ĐÓNG GÓP CỦA L. CADIÈRE VÀO PHƯƠNG NGỮ HỌC TIẾNG VIỆT
QUA TÁC PHẨM NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT (PHƯƠNG NGỮ TRUNG)
Vương Hữu Lễ – Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngữ học Hoàng Dũng
0. Để nói về bà Suzane Karplès, Giám đốc viện Phật học Phnom-Penh, người đã sưu tập và xuất bản những sáng tác của Kram Ngoy – nhà thơ nổi tiếng nhất khắp đất nước Campuchia vào đầu thế kỉ này, Khing Hoc Dy và Jacqueline Khing có cho rằng: “Không phải tất cả người Pháp toàn là bọn thực dân, mà trong số họ có những nhà bác học biết bảo vệ nền văn hóa dân tộc Khmer”. (1)
Câu nói đó cũng có thể áp dụng cho Léopold Cadière, người đã dành cả đời mình – cho đến hơi thở cuối cùng – để nghiên cứu hầu hết các lĩnh vực của văn hóa Việt Nam và đã để lại một sự nghiệp khoa học đồ sộ (2) mà ngày nay những nhà Việt Nam học không thể nào không tham khảo.
Riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ học, ông cũng lưu lại nhiều công trình đặc sắc khiến những kẻ hậu sinh chúng tôi sinh lòng ngưỡng mộ và nảy ra tham vọng muốn đánh giá toàn bộ những đóng góp của ông cho ngôn ngữ học nước nhà. Bài này được coi là bước khởi đầu cho tâm trạng đó.
1. Cuốn Ngữ âm tiếng Việt (phương ngữ Trung) (3) được Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp xuất bản năm 1902. Ngoài ba mục phụ là Lệ ngôn, Dẫn nhập và Phụ lục, sách gồm ba phần chính: Phần I. Chuyển hóa nguyên âm, Phần II. Chuyển hóa phụ âm, Phần III. Chuyển hóa thanh điệu.
Mỗi phần chính được chia ra từng mục nhỏ để trước hết, trình bày từng nhóm tương ứng ngữ âm giữa phương ngữ Trung và tiếng phổ thông với những ví dụ minh họa phong phú, và sau đó đưa ra những nhận xét liên quan, hoặc thuyết minh thêm về những đặc điểm của phương ngữ Trung hoặc chỉ rõ địa bàn xuất hiện của chúng, hoặc so sánh chúng với các hình thức tương ứng ở các phương ngữ khác (kể cả các phương ngữ Trung Quốc)… Ở cuối Phụ lục, để kết thúc cuốn sách, tác giả còn cố gắng rút ra một nhận định tổng quát về phương ngữ Trung.
Như vậy, sớm sủa nhất và là tiên phong về phương ngữ học tiếng Việt, công trình của L. Cadière đã cho ta một hình ảnh rõ nét về phương ngữ Trung ở đầu thế kỉ XX.
2. Ngày nay, hơn một trăm năm trôi qua, đọc lại tác phẩm của ông, chúng tôi có mấy suy nghĩ sau đây.
2.1. Trước hết, phương pháp xuyên suốt của L. Cadière để xác định phương ngữ Trung là đối lập tiếng nói vùng này với tiếng phổ thông, tuy ông không quên so sánh với tiếng nói của phương ngữ Bắc hay phương ngữ Nam.
Cách làm này có thể bị phản đối, nhất là đối với những người không chuyên môn. Rất thông thường là những phản bác kiểu: “Đấy không phải là tiếng miền Trung vì ở làng X thuộc miền Bắc (hay miền Nam) cũng thấy có cách nói ấy.” Lập luận này thoạt nghe hữu lý, nhưng trên thực tế sẽ khiến cho ngành phương ngữ học không thể tiến thêm dù là một bước. Vì nếu thế, thì bất cứ một sự miêu tả phương ngữ học nào cũng đứng trước nguy cơ đổ sụp chừng nào chưa tiến hành điều tra tỉ mỉ tất cả các địa phương trên cả nước, một việc gần như không thể thực hiện được.
Cho nên, phương ngữ học không thể đi theo con đường nào khác với cách làm của L. Cadière. Chính ở góc độ này, mà ta hiểu cả những chỗ chưa thoả đáng của L. Cadière khi ông nhất loạt cho rằng tiếng phổ thông là gốc, còn hình thức phương ngữ là biến thể chuyển hóa (modifications). Ở đây hợp lí hơn, là dùng từ tương ứng (correspondences). Tuy vậy, đặt trong cái thế đối lập tiếng phổ thông / phương ngữ, thuật ngữ biến thể chuyển hóa của L. Cadière, không nên hiểu như một sự biến đổi trong khoa Ngôn ngữ học so sánh lịch sử, mà chỉ có nghĩa là biến thể địa phương so với cái được cho là chuẩn mực.
2.2. Theo L. Cadière, tiếng Việt gồm có ba phương ngữ Bắc, Trung và Nam với những ranh giới sau:
Phương ngữ Bắc (Tonkin): ở Bắc bộ và Thanh Hóa;
Phương ngữ Trung (Haut – Annam): từ Vinh đến Đà Nẵng;
Phương ngữ Nam (Bas – Annam): từ phía Nam Đà Nẵng đến hết Nam bộ.
Điểm chưa thoả đáng duy nhất trong quan niệm của ông là ranh giới giữa phương ngữ Trung và phương ngữ Nam: nó không phải ở phía Nam Đà Nẵng mà là ở đèo Hải Vân. Nhưng điều này thì về sau (năm 1931), ông cũng đã điều chỉnh rồi. (4) Dầu sao, quan niệm đó – của một người không chuyên môn – vẫn còn đúng hơn nhiều so với những quan niệm khác của một số nhà chuyên môn đi sau.
2.3. Trong nội bộ phương ngữ Trung, ông phân biệt những hình thức phương ngữ (formes dialectales) và những hình thức thổ ngữ (formes patoises). Ví dụ, các hình thức như mi đi mô rứa? Tui vô kinh, tui đi trong rú làm củi được coi là thuộc phương ngữ, còn những cách nói như uống riệu (rượu), nác lút tlốc cúi (nước lút đầu gối), sợ đi cắt ló (thợ đi cắt lúa) được coi là thuộc thổ ngữ.
Theo ông, một hình thức được coi là phương ngữ tuy rất phổ biến như mi, ni, vô, nhưng không bắt buộc phải được dùng khắp địa bàn, còn thổ ngữ thì thay đổi từ làng này đến làng khác, từ thôn này đến thôn khác, từ cá nhân này đến cá nhân khác sống trong cùng một làng.
Ông còn lưu ý rằng ranh giới giữa phương ngữ và thổ ngữ không phải khi nào cũng rõ rệt và do đó rất khó xác định, bởi vì do ảnh hưởng của các nguyên nhân khác nhau, một từ hay một cách nói nào đó là thổ ngữ ở một nơi nào đó lại được dùng thường xuyên và phổ biến ở một nơi khác.
Như vậy, quan niệm về phương ngữ và thổ ngữ của ông chưa được rành mạch, thậm chí hình như ông còn lẫn lộn thổ ngữ với cá ngữ (idiolecte); lí do dễ thấy là do ông không nhận thức những tiêu chí phân biệt phương ngữ và thổ ngữ, mặc dù qua các ví dụ và lập luận của ông, “tính phổ biến” đã được sử dụng như một tiêu chí.
Dầu sao, sự phân biệt các hình thức phương ngữ và thổ ngữ của ông cũng đã giúp ta hiểu thêm bức tranh phương ngữ Trung vốn rất phức tạp với nhiểu thổ ngữ và cả đảo ngữ nữa.
2.4. Để miêu tả phương ngữ Trung, L. Cadière nói rõ là ông dựa chủ yếu vào tiếng Quảng Bình và có liên hệ so sánh với các tiếng địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên. Ông cho biết sự khác biệt giữa hai bên không lớn lắm như người ta tưởng: một hình thức nào đó được dùng ở Quảng Bình sẽ chắc chắn được bắt gặp ở một làng nào đó của Quảng Trị hay Thừa Thiên.
Vô hình trung, ông đã coi tiếng Quảng Bình là tiêu biểu cho phương ngữ Trung. Quan điểm này không phải là vô lí, bởi vì tiếng Quảng Bình không chỉ nằm giữa một bên là hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một bên là hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên trong địa bàn phương ngữ Trung, mà còn mang những đặc trưng ngôn ngữ nối liền cả hai bên.
Mặt khác, một thủ pháp đáng lưu ý của L. Cadière trong việc nghiên cứu phương ngữ là ông không chỉ so sánh phương ngữ Trung với hai phương ngữ Bắc và Nam mà còn so sánh nó với cách đọc Hán Việt cũng như các đọc của các phương ngữ Trung Quốc, và ông chỉ ra rằng những khác biệt phương ngữ của tiếng Việt có liên hệ với những hiện tượng mà người ta nhận thấy trong chính tiếng Trung Quốc. Ý thức được rằng phần nghiên cứu đó của ông chưa đầy đủ và chưa cho phép rút ra những kết luận chắc chắn, nhưng ông nhấn mạnh nếu một khi nó được tiến hành một cách đúng phương pháp và triệt để thì nó sẽ đem lại những kết quả rất quan trọng để hiểu biết về nguồn gốc và các đơn vị ngữ âm của tiếng Việt.
Rõ ràng đó là một hướng nghiên cứu mới mẻ; nếu ta không quên rằng mãi mười năm sau (1912) Henri Maspéro mới vận dụng được nó trong công trình nghiên cứu quan trọng của mình về lịch sử tiếng Việt (5). Một điều cần nói thêm là tiếc thay hướng nghiên cứu thú vị đó rất ít được chú ý trong giới phương ngữ học Việt Nam kể từ đó đến nay.
2.5. Một điểm đáng học tập nữa trong quan điểm của L. Cadière là ông phân biệt chuyển hóa tự nhiên (modifications naturelles) và chuyển hóa cố ý (modifications volontaires ou conventionnelles).
Chuyển hóa tự nhiên, theo ông, diễn ra một cách vô ý thức theo những quy luật tự nhiên chi phối sự cấu tạo và phát triển của tiếng Việt. Ông nhấn mạnh đây là những hiện tượng quan trọng nhất cần được nghiên cứu trước tiên và nhờ chúng người ta có thể hiểu biết bản chất đích thực của các âm thanh tiếng Việt cũng như sự chuyểnhóa của chúng
Chuyển hóa cố ý là do sự tránh né cách phát âm tên của một nhân vật quan trọng nào đó hay của các bậc ông bà đã quá cố. Những hiện tượng này kém quan trọng hơn, nhưng không thể bỏ qua được vì chúng cho ta biết theo quan niệm thông thường của người bản ngữ thì những âm nào là tương đồng với nhau; và nếu so sánh những chuyển hóa cố ý với những chuyển hóa tự nhiên, người ta sẽ có thể có những mối liên hệ đáng chú ý và sẽ nhận thấy rằng đôi khi hai loại quy tắc đó củng cố cho nhau.
Rõ ràng là sự phân biệt tự nhiên/cố ý một cách hiển ngôn và sự nhận thức mối quan hệ qua lại như thế thật là sớm và rất có ý nghĩa về mặt lí luận trước con mắt ngạc nhiên của những người đi sau một thế kỉ. Một điều lí thú khác là theo ông, những chuyển hóa cố ý chỉ có ở những nguyên âm mà không xuất hiện ở phụ âm và thanh điệu. Đây là một nhận định đáng suy nghĩ thêm và chắc chắn nó sẽ đưa ra những hệ quả liên quan đến đặc điểm riêng của âm tiết tiếng Việt…
3. Tác phẩm của L. Cadière còn đáng quý ở chỗ nó cung cấp cho ta những chi tiết về hình ảnh phương ngữ Trung với những cứ liệu khá đầy đủ. Sau đây, chúng tôi liệt kê tất cả những tương ứng ngữ âm chính giữa tiếng phổ thông và phương ngữ Trung mà ông đã trích xuất được. (6)
NGUYÊN ÂM
Chuyển hóa tự nhiên
Tương ứng Bối cảnh Ví dụ
a (e ngắn): e – nh, -ch anh: eng; lạch: lẹc
a: ê – n ban: bên
a: ô – n, -t bản: bổn; hạt: hột
a: â – i, -o cái: cấy; gạo: cấu
â: ă – y đây: đay
â: ơ – ng, -c trấng (7): trớng, bậc: bợc
â: ơ/i – n chân: chơn/chin
e: a – 0 mẹ: mạ
e: ê – 0 mẹ: mệ
e: en – 0 mè: mèn; nhẹ: nhén
ê: ên – 0 rễ: rẹn; nghệ: nghẹn
i: in – 0 bí: bín; chỉ: chỉn
i: uy – 0 thi: thuy; thị: thụy
i: ê – nh bình: bềnh; mình: mềng
ô: u – 0, -l, -n, -t cố: cú; tôi: tui; hôn: hun; đốt: đút
ô: uô – ng công: cuông
u: ô – 0 củ: cổ; cũ: cỗ/cộ
ư: i – 0, -t ừ: ì; bứt: bít
iê: e – ng miệng: mẹng; miếng: méng
uô: o – 0, -it, -ng, -t lúa: ló; muối: mói; ruộng: roọng; ruột: roọt
ươ: a – 0, -ih, -c lửa: lả; lưới: lái; nước: nác
ươ: iê – u hươu: hiêu; rượu: riệu
uâ: u – n, -t huấn: hún; luật: lụt
ao: ô vào: vô
âu: ô đậu: độ
âu: u bâu: bu; nâu: nu
eo: e/ê kẻo: kẻ/kệ
Chuyển hóa cố ý
ă: ươ – c mặc: mược; mắc: mước
ă: iê – m, -u năm: niêm; sáu: siếc
ă: ươ/ơ – y bảy: bưởi/bởi
a: ơ – 0, -m, -i ba: bơ; tám: tớm; hai: hơi; thái: thới
a: iê – o cao: kiêu; đạo: điệu; hậu: hựu; lâu: lưu
i: ơ – 0, -n khỉ: khởi; chín: chớn
i: ươ – ng bình: bường
o: uô/ươ – ng lòng: luồng/lường; phong: phuông/phương
o: ươ – c học: hược
iê: ơ – n tiền: tờn; thiện: thợn
ươ: ơ – i mười: mời
ươ: a – n, -c mượn: mạn, trước: trác
PHỤ ÂM
v: b ve: be; vui: bui
v: ph vỡ: phỡ; vỗ: phỗ
th: s thạp: sạp; thèm: sèm
h: s (8) họ: sọ; hắn: sắn
nh: gi nhà: già; nhọc: giọc
tr: tl trâu: tlâu; tre: tle
tr: l trỗ: lỗ; trồng: lông
ch: l trợt: tợt; trọn: tọn
ch:tr chài: trài; chữ: trự
ch: gi cha: gia; chồng: giồng
gi: ch giận: chận; giữ: chữ
gi: tr già: tra; giữa: trữa
s: th sai: thai; sau: thau
s: tr sào: trào; sàng: tràng
s: t sóc: tóc
d: gi /j/ dao: giao; dác: giác
d: đ dao: đao; dầm: đầm
d: r diều: riều; dác: rác
d: th dột: thốt; dỗ dành: thỗ thành
g: c gà: ca; gáy: cáy
g: kh gải: khải; gàu: khau
g: c gà: ca; gáy: cáy
g: gi (9) gặp: giặp; gọi: giọi
g: ng gần: ngân
kh: x khiêm: xiêm
r: t rít: tít
PHỤ ÂM CUỐI
n: m cắn: cắm
n: nh/ng nhện/ nhệng/nhệnh
nh: ng anh: eng; bánh: béng
ch: c ếch: ếc; lạch: lẹc
THANH ĐIỆU
sắc: nặng báng: bạng; đốm: độm
nặng: sắc gạo: cấu; vụng: bống
huyển: ngang gà: ca; vò: bo
ngã: nặng cũi: cụi; giữ: chự
(L. Cadière còn cho biết ở Quảng Trị và Thừa Thiên, thanh ngã lẫn lộn với dấu hỏi, còn ở Quảng Bình, thanh ngã lại lẫn lộn với thanh nặng.)
4. Cần lưu ý là bảng kê những tương ứng trên đây chỉ là những trường hợp L. Cadière cho là chính yếu. Trong phần nhận xét về các tương ứng này, ông cung cấp thêm một số tương ứng khác, không được đưa vào bản kê vì sự lựa chọn hình thức này hay hình thức kia chưa dứt khoát (ví dụ đàng – đường đều được sử dụng trong cả ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, “khó nói chính xác là hình thức nào chiếm ưu thế” (tr. 10), hoặc vì chỉ được sử dụng ở cấp thổ ngữ. Sau đây là những cứ liệu bổ sung đáng ghi nhận:
a: o (10) (tìm thấy ở Kẻ Hạc, Phú Kinh (Quảng Bình) và một số làng ở Quảng Trị, Thừa Thiên, chủ yếu là vùng cận sơn)
o ngắn: o dài (bối cảnh –ng, –c), ví dụ: cong, trong.
ô ngắn: ô dài (bối cảnh –ng) (11), ví dụ: không, trông.
uâ: i (bối cảnh –n, –t), ví dụ: quần: quỳn; tuất: tuýt (L. Cadière cho biết trường hợp này rất hiếm và chỉ bắt gặp ở một vài nơi).
ch–: x– ví dụ: chuối: xuối; chín: xín (một số làng ở Bắc Quảng Bình như Hòa Ninh, Vĩnh Phước)
d–: đz/đj/đi ví dụ: đao: đzao/đjao/điao (Quảng Bình và một số vùng ở Quảng Trị; tùy theo từng làng mà ta có một trong các biến thái đó).
5. Công trình của L. Cadière không chỉ cung cấp danh sách các tương ứng ngữ âm, mà qua các ví dụ ông dẫn ra, ta còn hưởng được một điều thú vị là bắt gặp khá nhiều từ địa phương hiếm quý với số lượng gần 300 từ. Xin ghi lại một số trường hợp đáng chú ý:
oẹ: oạ, thi (xác chết): thuy; bối rối: búi rúi; liệm: lượm; trước: trác; sữa: sã/trã; làng: lường; bảy: bưởi; hai: hơi; ba: bơ; cả: cở; mười: mời; mắc: mước; sáu: siếu; sau: siêu; tiền: tờn; thiện: thợn; chín (9): chớn; mỹ (đẹp): mỡi; học: hược; lòng: luồng/lường; nhất: nhắt; (con) bét: vét; vu (khống): bu; vùi: bùi; vữa: bữa; gió: chó; tóc: sóc; (buổi) sáng: tráng; dạy: rạy; guốc: cuốc; gươm: cươm; gương: cương; khác: xác; (con) dũ dĩ: rụ rị/tụ tị/tụ rị.
6. Dưới con mắt của ngữ âm học hiện đại, dĩ nhiên, người ta dễ dàng thấy một số chỗ nhận định và trình bày của tác giả cuốn Ngữ âm tiếng Việt (phương ngữ Trung) chưa được chính xác và thỏa đáng, và còn thiếu tính hệ thống. Chẳng hạn, tác giả nhiều khi không phân biệt ngữ âm học với âm vị học, không phân biệt sự biến đổi âm vị thực sự trong hệ thống với sự biến đổi tạm thời trong ngữ lưu (ví dụ các từ không có trọng âm cái, mới, với có thể biến đổi lần lượt thành kế, mí, ví hay v); hoặc không tách biệt những tương ứng tác động đến tất cả các từ có liên với những tương ứng chỉ tác độn đến một số từ nào đó mà thôi…
Nhưng, nếu lấy đó làm lời phê phán L. Cadière thì, thiết nghĩ, hơi bất công, bởi vì ta không nên quên rằng ở đầu thế kỉ này, không chỉ ở riêng nước ta mà là cả trên thế giới, ngữ âm học vẫn còn nằm trong giai đoạn non yếu. Cần phải nhớ rằng cuốn Ngữ âm tiếng Việt (phương ngữ Trung) của L. Cadière xuất bản ngay từ năm 1902, mà mãi đến năm 1939, tức gần 40 năm sau, tác phẩm Các nguyên lý âm vị học của N. Trubetzkoy khai sinh khoa âm vị học hiện đại mới ra mắt bạn đọc. Trong tình hình như vậy mà ông đã có thể phân tích được hầu hết các đặc trưng của phương ngữ Trung thì đó đã là điều đáng khâm phục rồi. Và chắc chắn không ai phủ nhận rằng công trình này, cùng với tác phầm Le dialecte du Bas-Annam, Esquisse de phonétique, (12) đã đưa L. Cadière lên địa vị nhà phương ngữ học tiếng Việt đầu tiên.
V H L – H D
CHÚ THÍCH
1. Khing Hoc Dy et Jacqueline Khing – ‘Les recommandations de Kram Ngoy’, Mon – Khmer Studies VII, tr.145.
2. Theo Louis Malleret (trong L. Cadière, Croyances et pratiques religieuses des vietnamiens. Paris: BEFEO, 1957), L. Cadière có đến 248 công trình lớn nhỏ đã công bố. Trong đó, chúng tôi thấy có hơn 20 công trình về ngôn ngữ học. Ngoài ra, ông còn có nhiều bản thảo của những công trình khác mà nay đã thất lạc.
3. Nguyên bản là Phonétique annamite (dialecte du Haut – Annam). Paris: Imprimerie Nationale, 1902.
4. Cadière, L. 1931. ‘Ethnographie (Populations – Langues – Religions)’ trong L’ Annam. Hà Nội: Imprimerie d’ Extrême – Orient, , tr.69.
5. Mapéro, H. 1912. ‘Études sur la phonétique historique de la langue annamite, les initiales’, BEFEO XII, pp. 1-126.
6. Bảng kê này có sửa đổi và phụ chú về bối cảnh để dễ so sánh với các tác giả khác; có một trường hợp không thích đáng bị loại bỏ là h: f (hôn phối: phôn phối) vì thật ra đây chỉ là một hiện tượng đồng hóa.
7. Tiếng phổ thông hiện nay là trứng.
8. Mối quan hệ giữa th và s làm nảy sinh hiện tượng h>s khi ngay trước h là âm cuối –t: một họ > một sọ; bắt hắn > bắt sắn… Cadière cho đây là trường hợp chắp dính hay ít ra cũng là bắt đầu chắp dính, một hiện tượng kì lạ và rất hiếm trong tiếng Việt.
9. Cadière miêu tả gi ở đây là một âm ngạc (dịu): gặp được phát âm là giiặp ‘như thể là có hai i trước ă’ (tr.73). Vậy, gi ở đây không phải là /j/ bình thường mà là /j/ có tính ngạc rất mạnh.
10. L. Cadière miêu tả đỏ lả một âm nghe như ô hay o hoặc ao (tr.6), nhưng ông nói thêm rằng đó là ‘một âm a bị biến chất, rất hẹp và rất điếc’ (tr.7). Những chỉ dẫn ấy đủ cho chúng ta hình dung đó là một âm a sau tròn môi.
11. L. Cadière cho cách đọc ong, oc, ông trong các thổ ngữ của phương ngữ Trung là một âm o, ô rộng trước một âm mũi hay âm gốc lưỡi (tr.20, 23). Ông còn cho rằng nói chung, ô trong ông phát âm như ô hay au tiếng Pháp. Như vậy, có thể tin chắc rằng ông đã đề cập đến cách phát âm o, ô dài với –ng, –c không ngậm môi. Đáng ngạc nhiên là ông không nói gì về trường hợp óc.
12. BEFEO, XI (1911), số 1 – 2, tr.67 – 110.