Léopold Cadière với tạp chí đô thành hiếu cổ

L. CADIÈRE VỚI TẠP CHÍ ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Linh mục Léopold-Michel Cadière đích thực là sáng lập viên Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du vieux Huế, 1913) và Tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du vieux Huế, BAVH, 1914). Nhưng ông khiêm tốn chỉ nhận làm thường hội viên của Hội và làm biên tập viên (rédacteur) của Tập san. Tuy nhiên mọi việc đều do ông chỉ đạo và thực hiện phần lớn.

Đúng như cha Lefas viết: “Có thể nói, nhiệt tình của cha Cadière – một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi – đã thành truyền nhiễm lây lan. Ông đã dần dần quy tụ quanh mình một vòng vây luôn rộng mở gồm những nhân vật hăng say sinh hoạt trí thức. Như thế, năm 1913, ông đã tạo dựng được một thứ Hàn lâm viện địa phương (Académie régionale) dưới danh xưng giản dị Những người bạn của Huế xưa(Amis du vieux Huế, tức Đô thành hiếu cổ), mà Tập san cùng mang một tên xuất bản tam cá nguyệt suốt từ 1914 đến 1945 khi Nhật đảo chính, mới ngưng hoạt động. Tất nhiên, tài năng của những người mệnh danh là Bạn của Huế xưa (và họ đều là Bạn của cha Cadière), đã là xuất chúng; tuy nhiên vị khởi động, người thư ký, biên tập viên chính yếu của Tập san lại đích thân là người sáng lập mà sự thông thái đã gây ngay được uy tín” (1).

Năm 1995, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã lên kế hoạch khai thác toàn bộTập san Đô thành hiếu cổ đổi tên từ nay là Những người bạn của Huế xưa cho sát nghĩa với danh xưng tiếng Pháp Amis du vieux Huế. Nhà xuất bản giới thiệu công trình lớn lao này bằng 2 văn bản:

1) Các nội dung chủ yếu lấy từ sưu tập BAVH.

2) Công trình chia ra 31 tập (mỗi năm một tập từ 1914 đến 1944). Mỗi tập có bảng kê tác phẩm và tác giả.

Sau đây là Bảng kê các nội dung chủ yếu (2):

Giới thiệu bộ sách:

Những người bạn của Huế xưa

(B.A.V.H. Bulletin des amis du vieux Huế)

Đây là một bộ sách, một bộ sưu tập góp phần không nhỏ vào công cuộc nghiên cứu về Huế xưa  Triều Nguyễn. Nhìn chung, nội dung bộ sách có thể khảo sát theo các mảng chính yếu sau đây:

– Kinh thành Huế và phụ cận.

– Lịch sử Huế và Việt Nam.

– Nghệ thuật xứ Huế.

– Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế.

– Các đề tài khác.

Các nội dung chủ yếu

1. Kinh thành Huế và phụ cận:

Đây là mảng tư liệu có thể xem là hàng đầu của bộ sách.

Lịch sử Kinh đô Huế từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hóa năm 1658 cho đến khi vua Gia Long lên ngôi khởi công xây dựng Kinh thành năm 1804 và tiếp tục cho đến hết đời để rồi vua Minh Mạng thực sự hoàn tất công trình vào năm 1833; tất cả được Võ Liêm trình bày khá chi tiết trong bài: Kinh Đô Thuận Hóa.

Cũng đề tài này được Cao Văn Chiểu khảo sát, giới thiệu và đẩy lên đến đời Trần. Với tư liệu dân gian qua giai thoại: câu hò, câu hát, ca dao, tác giả phác thảo những đặc trưng của xứ Huế. Bài có thêm phần chú thích phong phú và uyên bác của linh mục Cadière mở ra một số gợi ý nghiên cứu địa danh học xứ Huế.

Với bài viết nhan đề: “Kinh thành Huế: bản đồ học”, H.Cosserat đã cung cấp cho ta 28 bản đồ về Kinh thành Huế do người Pháp thực hiện trong thế kỷ 19. Bài còn có hai bản khắc Việt Nam, một ghi chú về công binh Việt Nam, và một bài miêu tả Kinh thành Huế của Crawfurd.

Các khu vực của Kinh thành: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, các cửa Ngọ môn, Đại Cung môn và một số cung điện: Cung Càn Thành, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Khôn Thai được L.Cadière tìm hiểu và ghi lại lịch sử của chúng.

Ngoài ra một số cơ sở thuộc Kinh Thành Huế cũng được nghiên cứu kỹ càng. Đó là các địa điểm: Hồ Tịnh Tâm, Thư viện Quốc Tử Giám, kho thuốc súng, vườn Trường Thanh, vườn Thư Quang hoặc Phu Văn Lâu, kho lúa hoàng gia, Tôn Nhơn phủ hay Thượng thiện, Ly thiện Tể sanh, Trấn phủ (Khám đường của Huế xưa), Trường Hậu bổ.

Tất cả cung cấp cho ta những kiến thức về mọi mặt của Kinh thành Huế, rất đáng quý, đôi khi khá bất ngờ và lý thú. Thí dụ trong bài về Trấn Phủ ta tìm được ngày đã xảy ra cơn bão nổi tiếng năm Thìn, đó là ngày 11.9.1904.

Và một số di tích khác như Quốc Tử Giám, trường Quốc Học, Tòa Khâm, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong Thế chiến 1, nghĩa trang người Âu ở Kim Long, ở Thuận An, ụ bắn Thanh Phước, xưởng sửa tàu Thanh Phước, kho lúa Triều Sơn Đông, Tiên Nộn.

Lăng tẩm

Lăng tẩm là một nét đặc trưng của Kinh Thành Huế, khó nơi nào có được, nên B.A.V.H, không thể nào quên. Mỗi lăng được đề cập ở những mức độ khác nhau, nhưng điều đặc biệt là biểu hiện được cá tính của mỗi vị vua.

Lăng Gia Long (Thiên Thọ lăng) với phong cảnh u nhã, cổ kính, với hai nấm mồ song song của nhà vua và người vợ đầu cùng nếm mật nằm gai trên bước đường dựng nghiệp đã gợi lại con người và sự nghiệp của vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn. Các sắc thái của lăng Gia Long đã được hai tác giả: Ch.Patris và L.Cadière trình bày đầy đủ sau khi đã cung cấp cho độc giả những chỉ dẫn du lịch. Nơi đây còn có lăng mộ các thân nhân của vua Gia Long, lăng của Thuận Thiên Cao hoàng hậu, người vợ thứ hai của nhà vua, lăng Trường Phong của Ninh Vương (1725 – 1788), lăng Thoại Thánh của Mẹ vua Gia Long, lăng của công chúa Ngọc Tế, con gái thứ hai của Tiên Vương Nguyễn Hoàng, vợ của Trịnh Tráng.

Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng), với các ghi chú rút ra từ Đại Nam Thực lục, Ch.Lichtenphender giải thích các phần của Hiếu Lăng.

Tác giả bài văn bia ở lăng này là mẹ Thiệu Trị. Sau phần tóm lược lịch sử triều đại nhà Nguyễn, tác giả ca ngợi con người và sự nghiệp vĩ đại của cha mình. Kết thúc văn bia là một bài tụng thi. Bia dựng ngày 25.1.1842.

Lăng Thiệu Trị (Xương lăng) tác giả G.Laugrand trình bày các yếu tố địa lý, phong thủy trong xây dựng lăng, miêu tả và phân tích mỹ thuật của lăng.

Trong bài văn bia, vua Tự Đức đã ca ngợi công đức của cha mình: là người con hiếu thảo, có công sáng lập Quốc Sử quán, dựng đền thờ các công thần và là tác giả của nhiều thi tập – Bia đề ngày 19.11.1848.

Lăng Tự Đức (Khiêm lăng)

Đặc biệt văn bia do chính Tự Đức soạn. Ông trần tình nỗi khổ đời mình với những điều bất đắc dĩ, những hạn chế và tội lỗi của mình và giới thiệu ý nghĩa của Khiêm lăng – Bia hoàn tất năm 1867.

Ở lăng này còn dấu vết của một trò chơi cổ: trò chơi “đầu hồ”.

Bên cạnh lăng Tự Đức có lăng Kiên Thái Vương rất đáng chú ý về phương diện mỹ thuật ở những mẫu trang hoàng, các phẩm vật nghệ thuật: đồ gốm, tranh gương… thuộc phần trang trí nội thất.

Đền, chùa, am, miếu:

Chùa Thiên Mụ: Người Âu thường gọi nhầm chùa này là Tháp Khổng Tử hay Chùa Khổng Tử. Chùa do chúa Nguyễn Hoàng cho xây sau khi gặp “bà lão nhà Trời” như lời truyền thuyết. Năm 1665, Hiền Vương cho sửa sang chùa, sau đó Minh Vương mở rộng vào năm 1710 và cho đúc chiếc chuông nổi tiếng của chùa. Đời Minh Mạng, chùa có hai lần trùng tu lớn vào năm 1825 và 1835. Vua Thiệu Trị cho dựng tháp Phước Duyên và lầu Hương Nguyên năm 1844. Đời Thành Thái nhân dịp cửu tuần đại khánh mẹ vua Tự Đức chùa được sửa chữa nhiều. Năm 1904 chùa bị phá hoại và triệt hạ một phần lớn các công trình kiến trúc, đến 1907 mới được sửa chữa. Ngày nay chùa khác xa quy mô đã có ngày xưa.

Ngoài Thiên Mụ, các chùa Quốc Ân, Báo Quốc, Diệu Đế, Từ Hiếu, Voi Ré… đều được đề cập.

Đền Chiêu ỨngĐền xây năm 1908 ở Gia Hội để tưởng niệm 108 người Trung Hoa gốc Hải Nam đến Việt Nam buôn bán khoảng năm 1851 bị vu cáo là giặc cướp, bị bắt và bị giết, về sau mới được xét lại và phục hồi danh dự. Đền rất đẹp và nhất là bên trong, do thợ Trung Hoa sang làm.

Huệ Nam Điện (Điện Hòn Chén)

Đền thuộc làng Hải Cát tỉnh Thừa Thiên, tên cũ là Nam Long, tên bình dân là Hòn Chén, người Âu gọi là đền Phù Thủy. Đền thờ thần nữ Thiên Y-a-na và Thủy thần. Lễ hội cử hành vào tháng 2 và tháng 7. Đây là lễ hội của Thiên Tiên Thánh Giáo, hội của những người “lên đồng”, một đề tài lý thú vềfolklore xứ Huế.

Ngoài ra còn biết bao am miếu, các vị trí thờ cúng của dân gian, dưới gốc đa, trên cành sanh, hốc đá bên đường hay ở ngã ba, đầu sông, bến nước mà hai tác giả: Bác sĩ Sallet và ông Nguyễn Đình Hòe đã bỏ công tìm kiếm liệt kê, đánh số.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể quên công trình của tác giả Đào Thái Hanh với các thần thoại, phân tích về nữ thần Thiên Y-a-na, Liễu Hạnh Công chúa, Thái Dương phu nhân, Kỳ Thạch phu nhân.

B.A.V.H. không quên khía cạnh du lịch của cảnh quan Huế nên đã dành chuyên mục: “Hué pittoresque” (Huế đẹp) để ca ngợi sắc thái kỳ diệu, cuốn hút của cảnh Huế, con người Huế, môi trường sinh hoạt Huế; tất cả tạo nên cái phong vị đặc biệt của riêng Huế.

Các hình thái sinh hoạt, vật chất lẫn tinh thần, được biểu hiện qua vật thể: nhà cửa, đồ dùng, y phục, nón mũ, huy chương, thẻ bài… và biết bao thứ khác liên quan đến đời sống cung đình cũng như dân gian xứ Huế.

Y phục thiết triều của các quan, các loại huy chương của Nam triều: Kim khánh, Kim bội, Kim tiền, ngân tiền, thẻ bài…; các quyển sách vàng, sách bạc, khuôn dấu, ấn triện đều được sưu tầm, nghiên cứu, trình bày.

Những đồng tiền cổ, cái đãy gấm được gọi là hà bao của giới thượng lưu xứ Huế, chiếc nón thượng của miền Nghệ Tĩnh được phụ nữ quý phái xứ Huế thời này ưa chuộng được miêu tả với tất cả màu sắc đặc thù của một thời đã qua. Bên cạnh đó, đồ sứ cổ (đồ xưa, đồ sứ) nhất là đồ sứ men lam mà người Pháp gọi là “bleu de Hué” cùng những thứ đồ cổ tương cận, xuất hiện trong chuyên mục “Carnet d’un collectionneur” (Sổ tay của một người sưu tập) đã làm đậm đà thêm phong vị của Huế xưa. Cũng chính từ chuyên mục này, linh mục Cadière và các tác giả khác đã gợi nên vấn đề cần giải quyết về “bleu de Hué” và đồ sứ của Huế xưa.

Bên cạnh những đồ vật kích thước nhỏ và nhẹ đó ta thấy các thứ lớn và nặng cân hơn: đỉnh, vạc, đại bác, thần công và trống, những vật gắn liền Kinh đô Huế và triều đại nhà Nguyễn.

Sinh hoạt cung đình:

Sinh hoạt cung đình thường được thấy qua các lễ tiết, đã được khai thác và trình bày nghiêm túc. Đề tài Nam Giao là một minh chứng cụ thể. Các tác giả R.Orband, L.Cadière… đã dày công nghiên cứu trình bày công phu và chi tiết lễ tế quan trọng này với rất nhiều bản minh họa màu. Đây là một tư liệu quý.

Trong khuôn khổ của Đàn Nam Giao, các cây thông được đề cập như một yếu tố không thể thiếu, cần bảo vệ cho cảnh quan môi trường của nơi này. Và từ thuở đó (1916), trước sự tàn phá của bàn tay con người kém hiểu biết, linh mục Cadière đã kêu lên: “Sauvons nos pins!” (Hãy cứu lấy những cây thông của chúng ta!) Tiếng kêu đó đã nói lên tất cả nỗi lòng thiết tha với Huế của vị thừa sai người Pháp, tổng biên tập của B.A.V.H. và nó thật đáng cho chúng ta – người của hôm nay và mai sau – suy ngẫm.

Lễ tức vị hay đăng quang và lễ Tấn phong vốn thường có trong thời phong kiến, nay đã không còn, cần được ghi nhận và bảo tồn. B.A.V.H. dĩ nhiên không quên nhiệm vụ này, và đã cho ta tham dự các lễ tức vị của vua Hàm Nghi và Khải Định cũng như cho biết Trung Hoa đã tấn phong Tự Đức như thế nào và việc vua Minh Mạng ra Hà Nội nhận sắc phong.

Ngoài ra còn có một số lễ nghi khác: lễ thụ phong của Đông Cung thái tử, của Hoàng thái hậu, hoặc của những người được nhận các tước: Vương, Công, Nam; lễ tế tuần, ngũ tuần đại khánh, Đại triều nghi, Đoan Dương, Nguyên Đán, Phần huỳnh, Phất thức và nhờ đó ta mới biết hàng năm vào hạ tuần tháng Chạp ở cung đình triều Nguyễn có lễ sửa ấn tín, sách vàng, sách bạc, thẻ bài, hổ phù… mà nếu căn cứ vào danh xưng Hán Việt ta không thể thấu hiểu trọn vẹn.

Bên cạnh các lễ nghi cung đình ta không thể quên mảng tư liệu về tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt trong đó nổi bật các công trình giá trị của linh mục Cadière, đáng chú ý là các tác phẩm: “L’Annam” (1931) và“Introduction à l’étude l’Annam et du Champa” (Hướng dẫn nghiên cứu về Việt Nam và Champa) (1934) và bài “La famille et la religion en pays Annamites (Gia đình và tôn giáo ở các xứ Việt Nam) (1930).

2. Các đề tài lịch sử

a. Tiền sử:

Những phát hiện tiền sử trực tiếp liên quan đến Huế không nhiều, ngoại trừ các công trình của Madeleine Colani về tiền sử và sơ sử Quảng Bình và về hệ thống giếng đá cổ ở Gio Linh, Quảng Trị.

Đề tài này được mở rộng đến địa giới của Nghệ An – Hà Tĩnh và Đông Dương.

b. Champa:

Vốn là đất thuộc vương quốc Champa, nên xứ Huế còn khá nhiều vết tích Chàm. Đề tài về Champa cũng vì thế cũng là một đề tài hấp dẫn các cộng tác viên của B.A.V.H.

Lịch sử vương quốc Chàm được trình bày tương đối đầy đủ trong các tác phẩm “L’Annam” và “Hướng dẫn nghiên cứu về Việt Nam và Champa” cũng như một số đề tài chủ yếu về Champa. Tuy nhiên mức độ đáp ứng chưa đủ thỏa mãn mọi giới nghiên cứu.

Ngoài ra hai công trình này còn có các bài viết về tượng Chàm hay chỉ một mảnh tượng Chàm hoặc nói chung là các tác phẩm điêu khắc Chàm ở một số địa điểm như: Giam Biều, Thành Trung, Xuân Hòa, Thành Lồi ở Phường Đúc cũng được đề cập.

Địa bàn nghiên cứu Chàm vượt ra khỏi Thừa Thiên – Huế để đến các vùng khác: Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam, Phú Yên.

c. Huế và Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn:

Lịch sử thời Tiền Nguyễn trước hết được giới thiệu qua các nhân vật trong“Phổ hệ họ Nguyễn trước Gia Long”. Từ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng đến các chúa: Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thụ, Nguyễn Phúc Khoát và Nguyễn Phúc Thuần.

Phổ hệ họ Nguyễn Phúc thực ra xuất phát từ Thủy tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc đời Đinh Tiên Hoàng – hậu duệ của Định Quốc Công chia làm rất nhiều chi phái tỏa ra trên khắp mọi miền đất nước, đến nay không tính xuể và sưu tầm được đầy đủ.

Ngoài tên các chúa là tên các ông hoàng, các công chúa: Ngọc Bửu (con gái Nguyễn Kim), Ngọc Tiên, Ngọc Tú (con gái Nguyễn Hoàng); Ngọc Đỉnh, Ngọc Khoa, Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Duệ…

Và một điều lý thú là công chúa Ngọc Hân, con gái vua Lê Hiển Tông, Bắc cung hoàng hậu của hoàng đế Quang Trung cũng được đề cập.

Một số khuôn mặt của triều đình Võ vương trong đó có Trương Phúc Loan, Trương Phúc Thông, ông hoàng Thể, ông hoàng Đản (chú của Võ Vương), ông hoàng Kỉnh (con trai Võ Vương) hoặc bà Chiêu Nghi và một số người Âu có đi qua Huế vào khoảng giữa thế kỷ 18 như nhà buôn Poivre, mục sư Favre… đã được linh mục Cadière nói đến.

Một chuyên mục rất đáng quan tâm đó là chuyên mục: “Les Européens qui ont vu le vieux Huế” (Những người Âu đã thấy Huế xưa) đã cung cấp cho ta nhiều nhân vật người Âu, phần lớn là các tu sĩ, các vị thừa sai dòng Tên đã viếng Huế thời kỳ này (thế kỷ 17, 18) với các bản tường trình, thư từ, nhật ký, họ đã cho ta những trang miêu tả tỉ mỉ khung cảnh Huế đương thời với sắc thái sinh hoạt thường nhật và nhất là kể cho ta nghe về những sự kiện lịch sử mà họ nghe, thấy và biết rõ. Đây là nguồn tư liệu quý để đối chiếu, tham khảo. Hiển nhiên chúng cần được kiểm tra và đánh giá.

Câu chuyện bi hài chống mê tín dị đoan của Bénigne Vachet trên chiếc cầu Nhật ở Hội An được linh mục Cadière trình bày lại rất lý thú, đồng thời cung cấp những chi tiết về lịch sử, xã hội đương thời dưới triều Hiền Vương.

Các bản tường trình của linh mục A.De Rhodes, của linh mục Cristoforo Borri… cung cấp những trang tư liệu quý về đất nước, con người xứ Đàng Trong. Chính trong những trang viết của họ đã xuất hiện những phác thảo đầu tiên của chữ quốc ngữ.

Một số địa danh như Quý Nam, Dinh Trại được bàn đến, qua đó ta thấy một số sự kiện lịch sử.

Về thời Tây Sơn, chỉ có những bài viết ngắn, ít được chú ý (Công chúa Ngọc Hân, Ông Vò, Ông Ghè, cái triện Tây Sơn…).

d/ Huế thời Cận đại:

Lịch sử Huế thời Cận đại nằm trong khuôn khổ của lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19 cho đến nửa đầu thế kỷ 20, bao gồm các nguồn:

– Lịch sử triều Nguyễn: từ Gia Long đến Bảo Đại

– Cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp.

– Công cuộc bảo hộ của Pháp.

Sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội đan quyện vào nhau trong dòng chảy của thời gian khó biện biệt riêng lẻ; tuy nhiên, ta tạm chia như trên để tìm hiểu.

Triều Nguyễn mở đầu với Gia Long, nhà vua sau khi lên ngôi đã ra công xây dựng Kinh đô cho triều đại, đã được trình bày ở trên trong phần tư liệu và Kinh thành Huế.

Dưới triều Gia Long, B.A.V.H. đã cung ứng một số tư liệu trong chuyên mục: “Les Français au service de Gia Long” (Những người Pháp phụng sự Gia Long). Ta tìm thấy ở đây những nhân vật như: J.B.Chaigneau, Vanier, De Forcant, Olivier, Manuel… Đặc biệt tư liệu về Chaigneau rất phong phú, chi tiết hữu ích cho các nhà nghiên cứu trên rất nhiều lĩnh vực khác biệt. Ở đây ta cũng thấy có nhiều tư liệu về Michel Đức Chaigneau và Louis Eugène Chaigneau, cũng như biết thêm Chateaubriant là bà con cô cậu của J.B.Chaigneau.

Một nhân vật nữa không thể bỏ qua, đó là Giám mục Pigneau de Béhaine(G.M.Bá Đa Lộc) hay G.M.Adran.

Cuộc xâm lược Việt Nam của người Pháp

Đây là mảng tư liệu phong phú, đóng góp cho lịch sử Việt Nam và lịch sử triều Nguyễn nói riêng. Nó đáng giá ở chỗ là tiếng nói từ phía Pháp nên bổ sung được cho chính sử nước ta nhất là những chỗ còn trống hoặc “tồn nghi”.

Trong các tác phẩm: “L’Annam” và “Hướng dẫn nghiên cứu Việt Nam và Champa”, đều có đề cập khái lược lịch sử giai đoạn sôi động đầy xáo trộn và cũng đầy đau thương của lịch sử Việt Nam thời cận đại. Nhưng bên cạnh đó, trong B.A.V.H. còn có nhiều bài viết chi tiết, tỉ mỉ, rất đáng tham khảo. Từ cuộc chiến khởi đầu ở Đà Nẵng và tiếp đó là bao biến cố dẫn đến hòa ước 1862 và phái bộ Phan Thanh Giản. Rồi đến các hòa ước 1872, 1874, 1883 và cuối cùng là biến cố ngày 5.7.1885.

A.Delraux kể cho ta nghe tường tận biến cố 1885 ở Huế. Tuy nhiên cũng cần xem lại các con số thống kê thiệt hại của đôi bên, nhất là phía Pháp chỉ có 23 người chết, 14 bị thương nặng và 50 bị thương nhẹ.

Cuộc đào thoát của vua Hàm Nghi là một đề tài hấp dẫn các học giả trong B.A.V.H. Nó hiện ra dưới mắt của B.Bourotte như một cuộc phiêu lưu đích thực với biết bao gian khổ, đau thương, máu và nước mắt. Nó cũng được thiếu tá Gosselin kể lại với cương vị của một người trong cuộc, và được chủ bút B.A.V.H. đánh giá là chính xác.

Lịch sử của giai đoạn sôi động này được kể, được bàn cãi không ít và trong đó có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn nên A.Delraux đã có tham vọng đem lại những điều xác minh, đính chính.

B.A.V.H. cũng cho đăng các thư từ, giấy tờ của những quân nhân, sĩ quan Pháp trực tiếp tham dự các trận chiến trong giai đoạn này.

Hệ thống đồn bót của Pháp ở đồn Quảng Bình, Quảng Trị và đời sống đầy hiểm nguy, gian khổ của những người lính viễn chinh được nghiên cứu trình bày tường tận, chính xác.

Căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị mà ông De Pérey gọi là “một kinh thành phù du” được nghiên cứu khi nó chỉ còn là “một cánh đồng trơ trụi, với một vài ụ đất và những đống gạch vụn” để rồi gần 30 năm sau lại có thêm một bài viết và Tân Sở chỉ còn lại trong ký ức với một sơ đồ!

Sau biến cố 1885 và sau khi chiếu Cần Vương được ban bố, những cuộc tàn sát giáo dân đã diễn ra ác liệt trên khắp nước. Quảng Trị với các giáo khu lâu đời đã là một trong những địa điểm đẫm máu nhất. Theo Jabonille, con số nạn nhân bị giết hại ở đây lên đến 15.000. Sự kiện đẫm máu này hẳn đã được xác nhận, nhưng con số thiệt hại cần được xác minh lại.

Công cuộc bảo hộ và các công trình của người Pháp:

Các tác giả hiển nhiên không thể nằm ngoài quỹ đạo chính trị của người Pháp đương thời. Vì thế các bài viết không tiếc lời cổ vũ, ngợi ca công việc của họ trên đất nước Việt Nam. Và đương nhiên họ không thể quên những công trình cụ thể mà họ đã ra công xây dựng.

Trong chiều hướng đó các công trình về giao thông vận tải, cầu cống đường sá được đề cập nhiều với vai trò của Sở Công binh Đông Dương: thành lập hệ thống công binh miền Trung và xưởng Công binh ở Huế, việc tu sửa con đường qua đèo Hải Vân, nghiên cứu thành lập hệ thống đường sắt Đông Dương, bắc các cầu sắt… hoặc dự án Debay với công cuộc nghiên cứu “con đường núi” từ Huế đến Đà Nẵng”.

Bưu điện với những phương tiện mới là một sắc thái của nền văn minh Âu Tây. Và lịch sử bưu điện ở Đông Dương mở đầu từ 1860 với đường dây từ Sài Gòn – Biên Hòa và phát triển tiếp tục qua nhiều giai đoạn; đồng thời cũng có bài tìm hiểu hệ thống “trạm dịch” của Việt Nam thời xưa.

3. Nghệ thuật Huế:

a. Mỹ thuật

Các tác giả của bộ sách rất chú trọng khía cạnh nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Linh mục Cadière và các cộng tác viên của ông đã có nhiều công trình cho mảng đề tài này.

Tác phẩm “L’art à Huế” (Mỹ thuật ở Huế) của L.Cadière là một công trình rất đáng chú ý. Phần giới thiệu của ông về tính chất mỹ thuật Huế đang khám phá với các sắc thái: tính cách điệu hóa của các mô típ trong trang trí làm cho mỹ thuật Huế phong phú, đa dạng nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự yếu kém về mô tả hiện thực. Mỹ thuật Huế đẫm màu tôn giáo, đó cũng là một tính chất đặc thù.

Sưu tập các mô típ trong trang trí của mỹ thuật Huế đã đem lại giá trị cho tác phẩm. Và một điều nữa đáng lưu ý ở nhan đề tác phẩm L’art à Huế”, linh mục Cadière dùng giới từ “à” (ở) mà không dùng “de” (của). Hiển nhiên đây là một dụng ý cần được ghi nhận.

Trước sự thoái hóa và mai một trong nền mỹ thuật truyền thống bản địa, có người đã đề ra những phương pháp để chấn chỉnh, giải cứu, từ bỏ cố tật “giấu nghề”, và “trước hết phải tái tạo tay thợ, tự nhiên nghệ sĩ sẽ đến sau”, và “từ mô phỏng, từ nghiên cứu các tác phẩm của quá khứ dần sẽ xuất hiện những hình thái mới thích ứng với các nhu cầu của giai đoạn và phù hợp với truyền thống”.

Vấn đề mỹ thuật bản xứ được coi trọng và từ đó nảy sinh đường lối giáo dục mỹ thuật độc lập, để cho người địa phương tự lo lấy vốn của chính họ, khai thác nền mỹ thuật truyền thống. Cần có biện pháp kinh tế và tài chánh hỗ trợ cho công cuộc này.

b. Âm nhạc

Đề tài này không được nghiên cứu nhiều. Khái lược về tính chất của âm nhạc Đông phương, một số nhạc cụ như cây đàn nguyệt, cây đàn tranh, xuất hiện trong bài viết của Hoàng Yến.

Lời than của công chúa Huyền Trân theo điệu Nam Bình qua bài ca Huế:“Nước non ngàn dặm” được tác giả Ưng An tìm hiểu và trình bày.

4. Dân tộc học, ngôn ngữ học

Dân tộc học: Các tộc người Việt Nam, Chàm, Indonésia, Mélanésion được khảo sát và trình bày ở các tác phẩm: L’Annam” và “Hướng dẫn nghiên cứu về Việt Nam và Champa”. Lễ hội đâm trâu của người Bana ở Kontum được trình bày đầy sinh động với hình ảnh minh họa.

Trong những ngày cư ngụ ở Séman (Vân Nam), bác sĩ Gaide đã thực hiện những cuộc du lãm ở Sipsongpanas từ đó đưa ra nhận định về các tộc người phong phú và phức tạp trong vùng đồng thời đề nghị một hướng nghiên cứu dân tộc học trên toàn cõi Đông Dương cho trường Viễn Đông Bác Cổ.

Tục nhuộm răng của người Việt, các cách sử dụng thuốc mê, thuốc phiện được nghiên cứu góp phần làm phong phú cho đề tài dân tộc học.

Ngôn ngữ học: Tiếng Việt, tiếng Chàm cùng chữ viết của chúng là đối tượng nghiên cứu của hai tác phẩm mà ta đã biết: “L’Annam” và “Hướng dẫn nghiên cứu về Việt Nam và Champa”.

307 tên gọi của những địa điểm khác nhau trong Kinh thành Huế được linh mục Cadière sưu tầm và ghi lại. Đối tượng nghiên cứu của công trình này thuộc phạm vi của môn “đặc hữu danh từ học” (onomastique). Lối đặt tên của người Việt và những tìm hiểu về tên người, tên đất Việt Nam cũng được trình bày đầy đủ.

5. Một số đề tài khác

Ngoài các đề tài kể trên, bộ sách còn có những công trình nghiên cứu về một số địa phương như: tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Ngãi, Côn Lôn, Ngũ Hành Sơn, làng Minh Hương ở Hội An, động Phong Nha ở Quảng Bình và hang Túi, hang Cự Lạc. Hoặc hệ thống guồng lấy nước (norias) ở Quảng Ngãi, trụ đồng Mã Viện ở vùng Núi Thành thuộc bờ Bắc Lam Giang. Hoặc vấn đề di dân của người Nhật ở Đông Dương ngày xưa và lộ trình giao thông theo đường biển giữa Nagasaki – Hội An, Nagasaki – Vinh.

Một mảng tư liệu rất lý thú của bộ sách, đó là các tư liệu minh họa, tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ, chân dung…

Và thật là thiếu sót khi không nhắc đến một số lượng lớn trang trong bộ sách B.A.V.H. dành cho các biên bản buổi họp định kỳ và bất thường của hội Những người bạn của Huế xưa. Tất cả biểu hiện toàn bộ hoạt động của hội – một mảng đề tài khác không kém phần hấp dẫn.

+++

Chúng tôi mạn phép sử dụng tài liệu của NXB Thuận Hóa nghiên cứu nội dung toàn bộ Tập san Đô thành hiếu cổ như đã ghi chép trên đây. Làm vậy có điều lợi là một cơ quan của Nhà nước hiện tại đã đánh giá gia giảm thế nào để có thể khai thác và phổ biến những tư liệu biên soạn dưới thời Pháp thuộc. Chúng tôi đã so sánh bản tư liệu của NXB Thuận Hóa với chính nguyên bản bằng tiếng Pháp, thấy kể là thỏa đáng và công phu. Xin cám ơn NXB Thuận Hóa dưới thời Giám đốc Vương Hồng (1995) mà chúng tôi có dịp hợp tác một phần rất nhỏ.

Mới hơn Cũ hơn