Dấu ấn Thần Khí nơi các tôn giáo lớn

Dấu ấn Thần Khí nơi các tôn giáo lớn

Cho đến ngày nay, thế kỷ 21 theo Tây lịch, chúng ta đang sống trong khung cảnh có nhiều tôn giáo trên thế giới. Nhiều tôn giáo đã tồn tại trên 20 thế kỷ, nay vẫn còn hiển hiện quanh cuộc sống của ta. Những người thuộc về tôn giáo khác, mỗi người có niềm tin khác ta, nhưng cuộc sống của họ ẩn tàng những sự thiêng thánh lại còn sinh những hoa trái tốt lành cho trần gian. Nếu để tâm quan sát cách hành đạo của họ, ai lại không tự nghĩ “giáo lý của họ chắc hẳn là tốt lắm, nên mới có những con người tốt cho đời như vậy”. Đứng trong đức tin Công giáo, chúng ta nhìn thấy cuộc sống của họ chất chứa những giáo lý sự thật tốt lành, mà sự thật – sự thiện tuyệt đối là từ Thiên Chúa mà ra. Vì thế, nguồn gốc các giáo lý mang chân lý chí thiện đều ẩn chứa dấu ấn của Thần Khí Thiên Chúa. Với lòng tin như thế, chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức tác động của Thần Khí nơi các tôn giáo, và trình bày một số tôn giáo lớn để thấy sự tác động của Thần Khí nơi các tôn giáo đó.

Trong công trình tạo dựng trời đất muôn vật, sự tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm cho vũ trụ hoạt động trật tự và hài hòa. Sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa đã làm phát sinh sự sống trên mặt đất. Sau công trình sáng tạo ban đầu, Thần Khí tiếp tục tác động trong vũ trụ để bảo tồn vạn vật. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã để lại hình ảnh của mình trong vạn vật khi sáng tạo con người. Thiên Chúa đặt trong con người có lý trí, ý chí và tự do theo hình ảnh của Ngài, để con người có khả năng làm chủ mọi loài thọ tạo khác trong vũ trụ được tạo thành và có khả năng để nhận biết Thiên Chúa đã tạo nên mình. Vì có khả năng nhận biết Thiên Chúa, con người có thể trở nên với Thiên Chúa. Bởi vì, ngay sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa hứa sẽ gìn giữ và cứu độ muôn vật được tạo thành. Với lập luận này, con người trở nên với Thiên Chúa bằng cách nào, do khả năng Chúa ban ngay từ đầu hay do mặc khải của Thần Khí Thiên Chúa? Chắc hẳn, cả hai đều có lý, nếu là khả năng tự thân con người thì cũng đúng. Bởi vì, trong thân phận yếu đuối và giới hạn của phàm nhân, Thiên Chúa đã phú ban một phần linh thánh bất tử của ngài cho con người. Do đó, con người dù sống trong sự ô trọc của cuộc sống thì cũng được lương tâm hay cái Ngã (Atman theo Ấn giáo) hoặc nhân tâm… trong con người thúc bách để hướng về Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên mình. Đàng khác, nếu nói đến sự mặc khải của Thần Khí Thiên Chúa cũng đúng. Bởi lẽ, con người trằn trọc tìm kiếm Thiên Chúa dù phải ăn chay, giữ giới, tĩnh niệm hay quyên cả bản thân mình mà Thiên Chúa lại bàng quan để mặc hay sao? Chẳng phải Đức Kitô, Đấng được gọi là Người Con của vị Thần Linh Tối cao đã giáng trần và mặc khải thế này sao: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho…”. Vậy, Thần Khí Thiên Chúa chắc hẳn cũng đáp lời cho những ai đứng lì trên nẻo đường tìm kiếm và cầu xin Thiên Chúa thì cũng được nhận lãnh một sự soi sáng nào đó.

Bởi thế, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế để mặc khải và khai sáng cho nhân loại mọi điều trên trời dưới đất thì đã có một số con đường mù mờ nào đó đã tồn tại trong nhân gian rồi vậy. Những con đường ấy tuy không giống nhau, không trực tiếp, hoặc không rõ ràng nhưng cũng dẫn đến một đích điểm trong ý nghĩa chung cuộc của cõi nhân sinh. Họ luôn luôn thao thức và ao ước có một cách thế giải thoát nào đó được rõ ràng và hoàn thiện. Những con đường ấy, tuy không tiên tri về một Đấng giải thoát như các bản văn của dân Israel nói về sự xuất hiện của đấng Mêsia, nhưng một cách ít ỏi và không rõ ràng đã hé lộ một chút trong cách hành đạo của con đường giải thoát của Phật giáo. Các phật tử thường niệm trên môi một lời mà Phật đã dạy: “Nam mô Adiđà Phật”. Theo Lý Minh Tuấn, một giảng viên triết Đông giải thích rằng “Phật Adiđà là một Phật vị lai, một vị Phật đầy ánh sáng, Ngài sẽ đến để cứu độ chúng sinh. Vì thế, ai thường xuyên niệm lời này trên môi thì Phật vị lai ấy sẽ sớm đến cứu độ nhân loại, và người niệm cũng sẽ được cứu độ. Vị ấy đã đến rồi, đó là Đức Giêsu”.

Đến thời viên mãn, Con Thiên Chúa giáng trần, Ngài trở nên người phàm và sống như người phàm để cứu độ chúng sinh. Cách thức cứu độ của Đức Giêsu là đem con người trong thế gian đến với Thiên Chúa, không những thế mà Ngài còn đem con người trở nên một với Thiên Chúa. Việc Người Con của Đấng tuyệt đối giáng trần, không một tôn giáo nào dám nghĩ đến, ngay cả người Do Thái cũng được tiên báo rằng có một đấng được gọi là Mêsia đến từ Thiên Chúa, Ngài như một con người nhưng được Thiên Chúa sai đến để giải thoát Israel khỏi cảnh lầm than khốn khổ mà thôi. Vì thế, Đức Kitô là vị khai sáng duy nhất, “duy nhất độc đáo và duy nhất tương quan”. Đúng là độc đáo, vì chỉ mình Ngài là Con của Đấng tối cao và đã làm người. Là vị Cứu Chúa duy nhất trong cái nhìn tương quan, nghĩa là bao hàm về sự cứu độ cho toàn thể nhân loại. Như Tin Mừng Gioan viết: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32), và: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24).

Như vậy, cá nhân nào, tôn giáo nào sống cho sự thật là chân lý thì họ đã sống cho Thiên Chúa rồi còn gì. Và, Đức Giêsu cũng nói mình là sự thật như Tin Mừng viết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Nếu hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể kết luận rằng, những ai sống tốt lành theo chân lý thì họ đã đón nhận Đức Kitô một cách gián tiếp rồi. Vì thế, họ cũng được đến với Thiên Chúa là Cha hoặc là Đấng Cao cả nhất mà mình đã thờ phượng, bởi họ cũng một cách thế nào đó đã đi qua Đức Kitô, con đường cứu độ duy nhất.

Giờ đây, chúng ta có thể hiểu rằng, Thần Khí Thiên Chúa đã tác động và vạch ra những con đường chân lý trong một số nền văn hoá và trong một số tôn giáo khác nhau để cứu độ con người. Bởi vì, con người vốn là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, nên Ngài cũng mở rộng cánh cửa để những kẻ có thiện tâm thiện chí được vào chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa. Những con đường đó như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu một số tôn giáo lớn để thấy được những dấu chứng của Thần Khí, và hiểu đươc các tôn giáo khác đã thờ phượng Thiên Chúa thế nào.

Với đạo Nho, Khổng tử đã khai mở cho thế giới một con đường thành nhân. Không tử nói: “Đức hạnh của bậc thành nhân là: thấu hiểu cái lý của tình tính, thông suốt cái biến của loài vật, biết cái cớ ẩn hiện, rõ cái nguồn gốc của khí thoát”[1].

Trong lời nói ngắn ngủi này đã chất chứa rất nhiều ý nghĩa mà bậc thành nhân có được. Con người phải hiểu cái lý của tình tính. Tính là bản chất tinh thần của con người. Tính đó có từ ban sơ, là sự tốt lành, là Đạo trời đã được đặt sẵn trong con người. Tính còn có nghĩa là Thiên mệnh hay Minh đức, tức là phần thuần thiêng. Vô Cực tiềm tàng trong con người. Tình là sự thể hiện của Tính, tức là bản chất tinh thần con người. Như thế, Tính tốt sẽ thể hiện sự tốt ra bên ngoài là Tình. Bậc thánh nhân còn phải biết rõ cái cớ ẩn hiện của loài vật, biết sự biến hoá của những linh lực siêu nhiên. Mục đích của sự tu tập của con người không chỉ thế, mà còn phải đạt được thịnh đức, là phải hiểu đến năng lực thần, biết rõ lẽ biến hoá.

Chúng ta không tìm thấy giáo lý của Khổng giáo nói đến sự sống đời sau của con người. Tuy vậy, chúng ta cũng dễ tìm thấy trong Hình Nhi Hạ Học, đặc biệt trong Hình Nhi Thượng Học, Khổng giáo trình bày những khái niệm Vô Cực, Thiên Mệnh, Minh Đức, hoặc Tính trong con người. Những khái niệm ấy phản ánh sự trường tồn, vì con người mang trong mình cái Tính, Tính ấy phát xuất từ Đạo Trời, có nghĩa là Đấng Tuyệt đối, một Thực Thể siêu việt, chúng ta gọi là Thiên Chúa. Như vậy, Khổng Tử cũng nhắm đến một sự trường tồn của con người, và sự trường tồn ấy gắn liên với Thượng Đế. Về sự sống đời sau, Khổng Tử không dám nói, vì hai lý do. Thứ nhất, Ngài cũng là con người, nên không thể nào nói được về thế giới siêu hình, nếu nói thì cũng có thể dẫn đến hiểu lầm. Thứ hai, Ngài chủ trương an lạc thái hòa trong đời sống của nhân dân. Nếu nói có sự sống đời sau, dân có thể cùng chết để sống với người thân của mình. Nếu nói không, đời sống xã hội có thể gây xáo trộn.

Với sự chiêm niệm sâu xa, Khổng Tử đã thấy được phần nào về đấng Vô Cực, thấy được Thiên Mệnh. Bởi thế, Ngài đã trình bày cho người thường một con đường sống, con đường ấy hợp với Tính Thiên Mệnh trong sâu thẳm của con người. Một khi đạt được sự hợp nhất với Tính Thiên Mệnh thì cũng gặp được với đấng Vô Cực, Đấng là nguồn cội của mọi sự. Với quan niệm này, chúng ta thấy, Khổng giáo đã để lại một con đường khá gần với quan niệm của Công giáo. Chắc hẳn, Thần Khí đã tác động lên vị Giáo tổ để họ khai sáng nên một con đường của Chân lý để cứu độ chúng sinh.

Dưới nhãn quan Lão giáo, Lão giáo đã suy tư và tìm kiếm nên được khai sáng để nhận ra chân lý. Chân lý tối cao là Đạo. Vì thế, Lão giáo đã trình bày cho nhân thế một con đường trở về với Đạo, là con đường trở nên bậc thánh nhân. Bậc thánh nhân là sống được với cái lẽ của Trời, của Đạo. Với sự sâu sắc của bậc thánh nhân, Lão tử viết: “Bậc toàn thiện ngày xưa, tinh tế, nhiệm mầu, sâu sắc, thông suốt, thăm thẳm chẳng thể biết”. Các vị đã sống trong bậc huyền đồng, tức là trở nên một với Đạo và với mọi người. Lão tử viết tiếp: “Vậy nên thánh nhân giữ Một làm mẫu cho thiên hạ, không cho mình là thấy rõ cho nên sáng, không cho mình là phải cho nên rực rỡ, không tự khoe công cho nên có công, không tự khoe mình cho nên đứng đầu”. Như thế, chẳng phải là bậc thánh nhân trong Lão giáo đã từ bỏ mình cách triệt để rồi sao, các vị đã thể hiện sự “Vô Vi” mà Lão tử đã nghiệm thấy trong Đạo. Cái mục đích của bậc thánh nhân nhắm tới, không phải là để cho mình được mọi người kính trọng, cũng không ôm lấy những sự tốt lành cho riêng mình. Nhưng họ làm mọi việc chỉ vì Đạo. Đạo là gì, bậc thông suốt nhất cũng không thể thấu hiểu, nhưng họ chỉ cảm nghiệm được phần nào về Đạo trong sự từ bỏ của mình mà thôi. Họ chỉ làm trong sự quy hướng về Đạo, theo ý của Đạo. Nên bậc thánh nhân được trở nên sáng, bình an, và tĩnh lặng trong sự vĩnh hằng. Đạo giáo quả đã rất gần với cách thực hành của Công giáo xét theo nguồn gốc và căn nguyên của triết lý. Vì ý thức rằng, việc mình làm là do Trời ban, nhờ Đạo, và nhờ Chúa đã hỗ trợ trong ân ban của đấng Tối cao. Như vậy, con đường của Lão giáo đã chất chứa những chân lý cao siêu, mà chân lý chẳng phải là Thần Khí sao. Hơn nữa, trong cách hành đạo theo lý thuyết tinh tuyền của Lão giáo, quả là triệt để như Đức Kitô đã dạy các môn đệ của mình về sự từ bỏ cách triệt để, để sống cho Thiên Chúa. Cũng vậy nơi bậc thánh nhân, họ phải sống cho Đạo, vì ở nơi Đạo, họ tìm được sự bình an tối cao, và niềm vui tuyệt đỉnh.

Đức Phật Thích Ca đã dày công đi tìm chân lý, nên đã thành công trong sự giác ngộ. Ngài đã chứng đạo và để lại cho hậu thế một con đường đi tìm sự giải thoát. Suy tư về cuộc đời, Đức Phật đã tìm ra nguyên do của sự khổ, nên đã tìm ra phương cách để chữa trị. Ngài đã đề ra con đường trung đạo là Bát chánh đạo. Với Tứ diệu đế, tức là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, đây là con đường học hỏi và tập luyện của người Phật tử. Người Phật tử phải học cho biết về sự khổ, rồi từ đó, họ tu tập bản thân để tự giải thoát chính mình. Hướng đến của phật tử là giác ngộ để đạt đến niết bàn. Với người đã giác ngộ, tức là họ đã thoát ra khỏi chính mình, không lệ thuộc vào trần gian tức là đã quên cái bản ngã dục trần này. Lúc ấy, theo Đại thừa giáo là người ấy đã đạt đến tâm bát nhã. Tuy con người còn sống trong thế gian, nhưng không còn chịu sự chi phối bởi trần gian, điều này như Đức Giêsu đã nói: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17, 15-16). Như thế, người Kitô hữu hay người Phật tử, cuộc sống của họ là thuộc về một thế giới khác, thế giới mà họ đã gặp lại căn nguyên của mình trong “tính không” tức là “tâm bát nhã”, “chân như” hoặc “Nước trời”. Vậy, sự giác ngộ của Phật Thích Ca đã khai mở cho thế giới một con đường tu đức. Con đường ấy có phải do bởi sự thuần nỗ lực của con người như người ta thường nói hay không? Nếu chỉ do con người mà thành thì cũng không sai, vì trong con người có khả năng Chúa ban từ khởi thuỷ là lương tâm, và đó chính là linh lực của Thiên Chúa. Thế nhưng, Thần Khí vẫn luôn luôn lôi kéo, tác động và thúc bách con người hướng về Thiên Chúa.

Triết học Ấn Độ với sự suy tư đạt đến đỉnh cao “Chân tri” của một số bậc thầy trong các giáo phái đã giúp cho dân chúng tìm ra con đường giải thoát. Muốn được giải thoát thì phải đi tìm chân tướng của mình và của sự vật, nghĩa là phải đạt được sự hiểu biết thực sự. Để thực hiện chân tri, theo các đạo sĩ thấu thị thì phải có ba yếu tố: Tín, Trí và Hành. Như thế, bước đầu tiên của việc chân tri là niềm tin. Bởi vì niềm tin đem đến sự hy vọng cho con người, nâng đỡ sự giới hạn của lý trí con người, và cũng là động lực hay sức mạnh để con người đạt đến sự đồng nhất với Brahman. Biết là phải biết được mình, trong mình có “Ngã” (Atma), tìm cho ra cái “Ngã” tự hữu ở ngoài và ở trên mọi giới hạn của thân xác và tinh thần (Brahman). Khi đã có niềm tin và biết hướng đi thì cần phải thực hành. Cái ngã của ta nằm ở tự tâm, nên phải quy về nội tâm mà tìm. “Chủ thể tinh thần cần phải rời bỏ ngoại vật, kiềm thúc thân xác, rời bỏ ngũ quan bằng phép thiền định, chỉ chú trọng vào hơi thở; nhưng rồi cũng quên cả hơi thở để nhập vào cõi siêu hình”[2]. Một khi chủ thể rời bỏ ngoại vật, kiềm thúc thân xác và ngay cả việc quên cả hơi thở, đây chính là việc từ bở chính mình, quên bản thân. Quên vì không chiều theo các ước muốn của thân xác, của các khuynh hướng tự nhiên của mình. Chính lúc ấy, thân chủ sẽ gặp được bản thân, tức là tìm gặp cái “Ngã” tự thân. Tuy vậy, dầu có thiền định cũng không dễ để thấy được cái ngã tự tâm. Upanishad kêu gọi rằng “Hãy bước vào con đường tâm linh, nó mới làm cho tâm hồn trong sáng. Thực nghiệm tâm linh mới là mục đích của sự cố gắng của nhân loại”. “Con người chỉ có thể đạt được tự do tối cao khi nào ý trở nên hợp nhất với Thượng đế”. Lời kêu gọi con người hãy thực nghiệm tâm linh của Upanishad đòi hỏi con người phải vượt lên trên những thực tại tạm bợ mới có thể tiếp cận con đường tâm linh. Cho dầu, người ấy có ở trong trần gian, thực nghiệm hay dùng đến những gì là của thế gian, nhưng họ không bị lệ thuộc vào thứ gì do bởi lòng tham, sân, si. Những người ấy, họ đã đạt đến bậc thượng trí trong một tâm hồn bình an và kết hợp được cái Ngã bên trong và đại Ngã bên ngoài. Như vậy, tìm sự giải thoát theo Ấn Độ là một sự nỗ lực hướng đến con đường tâm linh để tìm cho ra cái ngã trong tâm. Nhận ra cái ngã ấy thì ta sẽ gặp được đại Ngã bên ngoài, đó là sự hợp nhất chính mình với Thượng đế.

Con đường giải thoát theo triết học Ấn Độ, đặc biệt là phái Upanishad đã triển khai cho chúng ta thấy, tâm thức của các đạo sĩ người Ấn năng hướng về sự kết hiệp với Brahman. Sự kết hiệp với Đấng tuyệt đối ấy, chắc hẳn rằng, họ không thể diễn tả được nỗi hạnh phúc như thế nào. Cũng như sự trở nên một với Thiên Chúa đối với người Công giáo vậy. Bởi vì, Brahman theo người Ấn là Đấng hằng hữu, đấng là Chân như, Đấng ấy không thể nói được nên gọi là tính Không, nghĩa là có cái có huyền nhiệm siêu việt tuyệt đối. Với người tín đồ Kitô giáo, chúng ta diễn tả sao hết với Chúa của mình, thì suy tư về Brahman của người Ấn cũng dùng những ngôn ngữ giới hạn mà thôi. Với sự hiểu biết về Brahman và trở về với Brahman, người Ấn đã trình bày một con đường, và con đường ấy là nhận cho ra tự Ngã bên trong là Atman. Atman có thể hiểu được như người Công giáo là linh hồn của con người. Con đường nhận ra tự Ngã, họ đã phải sống triệt để, có thể so sánh đời sống ấy như thánh nhân Công giáo vậy. Vậy, những suy tư của các đạo sĩ Ấn giáo có được thần khí tác động hay không? Chắc hẳn là có. Bởi vì, họ đã thao thức và miệt mài tìm kiếm chân lý; họ đã phải từ bỏ bản thân và thế gian để tìm kiếm chân lý tuyệt đối. Thần Khí Thiên Chúa sẽ mở cửa cho những ai miệt mài và kiên trì kêu xin Người trong danh Đức Giêsu. Mà, Đức Giêsu là sự thật, sự sống, sự sáng, và là tình yêu. Cho nên, những ai kêu lên Thiên Chúa nhân danh sự thật với lòng mến thì họ đã gián tiếp kêu lên danh Giêsu, Ngôi Lời nhập thể rồi.

Nhìn chung về các tôn giáo ta thấy rằng, những nỗ lực suy lý của các giáo tổ đã có một điểm gặp gỡ nhau trong Đấng tuyệt đối. Đấng ấy được thể hiện bằng những danh từ khác nhau như: Thiên Mệnh, Minh Đức, Đạo, Chân Như, Brahman… Dù cách gọi khác nhau nhưng được thể hiện cùng một nghĩa và có thể xem như Thiên Chúa của Công Giáo. Các con đường hành đạo là quy về với phần linh tính mà Đấng Tuyệt đối đã thể hiện trong con người đó là Tính Thiên Mệnh, Nhân Tâm, Atman và Linh hồn. Con người cần phải làm cho Tính trời trong con người được sáng ra, khi ấy, con người sẽ kết hợp được với đấng Brahman, Đạo… là Thiên Chúa. Tình trạng kết hợp ấy là trở nên “Cuộc sống sung mãn, được giải thoát hay giác ngộ, đạt tới mức độ viên mãn, tự thực hiện, hạnh phúc vĩnh cửu, kết hợp với Thực Tại Tối Hậu”; Và: “yến tiệc, hôn lễ, đời sống vĩnh hằng, bất tử, không còn bị huỷ hoại, ánh sáng, bình an, an toàn, toại nguyện, viên mãn, hiển trị với Thiên Chúa,…”[3]

Vậy, để tâm quan sát và học hỏi nơi các tôn giáo khác, chúng ta có thể tìm ra chân lý sự thật trong đó. Chính Thần Khí đã tác động lên tập thể và cá nhân để hướng dẫn con người trở về kết hợp với Thiên Chúa. Các tôn giáo đã thể hiện được sự trong sáng và tinh tuyền của mình để sống cho Đạo và cho con người. Tuy họ được Thần Khí tác động để trở về với Thiên Chúa, nhưng đó vẫn còn là cách thế mù mờ và nhiều lúc làm cho con người cảm thấy tuyệt vọng vì sự yếu đuối của thân phận xác phàm. Giá như, họ gặp được một Người Con của Đấng Tuyệt đối như họ hằng theo đuổi, Đấng ấy sinh xuống trần gian làm người như họ thì họ đã trở về với Chúa họ thờ thật dễ biết bao. Thực ra, Đấng ấy đã sinh xuống làm người rồi, đã trở nên như họ, sống như họ và hằng đem họ về với Chúa của họ. Thế nhưng, họ lại không nhận ra Người. Chắc hẳn rằng, họ vẫn còn suy tư, vẫn còn tìm kiếm. Cho nên, Thần Khí vẫn tiếp tục tác động, và Thần Khí sẽ giúp họ nhận ra Người Con của Đấng Tối Cao đang sống bên họ hằng ngày. Có thể nói được như vậy, vì, có những tôn giáo sự thật đều xuất phát từ một nguồn gốc là sự tác động và mặc khải của Thiên Chúa.

JB. Phạm Xuân Thanh

________________________________________
[1] Lý Minh Tuấn, “Đông Phương Triết Học Cương Yếu”, trang 158
[2] Xem sách đã dẫn, trang 356.
[3] Nguyễn Thái Hợp, “Đường Vào Thần Học Về Tôn Giáo”, Dấn thân-Houston, 2004, tr.105-106

 

 

 

Mới hơn Cũ hơn