Văn hóa Việt Nam - V

[ 8 ] Cấu Trúc Văn Hoá

Thật nhiều trường hợp người ta hoạt động văn hoá không đúng, có hại, là vì người ta không quan niệm rõ và nắm vững về Cấu Trúc Văn Hoá, nói chung.

1.Văn hoá có cấu trúc

Văn hoá có hệ thống, nếu không, văn hoá có thể tạo nhiều xáo trộn trong đời sống tập thể, mà không thể có giá trị bao quát và trường tồn [1], không thể ổn định như một hệ thống đào luyện người dân và thành gia tài truyền thống từ thế hệ sang thế hệ.

Cấu trúc đó gồm những giá trị tinh thần và vật chất cấu kết với nhau trong đời sống tập thể.

2. Thành tố Tinh Thần

Thành tố tinh thần của một nền văn hoá là thành tố chính yếu. Không mấy người [2] gọi thành tố này là Văn hoá Nhận thức. Thiết tưởng đây chỉ là một trong những thành tố làm nên văn hoá, không thể LÀ văn hoá. Các tổ chức mà chúng ta thường gọi là văn hoá trong đời sống chính trị, xã hội, cũng chỉ nhắm vào một vài hoạt động nào đó có tính văn hoá. Bộ Văn hoá Giáo dục chẳng hạn chỉ chuyên trách về trường học và sách giáo khoa. Bộ Xã hội, Bộ Kinh tế tài chính v.v. chuyên trách về những mặt khác cũng mang tính văn hoá.

Thành tố Tinh Thần trong cấu trúc văn hoá bao gồm những suy tư, những nhận thức và những biểu cảm liên quan đến tâm tư của con người khi hướng về con người hoặc vũ trụ, thường gọi là Nhân-sinh-quan và Vũ-trụ-quan.

Về nhận thức cá nhân, chúng ta quen xếp loại vào các khoa Sinh lý, Tâm lý, Luận lý, Đạo đức và Tâm linh, trong đó có tín ngưỡng tôn giáo.

Về nhận thức thế giới khách quan, thành tố tinh thần của văn hoá thường phát hiện trong hoạt động khám phá và tương quan với tha nhân và vạn vật, với ngọn nguồn của muôn vật như những quan niệm về Thiên Địa,Thượng đế, về tông giáo….

3. Thành tố Thể chất

Trong tầm nhìn thường nhật, người ta thấy những nét văn hoá về Thể chất nhiều hơn về Tinh thần. Nói đúng hơn: đó là những công trình có tính văn hoá phục vụ trực tiếp cho thân thể con người.

Khởi từ những đáp ứng thô sơ cho nhu cầu ăn uống, ngủ, nghỉ của thời “ăn lông, ở lỗ ” đến những khoá học và phương pháp nấu ăn, những công ty toàn cầu như Coca-Cola, Microsoft, những tiện nghi của khách sạn năm sao….

Từ tập tễnh đi bộ đến những phương tiện di chuyển nhanh hơn tiếng động, những đoạn đường đi không phải bước, những cánh cửa không cần giơ tay đóng mở, vượt cả huyền thoạt Aladin, cả khoa học giả tưởng Jules Verne v.v..

Ngay cả việc vận động cơ thể cũng nảy sinh thể dục thẩm mỹ, nghệ thuật trượt tuyết, trượt băng, đu giây, lướt sóng v.v.

Con người ngày càng phát triển những công trình văn hoá có tính đa năng, phục vụ đồng thời cho cả thể xác, tinh thần. Giải trí mà là học, du ngoạn mà huấn luyện, hành nghề kiếm tiền mà mở mang kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng….

4. Thành tố tương tác đưa tới cấu trúc loại hình văn hoá

Mỗi thành tựu văn hoá thực sự lợi ích cho con người, cá nhân hoặc tập thể, đều mang tính tương tác thích hợp.

Đơn giản nhất là tương tác giữa tinh thần và thân thể một cá nhân. Khi gắng toàn lực vào hưởng thụ hoặc phát huy một nét văn hoá về thể chất mà quên lơ hoặc đi ngược tinh thần, con người mang hoạ, như vận động viên dùng chất ma tuý, như nhà nông dùng quá nhiều phân hoá học, quá nhiều thuốc trừ sâu và nhiều chất tăng trọng. Bạn quá miệt mài với giá trị văn hoá tinh thần mà quên những điều kiện tối thiểu cho thân thể, bạn sẽ như nhạc sĩ Mozart hoặc như những sinh viên từ trường thi vào bệnh viện.

Trong môi trường xã hội, ảnh hưởng tương tác giữa những con người, tập thể với cá nhân, giữa những người chuyên nghiệp khác nhau như chính trị, kinh tế, khoa học v.v. càng là thành tố quan trọng hơn để phát triển hoặc phá hoại văn hoá.

Đặc điểm này của văn hoá khởi đầu từ cá nhân. Ngay cả những phong trào cuốn hút hàng triệu người, hàng tỉ người, cũng bắt đầu từ một cá nhân.

Nhờ vài nhà bác học mà con người có thể chiến thắng bệnh truyền nhiễm, phong cùi. Nhờ mấy cái đầu siêu tuyệt mà nhân loại biết dùng sức mạnh của hơi nước, điện, từ, vi điện tử…. Nhờ mấy trái tim cảm thông mà con người bắt đầu chiến đấu để đa số thoát ách thống trị của thiểu số đặc quyền, mà con người can đảm thí nghiệm kinh tế hiệp thông thay cho cộng sản hoặc tư bản, mà con người dám bắt đầu xây dựng nền văn minh tình thương v.v.

Với môi trường thiên nhiên cũng thế. Thường từ một cá nhân mà con người biết hưởng dùng hoặc đối phó với siêu nhiên. Sau đó, nhờ tương thân tương trợ, mà thành tựu tốt đẹp mới trở thành một nét văn hoá cho cả dân tộc, cả chủng hoặc toàn nhân loại. Có những nét văn hoá được bảo dưỡng hàng triệu triệu năm, như nghề nông hoặc chăn nuôi. Có những thành tựu chỉ được tin dùng một ít thế kỷ, rồi được thay thế bằng những phương tiện nhân đạo hơn, như dùng sức kéo của người và thú vật. Sức kéo ngày nay do điện và từ lực, do nước, gió v.v.

Tất cả những công việc khám phá và biến đổi thiên nhiên mang nhiều nguy hiểm đang từ từ được thay thế bằng máy móc điện tử.

Cấu trúc văn hoá, vì thế, tuy cơ bản trường tồn, mà vẫn từ từ có biến đổi, nhất là trong những phương tiện phục vụ con người. Con người ngày càng phát huy nhân quyền, phát huy quyền “làm chủ ” đièu hành và sử dụng thiên nhiên.

[ 9 ] Chủng loại văn hoá

Vì những nét đẹp giống nhau có thể gặp thấy ở từng vùng, từng thời; trái lại, cũng có những đường nét hoặc trình độ văn hoá không giống nhau… nên người ta thường bàn tới toạ độ văn hoá hoặc định vị văn hoá.

Khổ nữa, văn hoá không phải hoàn toàn bất biến, và những thành tố văn hoá, những diện văn hoá của một vùng, một dân tộc, cũng không thay đổi tương đương và đồng bộ. Vì thế mà có những thuyết khác nhau để giải thích.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm viết:

“… tựu trung lại, có thể quy về ba thuyết:

Từ cuối thế kỷ XIX ở Tây Âu đã phổ biến thuyết khuếch tán văn hoá (cultural diffusion) với những đại biểu như F. Ratsel, L. Frobenius, F. Grabner, W. Schmidt ở Đức, Áo; G. Eliot Smith, W. Rivers ở Anh – Quan điểm chủ yếu của những người theo thuyết này là văn hoá được hình thành từ một trung tâm rồi được “truyền bá”, “lan toả” ra các nơi khác bằng cách mô phỏng hoặc nhờ những cuộc thiên di của các dân tộc. Có lan toả toàn bộ hoặc lan toả bộ phận (truyền bá những yếu tố riêng lẻ của một nền văn hoá), lan toả tiên phát (trực tiếp từ nơi phát sinh) hoặc lan toả thứ sinh. Việc cực đoan hoá thuyết này đã dẫn đến chỗ bị giới cầm quyền thực dân lợi dụng để đề cao dân tộc này và khinh rẻ các dân tộc khác, do vậy mà nó từng bị kết án là một “học thuyết tư sản”.

Đầu thế kỷ XX, từ những ý kiến của F. Boas, các nhà nhân chủng học Mỹ C.L. Wisler và A.L. Kroeber đã phản đối thuyết khuếch tán văn hoá và đề xuất thuyết vùng văn hoá (cultural Areas). Trên cơ sở nghiên cứu văn hoá các dân tộc da đỏ Mỹ, các tác giả khẳng định sự tồn tại của nhiều dân tộc trên cùng một vùng lãnh thổ mà văn hoá của họ có những điểm chung.

Từ cách tiếp cận vùng văn hoá trên cơ sở một đặc trưng hạn hẹp, C.L. Wisler và một số tác giả về sau đã đi đến kết luận về sự cần thiết lựa chọn một tập hợp những đặc trưng tạo nên tip hay loại hình văn hoá vùng. Trên cơ sở quan điểm này, từ những năm 30, trong dân tộc học Xô-viết đã hình thành thuyết loại hình kinh tế – văn hoá mà đại biểu là N.N. Cheboksarov và một số tác giả khác. Các tác giả cho rằng trong lịch sử văn hoá nhân loại từng tồn tại ba nhóm loại hình kinh tế – văn hoá: loại hình kinh tế – văn hoá săn bắt, hái lượm và đánh cá; loại hình kinh tế – văn hoá nông nghiệp dùng cuốc và chăn nuôi; loại hình kinh tế – văn hoá nông nghiệp dùng cày với sức kéo động vật. [xem Cheboksarov 1971] “

Giáo sư Thêm nhận xét về ba thuyết đó:

“Mỗi một trong ba thuyết trên đều ít nhiều có hạt nhân hợp lý của nó. Chúng thực ra không mâu thuẫn, mà bổ sung cho nhau, mỗi thuyết thích hợp cho những điều kiện khác nhau.

Thật vậy, nếu các dân tộc chủ nhân của các nền văn hoá, cũng như các ngôn ngữ của họ, xuất phát từ cùng một gốc, thì giữa văn hoá gốc và các nền văn hoá này có thể có quan hệ “khuếch tán”, lan toả.

Nếu các nền văn hoá gần gũi nhau về địa lý thì chúng có thể từ tiếp xúc đến giao lưu với nhau, và trong việc giao lưu ấy có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hoá này thâm nhập vào nền văn hoá kia (tiếp thu thụ động) hoặc nền văn hoá này vay mượn những yếu tố của nền văn hoá kia (tiếp thu chủ động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh (endogenous) và ngoại sinh (exogenous) ấy mà điều chỉnh, biến cải cho phù hợp, gây ra sự tiếp biến văn hoá (acculturation). Các nền văn hoá gần gũi và giao lưu này tạo nên những vùng văn hoá. Cũng có thể phân biệt vùng văn hoá ngay trong nội bộ một nền văn hoá….

Các thuyết và các khái niệm nêu trên đều có thể được vận dụng ở những mức độ khác nhau. Chẳng hạn, lý thuyết vùng văn hoá sẽ rất hữu hiệu cho việc xác định các vùng văn hoá của người Việt và các tộc ít người như văn hoá sông Hồng, văn hoá đồng bằng sông Cửu Long, văn hoá Tây Nguyên [Xem Ngô Đức Thịnh 1993 [3], Huỳnh Khải Vinh 1995 [4]]; lý thuyết về sự lan toả thích hợp cho việc giải thích sự tương đồng văn hoá giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo….

Song, để làm sáng tỏ bản sắc của vùng văn hoá Việt Nam, điều quan trọng hơn là nêu được sự đồng nhất và khác biệt giữa nó với các nền văn hoá khu vực (như Trung Hoa) và thế giới (như phương Tây). Trong sự so sánh này, việc xác định loại hình văn hoá là hết sức quan trọng. Chỉ ra được các loại hình với mức độ khái quát cao và những đặc trưng của mỗi loại, ta có thể căn cứ vào đó mà xếp bất kỳ một nền văn hoá nào vào trong các “ngăn” phân loại đã có. Ba loại hình kinh tế – văn hoá của N.N. Cheboksarov thiên về các đặc điểm mang tính lịch sử – kinh tế mà chưa đồng thời phản ánh được các đặc trưng địa lý – khu vực là điều không kém phần quan trọng đối với việc xác định một nền văn hoá…” [5].

Sau đó, giáo sư Thêm nhắc nhớ nguồn gốc nhân loại theo mấy nhà bác học, để dẫn tới Đông phương và Tây phương, rồi ông nhận định:

“Bởi văn hoá là sản phẩm của con người và tự nhiên nên nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt về văn hoá chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý – khí hậu) và xã hội (lịch sử – kinh tế) quy định.”

Khẳng định đó của giáo sư Thêm khá đúng “văn hoá là sản phẩm của con người và tự nhiên”. Đúng hơn, phải nói: Văn hoá là sản phẩm của con người TRONG THIÊN NHIÊN. Tuy thế, những người nhìn văn hoá lan toảvà văn hoá vùng đâu có phủ nhận đó là sản phẩm của con người trong thiên nhiên.

Những lời tiếp theo của giáo sư cho một nhận định không thể nói là đúng: “nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt về văn hoá chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý – khí hậu) và xã hội (lịch sử – kinh tế) quy định”. Những hàng tiếp liền của giáo sư vừa mâu thuẫn với khẳng định đó, vừa hàm một phân chia và lý luận không đúng: Ông nói đến vùng đất có mưa nhiều và vùng đất mưa ít, gọi đó là Đông và Tây phương thì không đúng. Lượng mưa theo vĩ tuyến, mà Đông Tây theo kinh tuyến. Càng là hoặc gần xích đạo, càng nhiều mưa.

Do đó, năm hàng này hiển nhiên đúng:

“ Môi trường sống của các cộng đồng cư dân ở phương Đông (chính xác hơn là Đông Nam) là xứ nóng sinh ra mưa nhiều (ẩm), tạo nên những vùngđồng bằng nằm trong lưu vực các con sông lớn…. Còn phương Tây (chính xác hơn: Tây Bắc) lại là xứ lạnh với khí hậu khô, tạo nên những vùng đồng cỏ mênh mông.

Hai loại hình đồng bằng và đồng cỏ dẫn đến chỗ cư dân của hai khu vực phải sinh sống bằng hai nghề khác nhau: trồng trọt và chăn nuôi. Kinh tếtrồng trọt bắt buộc người dân phải sống định cư, vì trồng cái cây xuống thỉ phải chờ cho nó lớn lên, ra hoa kết trái để còn thu hoạch . Ấy là chưa kể đến những loại cây lâu năm, phải trồng công phu, phải chờ 5-10 năm mới có quả, rồi lại thu hoạch nhiều lần. Lối sống chăn nuôi thì khác: Tài sản của dân du mục là đàn gia súc. Gia súc ăn cỏ và không bị cố định như cái cây, ăn hết cỏ không thể ngồi đợi cho cỏ mọc mà phải đi tìm bãi cỏ khác. Cho nên sống bằng nghề du mục là lối sống du cư – vừa đi vừa ở nay đây mai đó lang thang.

Kết quả là hình thành một cách khá rõ ràng hai loại văn hoá: Văn hoá nông nghiệp thì lo tạo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài, không xáo trộn – chúng mang tính chất trọng tĩnh; văn hoá du mục thì tổ chức làm sao để có thể thường xuyên di chuyển một cách gọn gàng, nhanh chóng, thuận tiện – chúng mang tính chất trọng động. Các nền văn hoá hiện đại dù đang thuộc giai đoạn văn minh nào (nông nghiệp, công nghiệp, hay thậm chí hậu công nghiệp) cũng đều không thoát ra ngoài hai loại hình ấy. Căn cứ theo nguồn gốc, có thể gọi chúng là các nền VĂN HOÁ GỐC NÔNG NGHIỆP và các nền VĂN HOÁ GỐC DU MỤC, căn cứ theo tính chất, có thể gọi chúng là các nền văn hoá TRỌNG TĨNH và TRỌNG ĐỘNG” .

Thiết tưởng chúng ta có thể tạm kết rằng Con người từ bỏ đời sống hái lượm mới qua cuộc sống “có văn hoá, mà phân biệt loại hình văn hoá đầu tiên là Văn hoá Nông nghiệp và Văn hoá Du mục.

Chúng tôi gọi Chủng Loại Văn Hoá, vì yếu tố con người. Du canh hoặc du mục, con người những thế kỷ đầu [6] đều sống quần tụ theo Chủng Tộc của mình. Một chủng cũng có thể sống ở nhiều nước, nhiều dân, cả trong lục địa lẫn hải đảo; những nét văn hoá giống nhau giữa các dân tộc không chỉ do lan toả, mà có thể chính là do khuếch tán vì cùng chủng hơn là do địa lý. Vì con người chịu ảnh hưởng của người hơn của thiên nhiên. Con người mang định mạng điều hành Thiên nhiên [6] .
————————
Linh mục Nguyễn Thế Thoại

[1] Xem lại [6]

[2] Thí du Gs. Trần Ngoc Thêm

[3] Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở VN.

[4] Chấn hưng các vùng và tiểu vùng vh. ở nước ta hiện nay

[5] Trần Ngoc Thêm sdd tr.34-36

[6] St 1,26.28

Mới hơn Cũ hơn