Vấn Đề Cúng Bái Tổ Tiên (ở Việt Nam)
(Đỗ Quang Chính, S.J.)
Trong Chương này, chúng ta nhìn lại việc cúng bái tổ tiên đã được Giáo hội VN “hoà mình” đến đâu từ thế kỷ XVII; nhưng sang đầu thế kỷ XVIII, Toà thánh dứt khoát nghiêm cấm cách thế tôn kính tổ tiên của người tín hữu ở Trung Quốc cũng như ở VN và những nơi quen thi hành kiểu cách đó, nói chung là cấm việc cúng đồ ăn, dâng hương nhang, bái lạy người quá cố, đốt vàng mã, cùng tất cả những cách thế mà theo cái nhìn của Công giáo Tây phương, cho là nhuốm màu sắc mê tín dị đoan. Toà thánh cũng cấm người tín hữu lập bàn thờ tổ, đặt bài vị trong nhà, cách riêng không được kính thờ đức Khổng Tử.
Dưới đây, xin nói sơ qua:
– Cúng bái, giỗ chạp ở Việt Nam;
– Một số nhà truyền giáo ở VN tán thành cúng bái tổ tiên;
– Toà thánh can thiệp.
I. Cúng bái, giỗ chạp ở Việt Nam
Tại Việt nam cũng như Trung Quốc và mấy nước lân cận ít nhiều chịu ảnh hưởng của Khổng giáo từ lâu đời, đặc biệt đề cao lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên hơn nhiều dân tộc khác, ít là qua các hình thức bên ngoài. Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ chẳng những phải thể hiện rõ nét khi cha mẹ còn sống, mà cả khi các ngài đã qua đời. Chính cách thể hiên hiếu thảo ở xứ ta đối với người đã khuất mới là vấn đề trong muc này.
Từ giờ phút cha mẹ hấp hối cho đến khi an táng xong, biết bao việc phải làm theo phong tục luật lệ đất nước, trong đó có có những lề thói dân sự và cả những nghi lễ ít nhiều mang tính chất tín ngưỡng, như cúng bái, cầu siêu… Những lề thói dân sự ấy nhiều khi còn là những điều luật quá nghiêm khắc, làm khổ trăm dân bao đời, dù có tính cách quôc gia, nghĩa là do nhà vua ban hành cho toàn dân phải tuân giữ. Chỉ riêng về tang chế cũng đã rất phức tạp. Ví dụ: theo luật Hồng Đức, tức là thời vua Lê Thánh tông từ 1470-1497, quy định từ điều 18-33 về việc để tang như thế nào: anh chị em cùng cha khác mẹ, các con, cha mẹ vợ, dưỡng mẫu, đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu, xuất mẫu, thứ mẫu, kế phụ, bà ngoại, mẹ nuôi (vú nuôi), mẹ tái giá, đoản tang, đại tang, rút tang phục…[1].
Việc để tang là bó buộc, không thi hành đúng luật, bị phạt. Theo Hồng-Đức thiện chính thư, điều 128 hình phạt như sau:
“Ai được tin ông, bà, cha mẹ và chồng chết, mà giấu giếm đi không phát khóc, đàn ông thì sẽ bị tội đồ làm khao đinh [tù cắt cỏ]; đàn bà bị đồ làm phu nhà hái dâu (nuôi tằm). Nếu đương có tang mà bỏ áo tang mặc áo đẹp, quên sự thương sót [xót] mà nghe âm nhạc, cùng là dự tiệc vui, đàn ông sẽ bị tội trượng tám chục, thích vào chán [trán] bốn chữ, đồ làm lính cày ruộng, đeo một giây sích, bắt đi công tác ở châu xa; nếu là tang người thân một năm (mà phạm lỗi kể trên), thì đàn ông bị tội trượng tám chục, thích vào chán [trán] hai chữ, đồ làm lính tượng-phường [lính quét dọn chuồng voi]; đàn bà bị đánh năm mươi roi, thích vào chán [trán] hai chữ, đồ làm đứa ở nhà nấu cơm; nếu là tang đại-công (chín tháng), thì đàn ông bị trượng tám chục, đồ làm khao đinh; đàn bà bị đánh năm mươi roi, đồ làm phu nhà hái dâu; nếu là tang tiểu-công (năm tháng) đàn ông bị tội trượng tám chục, là quan chức thì bị đồ làm lính ở nha môn Tỉnh hay Viện xứ mình; nếu là quân nhân, thì đồ làm lính trong quân đội của mình, mà nếu là dân, thì đồ làm lính trong xã mình; đàn bà thì bị đánh năm chục roi; nếu ỉà dân thì bị đồ ở bản xứ, nếu là mạng phụ, thì bị đồ làm đàn bà làm vườn; nếu là tang phục ty- ma (ba tháng), đàn ông thì bị tội trượng tám chục, đàn bà bị đánh năm mươi roi”[2].
Thời gian để tang từ 3 tháng đến 3 năm đối với những người họ hàng với nhau trong 56 bậc, từ cố ông cố bà, cụ ông cụ bà, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em, đến cháu chắt trai gái v.v…[3]. Thời kỳ tang tóc, tức là thời kỳ tang chế, không săn sóc tới mái tóc của mình như trước: đàn ông thì để tóc dài trước trán tới mắt, trái lại đàn bà cắt đi một phần tóc không cho dài ra[4].
Việc để tang chỉ có tính cách dân sự, không mang tính tín ngưỡng, tỏ ra buồn bã, thương tiếc người quá cố trong suốt thời tang chế, có khi kéo dài tới 3 năm, làm bật nổi lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, tang chế quá chi li, tỉ mỉ, làm cho con người phải sống gò bó trong pháp luật và phong tục, có tính trói buộc hơn là cởi trói cho người ta. Đây chỉ là một trong nhiều thứ ràng buộc người dân Việt xưa. Ngày nay, vẫn còn để tang, nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều sánh với luật Hồng Đức.
Để tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ đã nhắm mắt lìa đời, kẻ còn sống phải cúng bái, dâng hương, đốt vàng mã, và tỏ nhiều cử chỉ khác, nhất là trong những dịp an táng, giỗ chạp. Tuỳ theo người giàu sang, quyền thế, mà những lễ trên đây được tổ chức linh đình, trang trọng, hay đơn giản chỉ với mâm cỗ, mấy nén nhang, vàithứ vàng mã. Ví dụ: khi Trịnh Vương phi, tên là Phùng Ngọc Đài (Vương phi của chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng) qua đời ngày 14 tháng giêng âm lịch, tức 15-2-1669, thì con của bà là Tây Vương Trịnh Tạc (đã nối nghiệp cha là Trịnh Tráng qua đời 26-5-1657[5]), đích thân đổ nước tắm cho mẹ và mặc cho mẹ 60 áo lụa quí[6].
Theo tường thuật [7] của cha Marini (sống ở Đàng Ngoài từ 1647 đến 17-7-1658), thì tháng 12-1657, chúa Trịnh Tạc tổ chức lễ giỗ cha mình là Trịnh Tráng, hết sức long trọng, trên cồn cát giữa khúc sông Nhị Hà ở kinh thành Thăng Long. Rất nhiều thợ lành nghề được huy động về đây, dựng lên rất nhiều dinh thự như một thành mới, nhưng toàn bằng vải, giấy, gỗ, gồm mọi sự giống như Phủ liêu, đến ngày 28-12-1657 thì hoàn thành. Trước ngày giỗ, dân chúng được tự do vào xem công trình vừa thực hiện. Chúng tôi xin tóm lược như sau:
Bốn phía Đông Tây Nam Bắc có bốn cửa thành. Tại cửa Nam, người ta dựng một tháp rất cao, cuốn vải quý, nhiều khúc khoét chữ, bên trong tháp về đêm đốt đèn để người ta có thể đọc được; đó là một thứ minh tinh ca ngợi công đức người qua đời. Tại mỗi cửa thành đều có hai tượng “hộ pháp” cầm cung nỏ như đang sẵn sàng bắn. Tại cửa Bắc, nhiều đội kỵ binh như sắp hàng vào trận, kèm theo vài đội tượng binh trên lưng là những “người” được võ trang. Đi vào nữa là 20 tháp được dựng ở ba địa điểm, mỗi tháp có 7 tầng, mở ra bốn phía, bên trong đốt đèn để người ta có thể nhìn thấy hình người tượng trưng cho các chức quan dưới quyền nhà chúa. Ngoài ra còn tới 400 ngôi nhà bằng vải, gỗ, được sắp đặt giống như trong Phủ liêu. Cũng có những nơi chứa lễ vật do các quan địa phương dâng tiến, như ngựa, rất nhiều trâu và bò; các quan ở miền thượng du dâng dê rừng, lợn lòi, hươu, nai, hổ, chó mèo rừng, chim chóc; tất cả đều là những con vật sống.
Những nhà trên đây không sánh được với một ngôi nhà đặc biệt, đó là Nhà cả, tức ngôi nhà không khác dinh chúa Trịnh Tráng ở khi còn sống; giữa nhà là một bàn giống như bàn thờ sơn son thếp vàng, hương nhang thơm phức, trên đó đặt một ngai bằng vàng và ngà.
Nghi lễ giỗ bắt đầu từ đêm 29-12-1657, mở đầu là 30.000 người mặc tang phục đi hàng 5, mang gươm giáo nghiêm chỉnh từ Phủ liêu đến địa điểm hành lễ, phân chia từng tốp giữ trật tự cho dân chúng. Vừa tảng sáng, chúa Trịnh Tạc cùng các Vương thích và các quan mang tang phục như ngày lễ an táng, do 4.000 “vệ binh” hộ tống tiến tới cửa Bắc thành, nơi có một cây tháp rất lớn. Tới nơi, chúa Trịnh Tạc và mọi người đều hoàn toàn im lặng. Bỗng một người trong đoàn cất tiếng nói như một bài ca, giọng buồn thảm, xin với “ông chủ” toàn bộ thành trì mới được dựng lên (tưởng tượng như ông chủ đang hiện diện trong cây tháp), xin ông ta bán lại cho nhà vương mới từ trần, nay không còn quân quốc, voi, ngựa, nhà cửa và các vật dụng như trước.
Đáp lại, có tiếng từ trong tháp trả lời sẵn sàng bán, nhưng còn phải có ý kiến của ba người khác (tưởng tượng). Vì thế, Trịnh Tạc cùng với Vương thích lần lượt đến các cửa Đông, Nam, Tây, cũng nhắc lại những lời xin mua như khi tới cửa Bắc. Sau đó, nhà Vương cùng cácVương thích và các quan, tiến vào Nhà cả (vừa dựng lên), là chính nơi tế. Trong khi đọc bài tế, chúa Trịnh và đoàn người đều quỳ gối trước ngai vàng tưởng tượng như Thanh Đô vương Trịnh Tráng đang ngự trên đó. Tới phần lễ nghi phục bái, thì thứ tự như sau: trước hết chúa Trịnh Tạc, vị quan đại thần đại diện vua Lê Thần tông [8], rồi cùng phục bái một trật là các quan trong vương tộc gồm tới 4.000, sau đó khoảng 600 quan khác; tiếp theo là cha Bề ưên Dòng Tên ở Đàng Ngoài [9], các quan văn võ khác; tất cả đều sấp mình sụp lạy sát đất.
Cha Bề trên tôn trọng phong tục địa phương, giữ đúng nghi lễ VN, đi chân không, mặc áo thụng đen, đầu đội mũ lục lăng cùng màu đen như áo thụng [10], phục bái sát đất theo kiểu VN, làm chúa Trịnh rất hài lòng, liền truyền cho nổi nhạc lên, như khi chúa Trịnh vừa bái lạy xong. Mọi người đều bỡ ngỡ, cho rằng nhà vương đã ban cho cha một chức tước nào trổi vượt [11].
Đến đây, chúa Trịnh đã mỏi mệt vì phải đứng, có khi quỳ, nghi lễ giỗ cũng đã hoàn tất, nên khoảng một giờ trưa Ngài cùng đoàn hộ tống về Phủ liêu theo thứ tự như lúc ra đi, để còn phải tiếp các Sứ bộ đến phân ưu mang nhiều đồ phúng điếu, như Sứ bộ nước Bao, Ciucanghe, Ava là những nước hàng năm phải triều cống cho VN.
Đúng 20 giờ, vào giờ chúa Trịnh Tráng tốt (chết ngày 26 tháng 5-1657), sau khi đoàn lính giữ trật tự được lệnh canh gác cẩn thận hơn, hầu tránh sự chen lấn và không cho ai đến gần lấy những thứ chưa kịp cháy, người ta nổi lửa đốt cả ngôi thành sau lễ giỗ, để gửi sang thế giới bên kia cho chúa Trịnh Tráng. Bắt đầu là đốt 4 cây tháp lớn ở 4 hướng, tất cả đều sụp đổ nhịp nhàng như chẳng có bàn tay con người can thiệp. Những thứ bằng vàng bạc không bị cháy và vải vóc quý, được chúa Trịnh Tạc phân chia một phần cho các quan, phần kia cho binh lính đã nhọc công canh gác.
Tường thuật này, theo cha Marini, do chính cha Bề trên Dòng Tên ở Đàng Ngoài, người đã chứng kiến, quan sát kỹ lưỡng, kể lại. Người ta cho rằng phí tổn lễ giỗ này lên tới hơn một triệu đồng vàng [12] (On croit que les frais de cette pompe íunèbre montent à plus d’un million d’or).
Nhắc lại lễ giỗ trên đây, giúp chúng ta hiểu rõ hơn, ngày xưa người Việt tổ chức lễ giỗ long trọng tới mức nào, không ngại phiền phức, tốn kém, cốt để tỏ lòng hiếu thảo với người đã khuất. Xem ra Marini trình bày có phần khách quan, không bình luận, càng không chỉ trích như một số người nào đó có thể cho đây là hình thức mê tín dị đoan. Có lẽ vì Marini chỉ muốn cho độc giả Tây phương nhận thấy cách thể hiện chữ hiếu của người VN khác với châu Âu, nên đã không phê bình, chỉ trích điều gì, kể cả việc đốt vàng mã, bái lạy Thần chủ trước ngai Trịnh Tráng.
dongten.net