Khế – dược liệu đa năng
Cây khế còn gọi là ngũ liễm, tên khoa học Averrhoa Carambola L., thuộc họ chua me (Oxalidaceae).
Khế có nguồn gốc ở các xứ nóng vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, khế được trồng rộng rãi khắp nơi với 2 giống khế múi là khế ngọt và khế chua.
Tên Averrhoa được lấy từ tên của người thầy thuốc Ảrập thế kỷ thứ XII là Averrhoes, người đã phát hiện khế là một loại dược liệu chữa được nhiều bệnh: “Dùng trộn với hồ tiêu để làm ra mồ hôi, giã nhỏ rồi đắp lên người để đánh tan sự rã rời, bải hoải; chữa bệnh ngứa nếu đắp khi còn nóng, kích thích hoạt động của mắt, dùng cho phụ nữ sau khi sinh, chữa ho, chữa sưng hạch tiết nước bọt, đau khớp xương, ung nhọt, phù thũng, sưng họng…”.
Trong 100g khế có chứa các chất sau: nước 92g, protein 0,3g, lipid 0,4g, glucid 5,7g, cellulose 1g, tro 0,3g; các nguyên tố vi lượng: Ca 8mg, P 15mg, Fe 0,9mg, Na 2mg, K 181mg; các vitamin: A 135mg, B1 0,04mg, B2 0,03mg, PP 0,3mg và vitamin C 32mg.
Khế múi có hàm lượng acid oxalic 1%, ít chua, là món ăn thông dụng của người Việt Nam. Người ta thường ăn tươi, làm rau, chấm mắm, nấu canh chua với tôm, tép, cá hoặc xào với thịt bò, sò, hến… rất ngon.
Do có tính khử mùi tanh và làm cho nguyên liệu mềm hơn nên từ lâu dân ta đã dùng khế làm gia vị nấu các món ăn như: canh lươn nấu khế, khế xanh nấu ốc nhồi, canh bò nấu khế chua, cá lóc nấu canh khế…
Quả chín còn dùng làm mứt. Ăn một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Quả khế còn chứa nhiều chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón.
Theo Đông y, quả khế gọi là ngũ liễm tử, có vị chua, chát, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải uế, giúp làm lành vết thương. Thường được dùng chữa cảm sốt, khát nước, ngộ độc rượu, đi tiểu ít, nhiệt độc, vết thương chảy máu.
Ngày dùng 40-80g khế tươi, ăn sống như rau hoặc giã nát vắt lấy nước uống. Dùng quả khế ép lấy nước uống để giải nhiệt cũng như chống cảm nắng vào mùa hè oi nực rất tốt, chữa sưng răng lợi, loét mồm miệng và giảm đường huyết.
Hoa khế có vị ngọt, tính bình, tác dụng giải độc tiêu viêm, thường dùng chữa sốt rét, ho khan, ho đàm, kiết lỵ, trẻ em bị kinh giản. Người ta thường dùng hoa khế tẩm nước gừng hoặc tẩm rượu gừng rồi sao thơm, sắc uống để chữa ho đàm. Ngày dùng 4-12g.
Vỏ thân và lá khế có vị chua, chát, tính bình, tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm. Thường dùng chữa sổ mũi, viêm dạ dày – ruột, đi tiểu ít, chấn thương bầm dập, mụn nhọt, viêm mủ da.
Liều dùng: vỏ thân ngày dùng 10-20g; lá khế ngày dùng 20-40g, sắc uống.
Có thể dùng vỏ thân và lá nấu nước, trong uống ngoài đắp hoặc tắm để chữa lở sơn, mẩn ngứa, mề đay.
Rễ khế có vị chua, chát, tính bình, tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thường dùng chữa đau nhức tay chân do phong thấp. Ngày dùng 12-20g, sao cho thơm, sắc uống.
Một số bài thuốc có dùng khế chữa bệnh
– Chữa nước ăn chân, lở loét, đau nhức: lấy 1-2 quả khế chín, lùi trong tro nóng, để vừa ấm rồi áp lên chỗ đau.
– Chữa bí tiểu, đau tức bàng quang: khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600ml nước, sắc còn 300ml, uống lúc còn ấm nóng. Ở ngoài, lấy một quả khế và một củ tỏi giã nhuyễn, đắp vào rốn.
– Chữa cảm cúm, mình mẩy đau nhức: khế chua 3 quả, nướng chín, vắt lấy nước cốt, hoà với 50ml rượu trắng, uống 1 lần, hoặc chia làm 2 lần uống vào lúc không no không đói quá.
– Chữa cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít, cảm nắng: lá khế tươi 100g sao thơm, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Hoặc dùng lá khế tươi 100g, lá chanh tươi 20-40g, hai thứ rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
– Chữa viêm họng cấp: lá khế tươi 80-100g, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, chia 2-3 lần để ngậm và nuốt dần.
– Chữa ho khan, ho có đàm: hoa khế (sao với nước gừng) 8-12g, cam thảo nam 12g, tía tô 8-10g, kinh giới 8-10g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trươc bữa ăn.
Ngoài loại khế múi nói trên, còn có một loại khế thường gặp ở các tỉnh phía Nam gọi là khế dưa chuột (Averrhoa Bilimbi L.), quả hình trụ dài 5-10cm, giống như quả dưa chuột, đôi khi cũng có khía lõm nhưng không sâu như khế múi. Loại khế này có màu lục vàng và trong suốt, khi chín rất chua vì hàm lượng acid oxalic lên tới 6% nên thường được dùng muối dưa, ngâm nước muối, nước mắm để ăn hoặc làm xirô để giải khát.