Văn hóa Việt Nam - IV

[ 7 ] Nền văn hóa truyền thống

Chúng ta đã biết rằng một hoạt động văn hoá mang lại một thành quả văn hoá, nhưng nếu tất cả đều trôi theo thời gian bọt bèo, thì dân tộc đó, miền xứ đó không có một nền văn hoá nào cả. Họ đã sống những mốt sống hời hợt. Sống giữa những dòng văn hoá. Cần truyền thống văn hoá nhiều thế hệ, để tạo thành nếp sống văn hoá. Cần nhiều nếp sống văn hoá tương thích, để trầm lắng thành nền văn hoá.

1. Muốn có Nét Văn Hoá truyền thống

Muốn có NÉT văn hoá truyền thống thì phải có nét văn hoá được truyền đời, nghĩa là

1.1. Một hoạt động văn hoá

Một nét sinh hoạt cá thể hoặc tập thể có giá trị chân thiện mỹ, được cộng đồng nhìn nhận và tiếp thâu, được chấp nhận, thấm nhuần và biểu lộ.

1.2. Hoạt động văn hoá đó đi vào sinh hoạ tới mức ổn định

Xin dùng một nét thật bình dị để minh hoạ: Chiếc áo dài, hoặc y phục phụ nữ Việt Nam.

Trong những năm 1930-1940, chiếc áo dài Việt Nam kiểu Cát Tường giống hiện nay xuất hiện; nhưng còn bị tranh cãi thật nhiều trong cuộc sống thường ngày và trên sách báo. Sang những năm ’50-75, cùng với chiếc quần mềm mại, làm nên trọn bộ đồ phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài không chỉ là đương nhiên của các em nữ sinh Trung và Đại học, mà của cả các cô, các bà thành thị và nông thôn trong những ngày giờ lễ hoặc trong những sinh hoạt không xô bồ.

Trong cả Việt Nam Cộng Hoà, tức Miền Nam Việt Nam hôm nay, bộ đồ (mà chủ yếu là chiếc áo dài) đã hoàn toàn trở thành quốc phục phụ nữ Việt Nam.

Cuộc cách mạng 1975 nhận chìm hết các áo dài (có thời và có miền chìm luôn cả các tu phục) để “áo bà ba đen” thống trị khắp nơi, khắp giới. Đồng thời, chẳng mấy người biết đến công của hoạ sĩ Le Mur Cát Tường.

Chiếc áo dài chẳng cần ai bênh vực nó hoặc truyền lệnh dùng nó nữa.
Tuy thế, nó còn chìm trong lòng dân và đi vào nhiều phim ảnh, sách báo ngoại quốc liên quan đến Việt Nam.

Qua hai chục năm, nghĩa là khi có nữ sinh của người dân thường Việt Nam từ trong nước đi ra ngoại quốc, chiếc áo dài Việt Nam lại nhẹ nhàng bay lượn… như một trong những nét văn hoá được thế giới yêu chuộng.

Được thế là vì đã có thời gian chiếc áo dài ổn định với tâm tình Việt Nam e ấp, với nếp sống Việt Nam duyên dáng, nghĩa tình.

1.3. Truyền thống

Chiếc áo tứ thân hoặc năm tà cũng từng là y phục phụ nữ Việt Nam, qua nhiều thời gian ổn định, cùng với chiếc nón quai thao và chiếc quần một ống.

Thật nhiều thế hệ không chỉ may loại y phục đó cho con, mà có những bà mẹ còn cẩn thận giữ gìn y phục quý của mình để trao lại cho con.
Đó là tính truyền thống.

Chính vì thế mà trước đây, khi vua Nguyễn muốn cho phụ nữ mang quần hai ống, người dân đã rầm rầm phản đối, những phản ứng còn lắng vào tận nguồn vốn ca dao :

Tháng sáu có chiếu vua ra
Cầm quần không đáy người ta hãi hùng
Chẳng đi thì chợ chẳng đông
Đi mà bóc lột quần chồng sao đang !

Chính vì thế mà ngày nay, khi nhắc lại văn hoá cổ truyền, người ta lại nghe chèo cổ, quan họ, lại thấy xuất hiện nón quai thao với áo năm tà….

Nhưng giá trị đi vào truyền thống đến thế rồi, mà ngày nay áo năm tà hoàn toàn biến khỏi sinh hoạt thường ngày. Nó chỉ còn dùng cho “văn nghệ”. Tại sao?
Vì tính nhân văn không ủng hộ nó khi đã xuất hiện áo dài Cát Tường. Áo dài này mang lại thật nhiều chất Chân và Mỹ hơn, vượt xa khả năng áo năm tà. Áo năm tà không làm nổi đủ những đường nét cơ thể, cũng không giúp giữ gìn cơ thể bằng áo dài Cát Tường.
Văn hoá truyền thống không chỉ tích luỹ, mà cần phải tái tạo hoặc biến đổi thích ứng, mới khỏi trở thành văn hoá bảo tàng, dành cho du khách và nghiên cứu sinh!

2.Văn hoá truyền thống

Chỉ có thể coi là văn hoá truyền thống khi những nét văn hoá ổn định như thế hoà với nhau và phát huy khả năng đào luyện người dân.

2.1. Những nét văn hoá hoà với nhau

Một vài nét văn hoá rời rạc không làm nên truyền thống văn hoá được. Phải nhiều và tạm đủ những nét hoà với nhau thành hệ thống trong cung cách cảm nghĩ, sống và giao tiếp của số tuyệt đại người dân trong một miền, trong một giai đoạn đủ bề dài… thì mới tạo thành văn hoá truyền thống được.

Hệ thống để thành một nền văn hoá rất phong phú, vì bao gồm đủ diện sinh hoạt thể chất và tâm hồn con người, như: Tư tưởng, kiến thức, nghệ thuật, đạo đức, tín ngưỡng, phong tục.

Chúng ta coi như thí dụ minh hoạ: Ngôn ngữ, rồi chữ quốc ngữ đã đi vào văn hoá truyền thống Việt Nam.

Ngôn ngữ này đủ phong phú để diễn tả những gì người ta cảm nghĩ, mong muốn, đủ vững mạnh để những ngoại ngữ, dù được truyền bá bằng danh vọng và quyền bính, không thể lấn lướt nó. Tiếng Tàu vẫn của Tàu, tiếng Tây vẫn là của người Tây. Người Việt Nam dù nói thông thạo với người Tàu, người Tây bằng chính ngôn ngữ của họ, thì trong đời sống thường ngày, vẫn cứ dùng tiếng Việt.

Văn tự quốc ngữ cũng chỉ sau nửa thế kỷ được chính thức nhìn nhận, đã thay thế được tất cả ba thứ văn tự từng thống trị trên sách báo và đơn từ chính thức của VN hàng thế kỷ: Chữ Nho, Chữ Nôm và chữ Pháp.

Ngôn ngữ văn tự ấy hoà vào mọi sinh hoạt văn hoá và nghề nghiệp của người Việt Nam.

2.2. Những nét văn hoá đào luyện con người.

Những thế hệ ấu nhi, thiếu nhi đến Vườn Trẻ, lớp mẫu giáo và cấp một không chỉ để học toán lý và các khoa học, nhưng trước hết để học ngôn ngữ và văn tự dân tộc mình; từ cách diễn tả tâm tình cơ bản đến những vấn đề trừu tượng… bằng ngôn ngữ và văn tự của mình.

Tới một mức độ nào đó, ngôn ngữ và văn tự này trở thành công cụ chuyển tải tâm tư của những thế hệ trước cho thế hệ trẻ, để hiểu biết, để thông cảm và để được đào luyện trong văn hoá dân tộc.

Đến giai đoạn này, những yếu tố văn hoá như ngôn ngữ và văn tự mới hoàn toàn đi vào hệ thống. Khi đó mới có khả năng góp phần làm phong phú Văn hoá truyền thống.

Ngay cả khi đó, nó vẫn còn phải thích ứng với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, nó mới giữ được vị trí văn hoá truyền thống trong sinh hoạt nhân dân.

2.3. Ân oán với Văn hoá truyền thống

Chính vì Văn hoá là trầm tích, trường tồn và là yếu tố đương nhiên ý thức hoặc vô thức đào luyện con người trong phạm vi của nó, nên phát sinh ân hoặc oán nó.

2.3.1. Thọ ân và tri ân văn hoá

Bao lâu và ở đâu hậu quả văn hoá còn được coi là lợi ích cho con người – cá nhân hoặc cộng đoàn – thì người ta hãnh diện về nó, mang ơn nó.

Bao lâu và ở đâu người ta cảm thấy nó đã là ác quả, thì người ta oán hận nó.

Chữ quốc ngữ là một hãnh diện của chúng ta, vì một em nhỏ chỉ cần học vài tháng là có thể đọc các sách, trước đó cha ông mình phải học hàng chục năm. Tuy các em có thể khổ về khó nhớ khi nào viết G, khi nào GH hoặc khi nào I, khi nào Y…. Đó là phạm vi ngỏ cho chúng ta góp sức với tiền nhân. Còn những phàn nàn vì diễn không hết cách phát âm nên đổi Ph với F hoặc thêm Z thành DZ… thì bị đa số cho là “vẽ rắn thêm chân”.

Nói chung, mình phải được chỉ cho thấy, phải tự nghiệm để chân nhận những lợi ích của những thành tựu văn hoá mình được hưởng dùng. Có thế, mình mới ham thích tiếp thâu, mới sung sướng hưởng dùng được. Càng sung sướng phát huy được những tiềm năng và lợi ích văn hoá dân tộc, mình càng biết ơn tiền nhân và góp phần xây dựng.

2.3.2. Oán trách văn hoá dân tộc và tiền nhân

Cứ đọc Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, sẽ thấy Loan oán giận chế độ đại gia đình và mãnh liệt chống đối thế nào. Cứ đọc Nửa Chừng Xuân là thấy tội nghiệp cho Mai và bé Ái. Cứ đọc KHAO của Đồ Phồn sẽ cảm nhận được tục lệ khao vọng nó tàn ác chừng nào với kiếp người. Giọng mỉa mai hài hước của tác giả khiến người đọc không thể nhịn cười, nhưng càng cười càng xót xa.

Cha ông chúng ta từng hãnh diện về những tục lệ chung quanh việc cưới hỏi, khao vọng, tang chế v.v.; nhưng ngày nay người ta đã bỏ hầu hết những tục lệ đó. Tại sao? – Vì hại thời giờ và tiền bạc, hại nhất là tự do của chàng và nàng… Thậm chí có những cặp tình nhân không thể lấy nhau được chỉ vì một trong những tục lệ đó. Thí dụ không tương xứng về gia cảnh, không thích hợp về năm tuổi (con tinh của năm sinh: tuổi Dần và tuổi Hợi chẳng hạn).

Phong trào Duy Tân, Tự Lực Văn Đoàn v.v. đã chiến đấu biết bao với những nét Văn Hoá Truyền Thống, nhất là về gia đình. Những tác phẩm như Nửa Chừng Xuân, Đoạn Tuyệt dẫn đến việc hô hào người trẻ “Theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự” [1].

Trong lịch sử văn hoá Việt Nam chưa bao giờ có một cuộc đòi cải cách toàn diện văn hoá như thế.
Tất nhiên rằng cách mạng văn hoá do chính quyền “vô sản” chủ trương thì lại có những đường nét rất khác. Chúng ta sẽ coi khi nói về Văn Hoá Việt Nam hôm nay.

2.3.3. Quy luật điều chỉnh và tái tạo

Văn hoá nói chung và Văn hoá truyền thống, cũng giống như bản thân mỗi người hoặc cả nhân loại, không hề và không thể đòi “giữ nguyên vẹn” ở mọi nơi, mọi thời. Phải thích ứng với thời gian, không gian, nghĩa là với con người trong môi trường sống của mình. Người ta đòi Thích Nghi Văn Hoá.

Quá vội thay đổi là Cấp tiến, mà “duy ý chí”.
Quá chậm thay đổi là Bảo thủ, là cổ hủ, để Thủ tục thành Hủ tục. Đó cũng là thái độ của những người “duy ý chí”.

Bổn phận mọi người, nhất những người có trách nhiệm giáo dục cần xem xét luôn để có thể luôn tạo điều kiện mà thích ứng và tái tạo Văn Hoá Truyền Thống.

Việc này đòi tất cả chúng ta, nhất là giới lãnh đạo và giới truyền thông đại chúng phải hết sức thận trọng. Thí dụ trong cung cách Thầy Trò. Người ta bỏ mất đạo sư đệ và tình đồng môn; nhưng lại nhấn mạnh đến Tết Thầy, Biết ơn và Nâng đỡ giáo viên… là người ta phá huỷ tinh hoa và mở đường bội bạc, vì bắt buộc phải “mua điểm”.

Cũng đòi phải có đầu óc tổng hợp để tránh mâu thuẫn và phá hoại, vì một mặt văn hoá đòi hệ thống, mặt khác chính những con người là chủ thể của mọi nét văn hoá. Nếu lãnh đạo dùng quyền áp đặt, sẽ mất tính Nhân Linh và thất bại thê thảm. Nếu mỗi thành phần lãnh đạo chỉ biết “tăng cường lãnh đạo, tham gia sáng kiến” trong phạm vi của mình, mà xung đột với lãnh đạo những phạm vi khác, hoặc tổng hợp quá tải… thì dân thật khổ sở và mất linh hồn của văn hoá Chân, Thiện, Mỹ !

Tóm lại, cần luôn nhớ và ứng dụng quan niệm đúng văn hoá; Văn Hoá là hệ thống các giá trị tinh thần và thể chất, do con người sáng tạo và tích luỹ, khi hoạt động tương tác giữa con người và môi trường.

Lm. Nguyễn Thế Thoại

———————–

[1] Khái Hưng “Nửa chừng xuân”
Nhất Linh “Đoạn tuyệt”
Hoàng Đạo “Mười điều tâm niệm”

Mới hơn Cũ hơn