Câu chuyện dịch thuật thông qua Léopold cadière

CÂU CHUYỆN DỊCH THUẬT THÔNG QUA LÉOPOLD CADIÈRE

Nhà nghiên cứu Bửu Ý

Chung quanh những năm 1930, ra đời ở Việt Nam một số tạp chí và tập san viết bằng tiếng Pháp, do người Pháp chủ trương, và viết về đủ các đề tài văn hoá, văn học, nghệ thuật, lịch sử, ngôn ngữ học, v.v… của Việt Nam.

Đó là những tờ báo như: B.A.V.H., B.E.F.E.O., France – Asie, Indochine, Revue Indochinoise, v.v…

Qua những bài báo, ta nhận thấy nhiều tác giả Pháp thành thạo tiếng Việt và nghiên cứu công phu về nhiều vấn đề của Việt Nam. Đó là những tác giả như Georges Cordier viết về văn học Việt Nam, các tham biện (Administrateur des Services Civils) Georges Maspéro nghiên cứu về Sử, René Crayssac dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp, một bản dịch rất có giá trị… Trong các tác giả này nổi bật hơn cả là Léopold Cadière, một người đã xông pha vào rất nhiều lĩnh vực, nghiên cứu và trước tác rất nhiều, và ở lĩnh vực nào cũng để lại những công trình xứng đáng để các thế hệ về sau tham khảo và học hỏi.

Léopold Cadière sống ở Việt Nam trên 60 năm. Ông thông thuộc con người và tiếng nói của xứ này. Những con người như ông được người Pháp gọi là “Asiate” (bạn của Á đông, Á đông thân hữu), còn ông thì tự nhận mình là Annamitisant (Tây Annam, phó dân Annam).

Khi được đề nghị tham gia một đề tài nói chuyện trong dịp lễ tưởng niệm L. Cadière, tôi định tâm chọn một đề tài nào đó không có ai chọn, chẳng phải là để làm ra độc đáo, nhưng tình thật một là để tránh trùng lặp với bài khác và hai là để góp phần bổ sung, càng đầy đủ càng tốt, vào nhiều khía cạnh khác của bộ óc ngoại hạng này.

Và tôi chọn vấn đề DỊCH THUẬT thông qua lăng kính của Léopold Cadière.

Tôi nói lên ý định của mình với nhiều người chung quanh.

Và nhiều người trố mắt nhìn tôi. Rồi họ trố mắt nhìn nhau. Họ là những người đọc biết nhiều về L. Cadière, nghiên cứu nhiều năm, nhiều lĩnh vực khác nhau của ông, nhưng quả tình họ không nghĩ rằng Cadière có nói hay viết một cái gì đó về Dịch thuật. Họ bật ra những câu hỏi như: Ông Cadière có viết về Dịch thuật thật sao? Viết trong BAVH hay tạp chí nào? Số mấy? Ở đâu?

Đứng trước thái độ ngỡ ngàng của những nhà BAVH – học và những câu hỏi dồn dập đó, thú thật tôi rất lấy làm khoái trá vì giống như thể L. Cadière cho tôi thừa hưởng riêng một món quà mà bao nhiêu người khác không dự phần vào.

Cha ông ta có truyền dạy: nói có sách, mách có chứng.

Tôi hoàn toàn quy thuận lời dạy đó. Bởi vì không quy thuận cũng không được. Chúng ta đang làm khoa học. Và chúng ta đang làm thơm danh một nhà uyên bác.

Vì vậy, kể từ giờ phút này cho đến khi tôi tiết lộ nguồn tài liệu gốc, tôi mong quý vị tin tưởng rằng tôi không thể nào dựng đứng một điều gì, không thể bóp méo sự thật, không thể lấy không nói có, lấy có nói không.

Nói tóm lại, L. Cadière có viết những trang báo nói về vấn đề Dịch thuật là điều có thật, là điều giấy trắng mực đen còn lưu lại đến ngày hôm nay.

Đến đây, đến lượt tôi lúng túng tự hỏi: về Dịch thuật, chỉ có hai trang này mà thôi sao? Hay là còn nhiều trang khác, nhiều bài khác mà tôi chưa được đọc?

Và tôi tự trả lời: Đây là trường hợp một tác giả thường xuyên phân thân đảm trách nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau, chứ không phải mỗi một việc là chăm lo cho sự tồn tại và nội dung của tạp chí BAVH mà thôi đâu.

Và nếu chỉ nói riêng về việc trước tác cho BAVH, thì đứng trước một thực tế Việt Nam bày ra nhiều khía cạnh văn hoá phong phú, đáng quan tâm nhưng chưa được nghiên cứu tận tường, L. Cadière là người đã hết mình dấn thân vào đó.

Có thể L. Cadière có viết nhiều bài khác, nhiều trang khác trên những tạp chí ấn hành tại Việt Nam hay ở Pháp nhưng tôi chưa được đọc.

Vậy thì tôi hãy bằng lòng với chỉ hai trang báo này thôi vậy.

Hai trang báo thật là ngắn ngủn, ít ỏi.

Nhưng tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần.

Chữ nghĩa trong sáng dễ hiểu.

Có kèm thêm dăm ba chữ tiếng Việt cũng dễ hiểu.

Nhưng không hiểu sao tôi vẫn đọc săm soi, tôi đọc xuyên qua từng chữ, tôi lại còn đọc xuôi đọc ngược như ngày xưa người ta đọc cẩm nang vậy. Cũng may cho tôi: nhờ đọc thật chậm và nghiền ngẫm, tôi phát hiện được nhiều kinh nghiệm của tác giả, tôi tiếp thu nhiều bài học quý giá cho công việc dịch thuật trường kỳ của tôi, mà nay tôi được dịp trình bày ra đây mong được chia sẻ.

*

* *

Suốt cả bài giải trình về Dịch thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, L. Cadière chỉ đưa dẫn ra độc một câu, và câu này thuộc loại ngắn nhất cho những ai biết tiếng Pháp. Câu như sau:

Je reviens de la chasse (L. Cadière).

Đây là một dạng câu vừa ngắn vừa giản dị. Nó gồm rất ít chữ mà lại dễ hiểu, không ẩn chứa một cái bẫy từ ngữ hay cấu trúc nào cả.

Và tác giả Léopold Cadière dịch ra tiếng Việt:

Tôi đi bắn về (L. Cadière).

Câu dịch rất tự nhiên, như thể có sẵn đâu đó, chỉ cần bắt lấy nó và viết ra trên giấy thôi.

Tôi nhìn lại câu tiếng Pháp và tự nhủ: nếu ta theo sát câu tiếng Pháp và dịch mày mò từng chữ xem sao. Và tôi thấy có thể viết ra như sau:

(Tôi trở về từ chuyến đi săn bắn.)

Và tôi nhận ra ngay: Dịch như vậy thì rõ ràng không ổn bằng Léopold Cadière.

Càng đọc lại câu của L. Cadière:

Tôi đi bắn về (L. Cadière)

càng thấy câu này ổn thoả và đồng thời nó ngắn ngủn như vậy mà lại hàm chứa một số quy tắc nền tảng về Dịch thuật cần được hiểu thấu đáo và áp dụng rộng rãi.

Từ câu mấy chữ trên đây, tôi rút ra được 3 quy tắc căn bản trong công việc dịch Pháp – Việt hay Việt – Pháp.

1. Tiếng Pháp chú trọng đến mục đích, hoặc là hành động cuối cùng và đặt nó lên hàng đầu.

Trong khi tiếng Việt viết:

Tôi đi bắn về (L. Cadière)

thì hành động “về” (hành động cuối cùng) được tiếng Pháp đặt lên đầu câu:

Je reviens de la chasse (L. Cadière).

Nhìn lại hai câu, ta thấy vị trí của chữ “về” và chữ “reviens” là ngược nhau.

Từ quy tắc trên đây, ta có thể suy nghĩ về những câu sau đây:

Ví dụ 1:

– Nó bơi qua sông.

Nếu ta mày mò dịch sang tiếng Pháp:

(Il nage à travers la rivière)

thì câu tiếng Pháp không đúng với câu tiếng Việt.

Đọc lại câu tiếng Việt, ta thấy có hành động “bơi” và hành động “qua” như là mục đích, và sẽ viết:

Ví dụ 1:

– Il traverse la rivière en nageant.

– Il traverse la rivière à la nage.

Và ta có thể áp dụng quy tắc trên đây với những câu có cấu trúc tương tự:

Ví dụ 2:

– Cô nở một nụ cười chậm rãi thưa:

– Ella dit lentement en souriant:

Ví dụ 3:

– Người lạ mặt nhíu mày bảo:

– L’étranger dit en fronçant les sourcils:

Ví dụ 4:

– Người ấy rút khăn chặm mồ hôi trên trán.

– Il s’épongea le front de son mouchoir.

2. Tiếng Việt chú trọng thứ tự thời gian (ordre chronologique).

Đọc lại hai câu của Cadière:

– Je reviens de la chasse.

– Tôi đi bắn về.

Ta thấy trong câu tiếng Việt: “đi”, “bắn”, “về” được sắp xếp đúng thứ tự thời gian, và cũng nhờ vậy câu tiếng Việt nghe rất thuận tai, trong khi trong câu tiếng Pháp thứ tự thời gian không hiện ra mà lại còn gần như bị đảo lộn.

Từ quy tắc trên đây, ta có thể suy nghĩ với những câu sau đây:

Ví dụ 5:

– L’appétit vient en mangeant.

Câu này dùng trong trường hợp gặp một người không muốn ăn vì dở miệng hoặc vì bệnh nhưng ta khuyên họ nên ăn sẽ tốt cho họ. Dịch sát chữ sẽ là:

(Sự ngon miệng đến trong khi ăn)

nhưng nếu ta nghĩ đến “thứ tự thời gian”, câu ấy sẽ là:

Ví dụ 5:

– Cứ ăn sẽ thấy ngon miệng.

Ví dụ 6:

– Remettez tout dans la salle à l’état que vous trouviez en entrant.

Câu trên đây thường được viết trong phòng tắm và vệ sinh chung cho nhiều người, nhằm tránh tình trạng đồ đạc để lộn xộn do người sử dụng trước gây ra cho người sử dụng sau. Dịch sát chữ sẽ là:

Ví dụ 6:

(Hãy để lại mọi thứ trong phòng vào tình trạng mà bạn đã thấy khi bước vào).

Nhưng nếu ta nghĩ đến “thứ tự thời gian” thì câu ấy sẽ là:

Ví dụ 6:

Vào phòng thấy mọi thứ thế nào đi ra để lại thế ấy.

Sau đây tôi sẽ đưa ra hai câu (như là hai cách nói) cùng một nghĩa, và ta sẽ xét xem câu nào được dùng nhiều hơn:

Ví dụ 7:

Tôi sẽ đổi xe nếu sửa nhà xong còn tiền.

Sửa nhà xong còn tiền thì tôi đổi xe.

Nếu tôi không nhầm, cách nói thứ hai thuận tai hơn nhờ các sự việc sắp xếp theo “thứ tự thời gian”.

Trong chuyện trò hàng ngày, ta thường bắt gặp những câu nói ra theo đúng “thứ tự thời gian” như thế này mà ta không để ý.

Chẳng hạn trong sách Tập đọc lớp 4 có câu như sau:

Ví dụ 8:

Những ngày nghỉ học, các em nhỏ đến đây rình đợi ngắt những hoa dâm bụt đỏ về bày chơi liên hoan.

Hay trong đời sống hàng ngày, có khi người cha bảo con:

Ví dụ 9:

Con cầm đơn này lên trường gặp thầy Hiệu trưởng đưa cho thầy rồi đợi thầy trả lời về cho Ba biết.

3. Câu tiếng Pháp chủ danh từ, câu tiếng Việt chủ động từ. Hay nói cách khác, câu tiếng Pháp chuộng danh từ, câu tiếng Việt thường dùng động từ, hoặc chuyển danh từ ra động từ.

Ta trở lại với hai câu của Cadière thì thấy ngay:

Je reviens de la chasse (L. Cadière).

Tôi đi bắn về (L. Cadière).

Nhiều khẩu lệnh hoặc hô hoán trong tình trạng khẩn cấp được dùng như thế này: tiếng Pháp dùng danh từ, tiếng Việt dùng động từ:

Ví dụ 10:

Au bandit!…………………………….. Cướp!

Au feu! ……………………………….. Cháy!

Haut les mains! …………………….. Đưa tay lên!

Pas un geste!……………………….. Không được động đậy!

Au secours!…………………………. Cứu với!

La bourse ou la vie!… Đưa tiền không thì chết!

Hoặc trong những câu sau:

Ví dụ 11:

Bientôt ce furent vos propres amis dont chaque jour vous apprenait l’emprisonnement, la déportation ou la mort (VERCORS, Le Silence de la mer, p. 96): Chẳng bao lâu đến lượt những người bạn của ta mà mỗi ngày ta được tin họ bị giam, bị đày hay bị giết.

Ví dụ 12:

Il s’étonna de cette joie franche qui lui venait à la seule pensée que l’Arabe avait pu fuir (A. CAMUS, L’Hôte): Ông ngạc nhiên thấy mình mừng vui bộc trực khi chỉ nghĩ rằng tên Ả Rập đã trốn thoát được rồi.

+++

Kết luận:

Bài báo của Léopold Cadière đã giúp tôi viết bài này được in ra vào ngày 08 tháng 7 năm 1943.

Vỏn vẹn có hai trang, thu rút lại thành hai câu, mà lại ngắn một cách không thể nào ngắn hơn, chừng ấy thôi mà sao hàm lượng súc tích đến không ngờ.

Đến đây tôi xin phép mượn ngôn ngữ võ hiệp của thời đại để diễn đạt tâm ý của mình: Léopold Cadière xuất chiêu trông bề ngoài có vẻ hời hợt mà nội lực thâm hậu khôn lường.

Thật đáng cho đời sau chiêm nghiệm học hỏi.

Mới hơn Cũ hơn