Nhớ về thời mở cõi

Những tồn nghi buổi đầu:

Tìm hiểu lịch sử mở cõi về phương nam, từ Quảng Bình đến Hà Tiên có lẽ Phú Yên là nơi nhiều tồn nghi hơn hết.

Từ khi vua Lê Thánh tông chiếm thành Chà Bàn năm 1471 đến năm 1597 khi Lương Văn Chánh đưa dân vào đây, vùng này được các sử gia coi là đất ki mi, thuộc về ai, gọi tên là gì, lịch sử cũng còn mờ mịt. Cái tiểu quốc Hoa Anh để cùng Nam Bàn và Chiêm Thành ràng buộc trong thế tam phân vẫn đặt bên dấu hỏi. Lê sử chỉ nói qua, Nguyễn sử không nhắc đến. Về sau, các sử gia cho là vùng Khánh Hòa ngày nay, hoặc có lẽ ở khoảng giữa Đèo Cả và Bình Định, tức là đất Phú Yên.

Ngay như thời điểm Lương Văn Chánh bạt phá Thành Hồ năm 1578 cũng do suy luận, sử sách không chép chính xác. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết trong mục Kiên trí- Duyên cách :” Bản triều Gia Dụ Hoàng đế năm thứ 21 Mậu Dần, Lê Quang Hưng nguyên niên, vua ủy Lương Văn Chánh làm Trấn Biên quan chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn đất hoang ở Đà Diễn”. Trong mục Cổ tích nói về “An Nghiệp cố thành: Tương truyền thành này do người Chiêm Thành xây đắp, tục danh là Thành Hồ. Buổi quốc sơ Lương Văn Chánh bạt phá, nay nền cũ vẫn còn “– không nói năm nào. Đối chiếu thì năm Mậu Dần, Nguyễn Hoàng thứ 21, Quang Hưng thứ 1 là năm 1578 dương lịch; đến năm Đinh Dậu, Nguyễn Hoàng thứ 40, Quang Hưng thứ 20, dương lịch 1597 Nguyễn Hoàng mới có công văn cử Lương Văn Chánh vào khai khẩn đất hoang, thành lập làng xóm từ Cù Mông đến Bà Nông. Từ đó suy ra, chắc hẳn năm Lương Văn Chánh bạt phá Thành Hồ An Nghiệp là năm 1578 để 19 năm sau ông đưa lưu dân vào.

Người Chăm Pa gọi Thành Hồ là thành gì đến nay chưa biết. Ít nhất nó cũng phải có một cái tên phiên âm ra chữ Hán như thành Đồ Bàn, thành Phật Thệ… nhưng chỉ nói tục danh là Thành Hồ, có nơi ghi là Hồ vương thành (thành của vua Hồ). Cách gọi này theo quan điểm xưa của Tàu, coi ta là trung tâm, ta là văn minh, còn bốn bên chung quanh đều là Hồ, Phiên, Nhung, Địch!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy trong Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam viết: “Sau khi làm chủ toàn bộ lãnh thổ Panduranga, Po Klong Hlau mở rộng giao thương với Phương Tây, nhà vua tìm mua súng điểu thương và những khẩu đại pháo phòng thủ bờ biển và kinh thành. Không bao lâu sau vương quốc Panduranga trở nên hùng mạnh, Po Klong Hlau tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Đại Việt, chiếm Thành Hồ (Tuy Hòa) vào năm 1579 và thách đố các thế lực khác trong vùng, nhất là Chân Lạp”.

Thêm một điểm bổ sung: Năm 1578 Lương Văn Chánh bạt phá Thành Hồ, năm 1579 người Chăm chiếm lại, sau đó có một liên minh lỏng lẻo giữa Chăm Pa và Chúa Nguyễn. Đến năm 1597 nhân lúc chiến tranh giữa Chân Lạp và Chăm Pa, trong khi mặt nam quân Khmer tiến đánh Panduranga thì mặt bắc Chúa Nguyễn cho Lương Văn Chánh đưa dân vào định cư tại địa phận lâu nay là vùng đệm.

Cơng lệnh năm 1597 cử Lương Văn Chánh lo việc khai khẩn từ Cù Mông đến Bà Nông đóng dấu Tổng trấn tướng quân chi ấn (tức Nguyễn Hoàng) nhưng chức vụ chính thức của Lương Văn Chánh là gì, tổ chức hành chánh tại vùng đất mới này thế nào, vấn đề quản lý lưu dân ra sao… không tìm thấy văn thư tiếp theo quy định. Lương Văn Chánh mất năm nào, tình hình an ninh trật tự ở đây ra sao để dẫn đến cuộc nam chinh của Văn Phong năm 1611 chỉ gom lại mấy chữ “người Chiêm xâm lấn biên cảnh”! Phải từ năm 1611 về sau lịch sử Phú Yên mới được sáng tỏ dần.

Thứ nữa… trước khi gia nhập Đại Việt đất Phú Yên thuộc tiểu vùng nào của vương quốc Chăm Pa? Tất nhiên không nằm trong Kauthara, nhưng cũng không phải trong Vijaya. GS Trần Quốc Vượng nói rằng theo Đường thư thì Phú Yên thuộc tiểu quốc (mandala) Môn Độc quốc (Mondu). TS Nguyễn Văn Huy (cũng tư liệu trên) thì viết rằng Phú Yên là tiểu quốc Aryaru. Theo TS Nguyễn Văn Huy khi Chăm Pa đã lâm vào cảnh tam phân, những người Chăm Pa ở Ninh Thuận cho rằng họ là người Chăm gốc, họ gọi người Chăm ở Bình Định, Phú Yên sống chung với người Việt là Chăm Hoi hay Chăm Hroi (do đó sau này từ Hời dùng để chỉ chung dân tộc Chăm), người Chăm sống chung với các dân tộc đông Tây Nguyên là Chăm Pal.

Mới đây, B.C tác giả bài “Người Chăm H’Roi” viết: “Người Chăm Hroi ở Bình Định và Phú Yên là một nhánh khá đặc biệt trong cộng đồng người Chăm sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Vùng này tên là Vijaya, là trung tâm chính trị của vương quốc Champa vào khoảng thế kỉ thứ 15. Vijaya có nghĩa là chiến thắng, cũng cùng tên với vương quốc Sri-Vijaya ở Sumatra, từng khống chế cả một khu vực biển Đông Nam Á suốt từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ thứ 13, với một khu cảng đặt tại địa bàn này. Vijaya nằm cạnh vùng đệm Aryaru (Phú Yên) mà thơi thế kỉ thứ 5 thường xuyên là nơi va chạm giữa Champa và Phù Nam mà sau này là Chân Lạp”. Đoạn văn này thêm xác minh về địa danh Aryaru đồng thời gợi một suy nghĩ. Vùng đất này từ thuở mang tên Aryaru từng là vùng đệm, mang tên Hoa Anh cũng là vùng đệm, đến khi mang tên dinh Trấn Biên lại là vùng đệm nữa? Nó phải gánh vác vai trò “phên giậu” nặng nề trải hơn 12 thế kỉ!

Và, thêm một câu hỏi nêu ra: Phải chăng Aryaru hay Chăm H’roi, Chăm Hoi được Việt hóa thành Hoa Anh và Chăm Pal Việt hóa thành Nam Bàn? Bởi vì, những “người” Hoa Anh hay Nam Bàn nào biết “nước” họ là Hoa Anh, Nam Bàn, những địa danh này chỉ có trong một ít sử liệu Việt Nam.

Đâu là vùng đất hoang?

Đọc lại cơng lệnh năm 1597 của chúa Nguyễn Hoàng:

“…Bảo cho Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh (…) sức các hộ nhân dân mới đến tựu các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông trên từ nguồn di dưới tới cửa biển kết lập địa phận gia cư khai khẩn ruộng đất hoang tới khi thành thục nộp thuế như lệ thường…”.

Với nội dung như thế có thể hình dung vùng Phú Yên thời ấy từ bắc vào nam từ tây xuống đông toàn là đất hoang, Lương Văn Chánh có nhiệm vụ đưa lưu dân tới khai khẩn, lập ra làng xóm.

Thế nhưng, trước đó dù thuộc Vijaya hay là Mondu, là Aryaru thì vùng này đã là vùng phồn vinh, bởi vì với ruộng đồng, sông nước, núi non, biển giả như thế, lại sát cạnh kinh đô Vijaya không lẽ Aryaru lại là vùng hoang sơ ? Bằng chứng còn lại đến ngày nay như di tích Tháp Nhạn và những phế tích khác trong đó quan trọng nhất là Thành Hồ.

Năm 1932 trong báo cáo của Sở Thủy nông Đông Dương về việc xây dựng đập Đồng Cam, người Pháp cũng xác nhận: “Việc dẫn nước vào tưới cho đồng bằng Tuy Hòa là một vấn đề rất được mong đợi. Trước đây ít ra cũng đã được người Chàm thực hiện một phần. Sự thịnh vượng của vùng này được xác nhận bằng các di tích ngay tại Tuy Hòa và bằng thành cổ mà nền móng tìm thấy trong quá trình đào đất. Thời kỳ thịnh vượng đó chắc chắn là kết quả của việc xây dựng các kênh dẫn nước mà người ta đã tìm thấy một số trong quá trình thi công”. Trong diễn văn khánh thành đập Đồng Cam ngày 7/9/1932, ngay sau câu mở đầu Toàn quyền Đông Dương Pièrre Pasquier nói: “Chúng ta tiếp tục với một kĩ thuật khoa học, chủ trương cũ của người Chàm, những người nông dân tuyệt vời với kĩ năng và nhiều cách mà chúng ta hết sức thán phục, đã biết dẫn nước và chinh phục nước” (Nous reprenions, avec une technique scientifique, la conception des Chams, ces merveilleux agriculteurs, qui surent, avec ingéniosité et par des moyens qui forcent notre admiration, conduire et discipliner l’eau).

Vậy thì tại sao bỗng nhiên thành vùng đất hoang? Có thể hiểu từ trận Thành Hồ năm 1578, trận tái chiếm năm 1579, đến khi Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào năm 1597, qua chiến tranh khốc liệt, người Việt chưa đến, người Chăm xiêu tán khắp nơi, để lại nơi đây là một miền không vết chân người, trải qua gần 20 năm ruộng đồng đã thuần thục thành ra hoang hóa, muốn trồng trọt phải làm lại từ đầu. Và phải chăng vì quan niệm phong thủy khác nhau, vì kĩ thuật canh tác khác nhau, vì “lí do chính trị” với mặc cảm tự tôn và lòng tự ái chẳng hạn, người Việt đã bỏ luôn những công trình trị thủy của người Chăm mà sau này người Pháp đa hết lời ca ngợi là những nông dân tuyệt vời?

Nếu coi tất cả Phú Yên là đất hoang thì mức độ hoang hóa có khác nhau, dù sao công việc phục hóa một phần diện tích quan trọng cũng có phần thuận tiện hơn. Có thể hình dung ra thực trạng lúc bấy giờ và phân chia thành ba vùng:

1.- Những nơi vốn là ruộng đất cũ của người Chăm, bị bỏ hoang sau chiến tranh, tập trung tại các vùng trước kia là làng xóm ở đồng bằng, việc giao thông thuận tiện bằng cả đường bộ lẫn đường sông. Đây là các địa điểm đã được chỉ định rõ ràng: Cù Mông (huyện Sông Cầu ngày nay), Bà Đài (huyện Tuy An ngày nay), Bà Diễn (thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, một phần huyện Tây Hòa ngày nay) và Bà Nông (một phần huyện Đông Hòa ngày nay).

2.- Những nơi là lân cận của các vùng nói trên, ven đồng bằng, cận sơn, tương đối gần và có thuận tiện nhưng trước kia người Chăm không đủ lực lượng khai khẩn, chẳng hạn ngày nay là phía bắc huyện Sông Cầu, phía nam huyện Đồng Xuân, vùng gần núi các huyện Tuy An, Phú Hòa.

3.- Những nơi ở xa, cao nguyên, miền núi, các thung lũng đầu nguồn… tiếp cận với các bộ lạc dân tộc phía đông Trường Sơn, việc đi lại bất tiện, chưa được khai khẩn, nhưng do nhu cầu an ninh để giữ vững đồng bằng, cũng là nhu cầu dàn trải dân chúng khắp từ nguồn di đến cửa biển cần phải phá hoang, lập làng. Đó là vùng phía tây bắc huyện Đồng Xuân, phía tây huyện Tây Hòa và cả huyện Sơn Hòa.

Việc khẩn hoang tại ba vùng này không theo thứ tự phương hướng bắc-nam hay đông-tây mà là những đốm da beo loang lổ, như những điểm tiền đồn-hậu cứ và tất nhiên được tiến hành đồng thời theo một quy mô chung, có sự đôn đốc và kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ.

Tình hình Phú Yên thời khẩn hoang:

An cư mới lạc nghiệp, những biến cố của thời cuộc có ảnh hưởng lớn đến mọi công việc của người dân. Điểm lại tình hình vùng đất Phú Yên lúc bấy giờ thấy rõ từng giai đoạn.

-Từ năm 1597 đến năm 1611, là thời kỳ đặt dưới quyển chỉ huy của Lương Văn Chánh. Lịch sử không ghi rõ chức vụ chính thức của ông (đời sau cứ gọi một cách chung chung là Trấn Biên quan = ông quan cai trị vùng Trấn Biên), cũng không ghi rõ tổ chức làng xóm lúc này ra sao. Phải chăng đây là giai đoạn gần như quân quản? Tuy vậy có thể thấy đây là một gian đoạn ổn định. Sau chiến thắng Thành Hồ năm 1578, trận phản công năm 1579 (tất nhiên cũng chiến thắng) và sau đợt di dân ồ ạt năm 1597 chắc chắn người Việt mang vào đây một lực lượng hùng hậu với cả một khí thế hào hứng, quyết tâm tìm sự no ấm trên vùng đất mới. Lương Văn Chánh vừa là tướng cầm quân, vừa là nhà cai trị, có tài chỉ huy, tổ chức, điều hành, có đầy đủ cương và nhu nên không có một mầm mống chống đối nào. Nhưng có lẽ cái uy của ông lớn quá, cái bóng của ông rộng quá, những phụ tá của ông không có điều kiện phát triển tài năng, ông không đào tạo được người thừa kế sự nghiệp, nên sau khi ông qua đời (?) thì biến động liền xảy ra.

-Từ năm 1611 đến năm 1629, là thời kỳ đặt dưới quyền điều hành của Lưu thủ Văn Phong. Văn Phong được cử vào dẹp yên cuộc biến loạn năm 1611. Lịch sử không miêu tả nhiều, có nghĩa là ông đã thành công nhanh chóng, không gặp khó khăn gì, chứng tỏ cuộc biến loạn này cũng không quy tụ được lực lượng mạnh mẽ, không làm được điều gì gây tác hại nghiêm trọng cho chính quyền người Việt. Nhờ công lao xây dựng của Lương Văn Chánh trong 14 năm qua bằng những thành tựu thực tế đáng kể mà một trang sử mới được viết nên: đơn vị hành chánh chính thức thành lập, vùng đất hoang hóa ngày nào nay đã có tên gọi: phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Đến đời Minh Mạng nhà Nguyễn ranh giới hai huyện còn ở sông Đà Rằng, chắc là ranh giới lúc đầu cũng tại đây.

-Từ năm 1629 đến năm 1773, là thời kỳ ổn định tương đối dài, chỉ có một vài biến động nhỏ. Năm 1629 Văn Phong bị kết tội “dùng người Chiêm Thành làm phản”. Văn Phong có mưu đồ thực chăng với hành động cực kỳ nguy hiểm là cấu kết với những người đã bị chính ông trừ khử? Có thể Văn Phong cũng là một người anh hùng, hiểu được vị trí và tiềm năng của Phú Yên, muốn lấy nơi đây làm căn cứ ban đầu cho giấc mộng riêng núi riêng sông. Cũng có thể đây là một vụ án mang tính “chính trị”, chúa Sãi cần thanh trừng một người có công với chúa Tiên mắc bệnh “công thần” chẳng hạn. Bậc vua chúa nào không sợ kẻ bề tôi tài cán hơn mình, nhất là đối với những người đã hoàn thành sứ mệnh? Hơn nữa, dùng một Phò mã được ban quốc tính cai quản vùng Trấn Biên chẳng đáng tin cậy hơn sao? Bởi vậy Nguyễn Phước Vinh được nhiều quyền hạn và đặc ân cho dùng dấu son. Sau 18 năm cầm quyền tiếp tục sự nghiệp của Lương Văn Chánh, vẫn trong không khí gian nan buổi mở cõi, Văn Phong đã đẩy mạnh tiến độ khẩn hoang lập làng để khi Nguyễn Phước Vinh kế nhiệm thì Phú Yên được nâng lên cấp “dinh” là cấp hành chánh địa phương cao nhất nước, ngang hàng với các nơi đã có một bề dày lịch sử.

Trên 140 năm này chỉ có 2 vụ biến động. Năm 1695 nhóm Linh Vương nổi lên ở Quảng Ngãi, bị đàn áp, đồ đảng là Quảng Phú cùng thuộc hạ 20 người chạy vào Phú Yên, nhưng bị dân chúng miền núi bắt nộp và bị giết. Quan trọng hơn là năm 1709 với vụ mưu phản của Nội hữu phò mã Tống Phước Thiệu, cùng Cai đội Nguyễn Cửu Khâm và Tôn Thất Thận ngầm cấu kết với một số hào kiệt, mưu đồ trước lấy Bình Khang, sau lấy Phú Yên, ra lấy Quảng Nam rồi tiến về lấy Chính dinh Phú Xuân. Cơ mưu bị lộ, Tôn Thất Thận đi tố cáo. Tống Phước Thiệu bị bãi làm thứ dân, bị tù, Thận bị cách làm lính, Nguyễn Cửu Khâm, Trịnh Nghệ và Tường Vân bị xử tử.

-Từ năm 1773 đến năm 1801, là thời kỳ tranh chấp dai dẳng giữa nhà Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn vương Anh. Là thời kỳ bất ổn nhất của Phú Yên. Nằm giữa gọng kềm của hai thế lực, phía bắc Qui Nhơn là đất thang mộc của vua Tây Sơn, phía nam Diên Khánh là căn cứ vững chắc của Nguyễn vương, Phú Yên là chiến trường đỏ lửa, là nơi để các tướng tài hai bên dùng võ công xây dựng binh nghiệp. Có năm như 1799, 1800 Phú Yên đến mấy lần thay vua đổi chủ, quân Qui Nhơn kéo vào thì quân Diên Khánh rút, quân Diên Khánh tấn công thì quân Qui Nhơn rút, người dân Phú Yên phải đi lính cho hai bên, đóng thuế cho hai bên. Vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, Tham đốc Tây Sơn Phạm Văn Điềm với kế hoạch tử chiến, biên hết dân đinh làm lính, như ngày nay ta tổng động viên, khiến quân Diên Khánh phải đợi đại quân từ Sài Gòn ra mới dám tiến. Như vậy việc khẩn thêm đất hoang lập thêm làng xóm chắc chắn là thật khó khăn.

Các lực lượng khẩn hoang:

Việc khẩn hoang hầu như liên tục theo suốt thời gian. Lực lượng khẩn hoang tại Phú Yên gồm nhiều đợt và mỗi đợt có thành phần khác nhau, xuất phát từ nhiều vùng miền, nhiều địa phương khác nhau.

Quan trọng hơn hết là những lưu dân đầu tiên từ Thuận Quảng theo sau vó ngựa Lương Phù Già vào năm 1597. Phần đông họ là khách hộ của các thôn phường, theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay là những người chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú, một số là những dân nghèo không có ruộng đất, ra đi với ước vọng có cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Số lượng lưu dân này chắc chắn là rất đông và bổ sung nhiều lần trong nhiều năm để có thể lan toả định cư khắp nơi, trải suốt hạ bạn là vùng đồng bằng, ven biển từ Cù Mông (huyện Sông Cầu ngày nay), Bà Đài (châu thổ Sông Cái, huyện Tuy An ngày nay) đến Bà Diễn (châu thổ sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa ngày nay), Bà Nông (châu thổ sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa ngày nay) và trên tự đầu nguồn là vùng huyện Sơn Hòa, huyện Đồng Xuân ngày nay.

Năm 1648 đời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan quân Nguyễn do Thế tử Dũng Lễ hầu Nguyễn Phước Tần tổng chỉ huy đại thắng bắt được các tướng của chúa Trịnh (tên Gia, Lý, Mỹ) và nhiều quân lính (ba vạn?). Các tướng và 16 chỉ huy cao cấp được trả về Bắc , còn quân lính đem chia ra cứ 50 người làm một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm, phân phối từ Thăng Bình, Điện Bàn vào đến Phú Yên. Lại ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay và cho họ được tìm lấy những lợi núi đầm làm ăn sinh sống, về sau thành hộ khẩu.

Từ năm 1655 đến năm 1660 đời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần quân chúa Nguyễn mấy lần vượt sông Gianh chiếm 7 huyện nam sông Lam đưa một số nhiều người dân xứ Nghệ vào khai khẩn vùng Bình Định Phú Yên.

Hai đợt này số lượng hẳn là đáng kể và vốn là những tù binh và những người dân bị cưỡng bách di trú, chắc họ phải đến những nơi xa hơn, hoàn cảnh buộc họ phải ra sức làm việc nhiều hơn.

Dưới thời nhà Nguyễn vẫn có lệ tha cho các tù phạm cho họ đi khẩn hoang.

Năm 1835 vua Minh Mạng dụ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận xét trong hạt có những chỗ đất có thể cày trồng mà bỏ hoang, dân không thể khai khẩn được hết thì cấp ngay cho những tù phạm được tha kia để họ ra sức làm lụng trồng cấy. Hàng tháng mỗi người được cấp 1 phương gạo. Niên hạn đánh thuế và lập ngạch nộp thuế theo lệ y như trước.

Năm 1839 quan tỉnh Phú Yên tâu về triều đình: Trước kia những tù phạm được tha cho, chia ghép về các thôn xã thuộc hạt trích cấp cho ruộng hoang để khai khẩn, nay tới kỳ hạn bắt đầu thu thuế, xin ghi làm ruộng đất tư và theo lệ thu tô. Bọn họ đã có cơ nghiệp làm ăn, không khác gì những người dân thường, xin cứ chiếu số người hiện tại mà thu thuế thân.

Như vậy, sau khi được tha, đi khẩn hoang, có được ruộng đất, những tù phạm này đã được trả lại quyền công dân làm một tráng đinh.

Năm 1865 Ngự sử Nguyễn Văn Phương tâu: Ba tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đất rộng người ít chưa mở mang được hết, như những nơi Đồng Cụ, Quán Đế ở Phú Yên, Hòa Mã, Hòa Tân, Hòa Quân ở Khánh Hòa, Chu Thỗn, Đồng Mới ở Bình Thuận phần nhiều ở đó có thể cày cấy, mà một hạt Quảng Nam đinh nhiều ruộng ít, kẻ ăn chơi không rất nhiều. Vua Tự Đức cho đặt Nha Doanh điền, cử Nguyễn Văn Phương làm Khâm phái doanh điền, đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa dân ngoại tịch và không có tên trong sổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận chọn đất chia cho ở, cấp ngưu canh điền khí để khẩn hoang, lập thành thôn xã.

Năm 1866 vua Tự Đức cấp ấn Khâm phái Quan phòng cho Phan Trung đưa số dân Nam Kỳ mộ nghĩa vốn là thuộc hạ của ông đang tập trung tại các đồn điền Bình Thuận bị người Pháp nghi ngờ, đến khai hoang ở Khánh Hòa, Phú Yên. Vua Tự Đức bảo Phan Trung: “Lũ ngươi hết lòng làm việc cho ổn thỏa là trung hiếu vẹn cả hai, tấm thân hữu dụng nên giữ gìn để đợi, triều đình đâu nỡ bỏ đi”.

Ngoài ra chắc còn nhiều luồng người di trú khác đến Phú Yên qua nhiều thời kỳ, tự phát từng nhóm hay trong khuôn khổ chủ trương của nhà nước nhưng do khiếm khuyết tư liệu chưa tra cứu được.

Trong mỗi đợt như vậy có nhiều thành phần. Đông đảo hơn là thường dân của các khách hộ Thuận Quảng, họ là “lưu dân” tức là những người nghèo không có sản nghiệp. Thành phần còn lại có thể là những người cương trực bị bản quán cho là cứng đầu cứng cổ tìm cách đưa đi, tỉ như những ai có máu Hớn Minh, có kiểu “nói trạng” dễ bị chụp cho cái mũ nào đó để không thể cãi lệnh lên đường. Có những ông đồ lỡ vận, năm bảy khoa thi chán rồi chuyện bút nghiên lều chõng, có những thầy lang chẳng mấy khi phước chủ may thầy, những thầy lý số không được tổ đãi, vận mệnh mình không biết nổi nói gì tiên đoán vận mệnh thiên hạ!… Trong số tù binh có thể có người võ nghệ cao cường bị cưỡng bách tòng quân lâu nay phải nép mình dưới uy quyền hạng hèn kém đức bạc tài sơ, trong số phạm nhân được tha có thể có kẻ bất đồng chính kiến bị khép tội chung với hạng quấy rối trị an, trong số dân Nam Kỳ có người trọng nghĩa khinh tài, giang hồ khí phách, những tưởng gươm đàn nửa gánh non sông… Và tất nhiên cũng có hạng du thủ du thực, hạng manh tâm trộm cướp… Như vậy thành phần dân chúng trong mỗi làng thật đa dạng, tạo thành một xã hội phức tạp, đúng nghĩa cuộc đời “ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”.

Cai quản một tập thể như thế không dễ dàng chút nào. Người cầm đầu phải là người có tầm nhìn đủ xa rộng, có óc phán đoán, biết vạch kế hoạch, biết theo dõi đôn đốc, được nể nang, già thì quắc thước, trẻ thì dũng mãnh, bước chân như voi, mắt nhìn như cọp, có thể trong một phần người ta kính trọng chứa đến hai ba phần người ta sợ sệt, nghĩa là có đủ uy và tín, được tất cả tâm phục khẩu phục. Liệu có được mấy người như vậy, anh hùng tạo thời thế? Còn không thì thời thế tạo anh hùng, cũng là tốt!

Tại địa phương, việc các quan chức chủ trương cho dân chúng khẩn hoang được khen thưởng, khuyến khích. Năm 1839 tại huyện Tuy Hòa có nhiều đồng ruộng hơi xa sông ngòi nên bỏ hoang. Thự đốc là Tôn Thất Lang tổ chức khai cừ dẫn nước rồi cho dân khai khẩn thành ruộng, tất cả được hơn 1.000 mẫu. Vua Minh Mạng khen là vì dân mở mang nguồn lợi, thưởng gia một cấp. Còn ruộng ấy chiếu lệ sau ba năm bắt đầu thu thuế. Vào năm này huyện Tuy Hòa đã mở rộng ra phía bắc sông Đà Rằng, xét những chỗ xa sông ngòi nơi Tôn Thất Lang mở rộng có lẽ là vùng nam huyện Tây Hòa, tây nam huyện Đông Hòa ngày nay.

Chính sách của các triều đại với việc khẩn hoang:

Từ thế kỉ 16, để xây dựng một cõi giang sơn độc lập, có khả năng chống lại thế lực luôn luôn bành trướng, thống trị của chúa Trịnh một cách hữu hiệu, chúa Nguyễn đã ra sức khuyến khích dân chúng, và cả họ hàng nhà chúa, quan lại các địa phương khai khẩn đất đai, mở rộng sản xuất nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác. Ruộng đất xứ Đàng Trong cũng được chia làm ba loại: ruộng công, ruộng tư và ruộng của chúa.

Năm 1669 chúa Hiền Nguyễn phước Tần cử các quan văn đứng đầu là Hồ Quang Đại chia nhau đi các nơi đo đạc ruộng đất đang được cày cấy đặt làm ruộng công, giao cho xã chia đều cho dân cày cấy nộp thuế. Từ đó về sau, người nào khai khẩn được thêm thì cho phép đặt làm ruộng tư, lấy đó làm lệ vĩnh viễn, dân xã không được tranh chiếm. Nhờ vậy diện tích ruộng đất ngày càng mở rộng.

Sau khi lật đổ chúa Nguyễn, triều đại Tây Sơn cố gắng phục hồi sản xuất nông nghiệp bị trì trệ dưới thời Định vương Nguyễn Phước Thuần do sự nhũng nhiễu của các quan, bằng lệnh cưỡng bách phục hóa. Nhưng do tồn tại ngắn ngủi nhà Tây Sơn chưa kịp tiến hành những biện pháp tích cực về vấn đề ruộng đất.

Các vua nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc khẩn hoang. Khẩn hoang là phải di dân. Đó là hai mặt của vấn đề, đạt được kế hoạch của nhà nước thì có khi mất lòng dân. Vua Minh Mạng còn quan tâm đến điểm tế nhị là nỗi khổ của người di dân. Trong một buổi thiết triều tháng 5 (âl) năm 1839 vua bảo các thị thần: “Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đất dài hơn ngàn dặm, đất bỏ hoang rất nhiều, dân cư thưa ít, nếu muốn di người nơi khác đến, thì thường tình người ta ở đâu yên đấy không muốn rời bỏ. Nếu đem số tù phạm quân lưu tập trung một nơi cũng không tiện. Ngày trước Lê Thánh tông bình Chiêm Thành di dân Thanh Nghệ vào làm được cái việc dùng người trung châu để biến đổi phong tục, thực là thủ đoạn anh hùng. Lúc bắt đầu khai thác cõi bờ cố nhiên phải tùy thời mà làm cho thích hợp. Nay đang buổi thái bình vô sự, dân Nam Bắc hai kỳ đang làm ăn yên ổn, nếu di nơi này sang nơi kia chẳng những làm cho người ta sợ hãi mà còn cái lo chúng bị lưu li thất sở thì thật không nỡ. Nên chờ đó một thời gian người sinh ngày một nhiều ra thế tất phải dần dần mở mang, như Kim Sơn, Tiền Hải ngày xưa chỉ là miếng đất hoang rậm mà nay thành hai huyện. Có đất thì có dân cũng là cái thế tất nhiên vậy’.

Trước đó, năm 1834 vua Minh Mạng sai Phó Vệ úy vệ giám thành Nguyễn Văn Xướng đem biền binh thuộc hạ đo hình thế núi sông từ Phú Yên vào nam vẽ bản đồ dâng lên. Khi hoàn tất Nguyễn Văn Xướng được thưởng 10 lạng bạc và mỗi biền binh một tháng lương. Những bản đồ này tất nhiên được dùng cho nhiều việc, quốc phòng, kinh tế, xã hội…trong đó có việc khẩn hoang lập làng.

Trở lại với cơng lệnh năm 1597, nhiệm vụ của Lương Văn Chánh khi vào mở cõi Phú Yên là kết lập địa phận gia cư khai khẩn ruộng đất hoang tới khi thành thục nộp thuế như lệ thường. Năm 1699 chúa Hiền Nguyễn Phước Tần ấn định lệ thuế: Ruộng nhất đẳng mỗi mẫu thu thóc 40 thăng, gạo 8 hợp, ruộng nhị đẳng mỗi mẫu thu thóc 30 thăng, gạo 6 hợp, ruộng tam đẳng mỗi mẫu thu thóc 20 thăng, gạo 4 hợp. Lại cứ 1 thăng thóc thì thu tiền phụ là 3 đồng. Ruộng mùa thu và đất khô thì không chia thứ bậc, mỗi mẫu thu 3 tiền, không đủ mẫu thu 1 tiền. Tuy vậy, vì Phú Yên là đất mới khai thác nên việc thu thuế vẫn còn rộng rãi và đơn giản. Năm 1758 Võ vương Nguyễn Phước Khoát cử Nguyễn Khoa Trực làm Tuần phủ phủ Phú Yên mới đốc thu các thứ thuế.

Thuế ruộng thời Tây Sơn cũng chia làm 3 hạng nhất, nhị, tam đẳng. Tư điền thuế nhẹ hơn công điền. Ngoài ra mỗi mẫu còn phải nộp một khoản tiền.

Năm 1800 Nguyễn vương (Anh) ra lệnh thu tô ruộng ở Phú Yên để đáp ứng nhu cầu chiến trường, căn cứ vào sổ điền lập năm 1798 thu thóc chứa ở các bảo La Thai, Hội An. Nhưng năm sau 1801 phải bãi bỏ sưu ruộng ở Phú Yên, vì Lưu thủ Phạm Tiến Tuấn chiếu theo số đinh số điền bắt phu kể hàng vạn, dân chúng mệt nhọc, trốn tránh ngày càng nhiều

Thời nhà Nguyễn việc phân chia đẳng điền tiếp tục duy trì, chỉ khác ở số lượng thóc phải nộp cho mỗi hạng tùy theo thời điểm. Đời Gia Long cho lập địa bạ và điền bạ các làng. Địa bạ là sổ miêu tả và ghi nhận quyền sở hữu từng mảnh ruộng đất, điền bạ là sổ tính thuế. Trong địa bạ ruộng mùa, ruộng chiêm, ruộng hai mùa hoặc các hạng đất, bao nhiêu mẫu, sào, thước tấc, tọa lạc tại đâu, đông tây tứ chí phải ghi rõ ràng. Địa bạ làm một lần khi đo đạc. Địa bạ lập năm 1815 đời Gia Long đến đời Minh Mạng được truy dụng. Điền bạ lúc đầu cứ 5 năm một lần, về sau mỗi năm một lần, mỗi xã lập 3 bản đệ về bộ Hộ kiểm tra, 1 bản lưu tại bộ, 1 bản giao về tỉnh và 1 bản giao cho xã. Nhà Nguyễn đã lấy lại thước đo ruộng (điền xích) của nhà Lê làm chuẩn.

Những trở ngại người dân gặp phải trong việc khẩn hoang và lập làng:

Vạn sự khởi đầu nan. Có ba trở ngại đáng kể người dân gặp phải trong công cuộc khẩn hoang và cả việc lập làng. Đó là: 1. tình hình an ninh trật tự, chiến sự – 2. khí hậu thời tiết, thiên tai dịch bệnh – và 3. nạn ác thú, hùm thiêng sấu dữ.

Trở ngại trước hết là vấn đề an ninh, trên địa bàn này buổi đầu có nhiều âm mưu bạo loạn, tạo phản, đến giai đoạn phân tranh thì các trận đánh giữa hai nhà Nguyễn, trong từng giai đoạn đã gây khó khăn không ít cho việc khai hoang.

Trở ngại thứ hai là khí hậu và thiên tai. Vào thời ấy rừng hoang cỏ rậm còn nhiều tạo ra sự khắc nghiệt trong khí hậu. Chỉ trừ vùng đồng bằng hiền lành còn vùng cận sơn và nhất là vùng núi, cao nguyên đều là vùng chướng khí, nước độc, nhiều bệnh tật, bệnh sốt rét và các bệnh dịch lây lan đã gây nhiều tử vong và ngăn cản tiến trình khẩn hoang. Cho đến đầu thế kỉ 20, đập Đồng Cam được xây dựng chỉ cách thành phố Tuy Hòa có 30km mà trong báo cáo của Sở Thủy nông Đông Dương vẫn cho rằng vị trí thi công ở vào nơi khí hậu rất độc, mặc dù có nhiều biện pháp đề phòng và và thuốc ký-ninh được phát một cách có quy củ, các tổn thất quan trọng vẫn do nguyên nhân sốt rét. Các tác giả sách Địa dư tỉnh Phú Yên cũng ghi nhận có nhiều nơi lam chướng, dân chúng bị sốt rét. Nghị định ngày 10-6-1939 của Toàn Quyền Đông Dương ấn định các vùng độc hại và nguy hiểm có kê: Phước Lãnh (nay thuộc huyện Đồng Xuân), Củng Sơn, Trà Kê, Buôn Xã Thu (nay thuộc huyện Sơn Hòa) và Hảo Sơn, Varella Phare (nay thuộc huyện Đông Hòa – Varella Phare nay gọi là mũi Điện). Xem thế thì các thế kỉ trước vùng Đồng Xuân, Sơn Hòa đối với người đi khẩn hoang đáng sợ biết chừng nào!

Thời tiết ở Phú Yên theo các tư liệu xưa thì nhiều năm nắng hạn lại nhiều năm bão lụt. Những năm được mùa ít, cho nên được mùa là vua chúa vui mừng. Như mùa xuân năm 1829 gạo đắt, trấn thần phải xuất thóc kho cho dân vay, đến khi nông dân trúng vụ tháng ba, tin mừng lập tức báo về kinh. Năm 1846 Phú Yên là một trong những địa phương được mùa khiến vua Thiệu Trị làm thơ mừng: “Cửu quận giai trung nẫm. Thập châu cánh thượng phong” (Chín quận đều được mùa vừa. Mười châu lại được mùa to). Một số năm Phú Yên được mùa lớn nữa như năm 1861, 1880 v.v…

Thế nhưng số năm bị thiên tai nhiều hơn. Nạn đói năm 1798 khiến cho dân chúng Phú Yên nhiều người già trẻ dắt dìu nhau vào Diên Khánh kiếm ăn. Trận lụt năm 1811 nhiều nhà cửa trôi mất, nhiều người chết đuối. Triều đình cử Vệ úy Tôn Thất Bính và Tham tri Nguyễn Hữu Thận đi phát chẩn cho Phú Yên 19.000 phương gạo. Năm 1820 lại bị lụt. Trận lụt năm 1822 cửa biển Phú Sơn bị vỡ, tạo thành một cửa mới cách cửa cũ trên 1.000 trượng. Năm 1824 đồng lúa Phú Yên bị hư hại vì hạn và bão. Trận lụt năm 1825 lở núi Bà Sơn, nhiều nhà dân sập đổ, nhiều người chết. Trận bão năm 1836 hơn 4.000 nóc nhà bị sập, hơn 100 người chết, vua cho quan tỉnh đem tiền kho đến chẩn tuất. Các năm 1842, 1867, 1878 v.v… Phú Yên lại bị bão lụt, mất mùa, thiếu ăn…

Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ được ghi vào sách Đại Nam thực lục chính biên đó là cuối năm 1819 ở Phú Yên có tiếng “trống trời”. Giờ dậu ngày hôm ấy trời không có mưa gió chợt nghe trên không có một tiếng như sấm, từ Cù Mông trở vào, từ Đại Lãnh trở ra, đầu nguồn cửa biển, cửa nhà quan dân không chỗ nào là không chuyển động, phút chốc thì thôi.

Lại còn tình trạng sâu bọ phá hại hoa màu cũng thường xảy ra. Năm 1866 ở Phú Yên, Khánh Hòa có sâu cắn lúa, sâu có 2 giống vàng và xanh, hình dáng như con bọ ngựa, lúc bấy giờ cho rằng tự nước Man (Cao Miên) tràn sang.

Với quan niệm vua là bậc thiên tử thay trời cai trị muôn dân, quan là người thay mặt vua chăn dắt dân chúng trong một địa phương, nên những khi có thiên tai hay dịch bệnh như thế là do vua quan thiếu đức, cho nên ngoài việc cứu tế, phát chẩn, giảm thuế (như những năm 1799, 1801, 1824, 1825 v.v…) vua quan còn phải tạ tội với trời đất. Năm 1820 bệnh dịch từ Bình Thuận đến Quảng Bình, Trấn thần Phú Yên là Nguyễn Văn Quế đem tình hình dịch bệnh dâng biểu xin chịu tội. Vua Minh Mạng dụ: “Nếu trẫm không thiếu đức thì tai vạ đâu xảy ra với muôn dân, Nguyễn Văn Quế chỉ là một mục thú còn tự nhận lỗi mình, huống chi trẫm là vua thiên hạ, có thể chối lỗi sao được?”.

Trở ngại thứ ba là người dân khẩn hoang nơi rừng núi còn phải đối mặt với hùm thiêng sấu dữ. Con đường quan trọng từ huyện lị Đồng Xuân qua làng Vân Hòa đoạn đi về phía tây suốt đến địa giới Thủy Xá Hỏa Xá được miêu tả là núi khe hiểm trở lại có nhiều nạn cọp. Cọp ở vùng rừng núi miền tây Phú Yên sau này còn nhắc nhở trong câu tục ngữ “Cọp núi Lá cá sông Hinh” (nay thuộc huyện Sông Hinh) và cọp Truông Bà Viên (nay thuộc huyện Sơn Hòa). Năm 1840 cọp dữ xuống làng, An sát Phú Yên Lê Khiêm Quang và Suất đội Hoàng Đức Diệm đem dân binh đi bắt, Diệm bị cọp cắn cào, bị thương và chết, Quang bị phạt giáng một cấp.

Thông thường người ta hay nói đến cọp Khánh Hòa với câu tục ngữ “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” hay cụ thể hơn là “Cọp Ổ Gà, ma Đồng Lớn”, nhưng cọp Phú Yên cũng không kém. Ở vùng núi người ta rất sợ cọp, gọi cọp là “ông”, nói chung chung là ông cọp, ông beo, ông cà đỗ (một loại beo gấm nhỏ), cụ thể hơn theo màu lông là ông vằn tàu cau, ông vằn vắt khăn, ông mun, ông bạch v.v… Người ta tin rằng cọp rất thính tai, bất cứ ở đâu, lúc nào có ai “nói hành” ông đều nghe được, tánh ông hay thù sâu và nhớ dai, sau đó đi tìm kẻ vô lễ để hỏi tội, nhưng nếu lỡ vấp hòn đá nhỏ hay sợi dây là ông quên mất, kẻ vô lễ được thoát nạn. Thật là may, rừng núi biết bao nhiêu là dây là đá để cho ông vấp và quên nên chưa có ai nói hành mà bị ông trả thù. Những làng vùng núi sau tết nguyên đán có lễ cúng khai sơn rồi mới mở cửa rừng cho dân vào khai thác lâm sản. Khi cúng xong người ta đặt nguyên cái đầu heo tại chỗ để cọp về ăn.

Đến đầu thế kỉ 20 Công sứ Phú Yên A. Laborde còn thuật một chuyện cọp ngay trong vùng duyên hải, dó là chuyện năm 1926 dân làng Bình Thạnh giết được một con cọp ba chân rất hung dữ và có sức mạnh phi thường. Ông cho biết trên tai con cọp có 17 vết xước, các quan Nam triều giải thích rằng đó là dấu tích nó đã ăn thịt 17 người vì mỗi lần bắt được một con người cọp cào lên tai một vết. Một chuyện cọp khác là ngày 16/4/1933 ông Nguyễn Xu ở Bàn Nham anh dũng cứu người chủ bị cọp tấn công được thưởng huy chương danh dự hạng nhì. Nhắc lại các việc này, xảy ra vào đầu thế kỉ trước để nói rằng hồi thế kỉ 17, 18, 19 nạn cọp là một đe dọa lớn với con người.

Mặt khác, một chuyện dân gian ở làng Vân Hòa (Sơn Hòa) nhiều người biết là chuyện Phụ tử Chăm Mùng. Rằng thuở ban đầu mới quy dân lập ấp nơi đây bị một con thuồng luồng to lớn đến quấy phá, quật đổ nhà cửa, dày nát hoa màu, giết hại gia súc… dân làng không thể yên ổn làm ăn nhưng không cách nào trừ khử được. Sau người ta phải đến vùng các dân tộc thiểu số mời ông Chăm Mùng đến giúp sức. Với tài thiện xạ, trí thông minh, lòng can đảm cha con Chăm Mùng đã diệt được thuồng luồng, giúp dân Vân Hòa an cư lạc nghiệp. Để tưởng nhớ công ơn ấy về sau có tục lệ là mỗi khi làng xóm hay gia đình cúng bái đất đai viên trạch người ta có một mâm cơm vái “Phụ tử Chăm Mùng”, tục này đến năm 1945 bị chê là mê tín mới bãi bỏ.

Xét câu chuyện không thấy miêu tả con thuồng luồng hình dáng thế nào, có vảy, có chân hay không, chỉ có vài chi tiết đáng chú ý là: miệng há ra màu đỏ như máu, có mùi tanh, đuôi mạnh, khi lướt đi tạo ra tiếng gió ồ ồ… Vùng cao nguyên Vân Hòa nhiều gò cỏ, trảng tranh, suối đá, hang gộp, vậy phải chăng con thuồng luồng này là một con sấu dữ, một con trăn lớn, loài trăn lớn đi bò đi lết qua ngọn ngọn tranh đế cũng phát ra tiếng ồ ồ… Thế rồi ngày qua tháng qua… bên bếp lửa hồng mùa đông hay dưới ánh trăng vàng mùa ha, thế hệ này kể cho thế hệ khác nghe con cá sấu, con trăn đã biến thành con thuồng luồng huyền thoại, hình dáng không rõ nhưng có sức mạnh vô song, khiến cho người dân Vân Hòa coi đó là mối hiểm nguy.

Có lẽ lúc ấy những lưu dân lên vùng cao nguyên khẩn hoang lập làng chưa quen đối phó với những trăn lớn, sấu dữ sống ở thảo nguyên tranh đế, bờ suối gộp đá, nên phải nhờ đồng bào thiểu số từng du canh du cư biết rõ về các loài vật hoang dã giúp đỡ diệt trừ. Câu chuyện phản ảnh những khó khăn buổi ban đầu khẩn hoang lập làng, đồng thời phản ảnh tình tương thân tương trợ, giúp nhau xây dựng cuộc sống giữa các sắc tộc gần gũi trong một địa bàn.

Để chống lại hùm thiêng sấu dữ, giúp dân an cư triều đình nhà Nguyễn đã cho lập các đội săn bắn, chọn các tay thiện xạ trong biền binh đến các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận phối hợp với địa phương đi tiễu trừ ác thú. Giết một con cọp được thưởng 15 quan, sau tăng lên 30 quan. Nếu toàn bắn sẩy thì chiếu theo số đạn đã lãnh (mỗi người 100 phát) mà phạt. Từ năm 1824 theo lời tâu của Trấn thần Phú Yên sông Bàn Thạch có nhiều cá sấu lớn, hại dân không khác gì cọp, nên có lệ ban ra ai giết được một con cá sấu cũng được thưởng như giết một con cọp.

Ngoài ra còn các mức thưởng:

-Giết bò tót nộp sừng, mỗi đôi thưởng 5 quan.

-Giết voi đực nộp ngà, mỗi đôi tùy số cân thưởng từ 5 quan (mỗi đôi chưa tới 10 cân) đến 40 quan (mỗi đôi từ 50 cân trở lên).

-Giết tê nộp sừng, mỗi chiếc sừng thưởng từ 5 quan (sừng dưới 2 tấc) đến 20 quan (sừng 7 tấc trở lên).

Niềm vui của người đi khẩn hoang miền rừng núi:

Ai đã đi qua Phú Yên đều có nghe một điệu dân ca đơn giản mộc mạc, đó là bài chòi. Có thể nghĩ rằng điệu dân ca bài chòi và việc tổ chức đánh bài chịi phổ biến khắp Nam Ngi Bình Ph là do những người dân đi khẩn hoang miền rừng núi sáng tạo ra.

Quan sát đồng ruộng vùng rừng núi và kế cận chân núi thấy điểm chung là đồng ruộng nằm dưới thung lũng, hai bên là sườn đồi còn nguyên cây cỏ tranh đế, nơi ác thú và dã thú sinh sống, ẩn nấp. Có nơi những đám ruộng như thế nối tiếp nhau, từng đám thì nhỏ hẹp, nhưng nối lại với nhau thật dài, quanh co oằn oại, người ta gọi là một dây ruộng. Những khi phải ở lại đêm để sáng ngày làm việc sớm, hoặc là cần canh giữ hoa màu không cho nai heo ăn phá, người ta dựng những chòi cao dọc theo dây ruộng, giữa chân đồi và bờ ruộng, chòi này cách chòi kia một khoảng xa vừa đủ nghe khi nói lớn. Buổi tối, không khí núi rừng vắng lặng, lạnh lẽo, người ta gọi nhau nói chuyện, rồi bày ra câu đố để thử tài nhau, đây là một cách giải trí chống cơn buồn ngủ, rồi kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn hoặc bày tỏ tình cảm, trang trải nỗi lòng với nhau, dần dần những chuyện vui ấy, những sự bày tỏ ấy được diễn đạt qua câu vè thể lục bát, lục bát biến thức hay nói lối. Tự nhiên hình thành một làn điệu đơn giản, không cần nhạc cụ phụ họa, chỉ gõ nhịp lên cột chòi, sàn chòi ngân nga chút ít là được. Điệu bài chòi ra đời.

Xét trong dân ca thấy có các cách diễn xuất là : nói – hô – hò – hát. Nói chỉ là đọc diễn cảm mà thôi. Hô là nói có phần chú ý cung bậc và cắt nhịp. Hò cao hơn hô bởi có ngân nga dàn trải nhưng phần nội dung chính gần với hô. Cao hơn hết là hát, toàn bộ những lời trong bài đều theo nhạc điệu. Người ta nói thơ, nói vè, hô bài chòi, hò khoan, hát rập. Bài chòi không phải là nói, nhưng cũng không phải là hò bài chòi hay hát bài chòi được. Bài chòi là hô. Không cần trời cho chất giọng tốt hay am hiểu nhạc luật, già trẻ trai gái đều hô bài chòi được.

Tiến lên một bước, những câu đố cũng đặt theo thể lục bát hay lục bát biến thức, thành câu thai, ngồi trên chòi hô lên đố nhau. Ai nghĩ ra trước thì gõ mõ báo cho người đố và các chòi khác biết để dành quyền ưu tiên rồi mới trả lời. Tiền thân của hội đánh bài chòi là như vậy. Sau này, đi sâu vào đời sống văn hóa thôn quê điệu bài chòi mới thêm đờn kèn hòa âm và cuộc đánh bài chòi thêm những con bài có tên gọi riêng, có anh hiệu hô xướng, có ban nhạc, có làng xã… Quan sát những con bài của một hội bài chòi thấy tên thật buồn cười, nào là chín cu, ngũ rún, tứ cẳng, cửu điều vân vân. Cách vẽ cũng mỗi nơi mỗi khác, không có bộ bài in sẵn hàng loạt đem bán. Những hội bài chòi sau này dù có sang trọng lòe loẹt đến đâu thì cái cốt lõi vẫn phải giữ nét nguyên thủy là phải có chòi, có mõ tre, người đánh bài chòi ngồi trên chòi, gõ mõ tre. Đôi khi vì thiếu điều kiện, để giản tiện người ta dùng một cái ghế cho người ngồi đánh bài chòi, gọi là “bài chòi đẩu” (đẩu=ghế). Thế nhưng bài chòi đẩu không đáng mặt bài chòi, ba tiếng bài chòi đẩu cho thấy đây là loại bài chòi thứ cấp.

Như vậy điệu bài chòi và việc đánh bài chòi là sản phẩm văn hóa hoàn toàn của dân gian. Những người nông dân đi khẩn hoang bước đầu đã góp công không nhỏ tạo ra nó và lưu trữ vào kho tàng văn hóa dân tộc, nó mộc mạc, nôm na, đơn giản nhưng thật gần gũi và thật dễ thương.

Kết quả của công cuộc khẩn hoang:

Biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt, và máu nữa, của bao nhiêu thế hệ khẩn hoang đổ xuống để quê ta có những cánh đồng rộng rãi vào bậc nhất Nam Trung Bộ. Ở Phú Yên không có từ “nương” mà phân biệt chính là “ruộng” và “đất” với khái niệm cơ bản do nguồn nước tưới.

Ruộng là nơi ít nhất một năm có một vụ có nước, do nước mưa đọng lại hoặc nước sông suối hồ ao dẫn vào, chủ yếu là trồng lúa bằng cách cấy hoặc gieo sạ, suốt trong thời kỳ trồng trọt vào những lúc hoa màu cần nước thì nơi này phải có nước.

Đất (có khi gọi là thổ, có khi gọi đất thổ) là nơi quanh năm không có nước, nước mưa không đọng lại, chủ yếu là trồng các loại hoa màu phụ, thổ sản, rau dưa, thỉnh thoảng mới trồng lúa. Còn phân biệt: thổ cát và thổ thịt. Thổ cát ở gần sông thì nhiều phù sa lắng đọng vào mùa lụt, ở gần chân núi thì mùa mưa nhiều cây lá mục bồi thêm. Thổ thịt còn gọi là đất trân, ở vùng cao nguyên, xốp nát nhờ mưa nhiều thoáng gió.

Soi, bãi là hình thức giữa ruộng và đất, nhưng gần với đất hơn, nằm giữa hai dòng sông hay gần bờ sông, mùa mưa lụt bị ngập nước không trồng trọt được, nhưng nhờ vậy có nhiều phù sa, đến khi mùa hè không bị ngập nước người ta trồng trọt, lúc này diện tích soi bãi rộng ra vì lòng sông hẹp lại.

Rẫy là đất ở sườn đồi núi mới khai phá, thường có độ dốc, còn nhiều gốc cây, ụ đá, cồn mối… trồng trọt một vài vụ sẽ để cho trở lại rừng. Những nơi bằng phẳng ở chân núi nếu tiếp tục bạt phá những chướng ngại vật trên có thể sẽ thành đất thổ.

Ở Phú Yên “ruộng-thổ-rẫy” gần nhau, xen nhau, ruộng và thổ ở ngay trong làng xóm, rẫy xa hơn một chút nhưng không tạo thành từng miệt riêng như ở Nam Bộ (miệt vườn, miệt ruộng, miệt rừng…)

Riêng về ruộng việc phân loại có hai cách: theo nguồn nước và theo địa thế.

Theo nguồn nước có thể chia ra:

-Ruộng ăn nước trời, là những nơi chỉ trồng trọt khi có nước mưa trực tiếp đổ xuống. Loại ruộng này lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, khi nắng hạn không gieo sạ được hoặc bị mất mùa.

-Ruộng ăn nước tưới, là những nơi có nước do con người dẫn từ sông suối hồ ao đến khi cần trồng trọt. Loại ruộng này ít lệ thuộc vào thiên nhiên vì con người chủ động được nguồn nước tưới.

Theo địa thế thì có:

-Ruộng rộc (thảo điền) có nước quanh năm, nơi thì nhở nước thiên nhiên, nơi thì nhờ nước tưới, làm được mỗi năm ít nhất hai vụ.

-Ruộng gò (sơn điền) mỗi năm chỉ một mùa có nước, trồng lúa một vụ, vụ kia bỏ không hoặc trồng các loại cây màu như đất thổ. Hai loại ruộng này nhiều hơn, ở các đồng bằng châu thổ và thung lũng.

-Ruộng bắc thang (bậc thang) chính giữa là ruộng rộc, hai bên hoặc một bên là ruộng gò, trên nữa là đất thổ, có nơi chạy liền ra chân đồi chân núi. Dễ thấy ở Sông Cầu theo quốc lộ 1A, ở Tuy An vùng An Hòa, và nhiều nơi trong các thung lũng các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân.

Theo chất đất còn phân biệt: ruộng thịt và ruộng cát. Ruộng thịt đất da tây màu nâu sẫm, giữ nước được lâu. Ruộng cát, còn gọi là cát phèn hay cát nhớt, lúc hơi ít nước trên mặt có đóng một lớp rong màu xanh thẫm.

Số lượng ruộng đất tại Phú Yên theo các tư liệu cũ có sự chênh lệch khá nhiều giữa Lê Quý Đôn và các sử quan quốc sử quán nhà Nguyễn.

Trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn trích dẫn sổ sách của chúa Nguyễn từ năm 1764 đến năm 1767 phủ Phú Yên ruộng thực trưng là 128.940 mẫu.

Đầu nhà Nguyễn thời điểm lập địa bạ từ năm 1815 đến năm 1831 diện tích ruộng đất toàn trấn (phủ) Phú Yên là 37.540 mẫu., trong đó diện tích ruộng đất sử dụng chỉ có 17.800 mẫu.

Theo Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục chính biên: năm 1815 có 27.963 mẫu, năm 1831 có 42.445 mẫu, năm 1899 có 72.266 mẫu, năm 1906 có 81.994 mẫu. Có thể đơn vị mẫu, cũng như những đơn vị đong lường thược, khuê, thăng, hộc… mỗi thời có khác nhau.

Việc thành lập làng xóm

Khẩn hoang va lập làng là hai việc đồng thời, chính thức bắt đầu từ năm 1597, song thiết tưởng không phải đợi đến ngày đó mọi việc mới khởi sự. Đưa bao nhiêu lưu dân đông đảo lên đường đâu dễ dàng gì và không thể đem bỏ họ giữa nơi xa lạ. Điều này giải thích tại sao năm 1578-1579 Lương Văn Chánh đã bạt phá Thành Hồ mà mãi đến năm 1597 cuộc di dân mới tiến hành. Trong ngót 20 năm ấy một phần Lương Văn Chánh bận việc quân cơ cùng chúa Nguyễn Hoàng, chúa vẫn giao cho ông thi hành sứ mạng mở đất, hẳn nhiên chỉ có ông là người am hiểu vùng này hơn hết. Để có chiến thắng Thành Hồ Lương Văn Chánh phải tìm hiểu kỹ vị trí, địa thế của cứ điểm, cũng như cả hình sông dáng núi chung quanh. Để cuộc khẩn hoang lập làng thành công chắc chắn ông cùng thuộc cấp phải nhiều lần ra vào nơi đây khảo sát tỉ mỉ mọi mặt, mọi tình hình để lập kế hoạch cụ thể với nhiều phương án. Thế thì công trạng mở đất Phú Yên của Lương Văn Chánh không thể chỉ tính từ 1597 mà phải tính từ 1578, không thể coi trận Thành Hồ đơn thuần là một chiến thắng quân sự.

Những toán lưu dân sau khi dừng chân tại nơi được chỉ định, đặt hành trang xuống, công việc trước hết là dựng lều trại để có nơi ăn ở. Đó là những ngôi nhà đầu tiên của họ. Có thể họ đến vào một ngày mùa hạ. Đêm đặt lưng nằm trên chiếc chồ tre ngoài sân nhìn lên bầu trời muôn sao nhấp nháy, thở hít không khí mát lành, họ bắt đầu nhẩm tính công việc ngày mai. Có thể họ đến vào một ngày mùa đông. Buổi chiều thấy mưa trắng trời trắng đất, tối lại nghe tiếng gió quất lên mái tranh còn tươi, lên phên vách dừng che bằng đế, tiết trời lạnh buốt cắt da, sao tránh khỏi thở dài! Ngày một ngày hai… khói lên bếp ấm, trước sân có đàn gà tục tục dẫn con, bên ang nước có luống rau, thùng hẹ. Năm, bảy nhà, mươi nhà hay hơn… quần cư bên nhau, đó là làng xóm đầu tiên của họ. Tình cảm láng giềng nơi quê mới càng thêm mặn nồng ấp áp.

Người phụ trách toán lưu dân đương nhiên thành người chủ trì làng xóm, có thể được gắn một chức vụ gì đó, có thể chưa có chức vụ chính thức, nhưng vai trò chỉ huy được mặc nhiên công nhận. Cũng có thể qua cuộc hành trình gian nan vất vả, hoặc bước vào gian đoạn mới cần có kẻ biết trù tính, ứng phó, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, quyết đoán… vai trò chủ trì phải thay đổi. Những người này, về sau có thể được suy tôn là Tiền hiền.

Trong các đợt lưu dân với nhiều thành phần, nhiều tầng lớp, có lẽ thời ấy cũng lấy đó làm căn cứ cho thứ tự ưu tiên. Trên đường nam tiến Cù Mông gần hơn, yên ổn hơn, nhưng Bà Đài đất đai tốt hơn, Bà Diễn diện tích rộng rãi hơn. Xét chung lại mới phân loại chỗ nào hơn chỗ nào, chỗ no km, chỗ nào nhất, chỗ nào nhì. Rồi những La Thai, Thạch Lãnh, Phước Sơn, Thạch Thành… nơi nào là biên viễn thủy tận sơn cùng? Thành phần nào được ưu tiên 1, ưu tiên 2, ở nơi đồng bằng dễ dàng làm ra gạo trắng nước trong? Thành phần nào chỉ được dừng lại chỗ xa xôi hẻo lánh ngựa nản chân bon? Tránh sao khỏi những thắc mắc, khiếu nại, ganh tị, so bì! Câu cuối trong cơng lệnh của chúa Nguyễn Hoàng như một lời răn đe: “Nếu lo việc mà nhiễu dân sẽ bị xử trị” cho thấy chúa muốn tránh tệ quan liêu, bè phái, hà hiếp để có sự ổn định cao nhất ở vùng đất mới, nên Lương Văn Chánh phải lấy đức để thay chúa vỗ yên trăm họ, thực hiện đầy đủ ý nghĩa bốn chữ “quảng nam” và “thuận hóa”. Chúa Nguyễn Hoàng đã chọn đúng người đức tài trọn vẹn, văn võ song toàn, thao lược và kinh tế, để giao phó trách nhiệm và kết quả là sau này nhà Nguyễn đã ghi nhận Lương Văn Chánh là công thần buổi quốc sơ.

Nhiệm vụ của Lương Văn Chánh là khai khẩn hoang nhàn, thành lập làng xóm khắp nơi, từ đầu nguồn tới cửa biển, không riêng vùng đồng bằng châu thổ, mà ở những nơi khác, nhất là biên giới phía nam, phía tây cần phải có dân, cần phải ổn định để làm phên giậu che chắn cho trung châu. Như vậy vùng La Thai (La Hai), Thạch Lãnh (Phước Lãnh) mạn tây bắc nay thuộc huyện Đồng Xuân, vng Vân Hòa, Phước Sơn (Củng Sơn) mạn tây nay thuộc huyện Sơn Hòa, v mạn tây nam nay thuộc huyện Tây Hòa cũng phải định hình ngay từ năm 1597.

Vào thời kỳ Lương Văn Chánh, làng xóm ở Phú Yên có thể còn thưa thớt nhưng chắc chắn phải rải đều khắp lãnh thổ. Những cụm dân cư ấy khác nào những chốt cắm, cần vững chắc để liên kết nhau. Các đợt lập làng tiếp theo là xen kẻ vào những nơi còn thưa, những địa bàn đất rộng người ít, theo chỉ định của địa phương để điều hòa phần nào mật độ dân số, tạo thuận lợi cho việc sản xuất cũng như phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự.

Việc đặt tên làng:

Nhìn vào tên làng xóm có thể suy ra việc thành lập ban đầu quy tụ dân chúng có hai cách.

Thứ nhất: Những làng theo quy hoạch chung của nhà nước, lưu dân dừng lại nơi đã được chỉ định trên bản đồ, được đặt tên bằng chữ Hán. Ý nghĩa những chứ Hán này thể hiện một ước mong, như An Toàn, Bình An, Toàn Thắng, Phú Quý… Trong đó nhiều nhất là các chữ An (Yên), Phú, Phước. Đến đời Gia Long trong số 174 làng lập địa bạ có 43 làng tên có chữ An, 34 làng tên có chữ Phú và 14 làng tên có chữ Phước.

-Tên làng có chữ An: An Mỹ, An Hội, An Sơn, An Toàn, An Vĩnh, An Hòa, An Nông, An Sơn Cảnh An, An Thành (2 làng), An Thuận (2 làng), An Thạnh (3 làng – sau đây những con số trong ngoặc là số làng cùng tên), Định An, Định An Đông, Định An Tây, Định An Trung, Hải An, Vĩnh An, Thuận An, Toàn An, Đường An, Phụng An, Thạch An, Lương An Thuận An, Đông An phụ lũy, Mỹ An (2), Phước An (2), Trung An (2), Đại An (2), Hội An (3), Bình An (3), Bình An thượng.

-Tên làng có chữ Phú: Đại Phú, Phú Sơn (2), Phú Sơn Xuân Đài, Phú Ân, Phú Lộc (3), Phú Cốc, Phú Đa(2), Phú Điền, Phú Hòa (2), Phú Long, Phú Mỹ (2), Phú Nghĩa, Phú Quý, Phú Thịnh, Phú Thuận, Phú Toàn (2), Phú Vinh (2), Phú Xuân, Phú Hội, Phú Đảo, Phú Đăng, Phú Sen, Mỹ Lâm Phú Lâm, Phú Thuận Phú Đảo, Phú Lương Bến Sữa, Phú Nông Tân Hội.

-Tên làng có chữ Phước: Phước An (3), Phước Toàn (3), Phước Sơn, Phước Điền, Phước Hải, Phước Bình, Phước Hồng, Phước Lâm, Phước Lộc, Phước Thạnh Thái Bình.

Một số tên làng bằng chữ Hán còn phản ảnh thực trạng địa dư theo sông núi, sản vật tại chỗ, như làng làng Bảo Tháp có ngôi tháp cổ (Tháp Nhạn nay vẫn còn), làng Thạch Khê có dòng suối nhỏ từ núi đá chảy ra, làng Hoành Lâm có rừng ngang (rừng ngang là rừng nhỏ, rừng thưa, cũng như bãi nhỏ, bãi hẹp là bãi xép), làng Sơn Triều có cánh đồng nhìn lên thấy những cung núi như chầu hầu, làng Liên Trì có bàu sen, làng Tuyết Diêm, Diêm Điền, Hoa Diêm có ruộng muối, làng Hội Ngư, Đa Ngư có nhiều cá…

Thứ hai: Những làng do dân chúng tự phát, thấy nơi làm ăn được rủ nhau đến đó khai khẩn, lập thành làng xóm, gọi bằng cái tên nôm na, về sau được nhà nước công nhận đổi thành tên chữ Hán. Như làng Phú Tân tên xưa là Quán Mới, có thể ban đầu tại đây một nếp quán mới lập, nhiều người thấy sinh sống được cùng tụ về, rồi khi nói với nhau người ta gọi chỗ ấy là Quán Mới, đến năm 1832 đổi thành Phú Tân. Làng Mái Nhà là do nhìn ra biển thấy hòn đảo hình giống như mái nhà (đảo này được đặt tên là cù lao Mái Nhà, ngư dân nói nhanh thành Lao Ma Nha), sau đổi là làng Phú Oc (nhà giàu). Làng Mạn Đò phụ lũy có bãi biển đẹp sau đổi là Tiên Châu. Làng Đá Bạc sau đổi là Cẩm Thạch. Làng Bạc Má sau đổi là Ngân Sơn. Làng Ngân Điền tên xưa là Đồng Bạc, có thể ban đầu người ta rủ nhau đến đây canh tác, cánh đồng này cho họ hoa lợi, từ hoa lợi ấy họ bán đổi thu lại bạc, họ gọi là xứ Đồng Bạc, sau chuyển sang chữ Hán thành Ngân Điền. Cách đặt tên làng này cũng gợi ý cho thấy sự đánh giá thực tế khá trung thực, chừng mực. Cánh đồng này mới ở mức “đồng bạc”, chưa phải “đồng vàng”, là “ngân điền” chưa phải là “kim điền”. Về sau gần Ngân Điền lập thêm làng Thuận Điền.

Một trường hợp nữa làng xóm phát sinh giống như sự phát sinh của thực vật: cỏ lan, cây nhảy, hoa bay, trái rụng. Khi nơi ấy đã thành trù phú người đông đất ít, không đủ ruộng vườn sản xuất, một số kéo đi chỗ khác lập thành thôn xóm mới. Thông thường thì cỏ chỉ lan ra chung quanh, cây nhảy có cách quãng một chút, còn như hoa bay trái rụng theo gió thổi thì nhiều khi xa lắm, cho nên những làng mới không mấy khi gần gũi mà toàn là quan san cách trở. Đặt tên cho vùng đất mới này, dẫu rất xa người ta giữ trọn hoặc một phần tên cũ như là chút kỉ niệm thiêng liêng. Những người ở Định Trung (Tuy An) lên cao nguyên lập ra trên đất làng Vân Hòa (nơi không có người ở) một ấp đặt tên là Trung Trinh, những người ở Định Phong (Tuy An) cũng lên đây lập ra ấp Phong Cao, hai ấp này vẫn trực thuộc làng gốc Định Trung, Định Phong. Những người ở Bình An (nay thuộc thành phố Tuy Hòa) lên miền núi (nay thuộc huyện Sông Hinh) lập làng mới, đặt tên là Bình An thượng. Tương tự như thế, thôn Trung An có thêm thôn Trung An sơn cước, thôn Vinh Hoa có thêm thôn Vinh Hoa sơn cước. Đến khi mở rộng huyện Tuy Hòa thôn Trung An sơn cước đổi thành làng Quảng Tường, thôn Vinh Hoa sơn cước đổi thành làng Vinh Ba. Khi huyện Sơn Hòa thành lập thì hai ấp Trung Trinh, Phong Cao được nâng lên thành hai làng Trung Trinh, Phong Cao thuộc tổng Sơn Xuân, làng Bình An thượng đổi thành Chí Thản thuộc tổng Sơn Bình.

Tín ngưỡng thờ kính:

Ngay từ buổi đầu khai hoang cho đến khi ruộng đất vườn tược nhà cửa đã có, làng xóm đông đảo, khi gặp thuận lợi, lúc gặp khó khăn, luôn luôn vui buồn sướng khổ lẫn lộn… Trong cuộc sống bình thường, khó khăn vốn đã nhiều hơn thuận lợi, buồn nhiều hơn vui, rất dễ nản chí ngã lòng, huống chi là ở nơi đất mới. Do đó một mặt người ta tự tin vào bản thân, vào tinh thần cộng đồng, tương thân tương trợ, một mặt người ta hướng đến cõi tâm linh siêu hình mong nhờ sự giúp đỡ. Nghĩ rằng thành công này là nhờ sự phù hộ, dẫn dắt, thất bại kia là do quở trách, trừng phạt, niềm vọng tưởng cộng với nỗi sợ hãi, nên mỗi làng đều có các cơ sở tín ngưỡng. Nếu người dân khai hoang miền Tây Nam Bộ hết sức thoải mái “Đến đâu gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” thì ở đây do tín ngưỡng khác nhau, chùa chiền đình miếu buổi đầu hoàn toàn chưa có. Người ta phải lập ra liền sau khi đã có làng xóm, chắc ban đầu là đình, miếu, am… những cơ sở của tín ngưỡng dân gian, về sau có chùa, nhà thờ… cơ sở của tín ngưỡng tôn giáo.

Các thần linh được thờ cúng có vị nguyên đã được thờ kính từ nơi quê hương gốc gác của lưu dân, có vị do sự hiển linh tại chỗ. Tùy vùng miền, tùy nghề nghiệp dân chúng ở gần núi thờ Sơn thần, gần sông thờ Hà bá thủy quan, gần biển thờ ông Nam Hải. Dần dần công nghiệp hộ quốc an dân của các vị nhân thần được trình lên triều đình để vua phong theo thứ bậc: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần.

Nhìn chung thì ở Phú Yên thờ các vị sau đây:

-Phò Quận công Lương Văn Chánh, người có công khai mở đất Phú Yên,

-Thiên Y A Na, vị nữ thần Chăm Pa còn để lại ảnh hưởng rất lớn với dân Việt,

-Đương cảnh thành hoàng là vị thành hoàng của từng xứ, từng nơi,

-Các vị tiền hiền, hậu hiền có công lập ra làng xóm.

Ở Phú Yên không thấy có những người xấu (như trộm cướp, ăn mày, dâm đãng…) bất đắc kỳ tử hiển linh thành thần.

Hàng năm có hai dịp cúng tế vào mùa xuân và mùa thu cầu an cho làng xóm. Tế xuân vào tháng hai, tháng ba, tế thu vào tháng bảy, tháng tám. Mỗi làng còn có tế âm vào dịp tiết thanh minh, người ta đi dãy mả lạn, tu tảo cho những nấm mồ vô chủ không ai thăm viếng khói hương.

Các vị thần thờ trong nhà là Ông Táo, Ông Địa, Thần Tài. Nhà nào cũng có thờ ông Táo. Ngoài việc cai quản gia đình, chăm lo bếp núc, ông Táo còn là vị thần hộ mệnh của trẻ con. Mỗi năm có cúng ông Táo cho trẻ con, đến 13 tuổi mới thôi. Ông Địa cũng được nhiều nhà thờ. Đây là một vị thần vui tính và dễ tính, khi chủ nhà bị mất mát vật gì, thắp nhang lâm râm vái ông Địa là được ông sẵn sàng mách bảo để tìm thấy, lễ vật tạ ông chỉ là một nải chuối. Những nhà có làm việc kinh doanh thì thờ Thần Tài.

Những vị thần không thờ mà cúng là thần bảo trợ gia súc. Nuôi trâu bò cúng vào ngày tết, nói tắt thành “tết trâu, tết bò”. Nuôi heo cúng ông Chuồng bà Chuồng. Mồng một ngày rằm cúng các Bác tức là những âm hồn thác oan yểu tử không ai thờ phượng vất vưởng nơi bụi bờ cây cối. Cúng các Bác luôn luôn có gạo, muối và nước trong, cúng xong vãi lên ngọn cây, mái nhà, đó là phần lương thực các Bác mang theo sau khi đã hưởng tại chỗ.

Trong dân gian đầu óc bái vật rất nặng. Người ta tin rằng cũng như cây cối khi thành cổ thụ là chốn thiêng liêng, mọi vật để lâu đều có linh hồn, cho nên những ông Táo cũ, tướng đá cũ, bình vôi cũ, hư hỏng, sứt mẻ không dùng được nữa người ta không vất bỏ bừa bãi mà đem chất chồng nơi gốc cây. Lâu ngày chỗ ấy bỗng như có một sự u hiển nào đó khiến cho người lớn kính nể, con nít sợ sệt.

Cũng có khi thoạt nhìn tưởng rằng là mê tín, song hiểu ra đó chỉ là điều mong muốn, niềm ước vọng. Vào nhiều ngôi nhà mới ở Phú Yên thấy trên cây trính có 3 cái chai dung tích khoảng ¼ lít bịt vải điều. Một chai chứa gạo, một chai chứa muối, một chai chứa nước, tượng trưng cho lương thực (gạo), thực phẩm (muối) và nước uống là ba thứ tối cần để sống, cầu mong sao luôn luôn có sẵn trong nhà, không bao giờ thiếu hụt.

Tôn giáo:

Hai tôn giáo lớn và đến sớm ở Phú Yên là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Định điểm ban đầu đều trong vùng châu thổ Sông Cái, tức là vùng Bà Đài xưa, lị sở, trung tâm của Phú Yên thời mở cõi.

Phật giáo đến Phú Yên cùng lúc với những lưu dân người Việt. Ngoài số Phật tử quy y chính thức có pháp danh những người thờ cúng ông bà đều có khuynh hướng theo đạo Phật. Chùa chiền rải rác khắp nơi. Hội chùa là hội làng, hội của mọi người. Của chùa là của chung, thập phương đóng góp cúng dường thì thập phương cùng hưởng. Chùa Đá Trắng có xoài ngon, chùa Thiên Thai có tương ngọt, người ta không ngại ngần khi mời nhau: “Rủ lên Đá Trắng ăn xoài. Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì!”.

Nhiều ngôi chùa được khai sơn rất sớm, như chùa Hội Tôn từ thế kỉ thứ 17. Lúc còn niên thiếu Thiền sư Liễu Quán xuất gia vào đây tu học với Thiền sư Tế Viên. Chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng), chùa Bảo Tịnh (chùa Cát), chùa Hồ Sơn, chùa Bát Nhã (chùa Tổ)… là những ngôi chùa danh tiếng. Các bậc chân tu như ngài Liễu Quán, ngài Giác Ngộ, ngài Diệu Nghiêm, ngài Trí Giác…

Còn có những “Chùa Hang” nơi các vị cao tăng ẩn tu trong hang đá. Ngài Hứa Mật Sô ăn củ khoai mài rừng, uống nước suối, đập vỏ cây làm sợi tự dệt lấy y phục, người đời gọi là “Sơn nhân tăng”, là bậc thiển sư đạo cao đức trọng cứu đô chúng sinh.

Thiên chúa giáo đến Phú Yên từ thời Phó tướng Nguyễn Phước Vinh làm Trấn thủ. Phu nhân của quan Trấn thủ là công chúa Ngọc Liên tòng giáo, tên thánh là Marie Madelaine, nhờ vậy thời gian này Thiên chúa giáo có phần thuận lợi khi phát triển. Giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Phú Yên là Linh mục Buzomi, người Ý. Năm 1641 giáo sĩ Alexandre de Rhôdes đã rửa tội cho 91 người tại Dinh Phoan (dinh Phú An = Phú Yên) trong số đó có một người sau này được phong Thánh chân phước là thầy giảng André Phú Yên. Thiên chúa giao cũng có mặt khắp nơi trong tỉnh. Nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ được xây dựng đầu tiên vào năm 1892, do công của Linh mục Joseph La Cassagne, người Pháp, tục gọi là Cố Xuân, kinh phí của Tu hội Thừa sai Paris. Ngài qua đời tại đây, hiện nay còn mộ bên trong nền nhà thờ, ngay cửa ra vào bên trái bàn thờ chúa để ngày ngày mọi người đi qua, bước lên, chứng tỏ rằng dầu đã về nước Chúa ngài vẫn luôn luôn gần gũi các con chiên. Những vùng xa đồng bằng như Trà Kê (Sơn Hòa), Đồng Tre (Đồng Xuân) cũng có nhà thờ.

Anh hưởng, giao thoa về phong tục tập quán giữa các sắc tộc tiếp cận nhau:

Người Việt đến đây cộng cư cùng các sắc tộc bản địa. Trong các châu thổ và duyên hải còn một số người Chăm nhưng lâu ngày không còn bản sắc riêng, chỉ nhận biết qua các họ Ung, Ma, Mang, Trà. Chế. Trên vùng núi, cao nguyên thì có sự tiếp cận với các thành phần sắc tộc khác như người Êđê, người Bana, và người Chăm, có nền văn hóa cơ bản khác nhau. Kết quả của sự giao thoa qua thời gian là tạo ra ảnh hưởng lẫn nhau trong phong tục, nhất là tập quán.

Tại đồng bằng Tuy Hòa, nơi ngày xưa đông đảo người Chăm sinh sống có tục cúng đất vào ngày 18 tháng 3 âm lịch. Nói một cách chính xác hơn là cúng mướn đất, chữ Hán là lễ tá thổ. Những nông dân người Việt tin tưởng rằng những đất đai họ đang sinh sống, những ruộng đồng họ đang canh tác vẫn còn thuộc quyền sở hữu các âm chủ xa xưa, cho nên để tránh tình trạng tranh chấp, quấy phá, người đang sử dụng phải thuê mướn, trả bằng vàng mã và lễ vật dâng cúng, hai bên cam kết rõ ràng bằng văn khế có sự kiểm soát của Ngọc Hoàng cùng các vị Hành khiển chứng kiến, đọc trong lễ cúng và đốt chuyển xuống âm phủ. Lễ tá thổ có thể tổ chức hàng năm hoặc ba năm, năm năm tùy theo giao kèo giữa âm chủ và dương tá, với quy mô lớn cho cả làng, cả xóm hay một xứ đồng thì nhiều nghi thức và lễ vật, trong phạm vi gia đình thì gà vịt chè xôi. Đây là một hình thức người Việt ghi nhớ công lao các dân tộc tiền trú đã để lại ruộng vườn cho ta thụ hưởng.

Những nơi xa đồng bằng Tuy Hòa, có lẽ là vùng do người Việt tự khai khẩn, công sức của người Chăm để lại không nhiều, người Việt không có mặc cảm chiếm dụng đất đai, không nghĩ rằng phải có nghĩa vụ đáp đền thì lễ cúng đất không mang ý nghĩa thuê mướn mà chỉ là lễ cúng tạ ơn đất nước ông bà đã phù hộ cho mùa màng sung túc, cây già trái chín tốt đẹp. Cụ thể là cúng Bà Hậu Thổ, lễ vật bày bàn thành 3 cấp: cấp cao cúng Bà Hậu Thổ, cấp giữa cúng các vị tay chân hai bên, cấp thấp cúng âm hồn các đẳng.

Ở miền núi, khi người Kinh phát rẫy trồng lúa thì cũng có lệ cúng gần giống như đồng bào thiểu số. Cắt một ít lúa đem về vừa đủ phơi giã nấu một nồi cơm, cúng tại rẫy. Cơm để trong nồi, không đơm xới ra chén, vót đôi đũa tre, phía đầu lớn của đũa chuốt để những sớ tre còn lại, hơi cong cong tỏa ra, gọi là đũa bông, cắm vào nồi cơm. Cúng xong mới cắt lúa.

Đồng bào Kinh miền núi cũng săn thú rừng bằng lưới đãy, bắn thú rừng bằng ná (nỏ) tên như đồng bào Thượng.

Xem một số dụng cụ gia đình của người Kinh tại các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân thấy có điểm giống với đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện rõ ràng nhất là cái gùi, có thay đổi phần nào về hình thức cho tiện lợi hơn. Cái gùi của đồng bào thiểu số nhỏ, chứa một trọng lượng nhẹ, mang gọn trên lưng để dễ dàng đi xa và đi cả ngày trong rẫy rừng. Cái gùi của người Kinh miệng rộng hơn để dễ dàng đổ vào, sắp vào và lấy ra, dùng mang lúa bắp, nông sản, thuốc lá… từ ruộng đất về nhà, thậm chí còn dùng mang củi, đi bắt cá sông suối, đi hái trái rừng, đi chợ… nên nhiều loại lớn nhỏ khác nhau.

Tại thị trấn Củng Sơn trước đây có tục không đào giếng mà chỉ dùng nước sông. Từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước sông. Trong công đường quan Tri huyện cũng không có giếng. Người ta gánh đôi vò hay đôi thùng xuống sông Ba nhận xuống cho nước vô đầy tràn gánh về dùng. Hỏi tại sao không đào giếng thì được nghe trả lời là không dám, kiêng, sợ. Kiêng việc gì, sợ ai, không biết, xưa sao nay vậy. Ngày trước tại đây là bảo Phước Sơn, một căn cứ biên phòng, cũng là nơi các sứ bộ Thủy Xá Hỏa Xá dừng chân trước khi xuống tỉnh thành tiến cống. Phải chăng tập tục này bắt chước việc uống nước suối của đồng bào thiểu số, họ sống theo bến nước, dùng nước sông suối, không đào giếng, cho rằng nước sông suối chảy luôn nên sạch và hiền, nước giếng đọng một chỗ nên dơ và độc. Suốt các thế kỉ 17, 18, 19 Củng Sơn không có giếng nước. Đến đầu thế kỉ 20 một vài nhà đào giếng, mà phải là người chức quyền, giàu có, hiểu biết. Từ nửa sau thế kỉ 20 nhiều gia đình ở Củng Sơn theo nhau đào giếng

Việc học:

Tìm trong tư lieu cũ tư liệu nào nói về việc học ở Phú Yên thời chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn thật khan hiếm. Thời nhà Nguyễn, giai đoạn chữ Nho tại Phú Yên có một trường tỉnh học thành lập vào đầu đời Gia Long. Sau đó có các trường phủ Tuy An, Tuy Hòa, các trường huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa. Chức vụ Đốc học được đặt từ năm 1823 đời Minh Mạng. Học trò Phú Yên ra thi tại trường thi Thừa Thiên, từ năm 1852 về sau thi tại trường Bình Định. Để khuyến khích việc học, vua Gia Long cho sĩ tử Phú Yên lúc đến trường ứng thí được cấp lương đi đường. Từ năm 1821 đến năm 1918 Phú Yên có 30 vị đậu Cử nhân. Khai khoa là ông Lê Đức Ngạn, đậu cao nhất là ông Đặng Trác Văn – á khoa và trẻ tuổi nhất là ông Lê Hoàng Hà đậu năm 19 tuổi. Chưa có vị nào đậu đại khoa.

Các tác giả Đại Nam nhất thống chí cho rằng ở Phú Yên “ít có người chuyên việc học” . Có thể hiểu vì nơi đây ruộng đồng, biển khơi, rừng núi gần bên, lúc nào cũng dồi dào sản vật, việc làm ăn khá thuận tiện, cày cuốc ruộng đất, kéo lưới giăng câu dễ dàng hơn học chữ, cũng lúa nếp, bắp khoai đầy bồ đầy bịch. Ngoài ra, trong dân gian có quan niệm là xưa nay con đường thăng tiến của người có học ở Phú Yên thường vất vả, làm quan hay bị cách, bị giáng, trái lại những người xuất thân bình dân thì hanh thông hơn.

Tiến trình phát triển làng xóm nhìn qua tổ chức hành chánh:

Năm 1597 Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào khai khẩn. Lịch sử chỉ ghi vắn tắt và đơn giản như vậy. Vùng đất này lệ vào huyện Tuy Viễn trong Quảng Nam thừa tuyên, không biết mang tên gì và tổ chức hành chánh ra sao, đơn vị cơ sở, đơn vị trung gian chuyển tiếp thế nào, các chức vụ nhà nước ở mỗi cấp đều chẳng thấy đề cập. Năm 1611 phủ Phú Yên được thành lập gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, chức vụ đứng đầu phủ là Lưu thủ. Lịch sử cũng chỉ chép chừng đó, chức vụ đầu huyện là gì, dưới huyện là cấp gì cũng chẳng thấy đề cập. Trách nhiệm này thuộc về các sử quan nhà Nguyễn, như Đại Nam liệt truyện tiền biên đã thừa nhận khi viết về Lương Văn Chánh: …”Là bậc công thần thời quốc sơ, khai khẩn đất hoang, mở mang biên cảnh, công lao rõ rệt, nhưng sự tích được biết tới muộn, nên không được chép trong sách Thực lục”. Nguyễn triều Quốc sử quán đã đã để thiếu sót tên tuổi Lương Văn Chánh với công trạng lớn nhất của ông là mở đất Phú Yên. Và như thế dẫn tới việc thiếu sót cả những tên làng xóm cùng với hệ thống hành chánh cai trị đương thời.

Thiếu sót không có nghĩa là không có mà chính là có mà không được ghi chép. Nhìn lại buổi sơ khai cần hiểu rằng đôi ba địa danh nôm na vẫn là địa danh, tổ chức hành chánh dẫu đơn giản vẫn là tổ chức hành chánh.

Đến năm 1720 Quốc chúa Nguyễn Phước Chu sai Văn chức là Diên Tường nam Nguyễn Khoa Đăng vào chia lập các ấp các thuộc ở Quảng Ngãi và Phú Yên.

Năm 1726 chúa Ninh Nguyễn Phước Trú sai Ký lục Chính dinh (Phú Xuân) là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ, định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập. Mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại.

Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì: “Ngày trước họ Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, thiết lập các phủ huyện. Những nơi gần rừng núi hoặc những nơi ở dọc khe dọc biển đều đặt làm thuộc, bao nhiêu những phường, thôn, châu, man linh tinh và phân tán đều được lệ phụ vào thuộc cả, … cùng với các tổng đồng nhau…” và “các thuộc không được thiết lập trong thời gian quá bảy năm”.

Trở lại với Đại Nam thực lục tiền biên. Bây giờ chúa cho chiếu theo hộ tịch nhiều ít, thuộc có 500 người trở lên thì đặt một người Cai thuộc, một người Ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt một người Ký thuộc, 100 người trở xuống thì đặt một Tướng thần.

Năm 1815 đời Gia Long khi lập địa bạ trấn Phú Yên thì các đơn vị hành chánh như sau. Trấn Phú Yên có 2 huyện là huyện Đồng Xuân và huyện Tuy Hòa. Dưới mỗi huyện có 3 tổng và 1 thuộc. Các tổng thuộc không có tên riêng mà gọi là Thượng, Trung, Hạ kèm theo tên huyện. Các thuộc Hà Bạc gồm những thôn phường ở nơi bến sông cửa biển cũng gọi kèm theo tên huyện.

Năm 1832 đời Minh Mạng chia lại đơn vị hành chánh trong nước, phủ Phú Yên được thăng thành tỉnh, vẫn giữ 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, nhưng có điều chỉnh ranh giới. Cắt một phần phía nam huyện Đồng Xuân giao cho huyện Tuy Hòa, như vậy huyện Tuy Hòa mở rộng ra phía bắc sông Đà Rằng theo thực tế hiện nay là từ Phường 4 lên đến Củng Sơn. Các thuộc Hà Bạc giải thể, dưới cấp huyện là tổng, có tên riêng.

Huyện Đồng Xuân có 3 tổng là Xuân Đài, Xuân Sơn, Xuân Vinh.

Huyện Tuy Hòa có 4 tổng là Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc và Hòa Đa. Ba tổng Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Đa nằm phía nam sông Đà Rằng, do đó vùng nam Đà Rằng được gọi là Tam Tổng.

Ngày nay, phường là một cấp của thành phố, thị xã, quan trọng hơn xã, thôn, nhưng ngày xưa phường là đơn vị nhỏ ngang với thôn, nậu, hoặc là một tập họp những người cùng nghề (như Phường Câu, Phường Củi…), cho nên có nhiều nơi ban đầu là phường sau mới nâng lên làng, như làng Vân Hòa nguyên là phường Vân Khương rồi phường Hòa Linh, làng Xuân Sơn nguyên là phường An Sơn, làng Nhiễu Giang nguyên là phường Sông Nhiễu… Lại nhiều nơi trước khi thành làng phải qua giai đoạn “thôn tân lập” như làng Phú Thường nguyên là thôn tân lập An Thạnh, làng Phú Dật nguyên là thôn tân lập An Hòa, làng Lương Sơn nguyên là thôn tân lập Lương Sơn, làng Hiệp Thạnh Hội nguyên là thôn tân lập An Hội, làng Vân Hòa (sau giai đoạn phường) là thôn tân lập Vân Hòa.

Lần này tên làng đều dùng chữ Hán, hai từ ngắn gọn, đủ nghĩa, các tên nôm, các tên dài dòng cũng thay đổi.

Việc đặt tên làng bằng chữ Hán ngoài những mỹ tự có tính ước vọng như Phú, Phước, An, Bình … có những trường hợp mang dấu ấn sông nước khá thú vị. Có lẽ do Phú Yên nhiều sông suối và thuở ban đầu người ta thường tìm nơi gần sông suối định cư.

Thôn Long Uyên bên bờ Sông Cái trong vùng châu thổ, một thời là thủ phủ của tỉnh Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899. Có chỗ viết chữ long là thịnh, chữ uyên là vực sâu / sâu. (Long uyên = hưng thịnh sâu xa). Có chỗ căn cứ vào hướng chảy của sông qaunh co uốn lượn viết chữ long là rồng, uyên là vực (Long uyên = vực rồng) và dẫn lời tương truyền rằng Bố Chánh Phú Yên Đinh Nho Quang tâu vua Tự Đức: “Thần quan Phú Yên nhất tỉnh sơn thủy chi thắng vô du Long Uyên” (Thần thấy toàn tỉnh Phú Yên thắng cảnh núi sông không đâu bằng Long Uyên).

Thôn Suối Tre, trước năm 1832 đã đổi thành thôn Lệ Uyên. Tại đây có Suối Lùng (xưa nhiều cây lùng chăng?), nhưng do đâu gần Suối Lùng lại đặt tên thôn là Suối Tre? Khi chuyển sang chữ Hán thành Lệ Uyên không nhắc đến suối mà dùng chữ uyên là vực, chữ le là đẹp, có lẽ do nhìn phong cảnh thấy Suối Lùng = Suối Tre là một vực đẹp.

Phường Sông Nhiễu, năm 1832 đổi là làng Nhiễu Giang. Tại đây có Sông Nhau, một phụ lưu hữu ngạn của Sông Ba. Khi đặt là phường Sông Nhiễu và chuyển thành làng Nhiễu Giang dùng chữ nhiễu có nghĩa là vây chung quanh, xoay quanh, vấn quanh, gần với hình dáng dòng sông uốn quanh và viết với bộ thủy để hợp nghĩa.

Thôn Mặt Hàn. Hàn là gộp đá giữa lòng sông. Đây là nơi xây dựng đập Đồng Cam. Đại Nam nhất thống chí viết là Thạch Hãn với chữ hãn là chống cự. Đá chống cự với nước, không cho nước vượt qua, hay nước chống cự với đá, không cho nước ngăn cản xuôi dòng?

Thôn Thọ Vức xã Hòa Kiến thành phố Tuy Hòa. Theo Nguyễn Nguyên Huân trong Lược sử làng Thọ Vức (bản thảo đánh máy) thì tại đây có Vực Cây Sanh chảy ra Suối Kiệu là một vũng nước sâu, trong xanh, bên trên có cây sanh cổ thụ tỏa mát nên tên xã đặt là Thanh Vực, dùng chữ vực là một cõi đất. Xã Thanh Vực có một ngôi chùa là Thanh Tuyền tự. Năm 1832 Thanh Vực đổi thành Thọ Vực rồi dần dần quen gọi Thọ Vức.

Thôn Nguyệt Tiên Đông nằm giữa sông Đà Rằng và Sông Chùa, buổi đầu đã dùng tên chữ Hán. Sau đổi là Nguyệt Lãng, có lẽ để thích hợp hơn với cảnh trí bốn bên sóng nước. Nhưng đâu phải chỉ đêm trăng mới có sóng, sóng trên sông lúc nào cũng có và lúc nào cũng nhẹ nhàng, đẹp đẽ, dù dưới nắng mai hồng hay đêm trăng tỏ, một lần nữa đổi là Ngọc Lãng, cho đến ngày nay.

Điều đáng lưu ý : làng là đơn vị hành chánh cơ sở, có tư cách pháp nhân, có ngân sách riêng, có những tục lệ riêng như câu “phép vua thua lệ làng”, có nơi có hương ước, nhưng ở Phú Yên dùng nhiều danh từ khác nhau. Thông thường gọi là làng, văn tự quốc ngữ viết là làng, nhưng văn tự chữ Hán và trong con dấu chữ Hán viết là thôn.

Cuối thế kỉ 19 đời Thành Thái một lần điều chỉnh ranh giới nữa vào năm 1899. Huyện Tuy Hòa thăng thành phủ, cắt một phần phía tây cùng với một phần phía tây nam huyện Đồng Xuân lập huyện Sơn Hòa. Huyện Đồng Xuân thu hẹp, cắt một phần phía nam lập phủ Tuy An và một phần phía tây nam cùng với phần phía tây huyện Tuy Hòa lập huyện Sơn Hòa.

Nhiều làng mới được lập thêm, toàn tỉnh có tất cả 271 làng.

Phát triển dân số qua các thời kỳ:

Xin hãy hình dung và phỏng tính… vào ngày Lương Văn Chánh nhận lệnh đưa dân vào, nơi này có được bao nhiêu người? Kể cả những người dắt trâu bò, mang nông cụ (ngưu canh điền khí vừa được cấp phát) theo sau vó ngựa Phù Già, kể cả những người từ lâu năm định trú từ Cù Mông đến Bà Nông nay ở lại chung sống. Thật là khó! Âu đành chào thua khuyết sử.

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: năm 1753 dân 5 phủ trong xứ Quảng Nam có 152.370 người, trong đó dân phủ Phú Yên là 14.648 người. Hẳn đây là con số cụ lấy trong hồ sơ lưu trữ của chúa Nguyễn khi cụ theo Hoàng Ngũ Phúc vào làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ phủ Thuận Hóa.

Dưới triều Nguyễn theo sách Đại Nam nhất thống chí dân đinh Phú Yên năm 1819: 7.571 người, năm 1848: 7.806 người, năm 1898: 9.368 người, năm 1899: 10.465 người, năm 1906: 12.554 người.

Ngày xưa chỉ tính số dân đinh, còn những hạng lão nhiêu, bần dân, tật nguyền, vị thành niên, phụ nữ… miễn thuế đinh thì không kể. Trong vùng châu thổ Tuy An dân đông hơn cả, những làng có số suất đinh cao nhất tỉnh đều ở đây như Định Phong, Mỹ Thạnh, Ngân Sơn… Sau đó đến vùng huyện Sông Cầu, và vùng chung quanh thành phố Tuy Hòa hiện nay. Đinh số thấp nhất là vùng phía tây huyện Tây Hòa ngày nay.

Theo sách Tỉnh Phú Yên của A. Laborde thì năm 1929 tổng dân số tỉnh Phú Yên có 153.000 người.

Năm 1935, theo sách Địa dư tỉnh Phú Yên của Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ thì tổng số người thường trú trong tỉnh là 301.477 người.

Thống kê của Tòa Hành chánh tỉnh Phú Yên năm 1964: 332.401 người, năm 1974: 383.086 người với ghi chú “còn một số ở trong vùng không kiểm soát được”.

Thống kê sau năm 1975, năm 1989: 691.741 người, năm 1999: 786.972 người, nam 2009 co 879.560 nguoi..

Đôi lời tạm kết: Khái niệm Làng/Xóm và ý thức cộng đồng:

Hôm nay chúng ta đi trên đường thiên lý từ chân đèo Cù Mông vào chân Đèo Cả, chúng ta đi trên các ngả đường hướng tây, tây bắc, tây nam, lên Vân Hòa, Củng Sơn, Đồng Xuân, Sông Hinh… đâu đâu cũng thấy bát ngát một màu ruộng đồng đất thổ…Đó là Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông ngày xưa, đó là trên tự nguồn di dưới đến hải khẩu…

Nhưng chúng ta không thể phân biệt được đâu là khu vực những lưu dân do Lương Văn Chánh hướng dẫn khẩn hoang theo từng vết dầu loang mỗi ngày một mở rộng, đâu là khu vực những người gốc ở Đàng Ngoài thất trận phải làm tù binh, những người dân bảy huyện phải cưỡng bách rời bỏ bản quán, đâu là vùng các tù phạm được tha mong ước đổi đời, đâu là vùng các toán dân Nam Kỳ mộ nghĩa lập thành đồn điền bị Pháp nghi ngờ phải ra lập nghiệp nơi này và đâu là vùng do chính quyền sở tại như Thự đốc Tôn Thất Lang chủ trương khai thác.

Tất cả công lao của bao lớp tiền nhân đã hòa quyện vào nhau trong màu xanh của lúa non, màu vàng của lúa chín, trong mùi ngây ngất của những trái đỗ già nứt vỏ, những thân bắp rã mục đổ xuống… để có được một Phú Yên. .

Nói về cộng đồng dân cư thi mỗi làng tùy nơi, chia ra ấp hoặc lý, giáp… nhưng trong dân gian gọi chung là xóm. Lý, ấp, giáp có khi đặt tên bằng chữ Hán, có khi đặt tên theo vị trí trong làng, đồng thời còn có tên xóm nôm na mà mọi người vẫn quen gọi hơn. Xin nêu vài ví dụ:

Làng Phong Niên có ấp Phong Phú, Phong Hậu… Ap Phong Phú có bến đò nên còn gọi là xóm Bến Đò, lại còn gọi là xóm Phan vì ở đây hầu hết trong dòng họ Phan, chỉ vài ba gia đình họ khác. Ap Phong Hậu có đình làng gọi là xóm Đình.

Làng Củng Sơn có Tây lý, Đông lý, Bắc lý, Trung lý, người dân gọi Tây lý là xóm Tây, Đông lý là xóm Vườn (có nhiều vườn trái cây), Bắc lý là xóm Bắc và Trung lý là xóm Huyện (công đường huyện đóng tại đây).

Làng Lương Sơn có những ấp hai tên như ấp Phú Tân còn gọi là xóm Cây Dừa, ấp Đông Lương còn gọi là xóm Bàu, ấp Thủ Thại còn gọi là xóm Trại Cháy, ấp Thủ Thô còn gọi là xóm Suối Thô và xóm Ruộng Cạn.Tên xóm Trại Cháy có từ một sự kiện lịch sử, đây là trại quân của Châu Văn Tiếp nơi ông dựng cờ “Lương Sơn tá quốc” bị quân Tây Sơn tập kích đốt cháy.

Như vậy dù là lý, ấp, giáp… trong khái niệm dân gian đều coi đó là xóm. Từ xưa hai tiếng Làng/Xóm đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Có làng thì tất nhiên là có xóm, và ngược lại có xóm mới thành làng. Làng mà không có xóm thì không phải là một làng đúng nghĩa. Những người dân trong làng thường có ý thức cộng đồng rất mạnh, cùng nhau góp công góp sức xây dựng làng, sự ganh đua với các làng khác là sự ganh đua có tính hơn kém, được thua với tinh thần tự trọng và tự ái cao. Giữa xóm này xóm khác cũng có ganh đua nhưng khác hẳn, ganh đua trong tình thân thiện đồng lòng, mục đích góp công góp sức làm sao làng mình khá hơn hoặc ít nhất là ngang bằng các làng lân cận. Cả những khi nguy cấp như nhà cháy, bị cướp người ta kêu cứu không kêu riêng mà kêu cả làng và xóm, tức là “la làng xóm”. Phải nhận biết như thế mới thấy được ý nghĩa sâu sắc của hai tiếng Làng/Xóm, vai trò của xóm trong làng, của làng với xóm.

Ngày nay xã là đơn vị hành chánh cấp cơ sở, các làng không còn, cấp này biến thành thôn, trực thuộc xã, do đó vai trò của làng bị mất, có khi mất cả tên, gọi bằng số như thôn 1, thôn 2, thôn 3 v.v… Những con số khô khan vô cảm, không gợi cho ta một hình ảnh nào của thôn quê.

Vẫn biết rằng làng và thôn có nghĩa tương đương, làng dùng trong văn tự quốc ngữ, thôn dùng trong văn tự chữ Hán, nhưng luôn luôn nói đến thôn người ta nghĩ đến việc chính quyền, việc hành chánh nhiều hơn, nói đến làng người ta nghĩ đến việc của dân. Người ta nói đình làng, lẫm làng, chùa làng, ruộng làng, đất làng, rộc làng, tre làng… một cách tha thiết mà ít nói đến thôn. Hoặc nói đến thôn thì dng theo nghĩa thơn qu, thơn xĩm… Bài thơ, câu hát cũng vậy, hai tiếng làng ta, làng toi vốn có cung bậc êm đềm, nhẹ nhàng như thơ như nhạc. Khó lòng thống kê được có bao nhiêu lới hát, bao nhiêu câu thơ, bao nhiêu ca dao tiếng “làng” được nhắc đến với biết bao gắn bó và trìu mến.

Có phải là trong đó ẩn chứa cả hồn thiêng sông núi, cả anh linh tiền nhân từ thuở ban đầu mở cõi khai khẩn hoang nhàn thành lập làng xóm để đến bây giờ lớp lớp hậu bối cảm nhận được “ngàn thu sinh tử chung nhau, chung thương chung nhớ chung sầu chung vui”. Tình yêu thương làng xóm chính là cội nguồn của tình yêu thương đất nước vậy!

TRẦN HUYỀN ÂN (TRẦN SĨ HUỆ)

20/3, Chu Mạnh Trinh, Tuy Hòa

057.3826085 – 0935456979
Giáo Hạt Phú Yên

Mới hơn Cũ hơn