LÉOPOLD CADIÈRE VỚI TÁC PHẨM L’ ART À HUÉ

LÉOPOLD CADIÈRE VỚI TÁC PHẨM L’ ART À HUÉ

Nguyễn Hữu Thông

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mỹ thuật hay nghệ thuật nói chung, thật ra chưa bao giờ là lĩnh vực nằm ngoài “vòng tay” của văn hóa, nơi đã sản sinh ra nó. Chính vì thế, những hiểu biết quán xuyến và sâu sắc về mặt văn hóa, luôn giúp chúng ta dễ dàng hơn trong những liên tưởng đối sánh và phân tích, khi nghiên cứu lĩnh vực vốn được xếp vào phạm trù của cái đẹp.

Nguyên tắc trên vẫn luôn là thuộc tính cần thiết, không riêng gì trong lĩnh vực nghiên cứu hay phê bình nghệ thuật, mà chúng còn liên quan mật thiết đến cả hoạt động sáng tác nữa.

Từ nhận định ấy, chúng tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng hai phát biểu: Một của nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, đang sống chính trên đất nước này, và, một của Léopold Cadière một người ngoại quốc, đến đây vì mục đích truyền giáo, theo vụ lệnh của Hội Thừa sai Nước ngoài.

-Với công trình “Mỹ thuật Việt Nam”1, Nguyễn Phi Hoanh (trang 172-173) đã nhận định: Nghệ thuật gọi là Nguyễn, thực sự là nghệ thuật phong kiến Huế…, từ chỗ yếu ớt của các đời vua đầu, đến chỗ suy đồi cực điểm trong các đời vua chót…, nghèo nàn óc sáng tạo của kiến trúc Huế là cửa Ngọ Môn, có thể nói cửa này là một kiểu sao chép lại vụng về kiểu Ngọ Môn Bắc Kinh bấy giờ…

– Trước đó 65 năm, Léopold Cadière khi viết trong cuốn L’Art à Hue2 (Mỹ thuật ở Huế) lại cho rằng: Tôi chẳng có điều gì nghi ngờ khi đặt bên cạnh nhau một ngôi nhà bề thế miền Bắc và một ngôi nhà cùng cỡ tại các vùng Huế, hay tốt hơn so sánh hai ngôi chùa Phật giáo, chùa mền Bắc và chùa miền Nam hoặc hai tư thất của các phú gia, người ta có thể thấy ngay là có thể cho rằng có hai dòng nghệ thuật, nghệ thuật miền Bắc và nghệ thuật miền Nam. Lẽ dĩ nhiên, ở hai miền này các quy tắc chỉ đạo về vấn đề trang trí, về việc sử dụng mẫu thức thì chẳng có gì khác nhau. Nhưng cung cách người Trung ở Huế thể hiện đề tài đặt nặng ở mọi chi tiết và toàn bộ công trình một tính cách riêng, một lối cảm kích đặt biệt khác xa công trình của các nghệ sĩ miền Bắc; đấy gần như có màu sắc trường phái, chính vì ảnh hưởng của địa phương, là một ý niệm mới và cũng chẳng có gì thái quá nói đó là nghệ thuật mới…

Khoảng cách của hai lời nhận xét về mặt thời gian thật xa nhau (1919/1984), theo lẽ thường, ý kiến sau bao giờ cũng đủ và cập nhật hơn ý kiến trước. Khoảng cách của hai tác giả cũng thật khác biệt về thân phận, trách vụ, lẫn chuyên môn. Ở đây, chúng ta chưa bàn đến chuyện đúng- sai, hay- dở, mà chỉ cùng khách quan ghi nhận thái độ, trách nhiệm, cũng như tính nghiêm túc của một nhận định khi nghiên cứu vấn đề nào đó.

Thật là một điểm đáng buồn!

Trên thực tế, có không ít những cái nhìn, thái độ, và những lời bình luận thiếu thiện cảm của các nhà nghiên cứu Việt Nam, khi bàn về trách vụ của các giám mục Cơ Đốc ngoại quốc thời phong kiến Nguyễn. Đội ngũ này được nhìn nhận như những đối tượng, ngoài công việc truyền đạo, còn mang sứ mệnh cung cấp thông tin nơi họ đến cho chính quốc bằng các bản báo cáo, tường trình của mình. Và những gì từ nguồn tư liệu này mang lại thường trực tiếp hay gián tiếp, góp phần thuận lợi cho việc mở rộng chính sách hay chủ nghĩa thực dân.

Vấn đề vừa nêu không thuộc nội dung chuyên khảo này, nhưng, điều đáng nói, là tất cả những ấn tượng thiếu thiện cảm của không ít trong chúng ta, hầu như chỉ tập trung và dừng lại ở đấy. Như vậy, có nên đồng nghĩa với việc chúng ta tiếp tục đóng khung sứ mệnh của họ trong những định kiến, và, chẳng hề màng đến những đóng góp của đối tượng này trong nhiều lĩnh vực khác: đó là những chuyên khảo mà họ đã sống gắn bó và trải nghiệm đời mình để viết trên quê hương Việt Nam, với tư cách là những người được đào tạo khá chu đáo về mặt kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đó là những tác phẩm được trình bày dưới nhãn quan mang tính phân tích và duy lí của người phương Tây, vốn xa lạ với độc giả thời bấy giờ. Trong đó, không thể không có những công trình góp phần cho chính người bản xứ bằng những tư liệu, phương pháp làm việc, cũng như cách tư duy của họ, bổ sung cho di sản Việt Nam những tư liệu quý giá. Nếu không có họ, những gì liên quan đến không gian cũng như thời gian của giai đoạn ấy có khi không còn, hoặc không nguyên vẹn để chúng ta có thể nối kết với hiện tại.

II. L’ART À HUE: ĐẦU SÁCH KHAI MỞ NHỮNG VẤN ĐỀ MỸ THUẬT HUẾ, DƯỚI GÓC ĐỘ LÀ MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC VỀ NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH:

Trước khi viết cuốn Nghệ thuật của Huế (1919), linh mục Cadière đã từng sống nhiều nơi, từ Phú Xuân cho tới Quảng Trị rồi Quảng Bình; từng quan sát, trải nghiệm và nghiên cứu nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực khảo cổ học, ngôn ngữ học, nhân học, tín ngưỡng- tôn giáo, sử học… Tạp chí Mission Étrangère de Paris ghi nhận từ đầu năm 1898 – 1955, trong 57 năm ông đã thực hiện được 245 đề tài nghiên cứu..3 liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa người Việt, nhất là ở vùng Bắc Trung bộ Việt Nam.

Năm 1914 là thời điểm linh mục Cadiere cộng tác với nhiều nhà trí thức Pháp và Việt để thành lập hội Đô Thành Hiếu Cổ để từ đó tập san Những Người Bạn Cố Đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế: BAVH) ra đời. Đây cũng chính là nơi để ngoài những người Pháp, còn có nhiều nhân vật trong nước, thuộc các tầng lớp khác nhau, bắt đầu làm quen và thể hiện mình qua những bài viết, với tư cách là những tác giả nghiên cứu, khảo tả, nhiều sự kiện trên chính quê hương của mình như: Thượng thư Tôn Thất Hân, thượng thư Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Đình Hòe, Đào Thái Hanh,…; các họa sĩ như Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh, Nguyễn Văn Nhơn…, cũng có dịp đặt dấu ấn tài năng của mình trên nhiều trang kí họa, mô tả hay tái hiện hình ảnh thực đương thời, để chúng trở thành những tài liệu vô giá cho thế hệ ngày nay.

L’Art à Hue có thể xem như là một ấn phẩm đặc biệt, nằm trong tập VI, ấn bản năm 1919, của tập san BAVH, và sau đó được in để trở thành một tác phẩm độc lập, bề thế và có một ví trí quan trọng trong thư mục nghiên cứu nghệ thuật Huế. L’Art à Hue được trình bày trong 398 trang nội dung, gồm 167 trang viết, 222 trang phụ bản với nhiều hình vẽ minh họa đen trắng và màu. Đầu sách là lời đề tặng của tác giả đến Albert Sarraut4 và M.J Charles5.

Trước khi mở những trang viết tiếp cận trực tiếp với nội dung, độc giả được cảm nhận tổng quát về Huế qua những vần thơ V.Muraire:

Dòng sông Hương dưới những tường thành trân trọng

Chiếu hình nghiêng bóng dáng kỳ đài.6

Bố cục của tác phẩm này được cấu tạo thành nhiều phần. Mở đầu bằng một chương tổng quát trình bày về nghệ thuật ở Huế của Cadière; và phần khác viết về thành phố, nhà cửa, đồ đạc trang trí nội thất Huế của Edmon Gras.

Sau những nhận định tổng quát về nghệ thuật Huế, tác giả Cadière bắt đầu tiếp cận một cách chi tiết với từng phần cụ thể, liên quan đến nghệ thuật tạo hình.

-Phần I: Từ trang 59-62, tác giả khảo tả về các motif trang trí hình học với 35 phụ bản, dẫn dắt người đọc tiếp cận với những mô tả sinh động bằng những bản vẽ tái hiện một cách chân thật và chi tiết đến từng góc nhỏ.

Đây là một đặc tả công phu của Cadière về những dạng motif nền hình học trong điêu khắc trang trí Huế, với nhiều nhận xét tinh tế được hệ thống và phân tích dưới góc độ mỹ thuật học. Từ đó, giúp người tiếp cận với nghệ thuật tạo hình Huế dễ dàng với các mô típ trang trí, chẳng hạn như mặt võng ( với nhiều biến dạng như mắt lưới, kim quy, lục giác kim quy gài, võng mặt rạng, kim quy thất thể, mẫu nhơn tự,…), hình tròn ( kim tiền, song tiền, bông thị, song hường, liên hoàn, vạn thọ…) hay mẫu hồi văn ( á tự, chữ thập, vạn tự, công tự, hồi văn quay, hồi văn lá, long hóa, giao hóa…).

-Phần II: Trong trang 56-66, tác giả Cadière viết về mẫu chữ Hán, với 18 phụ bản minh họa, đánh số từ 36 đến 53.

Thư pháp viết bằng Hán tự là một trong những nét đẹp làm nên giá trị của mỹ thuật trang trí Huế, nên, Cadière ngoài việc khẳng định điều này trên nhiều dạng chất liệu, kĩ thuật, và đối tượng sử dụng khác nhau, ông còn hết lời ngợi ca những nghệ sĩ, nghệ nhân đã thể hiện chúng: người ta phải nhận chân rằng, người nghệ sĩ đã phóng ra những nét chữ với một phong cách phóng khoáng và cao khiết, không hề bị ngăn cản bởi một khó khăn nào, chẳng hề có một nỗ lực nào và vừa thưởng ngoạn vừa tạo ra một tuyệt phẩm mỹ diệu hài hòa…7.

-Phần III: Tác giả đề cập đến đề tài tĩnh vật và những điển tích với phần bình luận từ trang 69 đến 72 với 17 phụ lục. Đây cũng là chủ đề phổ biến nhất trong trang trí mỹ thuật.

Khi viết về biểu tượng của hệ bát bửu, một chủ đề mà chúng ta có thể nhận ra rất nhiều trên kiến trúc cũng như những vật dụng khác của Huế, Cadière đã có nhận xét thật thú vị, ông xem đó chính là việc mà người người thợ đã đem lại hạnh phúc và nguồn vui sướng cho con người, vui sướng về giác quan, vui sướng về tâm hồn.

Từng kiểu thức một trong hệ bát bửu dưới ngòi bút của Cadière như muốn xa rời với điển tích và những biểu tượng vốn có, để đến gần hơn với những cảm xúc đời thường.

-Phần IV: Cadière dành cho những khảo tả mỹ thuật Huế về đề tài thực vật: Hoa và lá, cành và quả từ trang 75 đến 81 và 48 phụ bản để minh họa.

Đây là một trong những phần tác giả đã có những nhận xét thật tỉ mỉ và sâu sắc cũng như hết lời tán thưởng người thợ Huế. Từ những biến điệu trong điêu khắc Huế, đội ngũ nghệ nhân đã làm nên mối liên hệ đầy tính nghệ thuật giữa sự thể hiện đề tài thực vật với vóc dáng của linh vật mà chúng ta thường gọi là long hóa, giao hóa, quy hóa, phụng hóa. Cadière nhận xét: Tài biến chế của nghệ nhân đã làm cho nghề của họ thành tự do và tất cả các loài cây cỏ đều có thể kết hợp với từng mỗi một trong số các con vật có năng lực huyền bí.8

-Phần V: Tác giả tập trung khảo tả những đề tài liên quan đến hệ động vật, trong đó, Cadière chú ý đặc tả những mẫu thức phổ biến, kèm theo sự giải thích về ý nghĩa, đặc điểm, truyền thuyết và biểu tượng của các linh vật như long, lân, quy, phượng, dơi, sư tử, hổ, cá,…trong đời sống văn hóa Việt Nam. Phần này có đến 95 phụ bản đen trắng lẫn màu, giúp chúng ta có được cái nhìn đa dạng và sinh động qua nghệ thuật biểu hiện hệ động vật của người thợ Huế từ kỹ năng tạo hình của họ.

Ở đây, chúng ta cũng thấy tác giả sử dụng phép đối sánh mang tính vùng miền trong nhận xét của mình: Ở Bắc Kỳ, người ta rất thường thấy mô típ con phượng hoàng châu đuôi với nhau như là để trang trí rực rỡ cho các đầu cột trụ trước đền chùa. Mô típ có hiệu quả vô cùng mỹ thuật. Ở Trung Kỳ, tôi không bao giờ thấy được sự ứng dụng mẫu này. Người ta cũng có được hiệu quả mỹ thuật tương tự, nhưng kém vẻ mỹ miều và nhẹ nhàng đi nhiều, là mẫu nhiều dùng hình bốn ngọn lá dài uống cong theo hình các ngọn lá có cạnh khía rạch mạnh.9

-Phần cuối tác giả dành cho đề tài phong cảnh với 7 phụ bản minh họa bằng màu từ 206-222. Thật ra, đây là những bức tranh giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát về những thắng cảnh và di tích đầy ấn tượng rất riêng của Huế.

III. DẤU ẤN CỦA LÉOPOLD CADIÈRE TRONG THƯ MỤC NGHIÊN CỨU MỸ THUẬT HUẾ:

Có lẽ, chúng ta khó lòng tìm gặp trong thư mục viết về mỹ thuật Việt Nam lẫn Huế ở giai đoạn tiền Pháp ở vùng đất này. Điều mà người đọc có thể tiếp cận được trong những tác phẩm thời Lê- Trịnh viết về Huế chỉ đơn giản là những dòng đề cập về kiến trúc, chạm khắc, trang trí.. được diễn tả bằng cảm xúc của người viết ở dạng ký như: Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán; hay ở dạng tạp lục như Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc, hay Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn…

Cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với việc tiếp nhận học thuật phương Tây; cùng với sự bùng lên của những trường phái văn chương, nghệ thuật như kịch nghệ, thi ca, hội họa, âm nhạc.., hay cả trong từng lĩnh vực khoa học hẹp như khảo cổ, nhân học, mỹ thuật, tôn giáo…, chúng ta mới bắt đầu thấy xuất hiện những tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật của người Pháp hay trí thức Việt được đào tạo trong nền giáo dục thuộc địa.10

Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH), với công đầu của Léopold Cadière cũng đã ra đời trong giai đoạn này. Công trình L’Art à Hue chính là số chuyên khảo đặc biệt, mang tinh thần là một tác phẩm nghiên cứu, khảo tả mỹ thuật Huế chính thức ra đời vào 1919. Đây có thể xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố với mọi người trong thời điểm này. Chúng đã trở thành những tư liệu quý giá để người đời nay có thể bổ sung, đối sánh, mà qua bao nhiêu binh biến và thời gian, nhiều di tích, nhiều tác phẩm, hiện tại đã không còn.

Độc giả cũng còn nhận thấy ở Cadière nhiều nhận xét, đánh giá, phân tích…, mà những ngày tháng dài sinh sống ở Quảng Bình và Quảng Trị đã cho ông kiến thức đối sánh và khái quát hóa một cách tinh tế những đặc điểm căn bản mang tính địa phương và vùng miền. Đó là mối tương quan trên nhiều mặt về kiến trúc, điêu khắc của những vùng bên này đèo Ngang khi so sánh với Đàng Ngoài, cũng như nêu bật được những giá trị đặc trưng của Huế trong mối tương đồng đáng kể giữa những kiến tạo trong không gian miền Trung Việt Nam.

Qua những công trình đã công bố của Cadière, chúng ta cũng dễ dàng thấy kiến thức rộng rãi mang tính liên ngành của ông: từ lịch sử, dân tộc học, cho đến tính ngưỡng, ngôn ngữ, khảo cổ học …, về cư dân miền Trung, nhất là ở vùng Bình Trị Thiên. Điều ấy đã giúp cho tác giả có được những sự tích lũy cần thiết, những bổ sung không thừa, để nhìn thấy mối quan hệ ấy trên những tác phẩm tạo hình của Huế.

Những gì mà tác giả Cadière thể hiện trong các công trình về Huế không phải chỉ là những nghiên cứu thể hiện tri thức và sự trải nghiệm khá dày trên mảnh đất này, mà ở đó còn là tấm lòng, là tình cảm thiết tha của một trái tim gắn bó sâu nặng với con người nơi đây : Tôi đã hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây và tôi hiện nay vẫn nghiên cứu (…). Tôi đã nghiên cứu tính ngưỡng, lễ nghi, tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh, xuất sắc và tinh thần linh lợi (…). Tôi yêu mến người Việt cũng vì họ trải nhiều đau khổ.11

Tất nhiên, một người ngoại quốc, nhất là người vốn được đào tạo và nhìn nhận cái đẹp trên một chuẩn mực đầy chất tự tôn của mỹ thuật châu Âu, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi chẳng riêng gì Cadière, mà nhiều tác giả khác ở phương Tây thời bấy giờ, đã nhìn nhận mỹ thuật An Nam nói chung, cũng như mỹ thuật Huế nói riêng, bằng những phân tích, nhận xét, không phù hợp hay trùng hợp với chúng ta. Điều ấy thật ra không hề gây tổn thương những người bản xứ, vốn sinh trưởng và tự hào một cách chính đáng về những thành tựu trong di sản mỹ thuật của ông cha mình.. Và làm sao chúng ta lại có thể không đồng tình với lời nhận xét: Léopold Cadière, một con người suốt đời gắn bó với Huế, nhà Huế học kiệt xuất bậc thầy, nhà Việt Nam học. Công lao của Cadière trong việc nghiên cứu về Huế hẳn nhiên nhiều người công nhận và trân trọng.12

Chú thích

1 Nguyễn Phi Hoanh (1984): Mỹ thuật việt Nam. NXB Thành phố Hồ Chí Minh
2 Leopold Cadiere: Mỹ thuật ở Huế trích trong Những người bạn cố đô Huế BAVH tập VI, 1919 (Bản dịch của Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh. Biên tập Nhị Xuyên, Lê Văn). NXB Thuận Hóa, Huế,1998, trang 29
3 Trích lại từ Trần Vinh: Nhà viết học: linh học Léopold Cadiere http://www.danglac.org/index.php?m=home&v)
trang 2

4 Cựu toàn quyền Đông Dương và vào thời điểm ấy đang là bộ trường bộ thuộc địa thời Khải Định và M.J.E Charles.
5 Cựu công sứ ở Trung Kỳ
6 Bản dịch của Hà Xuân Liêm
7 Léopold Cadiere: mỹ thuật ở Huế SDD trang 97.
8 Léopold Cadiere: Mỹ thuật ở Huế, Sdd, trang 142
9 Léopold Cadiere: Mỹ thuật ở Huế, Sdd, trang 272
10 P.Albrecht: Les motifs de l’art ornment Annamite à Huế: Le dragon. BAVH. No VI, 1915.

M.Bernanose: Les Art: décoratifs au Tonkin.H.Laurens, Paris 1922
Louis Bezacier: L’Art Vietnamien. Éditions de l’Union Francaise Paris, 1954
H.Gourdon: L’Art de L’Annam. Boccard, Toulouse, 1932 [được Phạm Quỳnh dịch với tên là Bàn về mỹ thuật An Nam (tạp chí Nam Phong số 24/1919)]
C.Gravelle: L’Art Annamite. BAVH No2, 1925
G.Maspéro: L’Art Annamite. Van Oest, Paris, Bruxelle, 1929.
11 Ngọc Quỳnh: Hoài niệm cố đô. Nguyệt San Nguồn sống, địa phận Huế, số 1 ngày 15 tháng 7 năm 1958, trang 45.
12 Lê Ngọc Bích: Nhân vật giáo phận Huế, tập 2, năm 2000, trang 52.

Mới hơn Cũ hơn