Kính thưa quý vị,
Giáo xứ Tuy Hòa mừng kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ Tuy Hòa trong bầu khí Giáo hội Việt Nam cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 thành lập hai giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.
Một trong các mục đích mà Nội qui cử hành Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt nam xác định: “Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam. Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay”.
Trong cộng đồng dân tộc, Giáo xứ Tuy Hòa mừng kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ Tuy Hòa trong không khí sôi nổi của những hoạt động hướng về ngày kỷ niệm 400 năm Phú Yên.
Với những ý nghĩa nêu trên như những lý do phát xuất đề tài: “TỔNG QUAN BỐI CẢNH TIN MỪNG ĐẾN ĐÀNG TRONG HỒI THẾ KỶ 17” trong buổi tọa đàm hôm nay. Trong khả năng hạn hẹp của mình, tôi xin trình bày đề tài với những nội dung chính sau đây :
1. Bối cảnh Kitô giáo xung quanh Việt Nam trước khi các thừa sai dòng Tên đến Đàng Trong
2. Bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ 17
3. Thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong loan báo Tin Mừng
4. Thành lập hai giáo phận Tông Tòa tại Việt nam
5. Các nhóm thừa sai khác nhau đến Đàng Trong
6. Đúc kết: Soi gương người xưa
1. BỐI CẢNH KITÔ GIÁO XUNG QUANH VIỆT NAM TRƯỚC KHI CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẾN ĐÀNG TRONG
Nước Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ và có rất nhiều tên gọi khác nhau. Trong phạm vi bài nầy, xin được dùng Việt Nam thay cho những cách gọi khác nhau trong các thời kỳ lịch sử.
1.1. HOÀN CẢNH: – Do vị trí thiên nhiên, Bồ Đào Nha phát triển mạnh về hàng hải. Có được thế mạnh đó cùng với lòng nhiệt tâm truyền giáo, năm 1430, Đức Giáo Hoàng Martinô V trao cho Bồ Đào Nha quyền bảo trợ truyền giáo chư dân. Năm 1452, Đức Giáo Hoàng Nicôla V trao cho Bồ Đào Nha thêm cả quyền tài phán trên hai lĩnh vực vật chất và tinh thần.
Vào ngày 04.5.1493, một văn kiện ‘ba mặt một lời’[1] được ký để phân chia quyền bảo trợ truyền giáo cho hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đường ranh giới là kinh tuyến 30 từ Bắc cực xuống Nam cực. Tây kinh tuyến thuộc Tây Ban Nha, Đông kinh tuyến thuộc Bồ Đào Nha, gồm Phi châu và Á châu.
1.2. CÁC GIÁO PHẬN TRUYỀN GIÁO ĐƯỢC THÀNH LẬP TẠI Á CHÂU:
– Ngày 03.11.1534 : Thành lập giáo phận Goa từ mũi Hảo Vọng đến trọn Trung Quốc ( cả vùng Nam Á Châu).
– Ngày 04.02.1557 : Thành lập giáo phận Malacca từ hải khẩu phía Tây Malaysia đến hết Nhật Bản (Đông Dương, Indonesia, Triều Tiên, Áo Môn…)
– Ngày 23.01.1576 : Thành lập giáo phận Áo Môn ( Macao) bao gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
– Ngày 22.6.1622, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin. Sắc chỉ thành lập xác định : Tòa Thánh có sứ mạng trực tiếp lo việc truyền giáo. Thánh Bộ nầy đại diện Tòa Thánh trong mọi việc liên quan đến đức tin công giáo trên khắp hoàn cầu.
2. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM THẾ KỶ 17
Nhắc nhở lại công cuộc loan báo Tin Mừng của tiền nhân, chúng ta cũng cần nhận định và xếp đặt nó trong khung cảnh và tình trạng của thời đó.
2.1. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê lập ra nhà Mạc. Từ ấy, nhà Mạc phải đối phó với nhóm phò Lê mà chủ công là Nguyễn Kim và và người con rễ là Trịnh Kiểm. Trong lúc ‘phò Lê diệt Mạc’, bà con nhà Trịnh-Nguyễn phát sinh tranh giành quyền lực. Năm 1600, nhân nhà Mạc nổi dậy, Nguyễn Hoàng lấy cớ đi dẹp. Nguyễn Hoàng chạy thoát về Nam. Như thế, năm Canh Tý, 1600, Nguyễn Hoàng dứt khoát bỏ miền Bắc, đặt Thuận Quảng (Thuận Hóa-Quảng Nam) vào thế đứng biệt lập với Thăng Long.
Từ năm 1627 đến năm 1672, trong 45 năm ròng rã, hai bên Trịnh – Nguyễn đánh nhau dưới khẩu hiệu “Phò Lê”, hai bên không thể tiêu diệt được nhau nên phải chấp nhận chia cắt lãnh thổ. Sông Gianh – Nguồn Son, còn gọi là Linh Giang, trở thành ranh giới chia nước Việt Nam thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Lúc bấy giờ Phú Yên là biên giới cực Nam của Đàng Trong , cũng là cực nam của đất Việt. Theo kết luận cuộc hội thảo về niên đại tỉnh Phú Yên vào ngày 29/4/2003 tại Tuy Hoà, năm 1611 là thời điểm Phú Yên được chính thức ghi danh vào bản đồ đất Việt. Năm 1629, dinh Trấn Biên được chúa Nguyễn thành lập tại Phú Yên. Với việc thành lập nầy, Phú Yên đảm nhận vai trò quan trọng trong việc phòng thủ chốn biên thùy của nước Việt.
Vào cuối thế kỷ XVI, tại Đàng Trong, đã ra đời các đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại như phố cảng Hội An (Quảng nam), phố cảng Thanh Hà (Huế), phố cảng Nước Mặn (Qui Nhơn). Các phố cảng nầy chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ ngoại thương của các chúa Nguyễn. Đặc biệt Hội An và Nước Mặn là hai phố cảng gắn liền với lịch sử loan báo Tin Mừng ở Đàng Trong.
2.2. TÌNH HÌNH TÔN GIÁO-TÍN NGƯỠNG.
Đàng Trong là một vùng đất mới, được hình thành bởi chủ trương Nam tiến của vua Lê Thánh Tông cũng như chủ trương “Nam tiến, Bắc cự” của các chúa Nguyễn. Trong tiến trình tạo lập xứ Đàng Trong cũng là tiến trình liên tục di dân lập ấp, tổ chức khẩn hoang.
Với tâm đạo của mình, năm 1601, chúa Tiên-Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ. Năm 1607, chúa lập chùa Bửu Châu ở Trà Kiệu Quảng Nam. Năm 1609, chúa lập chùa Kính Thiên ở xã Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy- Quảng Bình. Năm 1677, Thiền sư Nguyên Thiều từ Quảng Đông đến lập chùa Thập Tháp, nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đó là những ngôi chùa được lập sớm nhất tại Đàng Trong vào thế kỷ 17.
Như thế điều kiện ‘cửa Khổng sân Trình’ và tổ chức tôn giáo ở Đàng Trong đầu thế kỷ 17 chưa chặt chẽ và ổn định như ở Đàng Ngoài. Đời sống tôn giáo – tín ngưỡng của cư dân phổ biến nhất là việc thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng các vị thành hoàng và các vị nhiên thần.
2.3. NGƯỜI DÂN VIỆT.
Chúng ta đọc lại chứng từ của một người đương thời xã hội Việt Nam đầu thể kỷ 17, Linh mục Christophe Borri, một thừa sai Dòng Tên đến ở Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622 : “ Tất cả các nước phương Đông đều cho người Châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ…… có lần có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là chữ đói, có nghĩa là tôi đói. Bởi vì vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy và đi qua các cửa nhà người dân mà kêu đói, thì tất cả đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ” [2]. Còn cha Đắc Lộ nhận xét : “ Số dân cũng rất đông, tính tình hòa nhã. Họ có lòng sùng kính nhà vua. Họ cũng có những tiến sĩ như người Tàu và đối với họ, hàng quan lại rất có thế giá. Tuy nhiên, tôi thấy họ không kiêu căng như người Tàu, dễ giao thiệp và là những binh sĩ rất lành nghề ”[3].
3. THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẾN ĐÀNG TRONG
Trước khi các thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong, một số Linh mục dòng Đa Minh làm tuyên úy cho các thủy thủ trên các thương thuyền đã đến Quảng Nam và Thuận Hóa. Các Linh mục tuyên úy nầy làm nhiệm vụ tuyên úy là chính. Việc loan báo Tin Mừng chưa có tổ chức quy mô.
Sang đầu thế kỷ XVII, với các thừa sai Dòng Tên, từ năm 1615, công cuộc truyền giáo được tổ chức đầy đủ và liên tục, các bản tường trình về khu truyền giáo được ghi ký rõ ràng. Nhờ đó, chúng ta có được những tài liệu chắc chắn và đầy đủ hơn.
3.1. BÁCH HẠI Ở NHẬT, CƠ HỘI TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM.
Năm 1614, Daifusama, hoàng đế Nhật ra chỉ trục xuất tất cả thừa sai ngoại quốc. Thừa sai Dòng Tên ở Nhật về Áo Môn. Chính sách bế quan tỏa cảng của hoàng đế Nhật mỗi ngày một chặt chẽ. Không hy vọng có thể lẩn lút vào đất Nhật một cách dễ dàng.
Giữa lúc đó thì ông Ferdinand Costa, thuyền trưởng có tên tuổi vùng Đông Ấn đến gặp các cha. Ông vừa ở cảng của chúa Nguyễn về Áo Môn. Ông trình bày những hy vọng đầy phấn khởi của một cuộc truyền giáo rất có thể ở xứ đó. Chính chúa xứ đó cũng uỷ nhiệm cho ông khi trở về Áo môn, tìm cách dẫn các thừa sai đến Đàng Trong và ông cũng yêu cầu các cha đừng từ chối lời yêu cầu chính đáng đó. Với ông, nên lợi dụng thời cơ thuận tiện làm ích cho các linh hồn. Ông cũng không quên nhấn mạnh về tính dễ dãi, hiền hòa của cư dân Đàng Trong.
Dạo đó, tại cửa Hội An, việc thương mại giữa Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản đã rất sầm uất. Người Trung Hoa và Nhật Bản được qui tụ làm hai khu riêng biệt theo luật lệ và phong tục của mỗi nước.
Nghe biết câu chuyện, cha Buzomi, người thành Napoli nước Ý, liền tình nguyện đến mở đầu công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong.
3.2. ĐOÀN THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN ĐẾN ĐÀNG TRONG:
Nhờ thương thuyền ông Ferdinand Costa, ngày 6.2.1615, cha Francesco Buzomi (Ý), cha Diego Carvalho (BĐN) và thầy Antonio Diaz (BĐN), rời cảng Áo Môn. Ngày 18.1.1615, đoàn truyền giáo tới Cửa Hàn ( Đà Nẵng).
Sau khi tới Cửa Hàn, lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, phải qua thông dịch viên hạng ‘i-tờ’. Công việc đầu tiên của cha Buzomi là cất tạm một nhà nguyện cho giáo dân Nhật ở đó và cho người Bồ trong thời gian đến buôn bán.
3.3. THÀNH LẬP CƯ SỞ TẠI HỘI AN, QUẢNG NAM :
Đến Cửa Hàn trước nhưng các thừa sai lập cư sở đầu tiên của mình tại Hội An. Trong các báo cáo thường niên, các thừa sai luôn luôn dùng từ cư sở Hội An ( Residentia Fayfo) [4]
Được biết công cuộc truyền giáo Đàng Trong được nhiều kết quả và hứa hẹn, năm 1617, bề trên dòng ở Áo môn sai thêm cha Francisco de Pina, người Ý và cha Manuel Barreto, người Bồ đến góp công góp sức với phái đoàn cha Buzomi.
Nhưng công cuộc loan báo Tin Mừng bao giờ cũng tiến theo con đường thập giá. Năm 1617 trời hạn hán, không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Dân chúng cho rằng trời hạn hán là vì các thần nổi giận thấy dân chúng bỏ theo đạo mới để miếu mạo hoang vu, muốn cho các thần nguôi đi chỉ có cách là đuổi các đạo sư tây dương ra khỏi nước. Dân chúng yêu cầu chúa Nguyễn trục xuất các thừa sai. Một đàng muốn giữ các thừa sai lại để bảo đảm việc liên lạc thương mại với người Bồ, một đàng cần lấy lòng dân chúng. Sãi Vương cho mời các cha đến và thông báo cho các cha hay, mình vẫn một lòng quí mến các cha và mong muốn các cha ở lại Đàng Trong, nhưng để làm dịu quần chúng, nhà chúa yêu cầu các cha tự ý rời Đàng Trong một thời gian, sau đó sẽ trở lại.
Theo ý Sãi Vương, các cha gạt nước mắt ra đi, để lại một giáo đoàn mới chớm nở. Thuê được một chiếc thuyền để ra khơi về Áo môn, nhưng trái gió đành phải trở lại sống lẩn lút ở một khu rừng hoang bên bãi biển. Không chịu được cảnh bùn lầy nước đọng. Cha Buzomi ngã bệnh.
3.4. THÀNH LẬP CƯ SỞ TẠI NƯỚC MẶN, QUI NHƠN [5].
Trong rừng hoang nước độc, bệnh tình của cha Buzomi mỗi ngày mỗi nặng, cha chỉ còn biết trông cậy ơn Chúa giúp, Chúa đã dùng ông Trần Đức Hòa, quan Tuần phủ Qui Nhơn [6] để cứu cha.
Đây là lời tường thuật của cha Borri, người trong cuộc : “Cha Buzomi, cha De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến ….. tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền, đặt giải thưởng cho thuyền nào thắng cuộc…. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình. Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh…. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi. Ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận tiện không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết …” [7]. Sự kiện nầy, tháng 7 năm 1618, cho thấy tình yêu quan phòng của Cha trên trời thật mãnh liệt. Thật vậy “ một sợi tóc trên đầu các con cũng được đếm cả rồi” ( Mt 10, 30).
3.5. THÀNH LẬP CƯ SỞ TẠI THÀNH CHIÊM, QUẢNG NAM
Từ năm 1618 đến năm 1622, số thừa sai hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong: cha Buzomi, cha De Pina, cha Borri với hai thầy Diaz và Agostinô ở Nước Mặn, còn cha Pedre Maquez và hai thầy người Nhật ở Hội An.
Cha De Pina, sau khi đã thông thạo tiếng nói và phong tục dân xứ, năm 1623, cha được phái đến hoạt động truyền giáo ở Thành Chiêm, Quảng Nam. Trong thư cha Pina viết cho bề trên ở Áo Môn tường trình năm 1622-1623, trong đó có nói đến cư sở nầy: “ …thưa cha đáng kính, con đã mua hai nhà của mẹ bà Gioanna tại Cacham, mỗi nhà gồm ba gian, một nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện…” [8]
4. THÀNH LẬP HAI GIÁO PHẬN TÔNG TÒA TẠI VIỆT NAM
Sau 44 năm hiện diện loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong và 32 năm tại Đàng Ngoài, các thế hệ thừa sai Dòng Tên đã xây dựng nền móng cho Giáo hội Việt nam, nhờ đó ngày 09/09/1659, Đức Giáo hoàng Alexandre VII ký sắc chỉ Super Cathedram thành lập hai giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Sau 12 năm nhận lãnh sứ mạng mục tử, Đức Cha Lambert de la Motte mới có thể đến giáo phận Đàng Trong của ngài. Ngày 01-09-1671, Đức cha Lambert đã có mặt ở Nha Trang, thăm họ Lâm Tuyền (Chợ Mới), Nha Rou (Ninh Hòa), Phú Yên, Nước Mặn rồi đi Quảng Ngãi. Tháng 12-1671, Đức cha Lambert lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, một họ đạo ở phía Nam Quảng Ngãi, ngày nay thuộc giáo xứ Châu Me. Bề trên nhà là chị Lucie, em gái cha Giuse Trang. Cha Giuse Trang và cha Luca Bền là hai linh mục tiên khởi người Việt được Đức cha Lambert de la Motte truyền chức tại Juthia, Thái Lan vào ngày 31 tháng 3 năm 1668.
Như thế, lúc bấy giờ đã có Linh mục và Nữ tu người Việt tiếp sức vào công cuộc loan báo Tin Mừng với các thừa sai. Tuy nhiên, đó là những tiếp sức còn nhỏ lẻ vì con số Linh mục và Nữ tu chưa có nhiều. Tông đồ giáo dân vẫn là lợi thế trong việc loan báo Tin Mừng.
5. CÁC NHÓM THỪA SAI KHÁC NHAU ĐẾN ĐÀNG TRONG
Thời điểm năm 1623, các thừa sai Dòng Tên đã có 03 cư sở : Hội An, Nước Mặn và Thành Chiêm. Từ ba cư sở nầy, các thừa sai Dòng Tên đã mở rộng công cuộc loan báo Tin Mừng cho cả Đàng Trong. Tại Phú Yên, sau khi bà Ngọc Liên công chúa, vợ quan trấn thủ Dinh Trấn Biên, lãnh nhận bí tích Thánh tẩy năm 1636, bà đã lập một nhà nguyện tại Dinh Trấn. Đây là ngôi nhà nguyện đầu tiên của Phú Yên.
Sau khi các nhà truyền giáo Dòng Tên rời khỏi Đàng Trong (1665), lúc đầu vùng truyền giáo Phú Yên do các Linh mục thừa sai Ba-Lê đảm nhận. Nhiều giáo điểm có nhà nguyện được thiết lập, nhưng số Thừa Sai còn ít ỏi, không ở cố định một nơi, sự hiện diện của các Thừa Sai chỉ có tính cách vãng lai. Như thời điểm 1674, một mình Linh mục Gabriel Bouchard (MEP) phụ trách cả vùng Phú Yên, thời điểm 1683 một mình Linh mục Jean Baptiste Ausiès de Fonbone (MEP) bao trọn cả Phú Yên và Qui Nhơn ( Bình Định ). Thiếu Linh mục, nhưng công cuộc loan báo Tin Mừng luôn phát triển nhờ tông đồ giáo dân.
Tiền bán thế kỷ 18, công cuộc loan báo Tin Mừng ở Phú Yên được hai nhóm thừa sai phụ trách: phía Bắc của tỉnh thuộc quyền Hội Thừa Sai Balê, đặt cư sở tại Chợ Mới và vùng phía Nam do các thừa sai của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, đặt cư sở tại Phong-Lua [9]. Năm 1736, cha Giuseppe Martiali xây dựng tại Phong-Lua một nhà nguyện [10] . Như vậy, cơ sở của hai nhóm đều đặt tại phần đất giáo xứ Mằng Lăng ngày nay. Lúc bấy giờ, theo kiểm kê của Đức cha Bennetat , tỉnh Phú Yên gồm có 10 Nhà Nguyện và 6 Nhà Thờ [11]. Theo báo cáo của Hội Thừa Sai Paris năm 1747, trong tỉnh Phú Yên có 14 nhà thờ và nhà nguyện.
Chặng đường dài truyền giáo kể trên như thời gian tung gieo hạt giống chờ ngày mùa tử đạo. Tiền bán thế kỷ 19 với những sắc chỉ cấm đạo triệt để, rồi dây dưa tiếp diễn một thời gian dài. Tín hữu thông phần thập giá với Chúa Giêsu đủ trăm ngàn cách. Cao điểm khốc liệt nhất là chiếu chỉ phân sáp và những ngày tháng của phong trào Văn Thân “Bình Tây Sát Tả”. Tổng kết toàn tỉnh Phú Yên: Trước Văn Thân có 6.890 tín hữu gồm 40 họ đạo, 02 nhà phước, sau Văn Thân còn 1.109 người [12].
6. ĐÚC KẾT : SOI GƯƠNG NGƯỜI XƯA
Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiền nhân, soi gương người xưa, xét trên yếu tố con người, chúng ta có thể nói rằng công quả, hay thành công của các thừa sai Dòng Tên có được là do các ngài làm việc có phương pháp: tận dụng và thích ứng.
5.1. TẬN DỤNG NHỮNG THUẬN LỢI
– Được ra vào tiếp xúc chốn cung đình cũng như tiếp cận người dân Việt có đời sống thanh bạch đơn sơ chất phác và tâm hồn từ bi thương người, nhẫn nhục làm ăn, tôn trọng lễ nghĩa cương thường.
Không có óc bài ngoại đó, nên các thừa sai được giáo dân tôn trọng, quý mến, được coi như những người cha trong nhà. Với tình nghĩa thầy trò, các thừa sai có thể tìm dễ dàng những người cộng tác trung thành và quyến luyến trong hoạt động tông đồ giáo dân, đặc biệt tổ chức thầy giảng là một tổ chức đã được đề cao trong lịch sử truyền giáo Việt nam.
Dùng người Việt để loan Tin Mừng cho người Việt. Các thừa sai đã kể cho chúng ta biết bao kết quả thu lượm được do những giáo dân như bà Maria Minh Đức, Bà Ngọc Liên công chúa, và nhiều những ‘tông đồ giáo dân bình dân’ xuất sắc trong lãnh vực và nghề nghiệp của mình như bà Gioanna, vừa tảo tần buôn bán vừa đem Tin Mừng đến cho hơn vài chục người.
5.2. THÍCH ỨNG HOÀN CẢNH VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI
Có nhiều thuận lợi nhưng không thiếu thánh giá. Nhiều phen các thừa sai bị trục xuất vì những lý do khác nhau. Các ngài phải trốn lánh và kiên trì vào ra, tới lui Đàng Trong như những điệp khúc.
Bước vào hoạt động, các thừa sai rất hy sinh. Hy sinh ‘bánh mì’ người Âu châu để ‘ăn cơm’ với người Việt. Một thừa sai có thể phụ trách cả một giáo đoàn rộng lớn, không mấy lúc được nghỉ ngơi. Tất cả một đời hy sinh vô bờ bến.
Bên lòng hy sinh đó, các thừa sai không hề nghĩ đến việc trục lợi cho mình, cho Dòng mình hay cho quốc gia mình. Trong các bản tường trình hay các sách để lại, chúng ta không hề thấy đả động đến vấn đề quốc gia của các ngài. Tất cả cho dân Việt, không pha trộn vấn đề chính trị trong vấn đề tôn giáo.
Nhìn vào thực hành, chúng ta nhận thấy các thừa sai đồng hóa với người Việt để tìm hiểu văn hóa, phong tục, tính tình, hòa mình với nếp sống Việt, thích ứng đạo lý với trình độ tinh thần và tình trạng xã hội của người Việt. Chữ quốc ngữ là một công trình thích ứng lớn lao xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung và cách riêng một nền văn hóa Kitô giáo.
[1] BĐN-TBN- TÒA THÁNH ( Đức Alexandre VI)
[2] Christophe Borri, xứ Đàng Trong năm 1621, nxb tp. HCM 1998, tr.49-50.
[3] Đắc Lộ, Hành Trình và Truyền Giáo, bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên, chương I.
[4] Đỗ Quang Chính Sj, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng 2006, p. 23
[5] Cư sở nầy ngày nay thuộc vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
[6] Em kết nghĩa với chúa Nguyễn Hoàng.
[7] Christophe Borri, xứ Đàng Trong năm 1621,. nxb tp. HCM 1998, tr.95-102
[8] Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, nxb. Antôn&Đuốc Sáng, tr. 67-68
[9] Phong lua đó là Phường Lụa, tục danh thôn Ngân Sơn thị trấn Chí Thạnh ngày nay, một vùng sản xuất lãnh lụa ngũ sắc nỗi tiếng một thời, ca dao còn để lại: Đất Cù Du là nơi chiếu tốt, Lãnh nào tốt bằng lãnh Ngân Sơn
[10] BAVH, No.4, p.208-209 . Cha Martiali thuộc Dòng Sylvestrê, người Ý, thừa sai Thánh Bộ Truyền Giáo.
[11] BAVH, No.4, p.208-209
[12] R.A.E 1885. Mgr Van Camelbeke
——————————-
Lm. Gioan Võ Đình Đệ