10.
Giao Lưu Văn Hóa
VIỆT TRUNG
“ Năm 210 tcn. Tần Thuỷ Hoàng chết, con là Tần Nhị Thế lên thay, đế chế Tần suy yếu dần […] Nhâm Ngao và Triệu Đà chiếm Nam Hải, xây dựng một vương quốc riêng, chống lại nhà Tần […] Năm 206 tcn. Nhà Tần đổ, Triệu Đà liền tiến quân đến đánh chiếm các quận Quế Lâm, Tượng Quận, thành lập nước Nam Việt, tự xưng là Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung …’ [1]
[ 33 ] Triệu Đà, ông là ai ?
Là một trong những tướng lãnh của Tần, thế mà chỉ bốn năm sau khi lợi dụng Tần suy yếu, Triệu Đà làm phản, mà đã chinh phục và lập được một đất nước riêng. Dân nước đó thực ra thuộc chủng tộc nào ? Đồng chủng với Triệu Đà hay với Tần Nhị Thế, hoặc khác với cả hai ?
1. Tại sao đòi lý lịch Triệu Đà?
Triệu Đà là ai? Người dân tộc nào? Tách rời khỏi Tần, nhưng nước Nam Hải và nước Nam Việt của họ Triệu có phải là Dân Nước Việt Nam chúng ta ? Nghi vấn sử này liên quan đến “giao lưu văn hóa”. Nếu ông là người Trung Quốc và nước Nam Việt cũng là Việt Nam ngày nay, thì với ông, Việt Nam đã bắt đầu chính thức giao lưu văn hóa với Trung Quốc, bởi nhà Triệu làm vua tới 5 đời ! Nhưng nếu ông không phải là người Trung Quốc, như Hán, Tần, Tống… hoặc nước Nam Việt của Triệu chẳng phải Việt Nam ngày nay…thì triều đại ông chẳng tạo giao lưu văn hóa mới.
2. Những chi tiết quan trọng không đồng nhất
Khi nói về “giao lưu văn hóa cưỡng bức với văn hóa Hán (thời Bắc thuộc), giáo sư Lê Văn Chưởng [2] viết:
“Đến năm 179 trước Công Nguyên, Triệu Đà, một quan viên của nhà Tần, Trung Quốc, xâm chiếm Âu Lạc…”
Giáo sư Trần Ngọc Thêm [3] cũng viết:
“Ý thức đối kháng bất khuất và thường trực đối với mối nguy cơ xâm lăng từ phía phong kiến phương Bắc. Sự ra đời của quốc hiệu “Nam Việt” từ trước Công Nguyên (thời Triệu Đà), trong đó yếu tố chỉ phương hướng ‘nam’ lần đầu tiên xuất hiện… đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức của nhân dân và tầng lớp lãnh đạo về mối nguy cơ xâm lăng thường trực từ phía phong kiến phương Bắc…”
Gần như các nhà sử ngày nay đều nhìn chuyện Triệu Đà thôn tính Âu Lạc.
Nhưng có phải với tư cách “quan chức nhà Tần “?
Còn chuyện về “ý thức đấu tranh” của giáo sư văn hóa Trần Ngọc Thêm thì thật không sao chấp nhận được ý kiến của giáo sư sử học Nguyễn Cảnh Minh :
“ Nước Nam Việt của Triệu Đà thực chất là nhà nước cát cứ của một tập đoàn tướng lĩnh, quan lại Hán tộc, không phải là nhà nước của người Việt. Nước Nam Việt của nhà Triệu gốm có 3 quận : Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, nằm ở phía bắc giáp với nước Âu Lạc “ [4].
Chưa hẳn thế.
Giáo sư Minh lại mơ hồ khi nói chuyện sụp đổ Văn Lang bằng truyện Trọng Thuỷ dụ dỗ Mỵ Châu và “dùng tiền để mua chụộc các Lạc Hầu Lạc Tướng “ [5]
Lời nói “không rõ” của hai tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng [6] thích hợp hơn: “Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải muốn cướp nước Âu Lạc, đã bao lần đem quân sang đánh…”.
Chúng ta sẽ thấy rằng Âu Lạc, và Nam Việt thời Triệu Đà cũng nằm cả trong vùng Nam Ngũ Lĩnh và Động Đình Hồ, tức Hoa Nam ngày nay, cũng là cái nôi của Bách Việt.
Nếu Triệu Đà là người của hoàng đế Trung Quốc, hoặc một ông vua nào đó, thì quân mà Triệu Đà dùng để tấn công Âu Lạc là quân của vua đó, chiến thắng của Triệu Đà chỉ mở rộng biên cương và ngai vàng vua đó. Họ Triệu không thể tự dựng lên một vương quốc mới, tự đặt mình làm vua và truyền ngôi cho con cháu. Mặt khác, nếu Triệu Đà là người Hán tộc hoặc của hoàng đế nào, sao viết cho Hán Cao Tổ, đà tự xưng “Nam Di đại trưởng lão ”?
Tự xưng như thế rõ ràng là tách biệt mình với Bắc phương, Trung Quốc, và tuyên bố mình là người phương Nam. Đại trưởng lão cũng hàm ý còn những trưởng lão khác như đàn em của mình. Phải chăng đó là các tộc trưởng của các tộc thuộc Bách Việt ?
So sánh chế độ cai trị của Triệu Đà sau khi chiếm Âu Lạc với chế độ của Mã Viện sau khi chiếm Nam Việt… sẽ phải tìm nguyên nhân khác biệt giữa hai chủng hoặc đồng chủng. Chính vì thế, giao lưu văn hóa khi thống nhất Nam Hải với Âu Lạc cũng không khó khăn hơn giao lưu văn hóa giữa Âu Việt và Lạc Việt, mà chúng ta đã nói trên.
Như vậy, giao lưu văn hóa Việt Trung chỉ chính thức từ thời Bắc thuộc, mà Bắc thuộc chỉ đúng từ thời nhà Hán xâm chiếm Nam Việt, năm 111 t.CN.
[ 34 ] Giao lưu văn hóa Việt Hán
Trước khi nhìn lại giao lưu văn hóa với Bắc phương qua cả ngàn năm lệ thuộc, chúng ta nhìn sơ lại mấy nét chính yếu như văn hóa truyền thống dân Việt.
1. Văn hóa Truyền Thống
Từ khi hình thành các dân tộc Việt định cư định canh khắp vùng mà nay là Hoa Nam và Đông Nam Á, người ta đều chủ yếu làm nghề nông và tạo thành một cái nôi phát triển nghề lúa nước sớm nhất của nhân loại.
Với nghề này, tuy vẫn “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa ”, nhưng đàn ông chủ yếu ở ruộng rẫy, công việc sinh dưỡng con cái và bổ dưỡng cho người lao động thuộc sứ mạng nữ giới; do đó, người ta vẫn theo chế độ mẫu hệ.
Đã thế, người người sống gia đình tương đối tự lập, trong đại gia đình, họ hàng, thân tộc kính trên nhường dưới và trong tổ chức xã hội “tình làng nghĩa xóm”.
Tôn giáo cũng có những chiều hướng đặc trưng “thờ kính ông bà” và những thần tượng “cội nguồn”.
Trong cuộc sống tương nhượng để đồng thuận này, chữ Tình là quan trọng hơn hết.
Đó chính là Văn hóa Văn-Lang, Âu-Lạc, văn hóa Truyền thống đã từ từ định hình qua mấy ngàn năm trước khi người phương Bắc tràn xuống áp đảo và áp đặt văn hóa Hán tộc.
Chính vì thế, giao lưu văn hóa với người Hán, trước hết là áp đặt văn hóa, áp đặt trật tự tổ chức xã hội, gia đình, nghề nghiệp, áp đặt những phong tục tập quán trong sinh hoạt và áp đặt cả tư tưởng qua nội dung và phương pháp giáo dục. Do đó mà có những cuộc khởi nghĩa như những lần bật mở một nồi nước sôi bị đậy vung. Cung cách này kéo dài suốt từ thế kỷ I trước Công Nguyên tới nửa đầu thế kỷ thứ mười.
Giáo sư Đào Duy Anh có giải thích hơi khác về hơn một thế kỷ đầu Bắc phương cai trị yên tịnh:
“Năm 111 trước kỷ nguyên, Lộ Bác Đức là tướng nhà Hán đánh đuổi Triệu Dương Vương là vua thứ năm nhà Triệu, nước Việt Nam thành nội thuộc Trung-Hoa đổi tên là Giao-chỉ-bộ, chia làm chín quận.
Ở đời Thục và đời Triệu nước Văn Lang, tuy bị sáp nhập với nước láng giềng, nhưng chỉ thay ngôi bá chủ, chứ các lạc hầu lạc tướng vẫn giữ quyền thế tập như xưa. Từ Lộ Bác Đức lấy nước Nam Việt thì địa phận nước Văn Lang bị chia làm ba quận: Giao chỉ, Cửu chân, và Nhật nam, mỗi quận có quan thái thú cai trị, nhưng vẫn không can thiệp đến nội tình các ấp, mà địa vị và quyền bính của các lạc hầu lạc tướng vẫn không thay đổi, duy phải ở dưới quyền quan thái thú và nộp thuế cống mà thôi.
Gần đây người ta đào được mộ xưa ở Thanh Hóa thấy những đồ dùng thuộc về trạng thái quá độ ấy, có thể tiêu biểu cho ba giai đoạn văn hóa đồng thời tồn tại bấy giờ: những đồ đá trau của người thổ trước xưa thuộc về tân thạch khí thời đại (âge néolithique), những đồ đồng về thời Hán từ Trung Quốc đem vào, cùng những đồ đồng do người bản xứ bắt chước đồ Trung Quốc mà làm ra. Trong các đồ về hạng thứ ba, có những cái trống đồng là đồ rất phổ thông ở khắp miền Đông Á, nhưng có lẽ gốc tự miền Bắc Việt mà ra. Trên những trống xưa nhất, thấy khắc những người lạ lùng đi thuyền mang cung và đeo lông chim quanh mình, những cảnh tượng ấy khiến ta phải nghĩ đến một dân tộc hàng hải khi ra đi chinh phục viễn phương, mặc thứ y phục lông chim để mong cũng được tiện gió bay xa như các loại hậu điểu [7]. Song những phong tục xưa ấy sẽ vì tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc mà biến đổi. Người Tàu, hoặc thường dân, hoặc binh sĩ, hoặc tù đồ bị đày, hỗn chủng với người bản xứ mỗi ngày mỗi nhiều, khiến ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc đối với dân bản xứ càng ngày càng thêm đậm. Lại gặp ở Trung Quốc có loạn Vương Mãng, rất nhiều quan lại trung thành với nhà Hán đem gia quyến trốn sang các quận ở phương Nam, nhất là quận Giao Chỉ là trị hạt của quan thái thú Tích Quang. Họ giúp Tích Quang truyền bá văn hóa Trung Quốc cho người bản xứ, như lập trường Hán học, dạy dân phép cày bừa và các lễ giáo…” [8].
Những nhận xét trên không khỏi có nhiều thiếu sót vì, khi tác giả viết, thế giới khảo cổ và nhân chủng học chỉ thấy một phần nhỏ, sánh với ngày nay. Ngày nay, người ta nhìn nhận:
- Trống đồng là của các dân Đông Nam Á này, trong đó có cả người phía Nam Ngũ Lĩnh và Động Đình Hồ, thuộc chủng Mã-Lai cổ. Trung Quốc du nhập từ chúng ta.
Tại sao chúng ta dùng trống, trong khi các dân tộc dùng tù và, mõ…? Thần thoại về nguồn gốc dân tộc – thần Sấm – đã trả lời[9]:
- Những người tàng hình Chim, trên thuyền Chim, hoặc thuyền bát nhã đó thực là tổ tiên của các dân tộc chúng ta, “con cháu Lạc Hồng”. Cũng đúng là họ đã theo đường biển xuống phương Nam và được tin rằng khi trải qua cuộc sống này, họ sẽ đáp thuyền về vĩnh hằng.
- Văn hóa lúa nước thì các dân Bách Việt chúng ta dạy cho người Hán, chứ không phải dân du mục cổ đó dạy.
2. Giao lưu văn hóa Việt-Trung
Phân tích của Đào Duy Anh đúng hơn không khi ông nói về Giao lưu văn hóa Nam-Việt – Trung Quốc ?
Ông viết:
“Buổi đầu các tư tưởng và các điều cải cách ấy chưa xâm phạm gì đến quyền lợi của các lạc hầu lạc tướng nên họ hoan nghênh. Nhưng đến khi Tích Quang muốn lựa người bản xứ để đặt một ngạch quan lại hạ cấp cùng một quân đội thường trú, khiến số người thoát ly phạm vi phong kiến một ngày một đông, thì tình thế ra chiều khó chịu. Các lạc hầu lạc tướng thấy quyền thế của họ có cơ nguy, bèn sinh lòng bất bình với phong trào mới, nhưng trong đời Tích Quang họ vẫn yên lặng, chưa dám hoạt động gì.
Nhân thái thú Tô Định thay Tích Quang là người bạo ngược, nên người Giao Chỉ lại thêm mối căm tức mà chỉ mong có cơ hội để nghịch [..…]
… Mã Viện thắng trận bèn bỏ hẳn chế độ phong kiến cũ mà lập chế độ quận huyện như ở Tàu (thời ấy là triều Hán). Các lạc hầu, lạc tướng, một phần vì sợ lụy bỏ trốn vào rừng, một phần bị bãi truất. Còn có bố chính (quan thế tập bực dưới) ở tổng, ở làng thì có lẽ cũng còn giữ quyền thế tập như ở các miền thượng du Thanh Hóa và Hòa Bình bây giờ. Bọn này cùng với trú dân Trung Hoa dần dần thành một lớp quí tộc mới, thay cho lớp quí tộc xưa đã tiêu diệt.
Đem so sánh lịch sử ta với lịch sử Tàu thì sẽ thấy rằng nước ta từ Mã Viện đã thoát hẳn chế độ phong kiến xưa, cũng như Trung Quốc từ nhà Tần. Từ rày về sau sự du nhập văn hóa Trung-hoa không còn trở ngại gì nữa, cho nên đến thế kỷ thứ X, khi người Việt Nam bắt đầu cuộc chinh phục Nam tiến thì phàm lễ nghi, học thuật, văn tự, nghệ thuật, tôn giáo cho đến chế độ gia tộc và chính trị, xã hội, đều là theo văn hóa Trung-hoa…” [10]
Hiển nhiên tác giả họ Đào đã có cái nhìn thiên lệch ít nhất trong hai khẳng định:
- “Từ Mã Viện, sự du nhập văn hóa Trung Hoa không còn trở ngại gì nữa.
- Phàm lễ nghi, … nghệ thuật, tôn giáo, cho đến chế độ gia tộc và chính trị, xã hội, đều là theo văn hóa Trung-hoa…”
Thực ra, chưa bao giờ hết trở ngại trong lãnh vực đó và chưa bao giờ người Việt Nam, dù ở một tỉnh, một quận, “đều theo văn hóa Trung-hoa ”.
Chúng ta thường chia thời giao lưu văn hóa này làm hai loại: Đối kháng và Tiếp biến.
3. Đối kháng văn hóa Trung Quốc
Quan lại Trung-quốc nhất định áp đặt văn hóa Trung-quốc cho các dân tộc bị chiếm, vừa vì họ cho rằng như thế mới “văn minh”, vừa là phương tiện cai trị và đồng hóa.
Tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca ghi lại hành động áp đặt đó thật nhẹ nhàng:
“Tuần Tuyên mới có Tích Quang
dạy dân lễ nghĩa, theo đường Hoa phong.”
Trái lại, về phía chúng ta, có thể nói rằng các dân tộc Bách Việt, cho đến nhà Thục và dân Thục đều nuôi hờn vong quốc đối với đích danh Tần Doanh Chính hoặc chung cả quân dân Bắc phương xâm lược từ khi chúng tràn xuống phía Nam sông Dương Tử. Tần không chiếm được Văn Lang vì viễn chinh quá xa và sông núi hiểm trở; nhưng khi Thục Phán lập Âu Lạc và Triệu Đà làm vua Nam Việt thì Âu Lạc hoặc Nam Việt đều vừa ghét vừa chống Bắc phương. Mối hận này tăng bội khi nhà Hán chính thức vẽ lại địa đồ Nam Việt và thống trị cả cựu Bách Việt. Đấy là lý do tại sao Hai Bà Trưng được thờ như hai vị anh thư tuần trung [11], không chỉ trong vùng đất nước cựu Âu Lạc, mà lên tận Nhật Nam, Hợp Phố, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, cả vùng Nam Hồ Động Đình và dải Ngũ Lĩnh [12].
Chính việc đối kháng văn hóa – trong đó có chính trị, quân sự, chế độ gia đình… – là động lực thúc đẩy dân chúng theo cờ những anh hùng liệt nữ chống Trung-quốc xâm lăng :
Triệu Thị Trinh năm 246,
Lý Bôn quật khởi, xưng hoàng đế và hình thành nước Vạn Xuân, lập đô bên bờ sông Tô-lịch khoảng 544-548,
Triệu Quang Phục lừng lẫy những năm 548-571,
Mai Thúc Loan năm 722 đã cùng các bạn phu gánh vải triều cống, rút đòn gánh ra kháng cự, được nhân dân hưởng ứng và tôn làm Mai Hắc Đế. Vua Đường phải dùng tới 10 vạn quân mới uy hiếp nổi.
Phùng Hưng với hai chục năm chiến đấu, năm 791 anh hùng đánh tan 40 ngàn quân Đường do Cao Chính Bình thống lãnh, lên ngôi và trối nước lại cho con là Phùng An.
Cha con họ Khúc với gần hai chục năm (906-923) như tạo chí cho Dương Diên Nghệ (931-937)
và Ngô Quyền chính là người gặt hái được thành quả của trào lưu văn hóa chống ngoại xâm đó tại Bạch Đằng vinh thắng năm 938.
4. Tiếp biến văn hóa
Có những người thấy Sĩ Nhiếp, viên Thái thú Giao Chỉ có nhiệm kỳ vào những năm 187-236, được tôn làm Sĩ Vương, được lập đền thờ ở Thuận Thành Hà Bắc với tôn danh “Nam Bang Học Tổ ”… mà cho rằng hoạt động văn hóa của những quan chức Trung Hoa thành công. Thực ra, những huy hoàng dành cho Nho giáo và Hán học, cũng như dành kính các vị ấy, chỉ đến với họ sau này, trong thời gian Việt Nam tự chủ với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn. [13]
Vua quan Nho giíao cũng như chức sắc Phật giáo lại là những người du nhập và truyền bá văn hóa Trung-hoa vào Việt Nam đắc lực hơn thế lực ngàn năm xâm lược[14]
Trong ngàn năm này, người Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá Trung-quốc do những lớp người di dân và tù nhân từ phương Bắc, cũng nhiều hơn do chính quyền. Người ta nhận thấy những phong tục trong gia đình, trong hiếu hỉ… của Trung Quốc đã êm đềm pha trộn vào những tục lệ cưới hỏi và tang chế người Việt. Ngay cả Đạo Hiếu của Việt Nam cũng mang thêm nét Trung-hoa như minh tinh, bài vị v.v.
Hiển nhiên rằng những pha trộn này khởi đầu du nhập vào các gia đình liên quan nhiều với giới tăng ni và với giới cai trị, liên quan về chính trị Hán Học và Tống Nho, hoặc liên quan về học thuật nhân bản theo quan điểm Khổng Lão, liên quan vì kinh sách Phật học truyền bá bằng chữ Nho… Sau những nhận xét và sàng lọc, mới từ từ len vào đại chúng Việt Nam. Với đại chúng thì những ngoại nhập này đã hết còn nhận ra là “sản xuất tại Trung-quốc” nữa.
Chính nhờ những bước đi dài ngày và khiêm tốn như thế mà có được giao lưu văn hóa Trung – Việt và tiếp biến văn hóa chúng ta. Những nét này đã và sẽ tồn tại lâu bền.
Có thể phải nói rằng điểm đáng tiếc là sự biến đổi những gì liên quan đến chính quyền trong xã hội Việt Nam. Về cơ bản, người ta còn giữ được tình nghĩa dân tộc; nhưng về những đường nét hào hùng và trung kiên thì gần như biến mất hoặc méo mó. Ngay cả đến những thời gian và yếu tố lập quốc, ngay cả đến những chuyện về chủng tộc, người ta cũng từ từ quan niệm lại, viết lại và đọc lại cho có dáng dấp huyền thoại hoặc màu sắc Bắc phương. Người ta đồng hóa Bắc phương của Lạc Việt với Bắc phương của Bách Việt. Trong tầm nhìn đó, Hùng Vương là con cháu Thần Nông, không phải của lúa nước, mà của “bên Tàu”. Thục Đế và Triệu Đà cũng được khai lý lịch lại là Tàu. Những bà Trưng, bà Triệu trong chế độ mẫu hệ, nhận số Trời, trở thành nữ lưu trả thù chồng, nợ nước, bị biếm họa thành Triệu Ẩu (con mẹ Triệu), đến độ nhà trí thực Việt Nam yêu nước thời Nguyễn còn chân thành viết cho các em học sinh hình ảnh Bà oai hùng, mà cô đơn, quái dị:
“Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi.”
Dầu thế, nhìn chung thì phần mất mát của chúng ta không thể sánh với phần thủ đắc tốt đẹp, vì khi du nhập những nét hay của văn minh Trung-quốc, tiền nhân Việt Nam đã hành xử đúng như những người trưởng thành, trong một dân tộc văn minh: Biết chọn lọc để du nhập và biết bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
[ 35 ] Trong giao lưu văn hóa, bảo vệ bản sắc
Qua lăng kính văn hóa, phải nói rằng trên đất nước Việt Nam hiện nay, dân tộc Kinh (Lạc Việt) là dân tộc có bản lãnh mạnh hơn hết trong năm chục dân tộc chúng ta. Người Chăm hùng cường với biên cương rộng lớn, nay chỉ còn lại thiểu số với ít nhiều cổ tục. Ngôn ngữ của hàng chục dân tộc khác đang ngày càng trở nên phụ thuộc và thiếu thốn, vì không diễn tả được những sinh hoạt và nhu cầu hiện đại… nhường chỗ cho ngôn ngữ và quốc ngữ Việt Nam thống nhất từ dân tộc Kinh.
Với người Kinh, người Việt Nam chúng ta thì khác. Từ đối kháng tới tiếp biến. Phần nhỏ bị biến, phần lớn chúng ta tiếp nhận và biến đổi thành của mình.
Xã hội chính trị thêm những cơ cấu và phương pháp làm việc mới, tuy không thể hoặc rất chậm xóa được những cơ cấu bản địa.
Chúng ta nhắc lại ghi nhận tổng quát của Đào Duy Anh:
“Mã Viện thắng trận bèn bỏ hẳn chế độ phong kiến cũ mà lập chế độ quận huyện như ở Tàu (thời ấy là triều Hán). Các lạc hầu, lạc tướng, một phần thì sợ lụy bỏ trốn vào rừng, một phần thì bị bãi truất. Còn các bồ chính (quan thế tập bực dưới) ở tổng, ở làng thì có lẽ cũng còn giữ quyền thế tập như ở các miền thượng du Thanh Hóa và Hòa Bình bây giờ. Bọn này cùng với trú dân Trung-hoa dần dần thành một lớp quí tộc mới, thay cho lớp quí tộc xưa đã tiêu diệt.” [15]
Có thể rằng nhìn như thế chỉ là nhìn từ trên xuống, hoặc nhìn trong sử liệu của triều đình. Phong kiến không phải không còn trong thời Trần và “Hịch Tướng Sĩ” của anh hùng Trần Hưng Đạo còn chính thức dựa vào việc bảo vệ thái ấp như một động cơ thúc đẩy quân dân Việt Nam. Hơn thế, cung cách sống đại gia đình, họ hàng vẫn còn đó. Rất ít người Việt Nam mang tên họ Trung-hoa, sau cả ngàn năm đô hộ. Nói gì chỉ trong giai đoạn liền sau vó ngựa chinh phục tàn bạo của đoàn quân Mã Viện !
Chữ viết của mẫu quốc ngàn năm cai trị vẫn chỉ là “chữ Hán”. Thứ chữ của người Hán, của chính quyền Hán, không phải của chúng ta ! Rồi ra, người ta phải thấy hậu quả của quan niệm đó. Chữ Hán được độc tôn do chính quyền áp đặt, người Việt đọc lên với âm Việt hơn âm Tàu, rồi chỉ mấy thế kỷ sau đã thấy có chữ viết hơi khác chữ Hán, mà đọc lên, người Việt Nam nào cũng hiểu: chữ Nôm của thời tự chủ. Dầu những người Hán-học mỉa mai “nôm na là cha mách qué”, hoặc dựa vào “thánh hiền” để răn dạy:
“Đàn ông chớ kể Phan Trần,
đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.”
thì cũng chẳng có tác phẩm Hán-văn nào phổ biến bằng Đoạn Trường Tân Thanh, Phan Trần, Nhị Độ Mai, Bích câu kỳ ngộ, Hoa Tiên, Cung Oán, Lục VânTiên, Chinh Phụ diễn nôm…
Ngôn ngữ âm thanh và cử điệu của chúng ta cũng giàu thêm nhờ những tiếng Việt-Hán. Nhạc cụ có thêm khánh, chuông. Ăn, mặc và nhà cửa người Việt cũng pha thêm những đường nét thích hợp. Kiểu nhà nóc oằn và mở cửa ra vào ở đầu, thêm lối nhà nóc thẳng, mái cao và cửa trổ bên hông. Nghề nghiệp của tiền nhân cũng đa dạng hơn nhờ tiếp biến văn hóa. Người ta làm thêm văn tự cũng thêm loại giấy, mặt giấy gỗ trầm, và tất nhiên cũng thêm nghề thầy đồ…
Chính nhờ tiếp biến văn hóa mà cha ông chúng ta vừa bảo vệ được bản sắc văn hóa Nam Việt, vừa thêm những nét đẹp mới, chung hòa trong cuộc sống. Tiếp biến văn hóa đó còn chuyển tải cả những giá trị phổ quát của Phật giáo Đại Thừa, Khổng Lão và cả đến giáo lý Kitô giáo (Gia-Tô) nữa !
Lm. Nguyễn thế Thoại
[1] Nguyễn Cảnh Minh “Đại Cương Lịch Sử VN.” I. Tr.58
[2] Sđd. Tr. 65
[3] Sđd. Tr. 98
[4] sđ d. tr.59 và 60
[5] Xin đọc lại [27] về các vua Hùng
[6] Sđd. Tr. 20
[7] Xem bài Les grandes époques de l’Indochine, par Louis Finet. Bulletin de l’enseignement mutuel du Tonkin, t. XV, n. 2, Avril-Juin, 1935, chú thích của Đào Duy Anh.
[8] Đào Duy Anh, sđd. Tr. 26
[9] Xin đọc thêm Nguyễn Thế Thoại trong “Tơn giiáo học và các tôn giáo chính ở Việt Nam” q.1, phần nói về Đạo Nội.
[10] Đào Duy Anh sđd. Tr. 27-28
[11] Vào khoảng năm 40-43
[12] Có những Dân tộc không đủ những điều kiện tốt đẹp như chúng ta, cũng không quá yếu đến độ diệt chủng, đành sống gian khổ, như dân tộc H’mông: “Ở Đồng Văn, Mèo vạc hay Phó Bản, Lũng Cú… mở mắt ra đã thấy đá. Con người sinh ra cũng trên đá, chết đi cũng vùi trong đá. Trên những triền núi chót vót lúc nào cũng thấp thoáng những bộ áo quần sặc sỡ và tiếng hát lảnh lót như chim của những cô gái Mèo… người H’mông (người Mèo) đã trôi dạt từ phương Bắc sau một cuộc thanh trừng sắc tộc. Người Hán quyết nhổ cỏ tận gốc người H’mông. Yếu thế, người H’mông chạy về phương Nam và nương náu trên đất Việt. Nhiều thế kỷ qua, người Việt và các dân tộc anh em khác đã cùng sống thuận hòa có sướng có khổ, có buồn có vui. Ngày Tết (thường là một ngày cuối tháng âm lịch từ tháng mười một đến tháng một), người H’mông cùng ăn tết và thờ cúng ông bà. Một tục lệ không thể thiếu trong ngày này là cắt tiết gà yểm trừ con ma nhà Hán, kẻ thù đã tàn sát người H’mông. Trong cuộc đời của mỗi người H’mông, không mối thù nào lớn bằng mối thù con ma này.” (Đặng Đại, trong Tuổi Trẻ Chủ Nhật 5-2000, tr. 43)
[13] Chúng ta sẽ nhắc tới nguyên hành động đó của các triều đại Việt Nam.
[14] Xin đọc thêm “Phật Giáo tại VN” trong “Tôn giáo học” của cùng tác giả
[15] Sđd. Tr. 28