió thốc vào làm tung cửa sổ. Các môn đệ nhớn nhác thu dọn đồ ăn. Chúa vẫn nhắm mắt cầu nguyện điều gì đó. Giuđa bỏ ra ngoài trước. Cái lạnh xộc vào tận phổi, đi theo từng hơi thở chậm chạp. Cái lạnh như thấu tim gan. Cái lạnh của tình người. Rời Chúa và anh em ra, cái lạnh ấy lại đeo đẳng, quặn xoắn lấy hắn.  Hắn biết sợ, sợ hơn người khác cái lạnh ấy. Hắn lại thấy cô đơn. Từng nhóm người ngủ vất vưởng bên đường, không chăn gối, đầu tóc xõa ra, thỉnh thoảng lại có tiếng trẻ con khóc lên như đòi bú mẹ. Trẻ con sướng. Nhiều người già ao ước làm trẻ con là thế, nhưng ao ước ấy cũng như ao ước không phải chết, họ sẽ chả bao giờ có được. Nhưng Chúa lại hứa là khi sứ mệnh của Ngài hoàn thành, kể từ đó về sau, nếu con người ta tin vào Chúa, thì sẽ được sống muôn đời. Giuđa chưa hiểu về những điều đó lắm. Hắn rảo bước cho nhanh tới chỗ nhà thượng tế ở cuối làng.

Ba mươi đồng bạc. Đó là khoản tiền mà hắn sẽ nhận được nếu chỉ địa điểm để bắt Chúa. Giuđa không quá quan tâm điều đó. Mỗi khi nghĩ về ánh mắt nhân từ của Chúa, lòng hắn thắt lại. Hắn tự ý thức mình không xứng đáng với tình thương của Chúa. Hắn cũng thừa hiểu mình đang bị lợi dụng trong vòng xoáy của vật chất thế gian, của đồng tiền. Hắn cũng đủ hình dung ra tương lai gần khi bị mọi người gọi hắn là kẻ phản bội, kẻ sống hai lòng, kẻ không đáng được sống trên cõi đời này. Hắn biết tuốt, nhưng hắn không muốn nói ra cho ai biết. Nỗi khổ tâm mà hắn có thể gánh chịu, hắn sẽ không chia phần cho ai. Nhưng hắn cũng biết, hắn là một người rất yếu đuối.

Rồi hắn cũng biết mình phải làm gì. Sau khi thỏa thuận xong, Giuđa đã đi theo đội  quân đông đảo và bảo: tôi hôn vào ai, thì các anh hãy bắt lấy người đó.

Khu vườn Giệtsimani tối đó trở nên âm u khác lạ. Đoàn người đi rầm rập tiến về hướng đó với đầy dao kiếm và đuốc sáng. Giuđa vừa đi vừa nhìn xuống chân, hắn không muốn nhìn ra xa nữa, biết đâu ở phương đó lại có người thầy của mình, các anh em của mình. Khuôn mặt đầy râu ria mọi ngày không hay nhìn trực diện, hôm nay lại cúi xuống một cách lạ lùng. Nhưng chẳng ai để ý điều đó cả.

Khi tới nơi, Chúa và các môn đệ vẫn đang đứng, ngồi quây thành một nhóm. Ngoại trừ Chúa, tất cả anh em đều nhìn Giuđa như một kẻ thù. Hôm trước, Chúa giảng Chúa đến để cứu những người tội lỗi, vì người lành thì không cần đến thầy thuốc. Nghĩ vậy để an lòng, Giuđa bình thản tiến lên chào và hôn vào Chúa. Vẫn cái vẻ lạnh lùng đến gai người ấy, Giuđa lặng lẽ hôn và lùi xuống. Phêrô bực bội rút gươm chém tên lính cạnh Giuđa đến cụt tai. Lại một dấu lạ được Chúa làm, tai tên lính đã lành lại ngay sau đó khi Chúa đặt tay vào.

Giuđa trở về trước. Nhận được tiền rồi. Lòng trí hắn lại trở nên rối bời. Hành động của hắn sẽ bị nhiều người nghĩ là vì tiền. Đúng! Giuđa là kẻ phản bội, hắn đã bị lợi dụng, hắn biết, và hắn đã im lặng chịu đau đớn đến phút cuối để gặp Chúa chỉ vì chương trình cứu rỗi nhân loại của Chúa được trọn hảo. Hắn nghĩ đến cảnh người thầy yêu quý của mình sẽ bị giam giữ trong tù ngục, sẽ bị người ta sỉ vả, sẽ bị đánh đập, bị vu khống, có thể bị đáp trứng thối, bị giết chết… lòng hắn lại thổn thức. Có mấy ai chịu thương người phản  bội đâu. Hắn lại bơ vơ, lặng lẽ, cầm lấy túi tiền cười chua chát. Số tiền này không nhỏ, thậm chí có thể nuôi sống nhiều ngày cho đám đông người ở đằng kia.

Satan và thiên thần lại nhập vào trong tâm trí hắn. Những thứ vô hình tưởng như vô hại, nhưng chưa chắc. Việc hắn làm không hẳn đúng với ý muốn của thiên thần, của tòa án lương tâm. Hắn lại tự dày vò, cảm thấy bản thân không đáng được nhìn thấy mọi người nữa. Chốc chốc, người hắn lại run lên, hắn hay sống trong cô độc, quạnh quẽ, thiếu đi  sự quan tâm của người khác từ nhỏ. Hắn chợt muốn chết. Hắn cũng hiểu rõ, nếu hắn tự tử, thì tiếng xấu cũng không thể rửa sạch được. Những phút giây như thế này, lẽ ra như một số người, hắn phải tiếp tục sống mà hưởng thụ số tiền ấy, dù biết đó là tiền bất lương. Nhiều khi người ta phải giẫm đạp lên nhau, vu oan giá họa cho nhau để được một phần trăm số tiền như vậy. Hắn không tự tử thì hắn vẫn chết cơ mà. Nghĩ quẩn, hắn bỗng thấy mình yếu đuối. Người yếu đuối là người đáng thương. Hắn nghĩ mình không đủ sức mạnh để tiếp mang bộ mặt phản bội đi khắp thiên hạ được nữa.

Hắn đã đi tìm một chiếc dây để treo cổ, tự kết liễu cuộc đời mình. Trước đó,  túi bạc ba mươi đồng kia hắn quẳng vào trong đền thờ với dòng chữ bên ngoài: Tiền bất chính của kẻ phản bội. Đám tang của hắn có rất ít người than khóc. Có người bảo, đến khi chết hắn chỉ nhắm được một mắt mà thôi.

 

Mới hơn Cũ hơn