Caedière, hình ảnh một thừa sai và lời khuyên cho thế hệ thừa sai trẻ

CADIÈRE, HÌNH ẢNH MỘT THỪA SAI
VÀ LỜI KHUYÊN CHO THẾ HỆ THỪA SAI TRẺ

Linh mục Jean Baptiste Etcharren. M.E.P.

 

Tất cả những ai quan tâm đến công việc nghiên cứu của cha Léopold Cadière đều nhận ra rằng ngài là một con người rất thông minh và một nhân cách lương thiện trí thức nghiêm túc. Miệt mài làm việc, nhưng cũng đầy hảo tâm, tự thẳm sâu, ngài đã được thúc đẩy bởi lòng kính trọng và tình yêu lớn lao dành cho xứ sở mà ngài đã nhận là quê hương của mình, nước Việt Nam.

Khoa học và đức tin

Tuy nhiên, chân dung của con người yêu mến đất nước Việt Nam này sẽ chưa thể hoàn hảo nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những phẩm chất nhân văn vừa nêu, dù rằng tự thân, những phẩm chất nhân văn này đã thể hiện một giá trị vô song. Sẽ là một thiếu sót trong việc tưởng nhớ ngài nếu chúng ta không dám khẳng định rằng trước hết, ngài là con người của đức tin. Chiều kích tâm linh này đã là nền tảng cho những chọn lựa quan trọng nhất của cuộc đời ngài. Tính nghiêm túc khoa học đáng khâm phục trong các tác phẩm của cha Cadière đòi buộc chúng ta phải dành cho thực tại đức tin kitô giáo và ơn gọi linh mục của ngài, một vị trí xứng đáng. 

Thật vậy, niềm say mê nghiên cứu và tình yêu ưu tiên dành cho một đất nước không phải là đặc tính riêng của những người có niềm tin. Một người vô thần cũng có thể say mê nghiên cứu và gắn bó bằng cả tấm lòng đối với một đất nước khác với tổ quốc mình, một đất nước luôn hấp dẫn họ ngày càng hơn và họ phải không ngừng khám phá. Hơn nữa, nhu cầu đến với người khác, hiểu biết người khác một cách khác, vượt qua những biên cương, chẳng phải là nhu cầu được ghi khắc sâu xa tận trong thẳm sâu của con người chúng ta sao, cho dù khát vọng bí ẩn này vẫn thường bị ngưng trệ hoặc bị lạc hướng bởi tác động của những khuynh hướng ích kỷ và sở hữu của chúng ta? 

Nơi cha Cadière, niềm say mê hiểu biết và khám phá đã thể hiện ngay từ khi ngài còn học phổ thông, nhưng cách rõ ràng hơn. trong suốt giai đoạn ngài nghiên cứu thần học. Chính ngài đã nói lên điều đó trong các tác phẩm của mình: « Khi còn là một chủng sinh trẻ, lúc tôi bắt đầu học triết học kinh viện và thần học, đó cũng là lúc mà những gương mặt lớn các cha Xuân Bích như le Hir, Vigouroux, Bacuez; các linh mục triều như Fouard, Camus, Battifol; những nhà thông thái dòng Biển Đức như Dom Guéranger, Dom Cabrol, và còn nhiều gương mặt lớn khác nữa, đã hoàn tất việc xuất bản những nghiên cứu của họ về các Sách Thánh, phụng vụ, các nguồn gốc Kitô giáo. Nhờ sự hướng dẫn của những bậc thầy thông thái, tôi đã đọc ngấu nghiến những tác phẩm của họ, và tôi đã có ước muốn một ngày nào đó cũng được nên giống như họ.»

Kinh nghiệm về tính phổ quát

Với sự khát khao học hỏi và ứng dụng mọi khả năng thông minh của mình để thông suốt hơn về các nền tảng của đức tin, ngài đã có những phương tiện để thõa mãn khát vọng này ngay tại quê hương mình, nhờ tiếp xúc với những bậc thầy mà ngài rất ngưỡng vọng trí thông minh và tinh thần nghiên cứu của họ. Nhưng ngài thích ra đi, từ bỏ tất cả, rời xa cả những người thân yêu nhất của ngài, và bởi đó khướt từ những phương tiện sẵn có để tiếp tục việc nghiên cứu của mình. Như thế, ngài đã đặt ánh sáng đức tin lên trên tất cả, và vì sự hiểu biết này ngài đã chọn lựa đáp lại lời gọi nội tâm dai dẳng, được nhận thức trong những giờ phút sống thân tình với Thiên Chúa. 

Về sau, ngài đã nhận ra rằng, với lời gọi nội tâm này Thiên Chúa đã mở ra cho ngài một con đường vương giả. Bằng cách gởi ngài đến với một dân tộc mà ngài hoàn toàn chưa biết, Thiên Chúa đã mời gọi ngài học biết kinh nghiệm về gia đình nhân loại rộng lớn, trong đó mọi người đều được mời gọi nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người, không phân biệt chủng tộc và văn hóa. Nhân danh tình yêu của Chúa Cha mà ngài đã được sai đi để làm chứng cho tình yêu đó và để chia sẻ niềm hy vọng về ơn cứu độ được mạc khải nơi Đức Kitô với những anh chị em Việt Nam. Vì thế, đức tin Kitô giáo của ngài đã được bồi thêm phong phú nhờ kinh nghiệm về tình yêu phổ quát của Thiên Chúa được ngài sống ở một xứ sở rất xa tổ quốc của ngài.

Đức tin và những nẻo đường nhân loại

Đức tin ấy cũng luôn được chất vấn bởi cuộc khám phá không ngừng về mọi phong phú nhân văn và tâm linh của một dân tộc mà từ nay ngài cùng sẻ chia một vận mệnh. Chính trong bối cảnh mới mẻ này mà ngài phải sống đức tin của mình và diễn tả đức tin ấy bằng những từ ngữ mới mẻ, trước tiên cho chính bản thân ngài, sau đó để chia sẻ với những con người của một nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác biệt. Để có thể bước vào thế giới hoàn toàn mới lạ đối với ngài, ưu tiên trên hết các ưu tiên là học biết ngôn ngữ. Cha Georges Lefas, người đã viết điếu văn về ngài, cho biết cha Cadière đã miệt mài như thế nào khi còn là một linh mục trẻ, ở tuổi 23, ngài đã bắt đầu học tiếng Việt, «xác tín rằng điều cốt yếu trong các bổn phận lúc ngài mới đến, và trong nhiều năm tiếp theo nữa, đó là việc học ngôn ngữ, theo ý định của Thiên Chúa ».

Thừa tác vụ mục vụ và sự hiểu biết đất nước Việt Nam

Cha Cadière càng xác tín hơn về tầm quan trọng hàng đầu của việc đào sâu ngôn ngữ, khi ngài nhận được từ giám mục của mình, Đức Cha Gaspar, những hướng dẫn rõ ràng về chủ đề này. Và ngài hiểu ra rằng, bởi lòng trung tín với sứ vụ đã lãnh nhận, ngài không được dừng lại ở đó. Ngài viết: «Học một ngôn ngữ không chỉ là công việc của cái cổ họng hay cái lỗ tai, không chỉ là việc ghi nhớ; với hai ngôn ngữ rất khác biệt nhau là tiếng Pháp và tiếng Việt, điều quan trọng nhất là vấn đề tư tưởng. Không chỉ là nói như người Việt Nam, nhưng còn phải suy nghĩ giống như họ.»

Cha Cadière chẳng bao giờ xao lãng điều cốt yếu trong các bổn phận của ngài, nghĩa là sứ vụ bởi đó ngài được sai đi, và ngài phải thực hiện sứ vụ này bằng việc đón nhận tất cả mọi nhiệm vụ được Đức Giám Mục giao phó, dù đó là việc giảng dạy hay linh hoạt các cộng đoàn giáo xứ. Ngài cảm thấy tự nhiên có sự hòa hợp quan điểm với bề trên của mình, vị giám mục đã nhận thấy nơi ngài những khả năng tự nhiên đầy tài năng và nhiệt thành. Khi được gọi làm điếu văn Đức Giám Mục Gaspar, ngài đã phác họa một chân dung qua đó, chúng ta dễ dàng nhận ra những nét tinh tế làm cho ngài rất gần gũi với giám mục của mình.

Và đây là vài nét: « Đó là tinh thần say mê học hỏi và rành mạch về mọi điều. Ngài quan tâm đến mọi điều và muốn rằng các linh mục của ngài cũng quan tâm như vậy, với cùng một cách thức như ngài. Ngoài những khoa học vật lý khác nhau mà đối với ngài không còn bí ẩn, ngài hiểu biết về các phong tục, tín ngưỡng, thực hành tôn giáo của người Việt Nam, những khái niệm chính xác và tương đồng. Nhiều lần, ngài đã thổ lộ với tôi rằng, ngài muốn thực hiện một tác phẩm liên quan đến chủ đề vừa nêu, nhằm giải thích cho những nhà thừa sai trẻ một loạt sự kiện họ nhìn thấy mà không hiểu, một tác phẩm mà tầm vóc của nó còn bao quát hơn nữa.» Cha Lefas giải thích những lời trên như sau: «Dự án mà vị giám chức đã thổ lộ với đồ đệ trẻ của mình với đầy đủ ý thức về sự việc, người đồ đệ trẻ đã thực hiện với một tầm vóc sâu rộng, điều đó chứng thực tính quan phòng của định hướng này. Như thế, chuyên môn về khoa học của cha Cadière ngay từ đầu không mang dáng vẻ của sở thích riêng tư, nhưng là lời đáp trả đầy nhiệt huyết cho một mệnh lệnh ân cần được bày tỏ bởi vị bề trên đầy sáng suốt.» 

Trong số những phẩm chất cần phải có đối với một thừa sai trẻ, phẩm chất chính yếu bao hàm tất cả những phẩm chất khác, đó là yêu mến xứ sở nơi mình được sai đến. Đó cũng là điều kiện và là bí quyết cho hạnh phúc và sự triển nở của chính bản thân vị thừa sai. Cha Cadière, sau nữa thế kỷ nghiên cứu giữa môi trường người Việt Nam, đã tuyên bố: «Tôi đã hiểu người Việt Nam bởi vì tôi đã nghiên cứu những điều liên quan đến họ… Tôi đã học ngôn ngữ của họ, ngay từ lúc mới đến đây, và tôi còn tiếp tục làm điều đó đến tận bây giờ… Tôi đã nghiên cứu các tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những thói quen, những phong tục của họ… Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ… Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì tài thông minh và trí sắc sảo của họ… Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết tôi đã yêu mến họ vì những đau khổ của họ. »

Như thế, cha Cadière đã xác tín rằng cố gắng liên lỉ để hiểu một dân tộc không phải là một việc tùy phụ, để các mục tử tự do chọn lựa, nhưng là điều kiện cốt yếu để yêu mến dân tộc này và bởi đó, thực hiện ơn gọi của mình, ơn gọi đã thúc đẩy họ rời bỏ tổ quốc mình để đi đến với một đất nước được chỉ định. Như vậy, đời sống trí thức của họ, đời sống nghiên cứu không mệt mỏi của họ được liên kết cách chặt chẻ với ơn gọi mà họ phải thực hiện trong sự trung tín hoàn toàn với thừa tác vụ mục vụ được giao phó bởi giám mục của họ. Chúng ta còn nhận ra cái nhìn đức tin của vị mục tử khi cha Cadière nói về tình cảm tôn giáo của người Việt Nam, ngài viết: «Tôi đã nghiên cứu các tín ngưỡng của họ, những thực hành tôn giáo của họ, và tôi xác tín rằng dân tộc Việt Nam có tình cảm tôn giáo sâu sắc, các tín ngưỡng của họ thì đơn thuần, và khi họ tùng phục và cầu khẩn Ông Trời, có thể họ bày tỏ với Đấng Toàn Năng mà chính tôi tôn thờ và gọi Ngài là Thiên Chúa, và họ đã có tận thẳm sâu lương tâm mình tia sáng của tôn giáo tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đặt để trong tâm hồn của mọi hữu thể có lý trí. »

Nghiên cứu khoa học và đời sống nội tâm

Cha Lefas đã cố gắng chứng tỏ làm thế nào bầu nhiệt huyết của nhà thông thái, luôn sáng suốt, cũng đã nuôi dưỡng đời sống nội tâm của cha Cadière. Và đây là điều mà cha Lefas đã nói đến trong điếu văn cha đã soạn: «Đó là một tinh thần không ngừng bận tâm khám phá và đối chiếu. Việc đó không làm ngài mỏi mệt ; việc đồng hóa này làm phong phú đời sống nội tâm của ngài và ban cho ngài niềm vui mà ngài không ngừng dâng lên Thiên Chúa. Khi ám chỉ đến điều đó, trong những ghi chú cá nhân, ngài đã dùng từ sốt mến. Thật vậy, phải nhìn thấy trong lời xưng thú này một sự ám chỉ đến sự linh hứng nơi các nhà thông thái và các nghệ sĩ ; khi họ là tín hữu, họ nhận ra nơi tình trạng tâm hồn mình những hình thức hiệp thông với thần linh. »

Bàn về đời sống nội tâm của những người khác luôn là một công việc tế nhị. Nó là mối tương quan sâu thẳm của một con người với Thiên Chúa. Nhưng từ một vài ghi chú được chính cha Cadière viết lại, cha Lefas đã nhấn mạnh hai nét nổi bật biểu lộ cuộc chiến đấu nội tâm: «Trước hết, đó là điều mà chúng ta có thể gọi là những đắn đo của vị linh mục khi đối diện với nhiệm vụ kép mà ngài đã can đảm chấp nhận đảm nhiệm cùng lúc, theo mệnh lệnh của Đức Giám Mục Gaspar. Cũng như tất cả những ai đảm nhận một công việc lâu dài, ngài đã lo sợ hoang phí thời gian mà chẳng thu được kết quả như việc tông đồ hữu hiệu đòi phải có… Ngài không bao giờ cho phép những nghiên cứu khoa học xâm lấn công việc mục vụ của ngài : age quod agis – làm tốt việc mình đang làm, đó là phương châm của ngài ngay từ thời chủng viện, và ngài đã áp dụng nó cách ý thức vào mọi bổn phận quan trọng. »   

Cha Lefas còn thêm: «Vị thừa sai rất năng động này đã có mối bận tâm thường xuyên về việc thánh hóa bản thân. Ngài mang mối bận tâm này giống như nỗi ám ảnh vậy, một loại « chiến đấu với thiên thần », trong đó, ý thức về những ân huệ đã lãnh nhận trở thành mối ưu tư vì không tận hiến cho Thiên Chúa với đủ lòng nhiệt thành. Ngài đã ghi lại trong một nhật ký, « Tại sao tôi không là một vị thánh?» Và ngài đã chẩn đoán ra mình có lòng quyến luyến nào đó với công trình uyên bác đã thực hiện, rồi ngài tự vấn cách trung thực để biết xem phải chăng ngài có khả năng bắt chước nghĩa cử, được cho là của thánh Phanxicô At-si-di, quăng vào lửa công trình do mình tạo ra, để chấm dứt sự chia trí trong lúc cầu nguyện xảy ra bởi việc tìm kiếm vinh quang thấp hèn. «Tôi có sẵn sàng thiêu đốt công trình nghiên cứu của mình về «Tiếng địa phương của người Annam vùng cao» không? Hoặc quyển lịch sử « Quảng Bình » không?… Có thật lòng làm điều đó không? Vâng, có thể lắm. Tôi nghĩ rằng có thể, nếu sau đó, thực hành việc nên thánh không đòi buộc những hy sinh khác. Nhưng tôi nhận thấy sau đó là một chuổi dài những hy sinh lớn lao hơn, và điều đó làm tôi sợ hãi, tôi chùng bước.» Và để kết thúc, ngài đã trích lại câu này: « ị thánh là một người bắt đầu lại mọi năm, mọi tháng, mọi ngày, luôn sẵn sàng tận hiến cho Thiên Chúa, bất chấp những hoàn cảnh tự nhiên. »  

Chứng từ về đời sống tông đồ của ngài

Chúng ta vừa nhắc lại quyết tâm của cha Cadière là dành ưu tiên cho công việc tông đồ. Hoạt động mục vụ nhiệt thành của ngài trong việc giảng dạy cũng như trong thừa tác vụ tại giáo xứ là chứng từ rõ ràng cho điều vừa nêu. Những bản tường trình của giai đoạn này, được soạn thảo cẩn thận hằng năm, cung cấp cho chúng ta một bản liệt kê chi tiết về điều đó. Nhưng ngoài những việc mục vụ thông thường, chúng ta còn nhận thấy nơi cha Cadière luôn có mối bận tâm suy nghĩ về ý nghĩa của sứ vụ đã lãnh nhận và những phương tiện sử dụng để hoàn thành sứ vụ ấy cách thông minh và với lòng trung tín. Như thế chúng ta nhận ra, trong sứ vụ tông đồ cũng như trong nghiên cứu khoa học, ngài đặt ra cho mình cùng một đòi buộc nghiêm túc. Dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với cha Cadière tại Học Viện Công Giáo Paris, ngày 16 tháng 1 năm 1956, Gabriel LEBRAS đã ghi nhận như sau: «Việc nghiên cứu khoa học không phải là mục đích cuối cùng của ngài. Hiểu biết để phục vụ : đó là phương châm của ngài. Ngài hiểu rằng vị thừa sai phải đối thoại với những con người có truyền thống, tình cảm và ngôn ngữ của riêng họ ; nhiều điều của thời quá khứ, nhất là cơ cấu gia đình, phải được gìn giữ. Ngài hiểu rằng, sứ điệp Tin Mừng, dù không chấp nhận bất cứ sự biến chất nào, nhưng đòi hỏi sự thích ứng về mặt hình thức với những cộng đoàn nhân loại khác nhau. Nhà xã hội học không nên can dự vào trong lãnh vực mục vụ. Nhưng vị mục tử chỉ đúng nghĩa là vị mục tử khi có được sự hiểu biết chính xác về người dân của mình.» 

Đặc biệt, chúng ta có thể ghi nhận việc ngài dành một vị trí xứng đáng cho lịch sử, trước khi bắt đầu suy tư về hiện tại và định hướng cho tương lai. Hai trong số những thí dụ có thể minh họa cho niềm say mê hiểu biết để phục vụ tốt hơn :

–   Việc giảng dạy và đào tạo các linh mục

Trong một bản tường trình được soạn thảo theo yêu cầu của Đức Giám Mục de Guébriant dành cho Hội nghị truyền giáo Lisieux vào năm 1929, cha Cadière đã nêu ý kiến về việc đào tạo các chủng sinh về mặt trí thức, luân lý và mục vụ. Bản tường trình này bắt đầu bằng việc nhắc lại lịch sử của hàng giáo sĩ Việt Nam từ lúc mở chủng viện đầu tiên tại Ayuthaya, bên nước Siêm, và việc đào tạo các chủng sinh đầu tiên bởi cha Deydier vào năm 1666, trong một chiếc thuyền trên sông Hồng. Chỉ sau khi nhắc lại những nguồn gốc lịch sử này, cha Cadière mới bắt đầu đề cập đến những vấn đề đặt ra trong các chủng viện của Việt Nam từ năm 1927.

–   Việc tổ chức và hoạt động của các giáo xứ

Nhằm suy tư về việc thích nghi đời sống các giáo xứ Việt Nam với thời hiện đại, cha Cadière lại đảm nhận công trình nghiên cứu lịch sử lâu dài có tựa đề là: «Tổ chức và hoạt động của một cộng đoàn kitô hữu Việt Nam ». Công trình này đã được thực hiện suốt thời gian ngài bị quản thúc ở Vinh và đã được tu chỉnh lại ở Huế giữa những năm 1953 và 1954. Đó là một nghiên cứu tỉ mỉ, một tác phẩm lý thú, được tô điểm bằng những suy tư sắc sảo, kết quả của kinh nghiệm bản thân ngài. Chẳng thiếu gì cả trong việc mô tả những cộng đoàn Kitô hữu và các cơ cấu của những cộng đoàn này. Vị trí của những người hoạt động mục vụ, linh mục và giáo dân, chức năng và những danh xưng riêng biệt, tất cả được mô tả chi tiết trong tác phẩm. Phẩm trật giữa những người đảm nhận những trách nhiệm khác biệt và sự phối hợp giữa họ được giải thích rất rõ ràng trong tác phẩm. Đời sống phụng vụ, đời sống bí tích, đời sống vật chất của các cộng đoàn Kitô hữu, vai trò của các đoàn thể khác nhau trong giáo xứ, tất cả đều được xem xét và ghi lại cách cẩn thận.

Những hướng dẫn thực tiển cho các nhà thừa sai nhận định về tôn giáo

  Đời sống, công trình khoa học và kinh nghiệm mục vụ của cha Cadière cung cấp một lãnh vực mênh mông để nghiên cứu và suy tư. Tôi tin rằng lãnh vực này có thể gây thích thú cho những linh mục trẻ bận tâm sống cách trọn vẹn sứ vụ của mình trong thế giới hôm nay.

Những linh mục trẻ muốn dấn mình vào việc nghiên cứu chủng tộc học tôn giáo có thể cảm hứng từ những lời khuyên quý báu cha Cadière đã để lại trong một bản tường trình đọc tại Tuần Lễ Chủng Tộc Học diễn ra tại Louvain vào tháng 8 năm 1912.

Chúng ta sẽ nhận ra trong đó mối ưu tư của ngài về tính khách quan trong việc quan sát các sự kiện và tính xác thực trong việc giải thích ý nghĩa của các sự kiện được quan sát. Ngài nhấn mạnh không những đến việc cần thiết phải có một phương pháp nghiên cứu thật tốt, mà còn phải biết sử dụng phương pháp ấy nữa. Nhưng ngài nói: «Một trong những điều kiện không thể thiếu để nghiên cứu lịch sử tôn giáo, trước hết đó là học biết ngôn ngữ của xứ sở và phải biết tường tận.» Ngài còn nhấn mạnh đến điều này khi nói: «Phải hiểu rõ những sắc thái của ngôn ngữ để có thể nhận ra được những sắc thái của tình cảm tôn giáo. Để hiểu biết chính xác nội dung của một tín ngưỡng, phải hiểu đầy đủ ý nghĩa của các từ giải thích tín ngưỡng này. Để thấu hiểu được những sâu kín của ý thức tôn giáo, phải biết vừa rõ ràng vừa khéo léo đặt ra nhiều câu hỏi mà một người ấp úng về ngôn ngữ không thể diễn tả được.»

Ngài còn thêm: «Điều kiện mà tôi vừa nêu, hiểu biết hoàn hảo ngôn ngữ của xứ sở nơi mình đến, thuộc lãnh vực trí thức. Còn một quy luật khác thuộc lãnh vực luân lý mà những ai quan tâm đến việc nghiên cứu tôn giáo phải tôn trọng : họ phải tỏ lòng kính trọng đối với những biểu lộ tình cảm tôn giáo khác nhau mà họ nghiên cứu… Họ phải kính trọng các tín ngưỡng nơi người dân… Khi nghiên cứu một tôn giáo, họ cũng phải kính trọng những nơi dành riêng cho việc thờ tự…»

Cha Cadière đưa ra một loạt những lời khuyên khác dựa trên kinh nghiệm của bản thân ngài. Thời gian giới hạn của tham luận này không cho phép đi vào chi tiết, nhưng ít ra chúng ta cũng có thể đánh thức khát vọng của những người trẻ để họ biết đón nhận di sản này. Tiếp nối công việc đã được các tiền bối của chúng ta khởi sự, làm sống lại tinh thần của họ trong thời đại chúng ta đang sống, đó là lòng biết ơn cao đẹp nhất mà chúng ta có thể dành cho họ. 

Về phần mình, với những lời cuối cùng bày tỏ lòng kính trọng đối với cha Cadière, tôi muốn giới thiệu với quý vị một vinh tụng ca rất đẹp mà ngài đã soạn vào cuối đời, và ngài đặt tựa đề là «Hướng tâm hồn lên». 

+++

HƯỚNG TÂM HN LÊN

Trời đất đầy vinh quang Chúa.

Hoan hô trên các tng tri.

Tri.

Các tầng trời phi vật chất.

Các tầng trời vĩnh cửu. Các tầng trời của Thiên Chúa.

Các tầng trời của Ba Ngôi thần linh.

Các tầng trời có trước mọi thời đại, đầy vinh quang đích thực, vinh quang vô tận của Ba Ngôi thần linh.

Vinh quang của Chúa Cha, Đấng sinh hạ vĩnh hằng Chúa Con, giống như Ngài.

Vinh quang của Chúa Con, Ngôi Lời vĩnh cửu, hình ảnh của Chúa Cha.

Vinh quang của Chúa Thánh Thần, tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đối với Chúa Con, của Chúa Con đối với Chúa Cha, tình yêu bản thể, tình yêu ngôi vị.

 

Hoan hô trên các tng tri !

Tri.

Các tầng trời của thời gian được tạo thành. Các tầng trời của loài thụ tạo.

Các tầng trời của các đạo binh thiên quốc đời đời tán dương vinh quang Thiên Chúa.

Các tầng trời của Tổng lãnh thiên thần Micae, thủ lãnh đạo binh thiên quốc, đấng chiến thắng quỷ thần.

Các tầng trời của thiên thần bản mệnh tốt lành của con.

Các tầng trời của các thiên thần bản mệnh của mọi người con quen biết, mọi tín hữu của con, mọi kitô hữu, mọi chư dân thuộc mọi thời đại.

Các tầng trời của vô số các thiên thần ở trên thiên quốc.

Các tầng trời của các thánh nam nữ trên Thiên Đàng.

Các tầng trời của các thánh thuộc Lễ Quy.

Các tầng trời của các thánh trong Sách Lễ và trong Sách Phụng Vụ Giờ Kinh.

Các tầng trời của các thánh trong Sách Tiểu Sử Các Thánh Tử Đạo Rôma.

Các tầng trời của đông đảo các thánh nam nữ trong cũng như ngoài gia đình mà con quen biết.

Các tầng trời của mọi người đã qua đời trong ân nghĩa Chúa, từ lúc tổ phụ đầu tiên của chúng con được tạo thành cho đến nay, và cho đến chung cuộc của lịch sử nhân loại.

Các tầng trời của các thánh nam nữ trên Thiên Đàng.

 

Hoan hô trên các tng tri !

Tri.

Các tầng trời vật chất.

Các tầng trời của thái dương hệ, của Mặt Trời, của Trái Đất, của Mặt Trăng, của mọi hành tinh và mọi vệ tinh.

Các tầng trời của những sao chổi.

Các tầng trời của mọi hệ thiên thể, của mọi thiên thể và các hành tinh của chúng.

Các tầng trời của mọi thiên hà, của mọi tinh vân.

Các tầng trời của những khoảng cách xa hàng trăm triệu năm ánh sáng.

Các tầng trời của vật chất, của sự cấu tạo và các nguyên tố của nó.

Các tầng trời của các nguyên tử và cấu tạo của chúng.

Các tầng trời của ánh sáng, của vận tốc và bản chất của nó.

Các tầng trời của dòng điện năng.

Các tầng trời của các sóng vũ trụ.

Các tầng trời của mọi sức mạnh điều khiển vũ trụ.

Các tầng trời chúc tụng liên lỉ vinh quang Thiên Chúa, cách vô thức và tất yếu, cách kỳ diệu.

Hoan hô trên các tầng trời !

Và trái đất.

Thế giới tâm linh.

Hy tế đồi Cal-vê.

Hiến tế của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm Người, Đấng Cứu Độ con, Đấng Cứu Chuộc con.

Những thánh lễ đang được cử hành, đã được cử hành, và sẽ được cử hành liên lỉ, mọi lúc, trên mặt đất.

Những lời cầu nguyện, chúc tụng, tôn thờ, cảm tạ, cầu xin, đền tội không ngừng vang lên từ mọi tu viện, đan viện, cộng đoàn dòng tu, nhà thờ, từ trái tim, môi miệng, những cử chỉ, của mọi con cái Chúa.

Những tâm tình cầu nguyện, chúc tụng, những lời tôn thờ, cảm tạ, cầu xin, đền tội ấy cũng đang ngày đêm liên lỉ vang lên nơi mọi nhà tạm.

Hoan hô trên các tầng trời !

Trái đất.

Thế giới vật chất.

Thế giới khoáng chất và sự diệu kỳ của nó. Kim loại, thủy tinh, đá, nước, khí.

Nguyên tử và các nguyên tố của nó.

Thế giới thực vật và sự diệu kỳ của nó. Cây cối, thảo mộc, hoa, quả. Màu sắc, mùi vị, hương thơm. Những cây dương sỉ khổng lồ của những niên đại đầu tiên. Những loại tảo. Những đơn bào.

Thế giới động vật và sự diệu kỳ của nó. Những khủng long của những niên đại đầu tiên, những vi khuẩn.

Sự tiến hoá, sự sinh sản, sự sống, sự chết.

Con người, xác, hồn, lý trí, ý chí, tình yêu.

Hoan hô trên các tng tri.

Tri đt đy vinh quang Chúa.

Hoan hô trên các tng tri.

 

Mới hơn Cũ hơn